Chuyển đến nội dung chính

Sách: "Đêk biết gì cũng tiến" - Chương 4: Bước đi đầu tiên ở đây

Chương 4 là chương mở đầu của phần II cuốn sách “Đek-biết gì cũng tiến”. Phần này miêu tả những thử nghiệm, những sai lầm và các bài học mà Fsoft học được, khi va chạm với thực tế khắc nghiệt của thị trường công nghệ thế giới, đặc biệt là ở Nhật, Mỹ, châu Âu và có 4 chương: 4,5,6,7!



Chặng đường ngàn dặm bắt đầu bằng bước đi đầu tiên
Quyết tâm đã có. Mô hình đã có. Tiền đã có. Giờ là phải có người. 10 cán bộ được lựa chọn từ FSS + 3 sinh viên, chưa ai cho thấy có đủ tiêu chuẩn để đi mở cõi. Trương Đình Anh từ chối. Nguyễn Thành Nam ban đầu còn cử Phan Văn Hưng là một sinh viên mới ra trường. TGB nhằm người Việt Nam đang làm các công ty MNC để rủ rê, nhưng cũng thất bại.

Trong bối cảnh đó Henry Trần Văn Hùng đã xuất hiện. Anh là Việt kiều, nhưng đỏ (học cùng Nam, Hưng). Anh rất khoái Stico, và đặc biệt là vừa lập đại công “giật” về hợp đồng đầu tiên từ Canada từ công ty Winsoft. Anh được phong là Chinh Tây Đại tướng quân ra mắt trong lễ xuất quân XKPM 1999.

Tháng 1/2000, Hùng mở chi nhánh tại Silicon Valley và bất ngờ phải đối diện với làn sóng “chống cộng”. Đúng thời điểm bong bóng dotcom, Hùng nhanh chóng kiếm được khách hàng đầu tiên An Trần và tiếp tục mở rộng mạng lưới khách hàng Việt kiều. Nhưng đó cũng là điểm yếu chí tử. Vì đa số họ còn nhỏ và đầu tư công nghệ theo phong trào. Cuối năm 2000, bong bóng nổ, các khách hàng mất hết, để 200 lập trình viên ngơ ngác ở HITC. Hùng không được sự tin tưởng nữa, anh đã rời FPT một cách cay đắng. Và để lại bài học “chim sợ cành cong” FPT không sử dụng được hiệu quả mạng lưới Việt kiều.

Câu chuyện 1: CityFlowerMansion

Ngày 7/1/1999, bộ phận XKPM đầu tiên được đặt tên là Trung tâm Phần mềm Chiến lược số 1 - FSU1 (FPT Strategic Unit number 1) do Nguyễn Thành Nam làm Giám đốc và Nguyễn Lâm Phương làm Phó Giám đốc, ra mắt cuộc trong cuộc họp giao ban ở tầng 2, tòa nhà 37 Láng Hạ.

Các nhân sự của FSU1 được tuyển chọn kỹ từ FSS, do đích thân Trương Gia Bình phỏng vấn theo hướng dẫn của Harvard, rồi so sánh với lựa chọn của Nguyễn Thành Nam gồm có: Nguyễn Khắc Thành, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Đắc Việt Dũng, Nguyễn Đức Quỳnh, Hoàng Việt Anh, Nguyễn Ngọc Toàn, Vũ Xuân Hạ, Bùi Trí Hùng, Trần Xuân Khôi và ba sinh viên thực tập là Vương Quang Khải, Bạch Thành Lê và Đỗ Công Anh.

Tiêu chuẩn lựa chọn là: những lập trình viên có hoài bão XKPM, sẵn sàng làm việc căng thẳng kéo dài, có kinh nghiệm và giỏi tiếng Anh (vụ này sau mới vỡ lở là tiếng Anh tuy mình tưởng là giỏi nhưng khách hàng lại không hiểu gì.)

Việc đầu tiên của đơn vị chiến lược này là đi tìm trụ sở mới.
Nhiệm vụ được giao cho tài năng trẻ Hoàng Việt Anh với chỉ đạo là phải ra ở riêng, không ở cùng với bố mẹ. Nhưng cũng không được xa quá để có gì còn chạy về.

Không hiểu theo phương pháp luận nào, Việt Anh chọn tầng 3 tòa nhà City Flower Mansion, viết tắt là CFM ở 23 Láng Hạ, đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của anh em. Chính anh miêu tả vị trí đó như thế này: “Toà nhà Hoa Thành Phố 23 Láng Hạ đối diện với Fortuna Hotel bên kia đường, check chéo tay trái tầm 300m đường chim bay là Bia cần cẩu ven hồ Thành Công – những địa điểm đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của FSU1 thời bấy giờ! Thực là một vị trí quá chiến lược, không thể bỏ qua được!!!”

Sau đó là một tháng hân hoan. Lần đầu tiên anh em được tự tay thiết kế văn phòng theo ý thích của mình. Ai cũng thấy tương lai xán lạn, mơ khách Âu Mỹ dập dìu sang đây phải lác mắt.

Hoàng Nam Tiến, lúc đó đang ở FDC, bảo tôi. Em mới tuyển được em thư ký tiếng Anh rất siêu. Nhưng bên em cũng chẳng cần lắm, để anh dùng trước. Em Trần Thanh Thúy gia nhập FSU1 với tư cách giáo viên tiếng Anh.
Em Nguyễn Thị Lan Anh, hoa khôi tòa nhà 37 Láng Hạ, được toàn thể anh em trân trọng mời sang trụ sở mới với tư cách giám đốc hành chính, nhưng thực ra là lễ tân. Em Lan Anh cho đến giờ vẫn làm việc cùng Fsoft.

Lễ ra mắt tại trụ sở FSU1 được tiến hành tháng 3/1999. Tất cả 13 người của FSU1 cùng Ban Tổng Giám đốc FPT đã khắc tên mình trên một tấm bảng bằng thạch cao. Tấm bảng này hình như vẫn còn được lưu giữ đâu đó.

Văn phòng đẹp, lễ tân đẹp, cô giáo đẹp, mà ngồi mãi chẳng thấy khách đâu. Anh em quay ra tập luyện. Tiếng Anh được ưu tiên hàng đầu. Người Việt chỉ thi mới học, nên cô giáo Thúy thường xuyên cho thi TOEFL thử. Sau đó mới sửa cho từng người. Ngày nào cũng công bố kết quả thi đua. Anh em vui vãi.
Hoàng Việt Anh - một trong những chiến binh FSU1 đầu tiên kể lại: “Mỗi buổi sáng, chúng tôi dành từ 45 phút đến 1 giờ trong phòng thư viện để luyện TOEFL theo từng mục của mỗi bài thi. Ví dụ sáng thứ Hai luyện nghe, thứ Ba luyện ngữ pháp, thứ tư luyện đọc, và lại lặp lại như thế. Thời kỳ đầu, cứ một tuần lại tổ chức thi TOEFL một lần theo dạng medium form, khoảng 2 tiếng cho một bài thi. Kết quả thi được giáo viên chấm cẩn thận và đưa lên bảng thông báo của toàn bộ phận”.

