Chuyển đến nội dung chính

Sách: "Đêk biết gì cũng tiến" - Chương 16: Ngôn ngữ của lãnh đạo

 Nguồn tác giả: facebook Nguyễn Thành Nam - Former ceo FPT

Như được miêu tả trong chương trước, từ ngày 16/10/2011, Hoàng Nam Tiến thay tôi làm chủ tịch, người đại diện hình ảnh cho Fsoft còn Nguyễn Thành Lâm thay Bùi Hồng Liên làm TGĐ trực tiếp điều hành công ty. TienHN nhân vật mới của Fsoft nhưng lại cũ với FPT và những gắn bó từ những ngày đầu. Nhân vật cũ của Fsoft nhưng lại là làn gió mới LamNT. Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã kết thúc và mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Cách nghĩ Think Big và sự quyết liệt trong thực thi của đội lãnh đạo mới đã giúp Fsoft thực sự “lột xác”.
Con người
Hoàng Nam Tiến, aka Tiến béo
Tiến vào FPT từ năm 1992, nhưng không nhiều dịp giao lưu vì hắn bên thương mại, quen ăn nói sang sảng, nhà hàng quán xá không chỗ nào không biết. Anh em tôi kỹ thuật thì lắm trò nghịch ngầm nhưng về cơ bản là hèn, gặp chỗ sang trọng là rúm ró.
Cho đến lúc tôi bị giúi cho việc xuất khẩu phần mềm. Mồm hô hào, nhưng thực ra bí bỏ mẹ, biết làm gì đâu. Hắn bảo, em có cô thư ký tiếng Anh rất giỏi, TOEFL hàng đỉnh, nhưng anh chắc cần hơn em nhiều. Thực tế là gần như 6 tháng đầu chúng tôi chẳng làm gi ngoài học tiếng Anh từ cô thư ký của hắn gửi sang. A friend in need is a frend indeed!
Rồi hắn hay sang kể chuyện, đi tour mô- tô với bọn Tây xuyên Tây nguyên. Tại sao anh em mình không làm thử cái gì đó. Thế là chúng tôi tổ chức đi về nguồn. Đi đến những địa danh mà chúng tôi thuộc lòng từ tuổi thơ ấu, chứ không phải là những chỗ mà Vietravel chào mời! Từ “nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát” đến “Cửu long giang sóng trào nước xoáy”. Từ mộ “Kim Đồng quê hương Việt bắc xa mù” đến “Hòn Đât quê nhà Chị Sứ”. Từ “Đông Hà, Ngô Xá, Thủy Ba, Bích La Triệu Phong” đến ngôi làng có “Mùa hoa lê ki ma nở”. Từ trận địa của “Nguyễn Viết Xuân, anh lại đứng bên tôi nhằm quân thù mà bắn” đến những con đường trên Trường sơn Tây “Nước khe cạn bướm bay lèn đá”.
Năm 2001, chúng tôi rủ nhau leo Fanxipan, chỉ vì có ông bạn Mã Lai hỏi thăm để con gái ông ta sang trèo. Chứ có đứa nào biết mặt mũi cái đỉnh núi nó thế nào đâu. Cả bọn quần bò, áo sơ mi trắng, giày adidas, laptop, điện thoại như đi hội nghị. Vì tự ái nên quyết không bỏ về. Hắn nặng nên leo ì ạch. Đến đỉnh gần cuối, hắn bảo: em có thể theo leo được nhưng sẽ làm chậm đoàn, đến nơi thì trời sẽ tối, không xuống kịp lạc đường chết lạnh. Các anh em cứ đi. Em đành về trước, cơm nước đợi mọi người. Đúng như hắn dự đoán, kể cả khi không có hắn, chúng tôi về đến trại thì trời đã tối mịt. Hắn đã đứng đợi bên suối mừng tủi: em khấn cho cả đoàn suốt từ lúc về. Đêm nằm cạnh tôi, hắn buồn bã: "đời em chắc sẽ không bao giờ leo lên được Fan nữa”. Rất ít người dám từ bỏ như vậy.
