Là phần kết của Cuốn sách “Đek biết gì cũng tiến” mà chúng tôi sẽ gửi ra nhà xuất bản trong hôm nay. Hy vọng là sách với chữ ký của các tác giả sẽ đến được tay những người đã tin tưởng và đặt cược vào chúng tôi đúng dịp kỷ niệm 35 năm thành lập FPT 13/9/2023. TGB hay đàm đạo với tôi về lịch sử, về những gì mà dân tộc đã phải trải qua và đã vượt qua. Mặc dù anh bị coi là rất Dương, nghĩa là Tây học, nhưng anh luôn tin rằng sức mạnh của FPT nằm ở chỗ chúng ta là người Việt Nam. Anh rất hay nói về Chiến tranh Nhân dân. Đã cùng làm việc, cùng cách suy nghĩ nên chúng tôi hiểu nhau khá nhanh. Nhưng viết ra được thành lời không hề dễ. Mãi đến khi chuẩn bị ra cuốn sách này, tôi mới để tâm nghiên cứu, và có vẻ như đã hiểu.
Ở FPT, trong các bài giảng tại các lớp MiniMBA, TGB luôn khẳng định:
“Bí quyết của FPT là Chiến tranh nhân dân. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân áp dụng vào quản trị FPT là sử dụng sức mạnh tổng hợp phát huy từ sức sáng tạo, lòng tận tuỵ của mỗi cán bộ FPT vì mục tiêu chung của công ty với hạt nhân là LÃNH ĐẠO FPT.”
Quan điểm đấy từ đâu ra?
Ngược dòng lịch sử một chút, từ năm 1981, TGB có cơ hội may mắn được sống trong khuôn viên ngôi nhà của đại tướng VNG gần 20 năm. TGB là người yêu nước, ham học hỏi và có tư chất lãnh đạo bộc lộ sớm. Những năm tháng được ở gần đại tướng và các đồng đội của ông, chắc chắn đã giúp anh hấp thụ được những bài học mà cha anh đã phải đánh đổi bằng xương máu.
Hàng năm, vào các dịp 22/12, sinh nhật đại tướng 25/8 hay kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, các cán bộ lãnh đạo FPT luôn được đại tướng tiếp chuyện và dặn dò. TGB cũng thường xuyên mời các tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam đến nói chuyện và truyền đạt các bài học cho đội ngũ lãnh đạo FPT. Trong đó có những huyền thoại như Hoàng Minh Thảo, Phạm Hồng Cư, Hoàng Đan, Nguyễn Đình Ngọc…
Và có lẽ đại tướng cũng đã nhìn thấy ở người thanh niên tri thức này, không chỉ là một người thân trong gia đình, mà là một “đệ tử truyền nhân” có thể triển khai những sự đúc kết của thế hệ ông trong cuộc chiến về kinh tế. Thế nên ngay cả sau này, khi không còn mối quan hệ thân thuộc với TGB, ông vẫn dành cho FPT rất nhiều sự ưu ái và chỉ dẫn. Chúng tôi chắc chỉ làm được một phần rất rất nhỏ những gì mà thế hệ của ông đã kỳ vọng.
Vậy chiến tranh nhân dân là gì?
Chiến tranh nhân dân là một thuật ngữ thể hiện chiến lược quân sự của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Thuật ngữ này được chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hình thành hệ thống lý luận qua 2 cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống Pháp và lần thứ hai chống Mỹ, sau đó được dùng để đánh giá các cuộc chiến tranh trước đó dưới chế độ phong kiến.
Tư tưởng này được Hồ Chí Minh lần đầu tiên nêu ra tháng 6/1940, khi ông thúc giục các đồng chí của mình đang ở Trung Quốc trở về Việt Nam. Các đồng chí băn khoăn là lực lượng còn quá yếu và trở về thì lấy đâu vũ khí. HCM đã trả lời: “Đây là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Chúng ta phải trở về để tuyên truyền và động viên nhân dân. Khi nhân dân đứng lên, họ sẽ tự tìm vũ khí.”
Năm 1944, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944, HCM cũng đã viết:
“Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.”
Hệ thống lý luận CTND được tập thể lãnh đạo chính phủ VNDCCH từng bước hình thành và triển khai qua cuộc chiến tranh chống Pháp dành độc lập và sau đó là chống Mỹ can thiệp để thống nhất đất nước. Người đại diện thấu hiểu và thực thi sáng tạo tư tưởng này của HCM chính là Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của mình trong quân đội.
Sau này, trả lời phỏng vấn một nhà báo Mỹ, Võ Nguyên Giáp đã giải thích chiến lược đánh Mỹ của ông:
“Chúng tôi không đủ mạnh để đuổi nửa triệu quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng đó không phải là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi tìm cách bẻ gãy ý chí kéo dài chiến tranh của chính phủ Mỹ. Westmoreland đã sai lầm khi dựa vào sức mạnh hỏa lực vượt trội của ông ta để nghiền nát chúng tôi. Các đồng chí Liên Xô và Trung Quốc của chúng tôi cũng không nắm bắt được cách giải quyết của chúng tôi khi họ cật vấn rằng, chúng tôi có bao nhiêu sư đoàn, ít hay nhiều so với quân Mỹ, làm thế nào chúng tôi đối phó nổi kỹ thuật của Mỹ, pháo binh Mỹ hoặc các cuộc tấn công của người Mỹ. Chúng tôi đang tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, à la manière vietnamienne (theo kiểu Việt Nam) – một cuộc chiến tranh toàn diện, tổng lực trong đó mỗi người đàn ông, mỗi người phụ nữ, mỗi đơn vị, dù lớn hay nhỏ, đều được duy trì từ toàn dân đã được động viên. Trong chiến tranh chỉ có hai yếu tố - con người và vũ khí. Dù vậy, cuối cùng con người vẫn là nhân tố quyết định. Con người! Con người!”
