Hay tại sao Fsoft có thể chi 1.5m để mua 3ha đất ở Đà Nẵng xây campus khi doanh thu lúc đó chỉ có 9m và sau đó là xây campus ở khắp nơi.
Năm 2000
Có rất nhiều sự kiện lớn diễn ra với Fsoft vào cái năm 2000 điên rồ đó. Nhưng sự kiện mà tôi nhắc tới đây, chắc ít người biết
Tháng 9/2000 hai bác Phan Diễn (bí thư Đà Nẵng, ủy viên BCT) và Nguyễn Bá Thanh (chủ tịch ĐN, ủy viên TƯ) đến thăm HITC. Tại thời điểm đó Fsoft có không quá 100 nhân viên. Kỹ thuật non, và đặc biệt ấu trĩ về kinh doanh. Chuyến thăm đơn giản, thân tình, không cờ hoa chào đón. Hai ông đã biết TGB từ lâu vì cùng quê Đà Nẵng. Lần này các ông chỉ nhắc lại. Đà Nẵng muốn có một văn phòng y hệt thế này ở Đà Nẵng, rất mong FPT giúp đỡ. Thành phố sẽ hết lòng ủng hộ.
Tôi đã rất xúc động vì được tin cậy. Mà cũng có lẽ vì các bác ấy cũng không biết chúng tôi cũng đang sắp bước vào giai đoạn khó khăn, nuôi thân còn chẳng nổi, lấy đâu ra giúp đỡ Đà Nẵng. Nhưng ấn tượng tốt về những vị lãnh đạo giản dị và thẳng thắn vẫn còn lưu lại mãi. Sau này mỗi khi có đoàn lãnh đạo chính phủ đến thăm, thấy mấy tay trợ lý lăng xăng, làm ra vẻ quan trọng, rồi anh em phải chuẩn bị để báo cáo trình bày vẫy cờ hoa, tôi lại nhớ đến chuyến thăm đơn giản này.
Hai bác Diễn, Thanh bắt tay ngay vào việc. Nghị quyết của Ban thường vụ thành ủy ĐN ngày 3/10/2000 viết:
Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành một trung tâm phát triển về công nghiệp phần mềm của miền Trung và của cả nước. Thành lập Trung tâm công nghệ phần mềm, Trung tâm đào tạo LTV và Khu công nghiệp phần mềm.
Sự nghiệp XKPM Đà nẵng bắt đầu. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, cuộc khủng hoảng tại Silicon Valley đã quét sạch những hy vọng dựa vào các doanh nghiệp Việt kiều nhỏ để xây dựng một ngành công nghiệp mới. Nhưng khát vọng vẫn của các lãnh đạo vẫn còn nguyên!
Cũng trong năm 2000, Fsoft tiếp nhận một lập trình viên có kinh nghiệm, cũng từ Ngân hàng Công thương. Đó là Bùi Thiện Cảnh. Sở dĩ nói là “cũng”, vì năm 1992, một thanh niên tên là Trương Đình Anh đã đứng cổng nhà tôi gọi toáng lên là em phải sang FPT mới thành danh trong ngành CNTT này được. Và chỉ trước Cảnh ít lâu là Hoàng Mạnh Hùng, chuyên gia về Solaris. Sau khi tư vấn cho chúng tôi một hồi thì anh cũng quyết định chuyển sang hẳn. Họ đều là những “hạt giống” của Trung tâm CNTT Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Cảnh học chuyên toán đại học tổng hợp Hà Nội, đã có vị trí công việc vững chắc. Vợ đẹp con khôn. Kinh tế vững vàng vì anh đã xây và bán mấy cái nhà loanh quanh Hồ Tây. Anh tham gia Fsoft, vì muốn tham gia xây dựng một cái gì to lớn, để có chuyện mà kể với con mình sau này. Có vẻ nhưng những phát biểu của anh TGB trên TV đã có hiệu quả.
4 năm sau
Tháng 8, năm 2004, FPT mở văn phòng tại phố Trần Phú Đà Nẵng và cửa hàng bán điện thoại tại phố Nguyễn Văn Linh.
Nguyễn Bá Thanh lúc đó đã là bí thư thành ủy, được mời đến dự. Ông không hài lòng: tôi muốn cái văn phòng làm phần mềm ở HITC chứ không phải là cửa hàng bán điện thoại.
TGB lúc đó, rất thông cảm với Fsoft vì mới qua cơn thập tử nhất sinh, nhưng đành phải chia sẻ với tôi. Cuối năm 2003, Fsoft mới có doanh số khoảng 2.3m và nhân viên khoảng 150. Đà nẵng vẫn là một chốn hoang vắng.