Thử mãi, đếch thằng nào dám thi thật. Thứ nhất là sợ tốn tiền, thứ hai là sợ lộ dốt. Tôi mới bảo, để anh thử. Anh mà thi được thì bọn em phải thi được vì tôi không tham gia học. Thế là tôi đăng ký đi thi TOEFL, mặc dù trước đó chưa đi học ngày nào. Thế quái nào mà được TOEFL 550 điểm. Tôi có đúc kết lại kinh nghiệm: chấp nhận điểm nghe nói kém, ăn phần đọc viết. Đọc nhiều thì viết được. Đọc lại được thêm kiến thức bổ ích. Sau có áp dụng cho con gái, muốn học tiếng Anh cứ đọc BBC Sciences Daily Newsletter
(Tinh thần học tập thì tốt, nhưng kết quả thực chiến không được như ý. Như chính Hoàng Việt Anh, người có điểm thi cao nhất lúc đó, sau này thú nhận khi tiếp đoàn ProDX: “Kỳ lạ thay, chúng tôi nói tiếng Anh ông bà cũng không hiểu, trước chỉ tưởng người Mỹ nói mình không hiểu thôi!”.)

Thừa thắng anh em quay sang luyện kỹ thuật. Phải theo tiêu chuẩn chứ, làm sao khách Tây nó biết được ta giỏi. Thế là rủ nhau luyện các chứng chỉ Microsoft. Nghị quyết là tất cả thành viên FSU1 đều phải có ít nhất là một bằng MCP (Microsoft Certified Professional). Cũng cần phải nói thêm là những năm đó sở hữu được một cái chứng chỉ MCSE (Microsoft Cerified Software Engineer) hay MCSD (Microsoft Cerified Software Developer) có thể gọi là cao thủ. Mỗi chứng chỉ như thế gồm 4-5 cái MCP. Học khó lòi. Phí thi thì đắt vật.
Lại một lần nữa tôi đứng ra làm chim mồi. Cầm quyển WindowNT SQL Server dày cộp luyện 3 ngày liền, tôi thi đỗ chứng chỉ MCP đầu tiên. Nguyễn Đức Quỳnh sau đó thi đỗ MCSE, Nguyễn Đắc Việt Dũng MCSD, sau đó nữa thì anh em thi đỗ như lợn con. Hóa ra thi đúng là sở trường của ta.

FPT lúc đó đang có phong trào làm ISO. Toàn thể tập đoàn quyết tâm chuyển sang chính quy hiện đại. Đối với FSU1 việc đó càng quan trọng. Lâm Phương được giao nhiệm vụ dẫn một đội ngồi riêng để viết quy trình. Mời được chuyên gia từ Ấn Độ sang tư vấn. Tôi đem hai câu hỏi vẫn đang bí ra hỏi ông:
- Thế nào là năng suất trong việc phát triển phần mềm?
- Và thế nào là chất lượng phần mềm?
Tưởng chuyên gia trả lời khoa học thế nào, thấy ông ấy trả lời ráo hoảnh:
- Năng suất tốt nhất đo bằng tiền, một dev có thể tạo ra doanh thu bao nhiêu trong một năm!
- Phần mềm tốt nhất là phần mềm thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng kể cả những yêu cầu họ không nói ra, nhưng mày nghiễm nhiên phải biết.
Đó là sự khác biệt giữa một ngành công nghiệp phần mềm mà người Ấn Độ đang xây dựng với tư duy của mấy thợ thủ công ty toe làm hàng ở FPT.

Tin tưởng vào tương lai tươi sáng, chúng tôi bắt đầu tuyển dụng nhân viên mới. Hai nhân viên đầu tiên là hai nữ sinh viên của Đại học Bách khoa, học trò của thầy Khánh Văn: Nguyễn Thị Lan Hương và Lê Thị Hằng.

Luyện tiếng Anh, MCP, ISO mãi vẫn không thấy khách Âu Mỹ nào lai vãng đến. Anh Bình thấy thương, có lần phải thuê mấy đồng chí tây bên HP về đóng giả làm khách hàng. Cũng đón tiếp thăm văn phòng, trình bày ppt, Q&A, đàm phán hợp đồng đủ cả.

Học mãi, thi mãi, đánh trận giả mãi cũng chán. Có lẽ đây là đặc tính của người Việt Nam, không chuẩn bị cái gì được lâu cả. Sau này có lần tôi bàn với một ông em nghệ sĩ định dựng một vở ca kịch về Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Kiểu Broadways, tập có thể 2 năm nhưng diễn 20 năm. Đến gặp 1 đạo diễn nổi tiếng. Bác ấy cười ngất: Em có cho tiền tấn cũng không kiếm được diễn viên chịu tập 2 năm đâu. Vấn đề không phải là thu nhập, mà là văn hóa.

Thế nên chúng tôi mới loay hoay tìm cách kiếm tiền. Bí mật. Việc này giao cho Lê Hồng Sơn. Anh này tốt nghiệp Đại học tổng hợp. Lập trình viên mà cao ráo, trắng trẻo đẹp trai.
Anh ấy chế ra một sản phẩm gọi là Báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Số là các ngân hàng nước ngoài bị bắt buộc phải làm báo cáo cho Ngân hàng TW Việt Nam theo một mẫu mã chẳng giống ai. Thế nên tốt hết là thuê Sơn. Sơn tự hào lắm. Thu tiền đô, gọi là xuất khẩu tại chỗ. Có điều là không được đi nước ngoài.

Tháng 04/1999, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) tự dưng lại liên doanh cùng Ngân hàng Ngoại thương Lào, thành lập Ngân hàng Liên doanh Lao-Viet Bank (LVB) đặt trụ sở tại Vientiane, thủ đô Lào. Sơn liền chớp ngay cơ hội xin được làm phần mềm cho LVB. Vì trước đó nhóm SmartBank cũng đã làm cho liên doanh giữa BIDV và Public Bank của Malaysia, nên bên BIDV cũng tin tưởng. Thế là mấy anh em được dịp xuất ngoại sang Lào. Cái này tiếng là xuất ngoại nhưng lại thu tiền VN đồng.

Hết 6 tháng, vẫn chưa thấy khách hàng đâu. Những đồng đô la từ bên kia bờ đại dương vẫn chưa bay về. Bắt đầu rốt ruột.

Câu chuyện 2: Trận Phai Khắt-Nà Ngần

TGB là con rể của vị tướng vĩ đại VNG trong gần 20 năm. Bởi thế chúng tôi thường xuyên được đến thăm ông vào những ngày 7/5 hay 22/12 và sinh nhật ông ngày 25/8. Bình rất ham học hỏi, từ những vị tướng huyền thoại của hai cuộc chiến tranh và chịu khó mời họ đến nói chuyện với anh em FPT.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (TTGPQ) được thành lập. Ngay sau khi ra đời. HCM đã chỉ thị "Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội"

Đội đã nhanh chóng củng cố tổ chức, xây dựng quyết tâm, luyện tập chiến đấu và dựa vào nhân dân để thực hành đánh trận đầu tiên. Mục tiêu được chọn là 02 đồn Phai Khắt và Nà Ngần của Pháp thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 25-12, toàn Đội chia thành 02 tiểu đội, cải trang làm lính dõng đi tuần dùng mưu tập kích chiếm trọn đồn Phai Khắt. Tiếp đó, ngày 26-12, Đội đóng giả toán lính tuần tra, bất ngờ tập kích diệt gọn đồn Nà Ngần của địch.