Rất tiếc là sau này, những nghiên cứu về nghệ thuật quân sự, thậm chí cả những hồi ký đều bị kiểm soát về mặt tư tưởng nên nặng nề tính chính trị và tuyên truyền. Bí kíp đang dần bị thất truyền. Tác phẩm nghiên cứu có xu hướng hệ thống hóa nhất mà tôi biết là cuốn “Võ Nguyên Giáp và chiến tranh nhân dân” của Gerald Le Quang viết năm 1973.
Bởi thế tôi phải đi tìm và phát hiện những điểm quan trọng nhất của chiến lược này, đã được Võ Nguyên Giáp và Bộ tổng chỉ huy của ông miêu tả rõ nét, trong cuốn “Chiến đấu trong vòng vây”. Cuốn sách này kể lại giai đoạn 1946-1950, khi đội quân non trẻ mới chỉ thành lập tháng 12/1944, vũ khí trang bị chủ yếu là “mác búp đa”, chưa hề có bất cứ một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, đã cầm cự và tiêu hao một lực lượng lớn sinh lực của đội quân nhà nghề châu Âu, đảo ngược được thế trận.
Tháng 12 năm 1949, Tổng thống Pháp Vănhxăng Ôriôn hỏi tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Cácpăngchiê về những khả năng chiến lược ở Đông Dương. Tướng Cácpăngchiê đáp: “Không còn có khả năng chiến thắng quân sự. Chỉ còn một giải pháp chính trị”.
Từ cuốn sách này, và cuốn sách của Gerald Le Quang, có thể tóm tắt “bí quyết” của CTND như sau:
1/ Động viên toàn dân
Đây là mấu chốt. Những người khởi xướng CTND, phải có một mục tiêu chính trị cao cả, rõ ràng, có thể rất khó khăn nhưng chạm được đến từng người dân. Muốn nhân dân đứng lên và tự trang bị vũ khí cho mình. Họ phải được lý giải rõ ràng và dễ hiểu, tại sao họ phải làm như vậy.
Tư tưởng “động viên toàn dân, vũ trang toàn dân” này được thể hiện rõ ràng nhất trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 của HCM:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.”
Lời kêu gọi 200 từ này là một văn bản ngắn gọn, lời văn hùng hồn lay động lòng người. Đáp lại lời kêu gọi này, Trung đoàn thủ đô đơn vị đã cầm chân với quân đội Pháp với đầy đủ vũ khí hiện đại, gần 2 tháng tại thủ đô Hà Nội. Đại tướng VNG đã miêu tả lại cuộc gặp gỡ khi trung đoàn đã rút ra khỏi Hà Nội sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
“Chưa bao giờ tôi gặp một đoàn quân nhiều màu sắc phong phú đến như vậy. Đủ mọi lứa tuổi, từ em nhỏ nhi đồng đến những người tóc đã hoa râm. Khá đông các chị. Quần áo đủ kiểu. Hàng quân danh dự hiên ngang với đồng phục kaki, mũ calô gắn phù hiệu nền đỏ sao vàng, khăn quàng đỏ quyết tử quân và súng tiểu liên. Số đông bộ đội mặc quần áo dân thường. Những bộ quần áo xanh công nhân, áo vét tông, áo bludông, mũ cát, mũ phớt, màu đen, màu nâu. Lác đác màu áo lá cây của chiến sĩ vệ quốc đoàn. Những bộ mặt được khói lửa chiến trường tôi rắn lại vẫn chưa mất đi nhưng nét tài hoa, son trẻ của lớp thanh niên, học sinh Thủ đô. Chỉ giống nhau là mọi người đều mang vũ khí, thắt túi đạn hoặc lựu đạn ngang lưng. Một nửa trong số họ sử dụng mác búp đa làm vũ khí.”
2/ Trường học tốt nhất là chiến trường.
Cuộc chiến với Pháp từ ngày 19/12/1946 là cuộc chiến chưa có tiền lệ trong lịch sử chống chiến tranh xâm lược. Ngoại trừ việc kẻ thù rất hùng mạnh, cuộc chiến lần này bắt đầu từ các thành phố lớn. VNG đã viết:
“Lích sử chiến tranh giữ nước của ta kể từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm 40 đầu Công nguyên, chưa hề có một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nào khởi đầu cùng một lúc từ kinh đô và các thành thị. Những cuộc chặn đánh ngoại xâm cũng hiếm diễn ra ở Thăng Long. Nửa thế kỉ trước, năm 1873 và năm 1882, thành phố Hà Nội và hơn nửa vạn quân đã nhanh chóng thất thủ, lần thứ nhất, trước hai trăm quân Pháp, lần thứ hai, trước năm trăm quân Pháp. Đây là điều làm cho tôi suy nghĩ nhiều trong những năm dạy sử ở trường Thăng Long.”