Tôi hứa là sẽ suy nghĩ và ngay lập tức mang vấn đề ra cuộc họp BOM. Mọi người đều ngần ngại. Đà Nẵng khi đó thực sự vẫn là một thành phố không thân thiện, khá xa cách, ít đường bay, không nổi tiếng về đào tạo và đặc biệt là chưa có cơ sở nào dạy tiếng Nhật, thứ tiếng lúc đó đang trở thành cần câu cơm của chúng tôi.
Bùi Thiện Cảnh lúc đó đang là giám đốc G5. Như tất cả cácđơn vị của FSoft lúc đó. Các anh phải làm tất cả mọi việc để tồn tại. Tây, Ta chơi hết. Doanh số toàn G5 năm 2003 chỉ là 185k, không ngăn cản việc anh thấy đây là một cơ hội của chính bản thân mình.
Anh xin chúng tôi thời gian để tìm hiểu. Cuối năm đó, chiếc xe tiếp khách duy nhất của Fsoft lúc đó do lái xe Đông điều khiển, đã chở những nhân viên chủ chốt nhất của G5 đi “thực địa” tại thành phố Đà Nẵng. Không biết Cảnh đã nhìn thấy gì và đã nói gì với nhân viên của mình trong chuyến đi đó, khi trở về, anh xác nhận sẽ nhận nhiệm vụ và bắt tay vào lập kế hoạch. Anh em đồn ầm là anh đã tuyển được 2 nhân viên mới rất xinh đẹp ở Đà Nẵng là em Thảo và em Ngọc:-)
Đoàn Thị Mỹ Thường là một trong những người tiên phong của G5 khi đó. Em còn nổi tiếng là nàng thơ của Fsoft, cùng với SuNQ xướng họa tại HITC. Một câu thơ của em là:
Em là đàn bà nên nhẹ dạ, cả tin
Có thể vì nhẹ dạ, nên Thường đã theo Cảnh. Nhưng Hương, vợ Cảnh không nhẹ dạ như vậy. Con cái thì sao? Bố mẹ thì sao? Công việc của em thì sao? Rốt cục, tin chồng, chị cũng quyết định theo anh.
Cũng phải nhắc lại một chút, trong kế hoạch ban đầu của Fsoft, chỉ có 2 trung tâm phát triển là Hà Nội và tp HCM. Fsoft HCM được thành lập gần như cùng lúc với Fsoft HN. Chính trong buổi lễ ra mắt FS HCM, bài hát “Tiến lên vinh quang chúng đang chờ phía trước. Tiến lên toàn cầu đek biết gì cũng tiến.” đã được trình bày trước công chúng. Tuy nhiên vì tìm kiếm thị trường quá khó khăn, FS HCM giải thể và rút quân từ khu phần mềm Quang Trung về lại 41 Sương Nguyệt Ánh. Mãi đến tháng 4 năm 2004, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Thành Lâm, Trần Côi (đều xuất phát từ HCM) với Hoàng Thanh Sơn (một cao thủ cờ vua bị ép chuyển sang lập trình) mới “tái sinh” lại FS HCM với hai khách hàng chính là Unilever và Sanyo. Thế nên Đà Nẵng có thể coi là bước tiên phong trong việc thành lập chi nhánh trong nước, được gọi trong sơ đồ tổ chức của Fsoft là DB (Domestic Branch).