Hãy xem bản tường thuật về hai chiến thắng này trong tờ báo có tên lúc đó là Tiếng súng reo
THÔNG CÁO SỐ 1
Ngày 11 tháng 11 ta là ngày 25-12 tây, một bộ đội lạ, ở đâu đến không rõ, bộ đội gì không rõ, kéo đến đồn Phay Khắt (đúng ra phải là đồn Phai Khắt – PV), tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình. Sau đó, người cai tây và 17 người lính dõng mang toàn bộ khí giới trong đồn và tuyên bố với dân làng là cùng c.m (tức cách mạng – PV) đi đánh Nhật, rồi cùng bộ đội lạ kéo đi đâu mất.
Cũng ngày ấy, tên Việt gian hoạt động nhất ở tổng Kim Mã là Xã Bồi biến đâu mất.
THÔNG CÁO SỐ 2
Sáng ngày 25 tháng 11 ta là ngày 26 tây, lúc 7 giờ 14 phút, Đội Tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân kéo đến đồn Nà Ngần, xã Cẩm Lý, gần Bel Air. Họ kéo cờ đỏ sao vàng năm cánh lên, xưng rõ là quân cách mạng đến lấy súng đạn của tây phát xít, tuyên bố quân cách mạng Việt Nam không bắn binh lính Việt Nam. Kêu gọi anh em binh lính Việt Nam giơ tay lên đầu hàng.
Người đội và 3 người lính muốn chống cự, bị súng trường và súng máy c.m (cách mạng – PV) bắn chết ngay tại trận, một người nữa bị thương.
Đội Tuyên truyền G.P.Q thu thập toàn bộ súng đạn trong đồn rồi tập hợp anh em binh lính tất cả 15 người khố xanh (trừ hai người chạy thoát). Khai hội nghị liên hoan giữa binh lính và c.m.
Đồng thời, Đội phái người phát truyền đơn và dán biểu ngữ khắp đồn.
Một số đ.c (tức đồng chí – PV) nữ vũ trang cũng tham gia giúp dọn dẹp chiến trường và tuyên truyền cổ động nhân dân cùng binh lính.
Đến 8 giờ, đội Tuyên truyền rút khỏi đồn, vừa đi vừa hát bài Giải-phóng-quân-ca…”.

Kết quả những trận đầu không lớn, tuy là 2 đồn, nhưng chủ yếu là lính dõng (người địa phương), đa số được thả về quê. Chỉ có 1 hạ sĩ quan Pháp bị bắn chết. Nhưng hơn 30 khẩu súng và đạn dược thu được thực sự quí giá. Nếu nhìn vào bức ảnh thành lập Đội TTGPQ, ta thấy đa số đều chỉ có giáo mác, chỉ có vài người có súng. Còn sau trận đánh như VNG viết lại trong cuốn “Từ nhân dân mà ra”: “Mỗi người mang hai, ba khẩu súng. Lần này, thu được khá nhiều đạn. Anh em vừa đi vừa hát bài Giải phóng quân ca”

Ý nghĩa chính trị và tuyên truyền của những thắng lợi này mới là đích mà HCM nhằm đến. Bởi thế chúng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của những chiến thắng đầu tiên.

Và nó đến một cách tình cờ. Trên tầng 6 tòa nhà CFM mà FUS1 thuê ở tầng 3, có văn phòng một công ty có tên là Dynamic Solutions, do cựu giám đốc của Microsoft Việt Nam là Michael Davis thành lập sau khi hết hạn làm việc ở Việt Nam. Lý do mà anh này sao không về Mỹ mà ở lại lập công ty thì cũng không rõ lắm. Nghe trẻ con đồn thì vì có bạn gái.

Anh Nguyễn Hải, giám đốc công ty eDT, cung cấp dịch vụ cho DS lúc đó kể lại: “Lúc đó Mike là khách hàng của mình. Mình đã tư vấn cho Mike là mày mà làm bài bản thuê người có profile tốt thì tốn lương lắm, VP xịn thì cũng OK nhưng đừng đầu tư cả hạ tầng như MS, chỉ làm một góc để chụp ảnh thôi, người cũng vậy cần thì tao cho mượn. Nhưng nó cậy có đầu tư nên cứ làm, bọn mình hứng được hợp đồng trang bị hạ tầng và đào tạo, đã bảo nó các mối của PSV và các bọn đối tác của MS nhưng nó lại bảo là công ty mạnh sẽ tự khắc có khách.”

Cậy có tiền, Mike bảo anh Hải cứ tuyển người đi. Và anh đã phỏng vấn cho Mike một chuyên gia, Việt kiều, có kinh nghiệm, đã có sản phẩm là phần mềm nén đĩa, cũng đang tìm kiếm đầu mối để tiêu thụ. Đó là Trần Văn Hùng, hay còn gọi là Hùng Henry.

Tuy là Việt Kiều nhưng hóa ra là chúng tôi có thể biết nhau. Vì Hùng cùng lứa với tôi, tốt nghiệp phổ thông năm 1978, và đi nước ngoài năm 1979, nhưng học cấp 3 khác trường nên chúng tôi không chơi. Nhưng tôi đã nghe đến cái tên Hùng sứt ở Ba Lan. Ở FPT, Hùng chơi thân với Phan Ngô Tống Hưng là phó TGĐ phụ trách về mảng Non-IT. Thời đó Ba Lan được coi là “tư bản” nhất trong các nước Xã hội Chủ nghĩa. Các cô gái Ba Lan lại nhỏ bé xinh xắn không như các cô Nga, Đức, nên anh em đi Ba Lan hầu như đều lấy vợ Tây và không chịu về nước. Hùng cũng không phải là ngoại lệ. Vì là thành phần quân đội cử đi, nên Hùng bị coi là đã phạm tội “đào ngũ”, nặng hơn nữa có thể coi là phản quốc. Coi như hết đường về.

Mà anh cũng chẳng định về. Hai vợ chồng dắt díu nhau vượt biên chạy sang Áo rồi Đức, cuối cùng thế nào may mắn lại định cư và trở thành công dân Canada. Mặc dù xuất thân “Đỏ” Hùng hòa nhập khá nhanh với cộng đồng Việt Kiều “Vàng”. Sau này chơi với nhau tôi mới hiểu, có lẽ là nhờ tính hài hước và phóng khoáng của anh.

Vì làm việc ở cùng một tòa nhà, nên chúng tôi cũng thi thoảng gặp nhau. Đặc biệt là khi rỗi việc ngồi uống bia. Hùng rất thích Stico. Và bản thân anh cũng là một cây Stico thượng thặng (ý nghĩa của phong trào Stico với sự phát triển của Fsoft sẽ được giải thích rõ hơn trong chương 12 của cuốn sách này). Tác phẩm nổi tiếng nhất mà anh truyền thụ cho chúng tôi lúc đó là bài: Hoan hô Công nông binh. Được anh em cải biên tí:
“Sáng hôm nay anh tôi vác phím, vác phím ra chiến trường. Anh gõ như thế này. Anh gõ như thế kia. Đẹp vui lòng bác Bình. Đẹp vui lòng chúng em. Vui bác Bình là vui chúng em.”

Có lẽ vì hợp văn hóa, nên khi được biết là chúng tôi cũng đang làm XKPM, Hùng đã ngỏ ý xin sang Fsoft và tất nhiên là được nhận ngay. Khỏi phải nói là anh Bình sung sướng thế nào. Nhưng đó là chuyện sau. Sang được một thời gian, Hùng mới bẽn lẽn trao đổi với tôi: ở bên kia (tức là công ty cũ Dynamic Solution), tao đang có một contact với khách hàng. Giờ tao sang đây, bọn họ chỉ muốn làm việc với tao thôi. Về mặt đạo đức kinh doanh thì cũng không hay lắm, nhưng mà họ hỏi là chúng mày có muốn nhận dự án này không? Úi giời, nhận ngay. Tôi mừng quýnh. Không cần xem đầu bài. Lúc đó Hùng mới vỡ lẽ là chúng tôi trước đó chẳng có việc gì cả.