Những ngày đầu khó khăn của Fsoft, hắn dẫn tôi sang Singapore, hy vọng sẽ sử dụng kỹ năng buôn bán giúp tôi bán được những dòng code ngọng ngịu của các lập trình viên thừa nhiệt huyết nhưng còn rất thiếu kinh nghiệm. Bạn bè làm ăn bảo hắn: mày xuống dốc đến mức phải đi bán phần mềm rồi cơ à? Tất nhiên là bán mãi không được. Ăn mãi cũng chán. Hắn an ủi, thôi để em đi buôn ít phần cứng bù lỗ cho chuyến đi.
Tiến con nhà binh. Bố anh, tướng Hoàng Đan, đã dẫn cậu con trai còn nhỏ đi khắp các chiến hào biên giới. Ông cũng đã dạy chúng tôi những điều cơ bản về đạo làm tướng: “vinh dự nhất của người làm tướng là được sánh vai với anh em trên chiến hào!”
Nên khi bàn giao, tôi chỉ dặn: anh em là nguồn tài sản quí nhất, càng đưa được nhiều anh em ra nước ngoài để chấp nhận thách thức với thế giới càng tốt. Cuộc chiến này không giống với các cuộc chiến của thế hệ trước. Càng vào trận chúng ta sẽ càng trưởng thành.
Nguyễn Thành Lâm
Lâm thì khác, anh thuộc thế hệ gia nhập Fsoft sau khi thành lập 1999, xuất thân kỹ thuật và được đào tạo chuẩn mực tại Đức. Như bất cứ lưu học sinh Đức, anh rất thích uống bia và hát chế. Anh đã truyền cho Stico những ca khúc bất hủ như “Thấyem một mình” hay “Đêm nay ta ngồi cùng nhau ta uống rượu”. Tôi thì lại nhớ nhất liên khúc không hề chế tí nào “Hát cho dân tôi nghe – Tổ quốc ơi ta đã nghe – Dậy mà đi”. Còn uống bia, thì đáng nhớ nhất là khi chia tay anh năm 2015, anh em Fsoft đã dùng các nắp chai bia để ghép thành một bức chân dung lớn tặng anh.
Lâm trải qua những ngày đầu gian khó nhất của Fsoft với các cương vị khác nhau. Anh là một trong những onsiter đầu tiên của Fsoft cho dự án An Tran tại Mỹ. Anh cũng phụ trách các dự án thử nghiệm đầu tiên cho NEC với cái giá rất bèo bọt. Rồi cùng về xây dựng FSHCM với TuanPM, phụ trách phát triển các khách hàng Nhật Bản. Năm 2006, Lâm được cử sang chỉ huy toàn bộ đội onsite của dự án Petronas và là yếu tố không thể thiếu cho sự thành công của chiến dịch P1. Nhật Bản khó khăn, anh được điều sang giúp và sau đó là thay Liên làm giám đốc FJP khi Liên trở thành CEO Fsoft. Anh là cánh tay phải của bác Ogawa khi bác nhận đứng ra gánh vác FJP. Giai thoại về Lâm có nhiều, nhưng với chúng tôi, vụ đi BrSE sang Sanyo của anh đã trở thành bài học kinh điển.
Thời đó, còn e dè nên chúng tôi chưa dám thừa nhận là kỹ sư mình không biết tiếng Nhật nên khi khách hàng yêu cầu cử một kỹ sư sang onsite, Lâm đã đề nghị cử hẳn 2 người. Và anh đã đi cùng với chị Phạm Thị Diễm Loan. Một cặp PM- comtor. Khi đi họp thì Lâm ngồi im gật gù, còn Loan dỏng tai nghe ngóng hỏi han. Tối về thì hai anh em họp lại để Loan truyền đạt thông tin và Lâm giải thích cho Loan các vấn đề cần phải tìm hiểu. Hôm sau lại lặp y như vậy. Được một thời gian. Đến khi đi nhậu thì bị lộ. Chẳng biết các anh làm thế nào bạn biết chuyện, không trách mắng mà còn đồng ý trả tiền cho cả 2 người. Mối quan hệ giữa PM-Comtor ngày càng bền chặt.