Đầu năm 2005, tôi đệ đơn lên HĐQT, xin phép được thành lập chi nhánh Fsoft ĐN, toàn bộ nội dung như sau, vẻn vẹn chưa đầy 1 trang A4! Chú ý là doanh thu Fsoft năm 2004 mới chỉ có 4.5m và tổng nhân sự là 300, trong khi đó FSDN đã cam kết cuối 2007 có 100 nhân viên. Đúng là “đek biết gì cũng cam kết”
Tờ trình về việc thành lập chi nhánh Đà nẵng
Kính gửi: Hội đồng quản trị công ty phần mềm FPT
Mục đích thành lập
Khai thác nguồn nhân lực tại chỗ do hơn 10 trường đại học khu vực Huế- Đà nẵng- Quy nhơn và mạng lưới Aptech đào tạo, giảm sức ép về nhân lực cho Hà nội và Hồ Chí Minh
Tận dụng lợi thế về chi phí thuê văn phòng, nhân công đầu vào và các ưu đãi mà chính quyền địa phương dành cho những nhà đầu tư mới. Dự kiến giá thuê văn phòng có thể giảm 30-50%. Nhân công có thể giảm 15%
Tạo sức hút cho các cán bộ CNTT có gốc từ Huế - Đà nẵng có điều kiện trở về quê hương làm việc
Thống nhất với chính sách phát triển miền Trung của tập đoàn
Tạo thêm giá trị cho các khách hàng đến làm việc tại Việt nam nhờ chính sách phát triển văn hoá và du lịch của địa phương
Quy mô và phương án thành lập
Dự kiến năm cuối năm 2005 sẽ có khoảng 50 LTV, trong đó khoảng từ 25-30 sẽ được chuyển từ Hà nội và HCM để tạo nòng cốt và có thể đi vào sản xuất ngay khi chi nhánh thành lập. Quy mô đầu tư ban đầu: 200K
Năm 2006, dự kiến nâng quân số lên 100 người. Năm 2007 200 người
Nhân sự
Dự kiến giám đốc chi nhánh: Bùi Thiện Cảnh, hiện là giám đốc G5
Lộ trình
Tháng 3: Khảo sát, xin phê duyệt chủ trương
Tháng 4:
Xây dựng chính sách
Tuyên truyền đến các nhân viên Fsoft,
Lựa chọn dự án chuyển cho chi nhánh
Lựa chọn địa điểm văn phòng
Tháng 5:
Xây dựng bộ máy chi nhánh tại Hà nội
Chuẩn bị văn phòng
Tháng 6
Tuyển dụng tại Đà nẵng
Hoàn thiện văn ph òng
Tháng 7
Bắt đầu hoạt động
13/8
Khai trương
Khởi đầu gian khó
Khai trương thì cứ khai trương. Nhưng những khó khăn thì mới bắt đầu. Không một khách hàng nào dám mạo hiểm tin tưởng một cơ sở mới. Họ đã phải bắt đầu với những hợp đồng bán bàn ghế cho Kepler, một công ty Rumani có ý định mở tại Việt Nam.
Lê Hà Đức viết: “tôi còn nhớ, khách hàng đầu tiên của FSOFT Đà Nẵng là Kepler, một công ty lạ hoắc đến từ Rumani. Chủ tịch Jean-Claude sau một chuyến đi tìm địa điểm outsource mới đã quyết định đầu tư 50K USD cho chúng tôi ở Đà Nẵng để cùng họ phát triển trong thời gian đầu. Đến bây giờ, có lẽ đó vẫn là những đồng doanh thu kì lạ nhất.”
Tuy nhiên, công ty phần mềm, chẳng nhẽ lại đi bán bàn ghế. Nguyễn Tuấn Phương kể: lúc đó Sumisho có 1 dự án rất khoai, có tên là WhiteBox phải test một sản phẩm lớn của họ, chỉ trong 3 tuần để kịp release. Không đơn vị nào dám nhận. FSDN đã nhận và hoàn thành xuất sắc với CSS là 98/100 điểm. Noboru – comtor của dự án nhớ lại: em sinh ở Nhật, tên là Việt, nhưng ở Nhật toàn gọi là Noboru. Thú thực là đầu tiên em định xin vào lập trình cơ, may quá lại thành BrSE:-)
WhiteBox Test là một thách thức về thời gian. Nhưng dự án của Old Republic Title Insurance (ORT) mới là thử thách lớn toàn diện cho FSDN. Đây là một công ty có bề dày hàng trăm năm đòi hỏi rất cao về nghiệp vụ bảo hiểm nhà đất. Công nghệ thì lại “độc quyền” của họ. Chúng tôi đã điều anh Phan Văn Hòa, lúc đó phụ trách nhóm công nghệ gọi là SOLAR (kiểu như VietLH và FSB bây giờ) làm quản trị dự án. Và nói với khách là quân tao toàn cỡ này trở lên. Tuy nhiên phát sinh vấn đề, Hòa đòi chuyển dự án ra Hà nội vì không tin là quân Đà nẵng có thể làm được. CanhBT kiên quyết giữ dự án này lại ĐN và tôi đã ủng hộ.