Tương quan lực lượng lúc đó như sau: Tổng số quân viễn chính Pháp ở Đông Dương lúc này đã lên tới 90.000. Về phía VNDCCH, lực lượng bộ đội cả nước khoảng 82.000. Tuy không có chênh lệch lớn về số lượng, nhưng về trình độ tổ chức trang bị, kĩ thuật, thì đây là một khoảng cách có tính thời đại. Quân viễn chinh Pháp là một quân đội nhà nghề, với những đơn vị bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân vừa chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Họ có những trang bị hiện đại nhất của phương Tây. Còn quân đội ta, đơn thuần là bộ binh, hầu hết là người dân mới khoác áo lính, trang bị yếu kém. Mỗi đơn vị, nhiếu nhất là một phần ba chiến sĩ có súng, toàn là súng cũ đủ loại với rất ít đạn. Vì phải bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ tiếp phòng với quân Pháp, nên các chiến sĩ ít được huấn luyện về kĩ thuật, số đông chưa qua bắn đạn thật.”
Nên Bộ Tổng chỉ huy đã đề ra phương châm: “Trường học tốt nhất là chiến trường. Cần phải học tập ngay trong thực tiễn chiến đấu. Kẻ thù chính là người giúp chúng ta nhanh chóng rút ngắn thời gian bỡ ngỡ này.” Đây chính là cách vừa học vừa đánh, đánh để học, để trưởng thành, đánh để lấy vũ khí địch
3/ Trung đoàn tập trung, đại đội độc lập
(đã được nêu trong chương 10)
Ngay sau khi dành được độc lập, Bộ tổng chỉ huy Việt Nam đã tập hợp tất cả các lực lượng vũ trang, bắt tay vào xây dựng quân đội chính qui. Hơn 80,000 được tổ chức thành các tiểu đoàn và trung đoàn và đóng quân tại các Liên Khu. VNG cũng đã lên kế hoạch để xin phép thành lập các Đại đoàn (bây giờ gọi là Sư đoàn). Tuy nhiên khi chiến tranh nổ ra, thực tế đã cho thấy đó là một kế hoạch ngây thơ. Sau thời gian đầu bất ngờ, quân Pháp chấn chỉnh lại chiến lược, bổ sung thêm quân và vũ khí, mở các cuộc càn quét qui mô, gây sức ép mạnh mẽ trên tất cả các mặt trận. Nhiều nơi, mặt trận bị vỡ, bộ đội phải rút lui không đúng kế hoạch, làm dân chúng hoang mang.
Năm 1947, trong một lần đi thị sát ngay sát Hà Nội tại phía nam Bắc Ninh nơi từ cuối tháng Tư, bộ đội của trung đoàn Bắc Bắc đã bị bật khỏi đây, đại tướng VNG chú ý tới một hiện tượng lạ: một đại đội chủ lực độc lập của tỉnh từ đó tới nay vẫn ở lại trong vùng tạm chiếm và quan trọng nhất là vẫn chiến đấu một cách có hiệu quả. Đại đội này tồn tại vì đã bám chắc vào dân, dựa vào những làng chiến đấu, khi tập trung, khi phân tán thành từng trung đội, tiểu đội, chiến đấu với quân địch. Với đại đội này, phong trào chiến tranh du kích không những được duy trì mà còn phát triển. Những toán quân địch hành quân lẻ bị tiêu diệt. Chính quyền địch ở nhiều thôn xã e sợ bộ đội và du kích. Nhờ có đại đội này, bộ đội chủ lực của tỉnh lại có điều kiện thuận lợi vào ra vùng tạm chiếm, tổ chức những trận tập kích, phục kích ở sâu trong lòng địch.
Đại tướng VNG đã nhận thấy ngay điểm những khả năng rất to lớn đã mở ra cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ông bàn với các Bộ chỉ huy tiếp tục phát triển những đại đội độc lập này vận dụng ở những vùng địch mới lấn chiếm, đồng thời mở rộng việc xây dựng làng chiến đấu. Ông viết: “…việc cần làm ngay chưa phải là tập trung bộ đội để xây dựng đại đoàn; mà ngược lại phải mạnh dạn phân tán một bộ phận bộ đội thành những đại đội đi sâu vào địch hậu để phát động chiến tranh du kích. Bộ đội chủ lực ta thì cần được rèn luyện tác chiến ở quy mô tiểu đoàn, rồi trung đoàn, trước khi tác chiến quy mô lớn hơn.
Chiến lược mới này đã giúp quân đội VNDCCH đánh bại cuộc hành quân qui mô đầu tiên của quân Pháp vào căn cứ địa Việt Bắc
4/ Thống nhất chỉ huy
Tháng Năm năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc.
Một lần nữa, ta xác định “Chiến thuật căn bản của bộ đội là du kích vận động chiến”, đồng thời đề ra phải phát động phong trào dân quân du kích và vũ trang toàn dân, xây dựng làng kháng chiến, chuyển một phần bộ đội thành dân quân du kích (nhất là ở những nơi bị địch tạm chiếm. Tháng Ba năm 1947, Chính phủ quyết định đổi tên Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia thành Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, thành lập các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc ủy ban kháng chiến các cấp. àn quốc kháng chiến, Bộ Tổng chỉ huy đã kết luận: chỉ có thực hiện “vũ trang toàn dân”, “phối hợp sự chiến đấu của bộ đội và sự chiến đấu của dân quân và toàn dân, có những đội du kích khắp nơi, các làng mạc đều trở nên các pháo đài” thì mới “làm cho giặc bị tê liệt, bị vây hãm, bị đánh lúc chúng không đánh, bị khốn cùng về cả mọi mặt”. Nửa năm sau ngày kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã có được những nghị quyết và những hình thức tổ chức khá cơ bản thể hiện tinh thần và tư tưởng của một loại hình chiến tranh mới: chiến tranh toàn dân.