Tuy gần gũi anh em, nhưng Lâm nổi tiếng là nghiêm khắc và đòi hỏi, có lẽ là ảnh hưởng của kỷ luật kiểu Đức. Xin trích ra đây một đoạn mail của anh “mắng mỏ” các lãnh đạo kêu ca, xin để nguyên bằng tiếng Anh:
“Unfortunately I also heard some comments that makes me think about the effectiveness of our investment for the ME, at least partly. Some people said “too tired” and/or “cannot understand”. Some said “not so exciting as Europe”. Well, “too tired” is exactly the same thing all of our onsiter have to overcome when they come to the US and have customer meeting the same day or next day, so you as manager shouldn’t complain, especially when you all have one day to rest.
“Cannot understand” because people talked about topics not related directly to your daily work. Well, that‘s also exactly the purpose of ME, here we don’t just talk about daily work. We try to give everybody new perspective. The exposure to something new happens all the time in your work. You can either try to learn to cope with, or give up into your snap, what ‘s your choice?
“Not so exciting as Europe” is true in term of historical architecture, but there are lot of other things there. Where else in the world can you see all the advertising billboard along the highway display “Mobile development”, “Cloud Platform” or “Machine learning”? Don’t you sense the energy in the air? We are witnessing a technology revolution, and the good thing about technology is as Paul Vivek said “very few people understand it”. We don’t want to be one of those few?
Also in all the sessions if you pay attention enough, there are points to think about. For example the IDC analyst ‘s recommendation that we should focus on Big Data first, and among Big Data, there could be opportunities for us in data management, data preparation services. Or in Malay ‘s intentionally provocative statement that “we don’t have delivery manager, we have only resource manager” etc. So for those who think that you don’t learn here, you should really ask yourself the question whether you belong here in the first place.”
Tiến đã lập đại công trong chiến dịch doanh thu 1 tỷ đô năm 2008, khi đơn vị của anh lãnh đạo FDC, chiếm gần 2/3 doanh thu và 38% lợi nhuận toàn tập đoàn. Ở cương vị mới, anh có thể đặt những mục tiêu lớn lao, thuyết phục khách hàng và thổi lửa cho anh em. Nhưng Fsoft lúc đó là một đơn vị kỹ thuật, tổ chức tuy đã thành hình hài, nhưng vẫn còn khá “teen” chưa ổn định, cần phải có người rất hiểu bản chất của nghề và có đủ bản lĩnh để bảo đảm các bước đi chắc chắn. Nên tôi và Liên đã hoàn toàn đồng ý với nhau là Lâm là người tốt nhất để bổ sung cho Tiến.
Có chút rắc rối là Lâm chính là em ruột tôi. Nhiều người, trong đó có Đình Anh, lúc đó đã là TGĐ đã phản đối quyết liệt, vì chủ nghĩa gia đình anh em bè phái. Nhưng đối với tôi, Fsoft cần thêm thời gian để vững vàng, nên tôi chấp nhận bị hiểu nhầm, nhưng không nhượng bộ.
Cuối cùng anh TienLQ can thiệp nói: cứ để Lâm làm đi, anh em càng dễ đuổi nếu nó không làm được. Anh em cười xòa, ĐA chấp nhận nhưng vẫn ấm ức.
Thực tế cặp Lâm Tiến tuy không thân thiết, nhưng bổ khuyết và kính trọng nhau. Và Lâm cũng không định làm lâu, đến hè 2015, khi anh rời vị trí, Fsoft thực sự đã trưởng thành.
Việc đầu tiên họ thể hiện sự thống nhất, làm lớn. Đó là quyết định chỉ tổ chức các chuyến ME ở nước ngoài. Với triết lý “lên đời” phải đi để hiểu thế giới.
Năm 2012 Bali, Indonesia
Năm 2013, Sydney, Australia
Năm 2014, Prague, Czech
Năm 2015, SanFrancisco, USA
Vậy ME là gì?