Trần Hữu Đức, PM của dự án lúc đó 25 tuổi kể: “Nghiệp vụ bọn em ú ớ. May có anh Nguyễn Đức Hiếu, từ nhà máy đường Lam Sơn chuyển sang, không hiểu thế nào mà anh học được nghiệp vụ khó như vậy. Technical Lead lúc đó có TrầnThanh Hùng, mới 23 tuổi, đã tìm ra được cả chỗ chưa hoàn thiện của công cụ của bạn là CSLA framework. Thời đó chạy vạy khắp nơi kiếm việc để FSDN nuôi đc ae giống hệt startup bây giờ, điểm tên có: sang Nhật - Hitachi SAS, MHTS, sang Úc bị Corearth quỵt tiền, sang Mẽo ORT, Courtrax. Hồi đó toàn nghĩ sao các a xui bọn e vào ĐN mà không cho việc, khổ thế :)) Giờ thấy thế hóa ra lại tốt.”
Tưởng là khó khăn nhất đã qua. Nhưng chưa hết. Nguyễn Thành Long, cánh tay phải của G5 phải quay về Hà nội, vì mẹ anh cho rằng không có tương lai gì ở Đà nẵng cả. Long đã chọn con đường sang Nhật và cũng rất thành công, tuy vẫn không nguôi áy náy vì bỏ anh em. Nhưng cũng có thể chính vì sự ra đi của em lúc đó mà các bạn trẻ như Lê Vĩnh Thành mới có cơ hội trưởng thành. Thành cũng mới 24 tuổi khi FSDN thành lập. Thành không thể ngờ rằng có một ngày em lại lãnh đạo FSU17 với hàng ngàn nhân viên. Đúng như Cảnh dự đoán, những chàng trai mới ra trường ngơ ngác vào FSDN lúc đó, sau này đều trở thành những lãnh đạo chủ chốt của Fsoft tỏa ra khắp đất nước và thế giới.
Trong một cuộc họp tại FSDN cuối năm 2006, tôi có hỏi: bọn em nghĩ rằng khi kỷ niệm 10 năm, FSDN sẽ có bao nhiêu người (lúc đó FSDN có khoảng 40 nhân viên). Người liều nhất lúc đó là Hoàng Thị Tố Nga, đã đưa ra con số 1000!
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập FSDN năm 2015, đã có 1500 nhân viên tham dự.
Giờ nhìn lại điều duy nhất chúng tôi như người lãnh đạo làm được cho Cảnh và anh em FSDN là đặt trọn niềm tin vào sự sáng suốt của họ trong việc ra quyết định cho chi nhánh.
Nhưng ngay cả với niềm tin mù quáng nhất, cũng làm chúng tôi ngỡ ngàng khi nhận được một đề xuất của Cảnh đầu năm 2006.
Đề nghị bất ngờ
Cảnh đề xuất bỏ tiền ra mua 3ha đất ở khu công nghiệp Masda để làm trụ sở. Chi phí khoảng 1.5 triệu USD. Điều đáng nói là doanh số Fsoft năm 2005 mới có 9.5 triệu đô. Còn FSDN thì đang chạy ăn từng bữa.
Như đã nhắc trong chương hai, “Tây du ký”, một trong những ấn tượng lớn nhất của chúng tôi trong chuyến đi thăm các công ty CNTT Ấn độ cuối năm 1998 là văn phòng đẹp mê ly của công ty Infosys.
Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi họ đã bắt đầu nghĩ đến chuyện xây dựng campus đó từ khi công ty mới có 250 người và doanh thu 8 triệu đô (khá tương đồng với Fsoft năm 2005). Họ lý giải cho chúng tôi rằng, một văn phòng được thiết kế và thi công ở chuẩn mực chất lượng cao nhất, là lời cam kết tốt nhất của công ty về chất lượng và tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt là ở các nước còn nghèo khổ như Ấn độ, Việt nam. Tóm lại không phải đợi giàu mới xây nhà đẹp, mà chính vì dám xây nhà đẹp nên mới giàu.
Vấn đề “tiền đâu” để xây, cũng được CFO của họ giải thích khá đơn giản. Đây mày phải tin là tòa nhà sẽ tồn tại ít nhất là 20 năm. Mà năm nào chúng mày cũng sẽ tăng trưởng ít nhất là 30%. Mỗi năm mày sẽ để ra khoảng 2.5% doanh thu cho văn phòng. Ghi vào cột này. Giờ mày cộng hết lại xem sau 20 năm thì chi hết bao nhiêu tiền cho văn phòng. Giờ dùng hàm NPV (Net Present Value) của Excel là mày biết bây giờ có thể đi vay được bao nhiêu tiền để xây nhà đẹp. Vow, nhiều phết.