Khách hàng thân thiết của Hùng, đó chính là anh Tân Lê, bạn Hùng, CTO của công ty Winsoft Canada. Giám đốc công ty là bác Balta, gốc Thổ. Dự án mà họ tin tưởng muốn giao cho Hùng, có tên là LifeServ. Dự án này có tham vọng thay đổi ngành bán bảo hiểm nhân thọ ở Canada, (bây giờ gọi là chuyển đổi số), bằng cách xây dựng một mạng luân chuyển dữ liệu, cụ thể là các hợp đồng bảo hiểm đã được định dạng theo chuẩn, giữa các đại lý bán bảo hiểm và hãng. Hệ thống có nhiệm vụ tự động nhận, phân tích, kiểm tra, phê duyệt và lưu trữ các hợp đồng này. Toàn bộ yêu cầu của dự án được viết ngắn gọn trong chưa đầy 1 trang A4.

Đồn “Nà Ngần” này xem ra khó nhai. Có hai thách thức lớn với chúng tôi.
Một là về nghiệp vụ. Ngành bảo hiểm nhân thọ là ngành quá mới mẻ. Ở Việt Nam Prudential đến năm 1996 mới mở văn phòng đầu tiên.
Thứ hai, công nghệ được đề nghị sử dụng để luân chuyển các văn bản là MSMQ, Microsoft Message Queuing. Chúng tôi cũng chưa từng nghe bao giờ.

Để đáp ứng lo lắng đầu tiên của chúng tôi, Winsoft gửi sang 4-5 cuốn sách dày cộp về nghiệp vụ bảo hiểm và một file to đùng mô tả các chuẩn tài liệu. Anh em trông thấy ngất, giao ngay cho tôi việc làm BA (Business Analyst – Phân tích Nghiệp vụ), vì có lẽ là tôi thích đọc sách nhất. Cũng nhờ vụ này, mà tôi luyện được kỹ năng đọc nhanh sách tiếng Anh. Sau này đi dạy cho sinh viên FU, cũng có tý kinh nghiệm.

Về công nghệ, thì chúng tôi phải tự bơi. MSMQ mới ra đời năm 1997, cũng chẳng có ai là chuyên gia cả. Lâm Phương dẫn đầu team tìm hiểu và dạy lại cho anh em. Việc nắm vững kỹ thuật này, hóa ra là bước chuẩn bị quan trọng để Lâm Phương cùng anh em thuyết phục được khách hàng Proximus (Belgium), sẽ được kể ở chương 6.

Nguyễn Đức Quỳnh được phân làm DevLead. Nhưng thực tế là hầu như cả đội đều tham gia!
Dự án được định giá là 60k đô Canada và phải thực hiện trong 4 tháng.
Chúng tôi đã hoàn thành đúng hạn và được đối tác thưởng thêm 10k C$. Sướng quá, FSU1 đã tặng toàn bộ số tiền thưởng này cho Đoàn thanh niên, lúc đó đang phụ trách phong trào ăn chơi nhảy múa của FPT. Trong buổi tổng kết dự án, Khúc Trung Kiên đã phát biểu rất thơ: những đồng đô la xanh đầu tiên từ bên kia đại dương đã về đến Việt Nam.

Cuối năm đó, Dr Balta và Tân Lê sang thăm Việt Nam. Chúng tôi được gặp những khách hàng Tây thật, bằng xương bằng thịt. Và thấy họ rất dễ mến, cũng bia hơi, lạc luộc như ta. Và như mọi người Canada khác, làm ăn dựa vào Mỹ nhưng không thích Mỹ. Tôi rất nhớ câu chuyện của Dr Balta kể, ông bảo vợ tao làm cơ quan quản lý thực phẩm khẳng định bọn Mỹ toàn ăn thịt người. Tôi ngớ ra không hiểu. Ông giải thích: bên đó để kích thích tăng trưởng, họ đã cấy tế bào người vào lợn. Cũng chẳng biết thực hư thế nào.

Trong không khí hồ hởi phấn khởi, Winsoft đã giao cho chúng tôi dự án thứ hai có tên là Winfund. Dự án này nhằm xây dựng một phần mềm ứng dụng cho các Mutual funds, dịch ra tiếng Việt là Quỹ tương hỗ là một loại phương tiện đầu tư tập thể được quản lý chuyên nghiệp huy động tiền từ nhiều nhà đầu tư để mua các chứng khoán.
Ứng dụng này sẽ được xây dựng mới theo kiến trúc client-server, đang thời thượng lúc đó để thay cho ứng dụng trước đây theo mô hình terminal based, tức là màn hình chỉ để nhập liệu, còn xử lý tập trung. Sự ra đời và phổ biến của máy PC cho phép rất nhiều công việc có thể xử lý tại chỗ ở client.

Khác với LifeServ là một đề án có tính concept – làm rõ khái niệm, Winfund là một dự án xây dựng sản phẩm trọn vẹn. Chúng tôi học được rất nhiều bài học về sự khác nhau giữa làm sản phẩm, có thể sẽ được bán rộng rãi, và làm dự án dù có thể lớn, nhưng chỉ triển khai tại một địa điểm.

Đầu tiên là về đánh giá khối lượng công việc, chúng tôi đã liên tục underestimate – không ước lượng đúng công sức phải bỏ ra, nên phải đàm phán đi lại với khách hàng rất lèm bèm. Sau này tôi được đọc trong cuốn “The silver bullet” mới biết là nếu làm product – sản phẩm để phổ biến rộng rãi, phải nhân effort lên ít nhất gấp 9 lần.
Thứ hai là khái niệm versioning: lập kế hoạch version – phiên bản nào thì có tính năng nào. Có lần bên Winsoft đặt thời hạn cho một phiên bản. Chúng tôi đã bàn giao đúng hạn, mà họ vẫn chửi um lên, vì có mấy tính năng ấn vào thì chạy lỗi. Tôi thấy bình thường, mới là bản giữa chừng mà, gì mà ầm ĩ thế. Tìm hiểu kỹ thì hóa ra hôm đó WS chuẩn bị demo cho các nhà đầu tư, có lẽ để gọi vốn. Bản demo không cần đầy đủ chức năng nhưng phải thể hiện được khả năng thiết kế giao diên và dòng dữ liệu. Tóm lại cái gì đã có thì phải chạy. Chưa có thì cứ để là "in progress". WS ngầm định chúng tôi phải biết rõ những điều đó. Đúng là đêk biết gì cũng tiến thật. Nhờ bài học này mà, mãi sau này Fsoft mới quay trở lại nhận gia công sản phẩm trọn gói cho khách hàng.

Sau Winfund, có lẽ không huy động được tiền để đầu tư tiếp, hay cũng có thể là thất vọng với chúng tôi, Winsoft dừng hợp tác. Mãi đến khoảng năm 2015 tôi mới có dịp gặp lại Tân Lê. Nhưng những kỹ niệm và bài học ban đầu vẫn còn nguyên vẹn trong chúng tôi.
Trận Phai Khắt – Nà Ngần LifeServ - Winfund đã giải tỏa tâm lý của Bình. Như vậy là chúng ta hoàn toàn có thể “Bắn Pháp chảy máu”, lấy tiền Tây theo khẩu hiệu “Thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền” trong bài hát “Đoàn FPT một lần ra đi.”
Vấn đề là ai đi dẫn Tây về thôi.