Trong tác phẩm của mình: Gerald Le Quang làm rõ hơn sự phối hợp giữa các lực lượng trong Chiến tranh Nhân dân như sau:
Cơ cấu của QĐNDVN cũng như Quân giải phóng Miền Nam trong cuộc chiến tranh sau này, cũng được tổ chức đúng như vậy. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở các làng xã thị trấn.
Hệ thống ba thứ quân này hoạt động hiệu quả trong chiến tranh phòng thủ cũng như bảo đảm an ninh quốc gia và sản xuất.
Dân quân, về bản chất vẫn là nhân dân, sống và làm việc tại gia đình, được trang bị vũ khí sơ sài. Là chỗ dựa của chiến tranh du kích. Du kích (hay tự vệ ở thành phố) là những dân quân ưu tú, có trang bị tốt hơn. Dân quân du kích bảo đảm an toàn cho các cán bộ chính trị hoạt động tại địa bàn. Khi có chiến dịch, họ thuộc quyền điều động cuả bộ đội chủ lực tác chiến tại địa bàn
Bộ đội địa phương là “hạt nhân” của cuộc chiến. Thường được tổ chức ở cấp đại đội thuộc huyện, tiểu đoàn thuộc tỉnh. Các đơn vị này phải có mặt khắp nơi, ngay cả trong vùng địch kiểm soát. Họ được dân nuôi và nhiệm vụ của họ là cản phá các cuộc tấn công của địch, chuẩn bị chiến trường cho chủ lực, và là niềm tin và chỗ dựa, huấn luyện cho lực lượng dân quân du kích. Bộ đội địa phương được tuyển từ lực lượng dân quân du kích, hay các đơn vị chủ lực bị hao hụt quân số mất tính chiến đấu. Bộ đội địa phương thường do cán bộ cử từ chủ lực về chỉ huy.
Trong khi dân quân du kích và bộ đội địa phương hoạt động theo nguyên tắc vết dầu loang, thì bộ đội chủ lực hoạt động theo khuôn khổ vận động chiến và thực tế không có ngăn cách rõ ràng giữa hoạt động của ba thứ quân. Khi quân chủ lực hành quân đến địa phương nào, họ phải liên hệ chặt chẽ với địa phương, điều phối tác chiến và hậu cần từ địa phương. Trong các chiến dịch, chiến tranh nhân dân biến “hậu phương của địch thành hậu phương của ta.” Hậu cần và vũ khí không theo sau mà đi trước bộ đội chủ lực. Vai trò của du kích chiến trong khuôn khổ vận động chiến là xây dựng một mạng lưới hậu cần rộng rãi, phủ kín “khắp chiến trường”
5/ Phẩm chất của người tướng
Gerald Lê Quang viết: “VNG có lẽ là vị tướng duy nhất trên thế giới thực hiện việc tổng kết lịch sử, nghệ thuật chiến tranh và chính trị ở trình độ cao và chuyển việc tổng kết đó vào thực tiễn chiến đấu hàng ngày.”
Còn khi được hỏi về phẩm chất quan trọng nhất của người làm tướng trong CTND, VNG luôn trả lời ngắn gọn: “Quyết chiến”.
TGB và lý luận CTND ở FPT
Xuất thân là một nhà Toán học, TGB đã sử dụng thuật ngữ toán học là fractal để miêu tả cái cách mà chiến tranh nhân dân được triển khai trong công ty mình. Bình viết trong “FPT Gene – Quyền năng thành công” như sau:
Fractal là quy luật về cấu trúc hệ thống bao trùm trong tự nhiên và xã hội. Cầm một chiếc lá soi lên nắng chúng ta sẽ thấy gân lá hình fractal. Nhìn tổng thể chúng ta thấy các gân lá phụ chạy từ gân lá chính. Nhìn kỹ gân lá phụ, ta lại thấy các gân lá nhỏ hơn chạy từ các gân lá phụ một cách tương tự. Cứ thế mà hình thành nên lưới gân lá. Đó chính là hình fractal gân lá.
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân cũng theo hình fractal. Tổ chức quân đội cũng theo fractal.
Chính vì vậy mà chúng ta sử dụng fractal như triết lý cốt lõi FPT trong cấu trúc hệ thống.
Khẩu quyết của Fractal là
- Cốt lõi đơn giản,
- Cấu trúc nhất quán,
- Biến hoá khôn lường,
- Tráng lệ,
Triết lý cốt lõi về cấu trúc hệ thống Fractal là một phương pháp tư duy hùng mạnh. Nó giúp ta khi tổ chức đúng một nơi có thể được tổ chức đúng nhiều nơi, tìm ra quy trình tốt trong một việc có thể hiểu quy trình tốt cho nhiều việc, thành công ở một nơi có thể nhân ra nhiều nơi. Và ngược lại, ở đâu trong tổ chức, công việc, chúng ta chưa tìm ra được Fractal, ở đó có thể có những bất ổn tiềm ẩn.