Có lẽ vì thế chúng tôi bị ám ảnh giấc mơ văn phòng đẹp. Anh Hùng Râu còn mơ mộng hay là mình mua quách lại tòa nhà HITC ở Hà Nội để biến thành campus cho Fsoft. Đáng tiếc là giá họ đưa ra quá cao vả lại thủ tục rất lằng nhằng vì đầu tư nước ngoài nên ý tưởng bị gác lại.
Như trên đã nói, Cảnh ham thích xây nhà đẹp, thích bất động sản từ trước khi vào Fsoft. Và anh đã thấy cơ hội to lớn ở lĩnh vực này ở thành phố đang bắt đầu chuyển mình Đà Nẵng.
Bởi thế, sau khi nghe Cảnh đề xuất, Anh Hùng Râu, nổi tiếng ky bo, đã tham khảo tôi và ra quyết định đồng ý mua đất và chi tiền xây nhà rất nhanh, mặc dù a Bình thì luôn gạt đi, bọn em cứ làm thật tốt phần mềm, sẽ có người lo xây nhà.
Cảnh nhớ lại: “Em chẳng thấy có gì bất ngờ cả. Đất mua chỉ có lên thôi. Xây nhà thì em quen rồi. Khó khăn nhất là thuyết phục các anh tin rằng FSDN sẽ phát triển đủ nhanh để có người ngồi đủ những tòa nhà đó thôi.”
Tháng 1/2010, tòa nhà Masda được khai trương. Đẹp ngỡ ngàng. Có rất nhiều concept mới, như có nhà tắm, tủ quần áo cho nhân viên. Có căn hộ để có thể ngủ lại ở tầng 5. Thậm chí có cả điểm tập đánh golf, đỉnh cao của sang chảnh. Không một phụ huynh nào có thể tin được là con mình mới đi làm ngày đầu tiên đã có bức ảnh selfy đánh golf:-)
Lãnh đạo FPT khá bất ngờ. Vì xưa nay FPT vốn chỉ quen ở nhà thuê. Lý do chính là nếu so hiệu quả tài chính ngắn hạn, thì đi thuê luôn giúp công ty tìm được giá hợp lý nhất và chủ động được cashflow. Mặc dù văn phòng 37 Láng Hạ dù khá luôm nhuôm, đã bước đầu cho thấy rõ hiệu quả của một campus do mình tự xây dựng trong việc hình thành những giá trị dài hạn của văn hóa doanh nghiệp. Nhưng đó là sau này, còn lúc đó những con số lạnh lùng mới được tin cậy. Tòa nhà Masda bị phàn nàn là chỉ tiêu xây dựng có 3.7m/m2, Fsoft chi gần 8m/m2. (Cảnh giải thích nhầm là 370 đô:) Nhưng nhà đẹp quá, chẳng nhẽ đập đi.
Thực tế sau này đã chứng minh quyết tâm xây Campus của FSDN là một quyết định vô cùng đúng đắn. Có Masda, FSDN cất cánh.
Nhưng hiệu quả rõ nét hơn nhiều của campus mang lại thể hiện tốt nhất ở dự án Ftown- trụ sở của FSHCM
Công trình để đời
Đó là nhận xét của Phạm Minh Tuấn, giám đốc FSHCM giai đoạn 2004-2012 về công trình xây dựng trụ sở Ftown, tại khu CNC quận 9, tp HCM do Nguyễn Bá Nhị Anh, chánh văn phòng trực tiếp thực hiện.
Như trên đã nói, FS HCM được thành lập tháng 4/2004, sau khi FPT đã trả lại thành phố văn phòng được cấp tại khu Công viên phần mềm Quang Trung, do gặp khó khăn khi tìm kiếm thị trường. Ban đầu Fsoft HCM thuê văn phòng tại khu E-Town tại đường Cộng Hòa. Có thể nói đây là một dự án bất động sản công nghệ rất thành công của công ty REE.
Cụm E-town được REE khởi công xây dựng từ 2001 với tòa nhà E-town 1 được đưa vào sử dụng 11/2002 với 29480m2; Đến 2006, E-town 2 được khánh thànhvới tổng diện tích văn phòng cho thuê là 26.633 m2. Nơi đây được rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước chọn làm trụ sở vì gần như đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn của tòa nhà văn phòng hạng A trong khi giá thuê lại nằm ở phân khúc hạng B. Vị trí cũng khá thuận tiện vì cách 10 phút là đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Mặc dù cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 15km, nhưng tuyến đường xa lộ Hà Nội nổi tiếng với việc tắc đường và khói bụi, từ thành phố lên phải mất cả tiếng. Nên mặc dù FPT HCM được cấp 3 ha tại đó, và thậm chí đã bắt đầu giải phóng mặt bằng và thiết kế móng, không một đơn vị nào của FPT có ý định chuyển lên đó. Dự án vì thế bị đắp chiếu.