Câu chuyện 3: Ai go global

Nếu chỉ tính từ khi chuyên tâm làm về CNTT, người đầu tiên nhận trách nhiệm phụ trách một chi nhánh của FPT ở nước ngoài là anh Võ Mai. Đó là năm 1993, văn phòng tại Singapore có nhiệm vụ giao dịch với các hãng. Tôi nhớ là báo StraightTime có đăng bài “New man of Viet Nam” với ảnh anh Võ Mai to tướng. Tuy nhiên anh cũng ít khi ở đó. Căn hộ có chìa khóa dấu dưới tấm thảm thi thoảng anh em cũng qua dùng.
Phải đến cuối năm 1997, khi Bình hỏi tôi, ai có thể đi ra nước ngoài để XKPM, tôi đã đề xuất Phan Văn Hưng. Phần là vì tài năng của Hưng, lúc đó được coi là chuyên gia hàng đầu về Lotus Notes mặc dù mới tốt nghiệp ĐHBK được hơn năm, nhưng phần lớn là tôi sợ Bình bắt tôi phải làm. Lúc đó tôi đang có kế hoạch gap-year, nghỉ một năm để ra ngoài FPT tìm hiểu. Lịch sử đã ghi nhận Phan Văn Hưng là giám đốc xuất khẩu phần mềm đầu tiên của FPT.
Bình giao cho Hưng tập trung o XKPM, tìm kiếm đối tác quốc tế, marketing phần mềm... Tuy nhiên, kết quả công việc của nhóm này không như mong muốn. Sau này Bình có nói về ấu trĩ này như sau: “FPT đã xui Phan Văn Hưng vào rừng, đưa cho con dao phay và yêu cầu Hưng xây một sân bay để đưa FPT lên tầm cao toàn cầu hóa”.

Tháng 12/1998, trở về từ chuyến đi Bangalore lịch sử, Bình đã đưa ra 5 điểm FPT cần phải thực hiện để XKPM, đó là: Thông thạo tiếng Anh; Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO và CMM; Lập đội chỉ huy tác chiến mặt trận; Đảm bảo tài chính, hậu cần; Công tác tuyên huấn, tuyên truyền; Marketing
Ngay trong tháng đó, Ban chỉ đạo XKPM được thành lập, được Bình gọi kiểu quân đội là Bộ Tổng tham mưu XKPM. Bao gồm:
- Trương Gia Bình - Chỉ đạo chung và phụ trách Marketing;
- Lê Quang Tiến - phụ trách tài chính hậu cần;
- Bùi Quang Ngọc - điều phối chung;
- Nguyễn Thành Nam - phụ trách tác chiến;
- Lê Thế Hùng - phụ trách quy trình ISO;
- Hoàng Minh Châu - phụ trách phía Nam;
- Vũ Thanh Hải - phụ trách tuyên truyền;
- Trương Đình Anh.

Tại sao Trương Đình Anh, lúc đó đang phụ trách FOX Hà Nội, một bộ phận trẻ trung năng động, có tiềm năng nhất của FPT, lại được đưa vào danh sách?

Phần nhiều là Bình chưa tin tôi. Mà cũng đúng.
Anh thường xuyên nói: “Nam thiếu business sense”. Dù không hiểu lắm business sense là gì, nhưng quả thật là tôi không thích làm kinh doanh. Mục tiêu kinh doanh của FSS là chứng minh khả năng tự lực về tài chính, để thỏa sức chơi đùa. Chúng tôi ký hợp đồng với Chinfon Bank để chứng minh là phần mềm có giá hơn phần cứng. Chúng tôi triển khai phần mềm core cho Ngân hàng Ngoại thương để chứng minh làm CNTT công nghệ cao có thể kiếm nhiều tiền hơn là buôn thiết bị, quần áo. Tôi cũng không cho là mình đủ ngoại ngữ và vốn sống để có thể bám trụ ở nước ngoài.

Nên khi Bình đưa ra bài báo của HBR (Harvard Business Review), trong đó nói rõ rằng, người đi ra toàn cầu phải là người có vị trí lãnh đạo cao cấp ở trong công ty, và nói là anh không thể đi được vì còn lo cho toàn bộ tập đoàn, thì tôi cũng hiểu ngay là không phải là tôi đi, và chúng tôi đã thống nhất chọn Đình Anh. Cũng chẳng phải là lãnh đạo cao cấp gì lúc đó đâu, nhưng còn trẻ, chắc dễ bảo. Chứ mấy lãnh đạo kiểu Tiến, Ngọc, Châu thì chắc chắn không đi rồi.

Nhưng Đình Anh là một thiếu niên có bản lĩnh, đặc biệt là “business sense” rất tốt. Anh thừa hiểu là sang Mỹ lấy tiền khó hơn lên trời, trong khi thị trường Internet Việt Nam mới bắt đầu mở, bao nhiêu kế hoạch từ thời Trí tuệ Việt Nam đang chờ anh triển khai. Nên anh đã khéo léo từ chối khi tôi đề nghi bằng cách đưa ra những điều kiện mà anh biết chắc là Bình không thể đáp ứng được. Đình Anh còn thể hiện rõ quan điểm về kinh doanh XKPM bằng cách thường xuyên chỉ trích tôi trong các cuộc họp giao ban: “Fsoft là ăn hại, làm lỗ cho tập đoàn”, khiến cho lương thưởng của các bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng. Sau này anh còn công khai ví hình ảnh Fsoft như những người nông dân chỉ biết “cày trên ruộng của người khác” trên Chợ Dưa để câu người. Kỳ lạ thay, chính những chỉ trích thẳng thắn của Đình Anh đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều.

Đó là chuyện sau. Còn lúc đó, Bình đang nan giải với bài toán, ai sẽ là người đi sang Mỹ bắt Tây về để chúng tôi kiếm tiền. Hùng Henry đến không thể đúng lúc hơn. Bình viết trong Sử ký lúc đó: “Có Hùng, tôi biết là mình sẽ không phải trực tiếp đi bán hàng nữa rồi.”

Tháng 9/1999, FSU1 và FSS sát nhập thành Fsoft. Tháng 11/1999, FPT thành lập bộ phận Phát triển Kinh doanh toàn cầu FWB (FPT Worldwide Business Development). FWB dự kiến sẽ là mạng lưới văn phòng của FPT toàn cầu tập trung ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản để tìm kiếm công việc cho FSOFT. Henry Trần Văn Hùng là Giám đốc đầu tiên của bộ phận này. Nhân viên gồm có Lê Hồng Sơn và Trần Đức Nghĩa mới được nhận vào làm thực tập. (Nghĩa sau đó nhanh chóng bị Hùng cho nghỉ việc vì chỉ thích lập trình.)

Bình và Hùng lên đường bắt đầu chuyến công du chính thức lần đầu tiên đến khu vực Bắc Mỹ. Hùng viết từ Mỹ về cho Nguyễn Thành Nam và Khúc Trung Kiên: “Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều khách hàng tại Silicon Valley. Sau đó ở Seattle, chúng tôi gặp Phó chủ tịch Microsoft cùng đại diện của 3 công ty khác. Tôi và anh Bình cùng nhau bay đến Dallas để gặp gỡ và nói chuyện với khoảng 15 công ty khác nữa”. Trong thư, Hùng cũng báo nhiều tin tốt lành. Đó là các công ty Mỹ đều quan tâm và ủng hộ ý tưởng XKPM của FPT. Thậm chí có công ty quyết định nhận 40 lập trình viên (LTV) của FPT sang làm việc 6 tháng nếu các LTV FPT đáp ứng yêu cầu của họ. Cuối thư ông Hùng viết đầy lạc quan: “Cuối cùng tôi muốn nhắn Nam và Kiên rằng, các bạn có rất nhiều việc để làm...”.