Nói chuyện với tôi TGB đã nêu lên 1 số điều kiện tiên quyết để tiến hành một cuộc CTND, khá trùng lặp với những bài học mà HCM, VNG và các đồng chí đã thực hiện ở trên:
1- Cuộc chiến cần có một mục tiêu chính trị ngắn gọn, rõ ràng, hấp dẫn
2- Các lãnh đạo sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để theo đuổi mục tiêu đó. Khi được hỏi, vậy trong cuộc “CTND” tại FPT, các tướng lĩnh đã và sẽ phải hy sinh điều gì, TGB đã trả lời: “có lẽ là chúng tôi đã phải hy sinh khá nhiều trong cuộc sống cá nhân. Khi đi họp lớp, so với các bạn cùng lớp, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật nhạt nhẽo.” Tác giả cũng rất chia sẻ cảm giác này. Các bạn cùng lứa đã vui đùa cuộc sống hơn nhiều.
3- Nấu cá nhỏ->việc to biến thành việc nhỏ, ai cũng có thể tham gia
4- Khả năng dự báo xu hướng! Ông lấy ví dụ năm 1953 HCM đã dự báo là sẽ có đàm phán -> nên cần phải có 1 trận đánh lớn đặt lên bàn đàm phán từ đó dẫn đến Điện Biên Phủ.
5- Tướng văn đánh võ: phải có một hiểu biết rộng
6- Được triển khai trên một nền tảng giao tiếp phù hợp với văn hóa dân tộc, ví dụ như “lá lành đùm lá rách”
Ngoài ra TGB còn nhấn mạnh về các vấn đề vận hành, mà theo ông các tướng lĩnh Việt Nam đã có rất nhiều đúc kết quan trọng đặc biệt là lập kế hoạch, hậu cần, thông tin.
CTND trong thực chiến
Thành tựu rõ ràng nhất của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam chính là cuộc chiến để duy trì Đường mòn HCM. Con đường này là biểu tượng thật sự với những người cách mạng VN, là ý chí của miền Bắc ủng hộ miền Nam bằng bất cứ giá nào, là hiện thân của sự thống nhất đất nước.
Nếu chỉ được chọn ra một lý do khiến Mỹ phải thất bại ở Việt nam, rất nhiều những nhà nghiên cứu quân sự đã đi đến kết luận rằng đó là việc Mỹ không thể chặn đứng con đường tiếp tế vào Nam. Trong hồi ký của mình, McNamara đã phải thừa nhận, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như B52, hàng rào điện tử, hay dã man nhất như chất diệt cỏ, bom bi và napal, quân đội Mỹ đã bất lực trong việc bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh.
Virginia Morris, tác giả cuốn “Ho Chi Minh Trail – The Road to Freedom” là phóng viên nước ngoài đầu tiên đi hết con đường này từ điểm đầu làng Lát (Tân kỳ) vượt đèo Mụ giạ sang Lào, qua đường 9, đến Muong Nong, Saravane, Sekong, về Ngã Ba Đông Dương và kết thúc tại Chơn Thành, cách thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 70km.
Trong cuộc phỏng vấn với đại tướng, Virginia nhớ lại những gian khó mà cô đã vượt qua và chứng kiến trên đường: thưa đại tướng, tôi không nghĩ rằng tôi có thể chiến đấu trong điều kiện như vậy.
Và VNG đã trả lời:
Tôi tin rằng nếu lúc đó cô là một cô gái Việt nam, cô sẽ lên đường đi Trường sơn.
Còn ở FPT, chiến dịch Xuất khẩu phần mềm có thể coi là một cuộc chiến tranh của Nhân dân!
Xuất khẩu phần mềm là một dự án kinh doanh, được khởi xướng từ tháng 10/1998 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập FPT. Bắt đầu từ 10 nhân viên và 3 sinh viên thực tập, đến năm 2023, doanh thu của FPT Software dự kiến sẽ cán mốc 1 tỷ USD. XKPM đã:
- Xây dựng uy tín của FPT trên thị trường quốc tế với khách hàng từ những công ty thuộc Fortune500 và văn phòng trên hơn 30 nước.
- Đào tạo được hàng ngàn cán bộ trẻ, đủ kỹ năng và bản lĩnh,
- Đặt những nền móng quản trị cơ bản cho tăng trưởng bền vững.
Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, và chính vì thế đòi hỏi các TGB và các đồng đội phải vận dụng nhuần nhuyễn những bài học mà họ đã học được từ CTND
1/Chiến dịch tuyên truyền 528, Thác số, Cầu Vượt
Để phát động phong trào XKPM, TGB và các đồng đội của mình hiểu rằng muốn biến những cơ hội riêng rẽ thành một phong trào mạnh mẽ có sức sống, họ phải đưa ra một sứ mệnh chính trị. Đủ sức để lay động không chỉ nhân viên của mình, mà còn thuyết phục công chúng và các nhà hoạch định chính sách.
Sau chuyến đi Ấn Độ với các đồng đội tháng 12/1998, anh viết tác phẩm nổi tiếng: “Thác số, cầu vượt”. Bài viết này miêu tả thế giới số hiện tại, khi các “dòng thác số” có thể chảy từ các nước phát triển, cuốn phăng các nước có xuất phát thấp như Việt Nam, biến họ thành một loại thuộc địa kiểu mới. Hiểu rõ được mối nguy hiểm đó, các quốc gia kém phát triển có thể xây dựng những “cầu vượt” bằng nhân lực trẻ, ham học hỏi, tận dụng sự thiếu hụt về nguồn lực chất lượng cao trên thế giới, để tiếp cận trực tiếp với những công nghệ tiên tiến tại các nước phát triển và, khi đã làm chủ được, thì mang kiến thức đó quay trở lại để xây dựng đất nước. TGB đặt mục tiêu FPT phải trở thành tiên phong xây dựng những “Cầu vượt” đó, bằng cách thuyết phục các công ty hàng đầu thế giới trở thành khách hàng của mình, qua đó rèn luyện cho đội quân của FPT ngày càng tinh nhuệ hơn. Bình thuyết phục mọi người rằng, trong hành trình vượt “thác số”, ngoài mỗi đô la thu được, chúng ta còn có thể thu được $5 tri thức và đó mới là cái vô giá.