FS HCM đã phát triển tốt tại E-town. Nhưng việc khởi công tòa nhà Masda tại Đà Nẵng đã mang lại những ý tưởng mới cho lãnh đạo FS HCM. Họ cũng bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng trụ sở cho riêng mình. Và TuanPM đã nhận trách nhiệm với tập đoàn là sẽ tiếp tục triển khai dự án tại Q9 HCM. Họ áp dụng gần như trọn vẹn thiết kế của tòa nhà Masda, nên tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất là thuyết phục anh em bỏ chỗ sáng (E-Town) lên chỗ tối lúc đó là Q9. Xa xôi, bất tiện và chưa có cơ sở hạ tầng ở gần. Nên nhớ là E-Town lúc đó có thể coi là nơi hội tụ nhân tài. Nhân viên chuyển công ty như cơm bữa. Anh em nhân sự đồn là đi tháng máy từ tầng 1 lên tầng 7 là có khi đã thay đổi quyết định làm ở đâu. Bởi thế cái tin Fsoft chuẩn bị chuyển đi nơi xa xôi hẻo lánh là tin rất vui cho lãnh đạo các công ty khác ở đó.
Tôi cũng lo, hỏi Tuấn. Nếu trường hợp số lượng anh em bỏ cuộc quá lớn, bao nhiêu % thì bọn em giữ được không vỡ trận? Suy nghĩ một hồi Tuấn trả lời: nếu dưới 30% thì em nghĩ vẫn giữ được.
FSHCM đã triển khai một chiến dịch truyền thông và hỗ trợ toàn diện, gồm 3 thành tố
- Tương lai của công nghệ cao nằm ở Q9
- Công ty sẽ hỗ trợ xe buýt đi lại mát rượi wifi nét căng
- Và công ty sẽ hỗ trợ chi phí nhà ở cho nhân viên muốn chuyển lên ở Q9
Ngày 14/1/2011, trụ sở FS HCM được khai trương với tên gọi là F-Town để “tưởng nhớ” trụ sở cũ E-Town. Fsoft mất 25% nhân lực cứng, những người đã lựa chọn ở lại chỗ đã thân quen, không đồng hành tiếp cùng chúng tôi trên chặng đường “Đek biết gì cũng tiến.”
Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là năm đó, doanh thu của FSHCM không hề suy giảm và chỉ 1 năm sau đã trở lại đà tăng trưởng. Rõ ràng là hiệu ứng có được campus của riêng mình, được làm chuẩn chỉ, theo đúng những yêu cầu của mình, đã mang lại những giá trị cụ thể, như các đàn anh Ấn Độ đi trước đã chia sẻ với chúng tôi.
Đi trước về sau, giờ còn mỗi anh cả Fsoft Hà Nội là chưa có “nhà riêng”.
F-Ville Hòa Lạc
Như đã nhắc đến từ đầu cuốn sách, Dự án Khu CNC Hòa Lạc “trên giấy” đã dẫn dắt FPT đến với thị trường Nhật Bản. Còn trên thực địa, mãi đến năm 2010, hơn 1000 đất vẫn hoang vu, là chỗ để bà con trồng sắn và dê bò rong chơi. Nhưng tôi cũng hay dẫn khách hàng lên chơi đổi gió, một mặt ở trên đó gà rất ngon, mặt khác cảnh quan thiên nhiên xanh tốt cũng dễ làm dịu lòng các khách hàng khó tính. Chủ tịch Hitachi bảo tôi: chúng mày ngớ ngẩn à? Khu gì thì khu cũng phải gần sân bay cảng biển nhé. Ai quan tâm núi thiêng Ba Vì. Nhưng Jerome, đại diện của Neopost, thì sau này thừa nhận: một phần tao chọn chúng mày vì thích cái sự lạc quan “tếu” này đấy, một cái chỗ như vậy mà có thể tưởng tượng ra được là sẽ trở thành trung tâm công nghệ của Việt Nam.
Năm 2011, để cho khu CNC có bóng người qua lại, đích thân thủ tướng chính phủ lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cho Viettel và FPT phải tiên phong lên Hòa Lạc. Viettel, quen kỷ luật, đã xây ngay 1 tòa nhà rất cao trên đó, còn Đại học FPT, vốn đang thiếu chỗ trầm trọng, đã biến “vấn đề” thành “cơ hội” xin luôn 30ha đất làm campus và ký túc xá.