Vào cuối năm 1999, có vẻ như FPT đã chuẩn bị tương đối đầy đủ cho công cuộc xuất khẩu phần mềm (XKPM). Về nhân lực, FSOFT đã tập trung được đội ngũ làm phần mềm trong công ty bằng việc sáp nhập FSS vào FSU1, có đội quân xung kích sẵn sàng ra trận. FPT cũng đã ký với Aptech để thành lập các trung tâm đào tạo, phấn đấu mỗi năm cung cấp 1.000 lập trình viên. Về tổ chức, FPT có Ban chỉ đạo XKPM gồm tất cả lãnh đạo cao cấp nhất FPT, có bộ phận phát triển kinh doanh toàn cầu do một Việt kiều dày dạn kinh nghiệm phụ trách. FPT chuẩn bị nhận chứng chỉ ISO 9001:2000 và đang nhắm tới đẳng cấp CMM. Về tài chính, ông Trương Gia Bình và ông Nguyễn Thành Nam đã được bật đèn xanh, có thể sử dụng ngay ngân sách 1 triệu USD trong 2 năm.
Về kinh nghiệm trận mạc, FPT đã đánh 2 trận Nà Ngần, Phai Khắt tương đối thành công. Tất cả đã sẵn sàng cho việc đặt bước chân đầu tiên ra thế giới.

Câu chuyện 4: FUSA 1.0

Cuối năm 1999, tại trụ sở 89 Láng Hạ, FPT tổ chức Lễ Xuất quân cho các chiến binh XKPM của FSU1 đi “chinh phạt” Bắc Mỹ. Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Trương Gia Bình phát biểu: “Các bạn chỉ có quyền, quyền duy nhất, là giành chiến thắng”. Ông Bình đã ban “chiếu phong” cho ông Nguyễn Thành Nam là “Bình Tây đại nguyên soái”, ông Henry Trần Văn Hùng là “Chinh Tây đại nguyên soái”.

Ngày 08/1/2000, Công ty FPT họp báo công bố thành lập Chi nhánh FPT USA với Giám đốc là Henry Trần Văn Hùng. Người đi cùng với ông Hùng vào đất Mỹ cắm cờ FPT là Lê Hồng Sơn.
Theo lời Bình, “Henry Hùng ra trận mà không cần bất cứ một tấm bản đồ nào”. Ông Hùng không lập kế hoạch kinh doanh mà chỉ thuyết phục Ban Tổng Giám đốc: “Các anh cứ để em làm, em biết làm hơn là biết lập kế hoạch”. Biết vậy, trước ông Hùng khi lên đường, ông Bình căn dặn 3 điều: (1) nên mở văn phòng đầu tiên ở Dallas (trung tâm phần mềm, viễn thông đang nổi lên tại Mỹ); (2) chỉ nên làm việc với các công ty Mỹ, tránh mất thời gian và tránh phiền phức với Việt kiều; (3) được toàn quyền quyết định (tướng ngoài mặt trận).

Đặt chân lên đất Mỹ, Hùng áp dụng ngay điều (3) để quyết định làm khác các điều còn lại. Tháng 02/2000, ông mở văn phòng tại San Jose và việc đầu tiên anh phải đối mặt, hóa ra là sự chống đối của Việt kiều. Trung tâm của những người Việt phải ly hương sang Mỹ, làm lại cuộc đời vì cuộc “xâm lăng” theo cách hiểu của họ từ Bắc Việt, không chấp nhận một công ty có trụ sở ở Hà Nội đến đây. Tờ Mercury News, tờ báo tiếng Việt lớn nhất của San Jose đã giật tít: “cộng sản xâm chiếm thung lũng hoa vàng”. (Thung lũng Hoa vàng là tên gọi khác của Silicon Valley, miêu tả ánh đèn sáng rực hai sườn dãy núi, khi thung lũng về đêm.) Trong ghi chép của mình, Lê Hồng Sơn kể lại là anh khá sợ. Và công việc quan trọng nhất của hai anh em là quyết định ai ngủ trên giường và ai ngủ dưới đất vì văn phòng chỉ có một cái giường.

Ngay đầu tháng 3, tin vui bay về. Văn phòng FUSA đã kiếm được hợp đồng đầu tiên trị giá $80k. Mà quan trọng nhất là cách mà Hùng lấy được hợp đồng đó. Hùng kể, trong hiệu cắt tóc, anh tình cờ nói chuyện với người khách bên cạnh. Anh này hóa ra giám đốc công ty có tên là An Trần, là chủ sở hữu nhà hàng hải sản Thanh Long rất nổi tiếng trong khu vực. Silicon Valley lúc đó đang trong cơn sốt dotcom. Ai cũng phải dùng máy tinh, cũng phải lên Internet. Và An Tran muốn toàn bộ các menu của mình phải được đưa lên các thiết bị điện tử có tên là palm top, và khách hàng sẽ đặt món thẳng trên đó. Ngày nay các bạn có thể dễ dàng làm điều đó qua iPad ở các nhà hàng như Halidao… Nhưng lúc đó là một tư tưởng cách mạng vì thiết bị đắt đỏ và kết nối còn đang rất chưa ổn định. Không hiểu Hùng nói thế nào mà khách đồng ý giao ngay dự án cho Fsoft. Ba nhân viên đầu tiên lên đường đi Onsite cho dự án này là Nguyễn Lâm Phương, Nguyễn Thành Lâm và Tuấn lơn đơn.

Tin vui lan truyền nhanh như điện. Đi cắt tóc mà đã lấy được hợp đồng. Bình khẳng định, đúng như dự đoán Silicon Valley chính là “Kho thóc Nhật”, chúng ta chỉ việc mang thúng mủng sang xúc về thôi. (Thuật ngữ “kho thóc Nhật” chỉ những nơi có thể cung cấp lương thực dễ cho bà con nông dân đang chết đói đến lấy trong thời kỳ cách mạng tháng Tám 1945)

Ở trong nước, Fsoft lúc đó đã chuyển ra tòa nhà HITC rất hiện đại và tuyển nhân viên liên tục qua các khóa tân binh.

Tiếp sau đó, Hùng dành hầu hết thời gian liên hệ và xây dựng danh tiếng với đội ngũ ông chủ Việt kiều tại đây. Các khách hàng đều được phân loại, đánh giá theo các tiêu chí rất khoa học. Sau vài tháng hoạt động FPT USA cũng đã ký được một số hợp đồng trị giá 300.000 USD chủ yếu liên quan đến phát triển chương trình trên Internet dưới nhiều ứng dụng như trường học, nhà hàng, chợ điện tử buôn bán cafe, quảng cáo.

Để bổ sung lực lượng, Bình yêu cầu lãnh đạo các bộ phận chọn ra những người ưu tú nhất để tiếp sức cho văn phòng tại Mỹ. Có 20 người được tiến cử và phải qua các vòng thi GMAT, IQ, TOEFL, Presentation, Marketing... Chỉ có 5 người vượt qua và được gọi là “Phi công vũ trụ”. Đó là: Nguyễn Hồng Lâm, Hoàng Việt Anh, Bùi Hoàng Tùng, Phạm Thế Minh và Lại Thái Nguyên. Họ đã được đào tạo cấp tốc các khóa học ngắn ngày về tiếp thị, tin học, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, lái xe, nấu ăn... Cuối cùng 3 người chính thức được chọn và chuyển sang bộ phận FWB để chuẩn bị cho chiến trường Mỹ. Bộ ba “phi công” này là Hoàng Việt Anh, Bùi Hoàng Tùng và Nguyễn Hồng Lâm. Khóa đào tạo kết thúc tháng 07/2000. Tuy nhiên các “du hành gia” FPT chưa thể bay được vào “vũ trụ”. Họ không thể xin được visa vào Mỹ.