TGB tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền cho tư tưởng của mình. Từ bia hơi vỉa hè đến hội thảo quốc gia. Trong một cuộc hội thảo trực tuyến trên TV, năm 2000, TGB còn đã dùng lại câu nói của HCM để khẳng định quyết tâm XKPM của mình: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải xuất khẩu được phần mềm.” Tuy không hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh mới và nhạy cảm về chính trị, nhưng đã thể hiện được quyết tâm cao của ban lãnh đạo FPT.
2/Hành động bất ngờ
TGB đã làm bất ngờ tất cả mọi người bằng quyết định thành lập chi nhánh FPT India tại Bangalore, tháng 9/1999. Lúc đó còn rất ít người ở FPT và Việt Nam biết đến đất nước Ấn Độ như một cường quốc về CNTT. Nhưng TGB hiểu rằng, mọi công việc tuyên truyền sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không có những trận đánh thực tế. Nhưng ở đâu sẽ là mặt trận? Ông bắt buộc phải hành động.
Những người đầu tiên đi sang Ấn Độ thực sự là tiên phong. Họ cần phải hòa nhập với một cuộc sống hoàn toàn xa lạ, với những thức ăn và phong tục tập quán khác biệt. Và phải học được những điều cốt lõi nhất của ngành CNPM.
31/12/1999, những lời phát biểu trực tiếp của giám đốc Khúc Trung Kiên từ Bangalore trong lễ chuyển giao thiên niên kỷ tại 37 Láng Hạ, đã gây xúc động cho toàn thể cán bộ nhân viên FPT.
Năm 2002, FPT India hoàn thành sứ mệnh của mình. Có một nhân viên người Ấn Độ đã theo công ty mãi đến tận sau này. Đó là anh Azkar Khan!
Nếu như Bangalore là điểm đến bất ngờ. Thì Silicon Valley, hay gọi theo cách của người Việt là Thung lũng Hoa Vàng, có vẻ như là một lựa chọn tất yếu. Thủ đô công nghệ thế giới. Muốn thi thố gì với đời, xin mời hãy đến đây.
Ngày 13/1/2000. FPT thành lập văn phòng tại San Jose. Một quả bom phát nổ. Không chỉ ở Việt Nam mà trong giới Việt kiều tại đó. Không ai có thể ngờ một công ty từ phía Bắc, có nguồn gốc “cộng sản” lại có thể xuất hiện ở đây. Tờ Mercury News giật tít “Cộng sản tấn công thung lũng hoa vàng”.
Ai biết được “cộng sản tấn công” thực ra chỉ có 2 anh là Henry Trần Văn Hùng và Lê Hồng Sơn, suốt ngày còn phải đùn đẩy nhau ai nằm dưới đất vì nhà trọ chỉ có một giường.
3/ Tướng ở đâu?
Những thách thức không ngừng ập tới, những thất bại trong việc chọn “người” sai ban đầu, đã khiến TGB phải quay lại với những triết lý quan trọng nhất khi chọn tướng mà CTND đã mách bảo cho: phẩm chất quan trọng nhất của người làm tướng là tinh thần quyết chiến và sự sẵn sàng hy sinh.
Điều đó giúp chúng tôi đặt niềm tin vào những chiến hữu, có thể còn trẻ, chưa có kinh nghiệm chinh chiến, nhưng thừa nhiệt huyết và hy sinh.
“Kiến thức thiếu hai tay không mà phần mềm phải làm vì nước
Bán máy nhái, chơi phi tin, nuôi công ty nuôi những anh tài
Ta ra đi ta liều cho nước
Ta ra đi ta đền ơn trước
Muôn thu sau lưu tiếng anh hào
Người dân Việt lắm chí cao”
Và họ đã không phụ lòng! Một thế hệ các bạn trẻ, hoàn toàn học trong nước, chưa hề có bất kỳ một kinh nghiệm kinh doanh quốc tế nào đã trưởng thành vượt bậc. Đa số họ trước khi “ra trận” còn chưa biết thế nào là lái một chiếc ô-tô. Phan Trọng Quân khi lên đường nhận nhiệm vụ tại FUSA 2.0, lúc đó mới tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Sau khi qua biên phòng, cậu đã gọi cho tôi và khóc vì không tin được mình được tin tưởng chịu trọng trách xây dựng khách hàng tại New York, mặc dù chưa hề mơ được đi Mỹ khi gia nhập FPT
Chính những quan điểm của CTND đã giúp Fsoft lúc nào cũng đủ nguồn lực lãnh đạo cho mọi dự án, mọi nhiệm vụ dù phức tạp đến đâu.
4/ Độc lập chiến đấu
Còn nhớ năm 2000, quân số Fsoft tầm dưới 200 mà đã cực kỳ nhiều vấn đề. Vậy làm thế nào để có quản lý hàng ngàn, rồi chục ngàn người. Để vượt qua những vấn đề phức tạp về tổ chức một đội quân lớn, Fsoft đã triệt để áp dụng chiến lược “đại đội độc lập”, tổ chức và trao quyền cho các đơn vị nhỏ, được dẫn dắt bởi những cá nhân có cá tính, qua đó đào tạo được rất nhiều cán bộ trẻ.