Riêng khu công viên phần mềm, “hạt ngọc” của Hòa Lạc, vẫn trống trơn.
Cũng năm 2011, tôi từ nhiệm chức TGĐ FPT, chủ tịch Fsoft, trở thành trưởng ban Xây dựng FSHN. Tôi biết việc xây trụ sở tại “trung ương” sẽ bị soi mói. Xây tòa nhà 17 Duy Tân đơn giản hơn rất nhiều mà một Phó TGĐ Tập đoàn cũng phải từ chức vì “uất ức”.
Học tập kinh nghiệm ĐN và HCM, tôi lựa chọn thành phần Ban xây dựng hoàn toàn Fsoft. Quản trị dự án là Nguyễn Thành Long, đã là GL G27 với triết lý: quản lý dự án xây dựng như quản lý dự án phần mềm. Thư ký dự án là Phạm Thị Thu Hà, vốn là thư ký của tôi. Và một thành viên rất “dị”: Đinh Chí Kiên trong vai trò giám sát. Tất nhiên chúng tôi phải đi thuê nhân sự cho đủ bằng cấp theo quy định của nhà nước.
Trách nhiệm của tôi là lựa chọn thiết kế và bảo kê, tức là nếu có sai sót thì phải nhận trách nhiệm. Vụ này tôi làm khá tốt, và đã bị “cảnh cáo” hai lần trong quá trình thực hiện dự án vì không làm đúng quy định xây dựng. May mà không nhận “hối lộ”, không thì cũng không biết thế nào.
Một trong những vi phạm đầu tiên là vi phạm quy chế đầu thầu chọn thiết kế. Từ khi xây nhà của riêng mình, tôi đã rất ngạc nhiên khi các công ty Việt Nam thường lấy phí thiết kế rất rẻ, thậm chí cho không. Trong khi đó trong một dự án phần mềm, thiết kế đúng là quyết định chất lượng sản phẩm. Còn nhớ KTS Đoàn Kỳ Thanh, đòi tôi phải đặt cọc 10tr mới thiết kế, điều mà tôi thấy rất bình thường, bị coi là “cực kỳ khó tính.”
Khi được mời tư vấn cho Khu công viên phần mềm, tôi đã gặp 1 công ty kiến trúc tên là G8Asia do 2 bạn Thụy Sỹ sang mở ở Việt Nam. Tôi có kể cho các bạn ấy về cách chúng tôi học được từ các làng nghề Việt Nam (trong chương 10). Các bạn ấy rất khá thú vị, và cho tôi biết, ở Thụy Sĩ, phí thiết kế có thể đến 16% giá trị công trình. Nên khi quyết định xây dựng trụ sở tại Hòa Lạc, tôi đã liên lạc lại Manu, giám đốc G8. Anh rất hào hứng vì có cơ hội biến những triết lý thành một công trình thực sự. Để hiểu rõ một ngôi làng Việt Nam, tôi đã yêu cầu anh và đồng nghiệp nghiên cứu làng Đường Lâm, cũng ngay gần đó.
Manu và các đồng nghiệp đã trình lên một bản thiết kế chẳng thấy “làng quê” đâu cả. Anh giải thích, đây là một văn phòng làm việc tiêu chuẩn quốc tế nên những yếu tố như mái đình cong cong, đường làng rêu phong không phù hợp. Cái chất “làng quê” phải nằm ở cái hồn của tòa nhà.
- Đó là sự ngoắt ngoéo của đường làng
- Là ánh nắng chiếu những “hạt lúa” lên cánh đồng “sàn” nhà mỗi khi sáng sớm hoặc chiều về
Tôi có nói với Manu, “linh hồn” thực sự của ngôi làng Việt Nam là ngôi đình. Anh hiểu và đã đưa concep này vào trong thiết kế. Bạn nào đến thăm F-Ville 1 nếu tinh ý, cũng có thể nhận ra khu “đình” này.
Nhưng quy định đấu thầu của công ty phải có 3 nhà cung cấp, nên chúng tôi vẫn phải tổ chức chọn thầu. Và cuối cùng chúng tôi đã chọn nhà cung cấp có giá cao nhất. Và đó là lý do tôi bị cảnh cáo lần đầu tiên.