Cuối năm 2000, một sự kiện không ngờ tới đã xảy ra. Cuộc khủng hoảng của các công ty dot-com đã xóa đi phần lớn các bạn hàng của Henry Hùng. USA của Henry Hùng không kéo được hợp đồng từ Mỹ về đã làm đảo lộn mọi kế hoạch xuất khẩu phần mềm (XKPM) của FPT. Việc tăng quân ồ ạt đã gây khó khăn không ít cho FSOFT.

Cuối năm 2000, Trương Gia Bình quyết định trực tiếp tham gia mặt trận marketing, mặc cho Nam phản đối, tự bổ nhiệm mình làm Giám đốc FWB, dưới quyền của Nam. Sau đó Bình cùng nhóm “Phi công vũ trụ” Hoàng Việt Anh, Bùi Hoàng Tùng và Nguyễn Hồng Lâm làm việc ngày đêm trên mặt trận Marketing.

Nhân dip tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 11/2000, Bình và nhóm triển khai hàng loạt các cuộc gặp gỡ với giới truyền thông phương Tây đi theo như New York Times, Reuter, CNN, AFP, BBC... Tôi nhớ nhất là khi phái đoàn CNN đến quay ở HITC, chúng tôi đã đứng cả lên hát “Đoàn FPT một lần ra đi” và phóng viên một lần nữa hỏi tôi có phải là Đảng viên Cộng sản không?

Bình còn cho nhóm dựng logo website www.fsoft.com.vn trên nóc tòa nhà HITC hy vọng khách Tây đi từ sân bay Nội bài về sẽ nhìn thấy. Chưa hết, ông còn cho người in brochure về Fsoft ra giấy dó và thả vào các ống tre để tặng cho nhân viên sứ quán, và phòng Thương mại Mỹ.
Bình viết trong Sử ký FPT 2001: “Có lẽ ham muốn XKPM đã làm chúng tôi điếc và không sợ bất cứ tiếng súng nào”.

Đáng tiếc là tuy Tham tán Thương mại Đại sứ quán Mỹ, cả đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Thương mại Mỹ đến đều nhắc đến FPT trong các bài phát biểu chính thức của mình. Fsoft vẫn chẳng có hợp đồng nào. Bình rút khỏi HITC về tổng hành dinh ở Láng Hạ.

Vào khoảng đầu năm 2002, Hùng về nước và ngay sau đó quyết định rời FPT. Văn phòng FPT USA được đóng lại một thời gian ngắn sau đó. Và phải mất thêm 6 năm, một người FPT khác mới lại đặt chân lên Thế giới mới để mơ tiếp “Giấc mơ Mỹ” đang còn dang dở của FPT theo một cách thức hoàn toàn khác. Đó là chàng trai Bùi Hoàng Tùng. (Sẽ được miêu tả kỹ trong chương 13)

Ngày 09/03/2001, FPT quyết định bổ nhiệm Martin Geiger, một người Mỹ gốc Đức đang là chuyên gia của Công ty tư vấn ParaMarketing, vào chức danh Director of International Operations. Ít lâu sau, M. Geiger hoàn toàn thay ông Henry Trần Văn Hùng làm Giám đốc FWB.

Bình luận:

Một chặng đường dù có hoành tráng đến đâu cũng phải bắt đầu bằng bước đi đầu tiên. Dù có thể là bước hụt. Và Hùng đã ghi tên mình vào lịch sử phát triển Fsoft là người đã đi bước đi đầu tiên đó. Khó có thể hình dung được là nếu không có anh, thì ai sẽ dám sang Mỹ cắm cờ cho FPT vào năm 2000. Hùng cũng là người đã đi cùng với Khúc Trung Kiên sang Ấn độ, tháng 9/1999, để lo các thủ tục đầu tiên, rồi anh về trước.
Anh kể cho tôi: “Kiên ra tiễn tao ở sân bay Bangalore, nhìn dáng nó gầy liêu xiêu, ở lại một mình với trách nhiệm to lớn cắm chốt ở một môi trường xa lạ và không thân thiện, tao suýt khóc.” Nhớ lại những người tiên phong đó, tôi vẫn thấy rưng rưng.

Giờ đây nhìn lại có thể thấy Trần Văn Hùng gia nhập FPT chủ yếu nhờ sự tương đồng về văn hóa đang có sẵn ở công ty, do cùng thế hệ và hoàn cảnh xuất phát với các nhà sáng lập của FPT. Hùng không thể mang đến cho FPT những nét văn hóa mới, phù hợp hơn với công cuộc toàn cầu hóa. Bình phê phán Hùng ra trận mà không có bản đồ. Nhưng FPT cũng chẳng có tấm bản đồ nào để cấp cho anh.

Nhưng những gì Hùng để lại ở FPT vẫn rất sâu đậm. Từ những kinh nghiệm quý báu trong các trận đánh dự án đầu tiên, về công nghệ, về nghiệp vụ. Từ những trải nghiệm onsite hoàn toàn mới mẻ, những lập trình viên đầu tiên của Fsoft đã có bước trưởng thành vượt bậc về nhận thức.

Một chút ngoài lề, đầu năm 2000, VTV3 đã dành hẳn một chương trình “Gặp nhau cuối tuần” 45 phút, để các lập trình viên Fsoft thể hiện sự lạc quan tếu táo của mình. Hùng đã là ngôi sao của show diễn, gây ấn tượng mạnh mẽ với MC Thảo Vân và khán giả về một giám đốc đầu tiên của Fsoft “Đêk biết gì cũng tiến.”

Câu hỏi thảo luận:
Làm thế nào để có thể sử dụng tốt nhất mạng lưới Việt kiều trong quá trình toàn cầu hóa?


Nguồn: facebook Nguyễn Thành Nam - Former CEO FTP.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[ebook] Phần I - Tổng hợp nội dung sách "Nuôi con không phải cuộc chiến"

Phần I - Nuôi con không phải cuộc chiến Chương 1: ăn ngủ tự lập mẹ nhàn con ngoan EASY: eat - activity - Sleep - Your time -> Là chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại của bé trong một khoảng thời gian 1 ngày của bé. Có thể bạn quan tâm: Khuyến mãi mua trọn bộ sách Nuôi con không phải cuộc chiến I. Nếp sinh hoạt EASY   1. Lợi ích EASY: Đối với bé: + Nhận biết được những gì xảy ra tiếp theo -> Tăng khả năng tự tin của con. + Tập cho bé phản xạ có điều kiện. + Kết nối nhịp sing học của con. Đối vơí mẹ: + Biết cách phản ứng với những nhu cầu khác nhau của bé, không nhầm lẫn giữa khi bé khóc đòi ăn hay làm nũng.  Về lâu dài: + EASY là nền tảng cơ bản giúp rèn luyện sự tự lập ở bé. + Tạo nếp sinh hoạt ăn ngủ điều độ. (Khi con càng lớn chu kỳ EASY càng dài ra) 2.   Chu kỳ 03h: Cho bé từ 0 - 3 tháng tuổi. Bé ăn cách nhau 03 giờ. Cho con ngủ theo bảng thời gian hoặc căn cứ vào dấu hiệu của bé. Cân nặng tiêu chuẩn 2.7kg 3...