Bài viết của Phan Phương Đạt năm 2008 hệ thống hóa một số khái niệm của quan điểm quản trị này như đã được nói đến trong chương 10.
5/ Học từ khách hàng
Theo đúng tinh thần “Học từ chiến trường”, tại FPT Software khẩu hiệu được thay đổi: “Công ty là trường học, dự án là giáo trình và khách hàng sẽ dạy chúng ta”.
Bài học đầu tiên, chúng tôi học được từ khách hàng đầu tiên từ Mỹ là matrix về quản trị có tên là CAIRO, miêu tả sơ đồ ra quyết định và thông tin trong một dự án. Các chữ cái CAIRO có ý nghĩa như sau: C – Consult (người cần được tư vấn) A- Approve (người phê duyệt), I-Inform (người cần được thông báo) R- Responsible (người chịu trách nhiệm thực hiện) và O- Omit (người phải bỏ qua, ko đưa vào loop). Rất đơn giản, in ra cho mọi người cùng biết được. Hay nhất với tôi là chữ O, giúp không cho một số nút bị tràn (overload) về email. Cho đến bây giờ trong rất nhiều các giao tiếp dự án, tôi vẫn thấy mọi người chưa hiểu hết chữ O này, do đó cứ bất kỳ việc lớn việc nhỏ, đều cc All cả. Rất đau đầu.
Khách hàng đầu tiên từ Nhật, lần đầu tiên dạy cho chúng tôi việc phải ước lượng, đánh giá khối lượng và giá thành công việc một cách khoa học, ít nhất là cũng phải bằng Excel chứ không “đếm cua trong lỗ” như trước đó. Do mới học các khái niệm như FP, LoC hay Use Case Point nên bản ước lượng đầu tiên tôi gửi cho họ có giá cao gấp 9 lần ngân sách họ dự kiến. Nhưng khách hàng đã kiên trì thảo luận để chúng tôi cùng một tiếng nói.
Khách hàng đầu tiên từ châu Âu thuyết phục chúng tôi rằng, họ là đồng đội, đứng cùng chiến tuyến với trong công cuộc chinh phục công nghệ. Vì công nghệ trong dự án có tên là TIBCO là mới, cả với họ. Nên vấn đề là cách tiếp cận, không cần giấu dốt. Ông PM đã nói với tôi: duy trì không khí làm việc hào hứng, hớn hở của dự án quan trọng hơn việc kiểm tra kỹ năng.
Có thể nói tất cả những bí kíp công nghệ và quản trị quan trọng tại Fsoft, đều do khách hàng truyền đạt lại.
6/Biến hóa của CTND
Một trong những hệ quả rất thú vị của CTND đó là sự biến hóa của nó. Trong cuốn sách của mình, Gerald Le Quang đã nêu lên một ví dụ rất hay của CTND tại miền Bắc: đó là việc phát động phong trào bắn máy bay Mỹ. Tưởng rằng khó có thể áp dụng CNTD trong việc bắn hạ các máy bay phản lực hiện đại. Trên thực tế, đó đã trở thành một phong trào toàn dân, có tác động to lớn đến sự đoàn kết sản xuất, quyết tâm tất cả cho tiền tuyến: Ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ -> hậu phương thi đua với tiền phương.
Điều tương tự đã xảy ra với cuộc chiến XKPM mà FPT đã phát động. Fsoft đã liên tục phát triển lan rộng đi khắp thế giới, đi vào mọi ngõ ngách của khoa học kỹ thuật. Hơn nữa, ngoài sự phát triển không ngừng của FPT Software, đã có hàng trăm, hàng ngàn các công ty một cách cố ý, hoặc vô thức, theo gương FPT, tiến đánh vào tất cả các lĩnh vực công nghệ trên thế giới. Họ đều thấy rằng, những thành công của FPT đều xuất thân từ những điều kiện và con người bình thường và có thể lặp lại được. Trong cuộc chiến này, nhiều công ty đã đạt được những vị trí dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực tương ứng.
Ông Murthy, Chủ tịch của Infosys, một công ty Ấn Độ hùng mạnh, đã nói với tôi rằng: một công ty muốn được thế giới kính trọng phải bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa dân tộc mình. Công ty Mỹ phải rất Mỹ. Công ty Nhật phải rất Nhật. Công ty Ấn phải rất Ấn. Công ty Việt phải rất Việt. Những kinh nghiệm từ FPT và các công ty phần mềm Việt Nam cho thấy, mỗi khi gặp những thách thức khó khăn nhất, chúng ta đều có thể tìm được lời giải từ những bài học lịch sử của dân tộc.
Tôi và TGB
Mày ra Hà nội đi, theo Gia Bình được đấy.
Trung Hà là bạn tôi, học cùng ở Nga. Nhưng luôn tỏ ra sâu sắc hơn tôi nhiều. Anh về nước từ năm 1985. Tôi 1988 mới về. Lang thang khắp nước, thử 1 số nghề, rồi cũng đến lúc phải quyết định ở đâu: HCM với bố mẹ, hay Hà nội với bạn bè. Tôi tham khảo Hà và được lời khuyên như trên.
Thế là đi theo TGB từ đấy. Cứ ba người đi trên đường, có một người là thầy ta (Khổng tử bảo vậy). Nên với tôi Bình là anh, là thầy, nhưng cũng là một người bạn đường. Cùng chia sẻ những trải nghiệm trên một quãng đường dài, mà thoắt cái đã 35 năm.