Ngày 13/11/2013, F-Ville, ngôi “Làng phần mềm” trong mơ của chúng tôi, được chính thức đưa vào sử dụng. Biểu tượng của Fsoft, anh nông dân Cuder chăm chỉ cày cuốc trên những “cánh đồng số”, được rước về đặt trên nền sân gạch trước một cánh đồng nhỏ, nhưng luôn thơm mùi lúa.
FPT City và AI Valley Quy Nhơn
Cũng giống như việc đào tạo nguồn nhân lực cho Fsoft mở hẳn được một hướng kinh doanh mới là FPT Education, những nỗ lực xây dựng campus đã mở ra cho FPT một hướng làm bất động sản mới bền vững: xây dựng các đô thị trí tuệ, xung quanh hạt nhân là Fsoft và FU (FPT University) và sau này là Fschool.
Cảnh thực sự làm mọi việc vì Đà Nẵng. Anh thuyết phục chúng tôi xuất toàn bộ hóa đơn từ Đà Nẵng để thành phố có thể hoàn thành những mục tiêu về XKPM từ những năm 2000. Anh nhận trách nhiệm làm chủ tịch hiệp hội các công ty CNTT tại Đà Nẵng. Vì thế rất được chính quyền thành phố yêu quí và vị thế của FPT được nâng cao. Và chính bác Bá Thanh đã gợi ý để FPT có thể xây dựng một khu đô thị thông minh, có tên là FPT City đổi lại việc giúp đỡ thành phố xây dựng bệnh viện Ung bướu.
Năm 2010, Cảnh được điều chuyển sang làm giám đốc dự án FPT City, mặc anh ra sức phản đối vì còn quá gắn bó với FSĐN. Anh dẫn tôi đi thăm khu đất vẫn còn là các cánh đồng lúa, đầy cát, các nghĩa trang và những nấm mồ vô chủ, say sưa nói về một khu tiểu đô thị văn minh, như cách Phú Mỹ Hưng đã cải tạo hoàn toàn bộ mặt khu Nam Sài Gòn. Cảnh chắt chiu từng đồng để đền bù, tính toán từng mét khối đất để san nền, chọn từng cái cây để trồng làm đường, tìm bằng được kỹ thuật xử lý nước thải để có thể uống được… FPT City giờ đã ra dáng một khu dân cư văn minh, và mang lại một nguồn lợi tài chính to lớn cho FPT.
Trên những kinh nghiệm đó, năm 2018, FPT đã đề xuất với chính quyền thành phố Quy Nhơn ý tưởng xây dựng Thung lũng AI, theo mô hình Thung lũng Silicon, với khu đô thị lấy trung tâm là Fsoft AI Center Qui Nhơn QAI và Đại học FPT. Trong năm nay 2023, Fsoft sẽ khởi công xây dựng tại đây Trung tâm đào tạo của mình, bắt tay thực hiện giấc mơ Mysore đã được nhắc đến trong chương 9.
Bình luận
Tòa nhà Masda giờ đã quá nhỏ bé, Fsoft Đà Nẵng gần như đã chuyển hết hơn 5000 nhân viên của mình sang F-Complex, một khu tổ hợp văn phòng, hình trống đồng nếu nhìn từ trên cao nằm trong FPT City Đà Nẵng.
Tại HCM, Ftown 2 được khánh thành năm 2014 nối với Ftown1 bằng một cây cầu kính. Năm 2019, Ftown 3 có diện tích sử dụng 69000 m2 chứa trong mình cả một khu rừng nhiệt đới, bắt đầu đón nhân viên mới.
Tại Hòa Lạc, nối tiếp F-Ville 1 làng quê là F-Ville 2 với chủ đề phố phường Hà Nội và cuối năm nay sẽ khai trương F-Ville 3 mang tên là Infinity mang trong mình giấc mơ không giới hạn của các lập trình viên Việt Nam.
Tiếng Việt có câu “An cư lạc nghiệp”. Những người tiên phong ở Fsoft như Bùi Thiện Cảnh, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Bá Nhị Anh, Nguyễn Thành Long và bây giờ là Nguyễn Khải Hoàn đã tạo được những công trình không chỉ đẹp về kiến trúc mà là còn những không gian sống đậm chất văn hóa Việt Nam mà vẫn tuôn theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất. Họ đã biến những khẳng định của các đàn anh Ấn Độ: “xây được nhà đẹp thì sẽ giàu” chứ không phải là “giàu mới đi xây nhà đẹp” thành thực tế ở Việt Nam.
Nguồn tác giả: facebook Nguyễn Thành Nam - Former ceo FPT
Nhận xét