[AI] BÀI 4: Tác nhân và môi trường (Agent and Environment)

1. Agent (tác nhân): l à tất cả những gì có thể nhận thức về môi trường của nó thông qua cảm nhận "Sensor" và đưa ra hành động tác động đến môi trường (effective). Có 03 loại agent: human, software, robotic. + Cấu trúc của Agent: Gồm 2 phần:  Architecture + Agent Program + Phân loại Agent: -  Simple Reflex Agents: Agent phản ứng đơn giản. - Model Based Reflex Agents: Agent phản xạ dựa trên model - Goal Based Agents: Agent dựa trên mục tiêu. - Utility Based Agents: Agent dựa trên tính tiện ích. 2. Turing test : Ứng dụng trong việc kiểm tra và đáng giá máy móc có thật sự thông minh?  https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p_th%E1%BB%AD_Turing   3. Các thuộc tính của môi trường Discrete / Continuous  − If there are a limited number of distinct, clearly defined, states of the environment, the environment is discrete (For example, chess); otherwise it is continuous (For example, driving). Observable / Partially Observable  ...

[Tool] Apache Nifi

Introduction Apache NiFi is a dataflow system based on the concepts of flow-based programming. It supports powerful and scalable directed graphs of data routing, transformation, and system mediation logic. NiFi has a web-based user interface for design, control, feedback, and monitoring of dataflows. It is highly configurable along several dimensions of quality of service, such as loss-tolerant versus guaranteed delivery, low latency versus high throughput, and priority-based queuing. NiFi provides fine-grained data provenance for all data received, forked, joined cloned, modified, sent, and ultimately dropped upon reaching its configured end-state. See the  System Administrator’s Guide  for information about system requirements, installation, and configuration. Once NiFi is installed, use a supported web browser to view the UI. Browser Support Browser Version Chrome Current and Current - 1 FireFox Current and Current - 1 Edge Current an...

[Network] ARQ - Automatic repeat request

Automatic Repeat reQuest (ARQ) hay  Automatic Repeat Query là một phương thức điều khiển lỗi cho quá trình truyền dữ liệu bằng cách sử dụng ACK (acknowledgements) và Time Out, cho phép truyền dữ liệu tin cậy trên nền một dịch vụ không tin cậy (unreliable service). 1. ARQ protocol Gồm 03 loại Stop-and-wait ARQ Go-Back-N ARQ Selective Repeat ARQ / Selective Reject 2. Lĩnh vực liên quan Linked Data Transport Layer OSI Model. Ngoài ra có một số bằng sáng chế trong lĩnh vực live video contribution environments  sử dụng tới ARQ.

[LB-HA] Understand about High Available (HA) and Load Balancing

High Available (HA) :  Hỗ trợ dự phòng tiến trình. Hoạt đông với cơ chế Active - Passive . Hệ thống tồn tại 02 loại Component với role 'Active' và 'Passive'.  Active   Component sẽ đảm nhận việc xử lý tiến trình. Passive Component đóng vai trò backup. Trường hợp Active Component gặp lỗi (fail, downtime) hệ thống sẽ chuyển sang hoạt động trên B ackup  Component . Quá trình chuyển từ Active Component sang Passive Component gọi là 'Fail over'. Một số khái niệm liên quan đến HA: - FailOver: Chuyển đổi tiến trình chạy trên Passive Component khi Active Component gặp sự cố. - Fail Back: Khôi phục lại tiến trình hoạt động trên Active Component sau khi tiến trình dịch chuyển đến Passive Component trong quá trình FailOver. - Fault - Tolerant: Công nghệ giúp đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. Trường hợp một thành phần trong hệ thống bị hoạt động gián đoạn vẫn cho phép toàn bộ hệ thống hoạt động ổn định. Load Balancing : Hoạt động với cơ chế Active - Active ....

[Xu hướng] Open API – Xu thế phát triển mới của ngành công nghiệp phần mềm

Xuất bản: 2016-06-30 00:19:09 Các nhà phát triển đã nhận ra rằng việc lãng phí thời gian công sức vào thiết kế lại những thứ đã được các công ty khác xây dựng là hết sức không nên. Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể dựa vào những API được các nhà cung cấp nền tảng như Salesforce, Amazon, Google… và mới đây là các nhà phát triển độc lập khác đưa ra. Trong ngành công nghiệp sản xuất phần mềm, mỗi ứng dụng khi được đưa tới công chúng đều nhằm mục đích phục vụ cho một nhu cầu người dùng nhất định.  Có những ứng dụng phục vụ cho mục đích học tập, hoặc giải trí, du lịch, một số khác phục vụ cho mục đích đi lại như GrabTaxi hay Uber chẳng hạn. Mặc dù những ứng dụng này có thể giúp đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người sử dụng nhưng cũng không phải vì thế mà chúng được làm ra theo những cách hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, tuy có những mục đích sử dụng khác nhau nhưng những ứng dụng như vậy vẫn có những điểm chung, tương đồng về chức năng.  Dù bạn đang sử dụng Faceb...

[Mac OS] Cài đặt maven apache

Ngày tạo: 25/12/2016 Bước 1: Download maven apache từ liên kết:  https://maven.apache.org/download.cgi?Preferred=ftp://mirror.reverse.net/pub/apache/ Bước 2: Cài đăt biến môi trường: mở vào file .bash_profile thêm các dòng. (Nếu file chưa tồn tại thì tạo mới) $ vim ~/.bash_profile export JAVA_HOME=/Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home export M2_HOME=/Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 export M2=$M2_HOME/bin export PATH=$PATH:$M2_HOME/bin Bước 3 :  Restart Terminal, kiểm tra cài đặt thành công từ terminal bằng lệnh: $ mvn -version Trường hợp cài đặt thành công kết quả trả về như sau: Apache Maven 3.3.9 (bb52d8502b132ec0a5a3f4c09453c07478323dc5; 2015-11-10T23:41:47+07:00) Maven home: /Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 Java version: 1.8.0_60, vendor: Oracle Corporation Java home: /Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home/jre Default locale: en_US, platform encoding: UTF-8 ...

[PM4P] First step for reaching to PMP Certificate

27/07/2019: First step for reaching to PMP Certificate

Quản lý Session khi cấu hình dự phòng máy chủ sử dụng HAproxy

1.        Vấn đề Cùng một HTTP session có thể nằm trên nhiều kết nối TCP khác nhau. Trong điều kiện không sử dụng Load Balancer, sẽ không phát sinh các vấn đề về quản lý phiên – session. Thông tin session của tất cả người dùng được nhận biết thông qua một máy chủ duy nhất. Tất cả kết nối của Client đều được chuyển đến một máy chủ duy nhất. Ở chế độ dự phòng, khi người quản trị cài đặt nhiều hơn một server, vấn đề về quản lý session sẽ xuất hiện. Máy chủ ứng dụng có nguy cơ không thể access thông tin session người dùng. 2.        Phương án cấu hình dự phòng khi sử dụng session ·          Replication : Sử dụng cơ chế sao lưu session của web server để đảm bảo rằng tất cả các máy chủ ứng dụng thuộc cluster khác nhau đều có thông tin của Session. Một số web server phổ biến như tomcat đều hỗ trợ cơ chế replication session này. ·       ...