Những bước ngoặt quan trọng nhất trong đời tôi đều có anh.
Chưa đầy 2 tuần sau khi thành lập FPT, tôi lấy vợ. Chúng tôi đã quen nhau ở nhà anh ở bên Matxcova.
Một ngày cuối năm 1988, chúng tôi đi liên hoan tại khách sạn La Thành. Thời đó liên hoan hiếm lắm, mấy tháng mới được 1 lần. Cả bọn ca hát tưng bừng, “Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi”. Vui dã man. Ra về anh bảo tôi: “mấy việc ca hát này mà duy trì được rất có lợi cho công ty”. Đó là khởi nguồn có văn hóa STC: là cơm tinh thần, là keo kết dính người FPT nhiều thế hệ. Đã có thời, bất cứ cái gì có tính trào lộng, châm biếm thông minh đều được cho là của FPT. Nhiều thế hệ nghệ sĩ “nhân dân” FPT nổi danh ngoài thiên hạ. Cho đến tận bây giờ, có lẽ cũng chỉ còn có anh Bình là vẫn sẵn sàng một mình cởi áo lao lên sân khấu, nhảy xuống bàn bia, để hò hét ca hát cùng với anh em nhân viên.
Hè năm 1995, sau một hồi phân tán, FPT lại tụ tập ở 1A Yết kiêu. Vũ Thanh Hải mới về Việt nam, sau khi thấy khó kiếm ăn ở Nga với tấm bằng phó tiến sĩ kinh tế. Anh Bình gọi Hải đến bảo: anh muốn làm một tờ báo nội bộ đặt tên là Chúng ta. Trong 1 quán café trên đường Yết kiêu nói với Hải và tôi: “FPT sẽ có tất cả, chỉ thiếu một chút tình. Chúng ta sẽ là sợi dây tình kết nối thành viên FPT”. Và thế là tờ báo nội bộ lâu đời và uy tín nhất Việt nam được khai sinh ngày 31/12/1995. Báo Chúng ta đã gây ra không ít “scandal”, nhưng vẫn đứng vững nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của TGB và sự kiên trì đam mê của Hải. Anh Thắng, TBT VnExpress, sau này là người đầu tiên định lượng lại đóng góp của Chúng ta: Chúng ta chiếm 5% giá trị của FPT. Tôi tin rằng rất ít người hiểu được điều đó.
Khác với các lãnh đạo khác, TGB không quan tâm chi tiết đến phần mềm. Anh không phàn nàn về chất lượng, cũng chẳng chỉ đạo xu hướng, lại càng không tham gia vào lựa chọn công cụ. Anh tạo sân chơi.
Cuối năm 1993, khi tôi đề nghị được tách nhóm phần mềm ra khỏi ISC, anh chỉ hỏi: có mâu thuẫn gì với anh Ngọc không? Chẳng mâu thuẫn gì, nhưng tôi có cảm nhận là nếu được che chở, nâng niu, sẽ khó có cơ hội để anh chị em khám phá được hết năng lực của chính mình. Nhờ thành lập FSS, chúng tôi đã giữ được đội ngũ khung: Đình Anh, Khắc Thành, Lâm Phương, Khánh hói, Kiên già và lớp đàn em Hương còm, Triều cái, Việt Anh, Quang Anh, Dũng béo, TuanPM.
Tháng 12 năm 1998, anh rủ tôi và Hùng râu đi Ấn độ, Tây du tìm đường thỉnh kinh. Những điều chúng tôi được chứng kiến ở Bangalore, Silicon Valley của châu Á, đã thay đổi hẳn quan điểm của tôi về phần mềm. Ý chí của bác Murthy xây dựng một công ty được toàn thế giới kính trọng ngay tại đất nước Ấn độ bẩn thỉu, đầy rẫy đói nghèo và tham nhũng, đã nâng tầm ước mơ của chúng tôi. Trên đường về, tại sân bay Đôn mường, anh bảo tôi: em làm đi. Và cuộc đời tôi đã rẽ sang một ngả khác.
Nhưng để được Fsoft ngày nay, không có con đường bằng phẳng. Cuối năm 2000, những khách hàng ít ỏi mà chúng tôi có được ở Mỹ bị cuộc khủng hoảng Internet quét sạch. Chúng tôi hết cách. Anh bảo: sang Nhật. Không ai biết tiếng Nhật cả, nhưng cửa khó có thể lại là cửa sống. Anh say sưa trình bày bài “Thác số, Cầu vượt” với tất cả những đối tác Nhật mà bác Nishida giới thiệu. Một bác Nhật già, nghe xong, đã ôm anh, nhòe nước mắt: Bình, tao không hiểu những điều mày nói, nhưng tao đọc được khát vọng của mày. Nhờ có anh, chúng tôi đã chinh phục được thị trường Nhật cực kỳ khó tính, chỉ với lòng yêu nước và sự nhẫn nại gần như không giới hạn.
Có một lần tôi đèo anh về trên xe máy, gió mát rượi, hàng bằng lăng phố Kim Mã tím ngắt. Anh nói: điều duy nhất anh tiếc là sẽ không trẻ mãi để được đam mê! Sao vậy anh? Nhiều người bảo anh nổ, có người bảo anh điên. Tôi hay nói với đàn em, phẩm chất lớn nhất của anh là cực viển vông. Anh có thể điên, viển vông nhưng anh luôn là người xắn tay để biến điều viển vông đó thành hiện thực. Sự đam mê của anh đã kéo FPT lên đến đỉnh cao hôm nay.
Nhận xét