Lịch sử ME
1/ Lần đầu
ME viết tắt của chữ Management Escape là một truyền thống ở Fsoft, hàng năm anh em ban lãnh đạo rủ nhau trốn đi một chỗ nào đó, tám trên trời dưới biển. Một kiểu Hội nghị chiến lược mà thường là chẳng có chiến lược gì. Nhưng cũng có thể coi bàn gì cũng là chiến lược. Nơi các lãnh đạo được thoải mái lựa chọn ngôn ngữ để giao lưu với nhau.
Lần đầu là năm 2002, khi công cuộc XKPM đang khá bế tắc. Mỹ hầu như không có việc mặc dù bỏ cả tấn tiền thuê hẳn giám đốc bán hàng Mỹ trắng. Nhật phập phù. Tất cả trông cậy vào G1. Còn lại là đi kiếm thêm bất cứ việc gì cho anh em làm như FHR, PO cho FIS. Anh TiếnLQ động viên: “em cứ giữ lấy đội key, sẽ ổn thôi”. Đó cũng là phương châm hành động của Fsoft trong suốt thời gian khó khăn đó, và tiếp tục cho đến tận bây giờ
Nhóm BOM (board of management) hồi đó gồm có LienBH, PhuongNL, AnhHV, CanhBT, LamNT, TuanPM, QuynhND, HungHM, DatPP, Hùng Râu. Tôi nghĩ cách tốt nhất để anh em gắn bó lúc này là đi chơi với nhau. Và Management Escape (ME) ra đời từ đó.
Tháng 7/2002 chúng tôi quyết định đi Campuchia. Và đi bụi, tức là chỉ mua vé máy bay một chiều đến Siemriep. Không cần xin visa, book khách sạn, tour quái gì cả. Tinh thần đến đâu lo đến đấy. AnhHV được phân công lo vi sa chỗ ở, CanhBT lo phương tiện đi lại, ăn uống thì có Hương, vợ Cảnh và em Hiền bạn Hương chịu. LamNT lo đi chơi buổi tối. Tôi được coi là người chịu trách nhiệm về chương trình tham quan làm việc. Như thường lệ tôi rủ con gái Siren đi cùng. Lúc lên đường, ĐatPP, HungHM lại có việc riêng nên không tham gia chuyến đi này.
Buồn cười, đến sân bay, việc đầu tiên là phải xin visa. Việt Anh thu hộ chiếu của cả bọn rồi xếp vào 1 hàng dài rồng rắn. Giá $20 một dấu. Đang đứng thì có một chú công an cửa khẩu ra hỏi bằng tiếng Việt: chúng mày có thích làm nhanh không, $25 một hộ chiếu thôi. Bản tính chen hàng trỗi dậy, anh em đồng ý ngay. Chú ấy thu tiền rồi mang cả chồng hộ chiếu đi đâu đó. Một lúc lâu, vừa vặn lúc chúng tôi xếp hàng đến nơi, mới thấy chú ấy xuất hiện lại, báo đến lượt chúng mày rồi. Thế là chú ấy kiếm $50 (đoàn có 10 người) mà không phải làm gì. Anyway, đầu xuôi hy vọng đuôi lọt.
Bước ra cổng, cả một dàn cò khách sạn chào đón, giá cả thì thôi rồi, từ $1/đêm đến $20/đêm. Việt Anh đang lo, mừng rú, chọn ngay loại $10. Khách sạn 3 sao, 2 tầng nhà gỗ, khá ổn. Chú cò khách sạn nhận luôn làm tour guide với giá $25/ngày. Cả bọn thấy tự tin hơn hẳn vì hai việc tưởng là khó nhất lại có thể hoàn thành nhanh thế.
Thế là quyết định đi ăn tại nhà hàng chắc là xịn nhất lúc bấy giờ. Món ăn Campuchia lai giữa VN và Thái nên rất dễ ăn, lại có các vũ nữ múa Apsara, thật chẳng khác nào đế vương. Đêm đó, cả hội chia làm 2 đoàn, 1 do LamNT dẫn đi khảo sát Siemriep by night, hội còn lại về ks đánh bài rồi đi ngủ.
Sáng hôm sau, sau khi chén hủ tiếu Nam Vang (hóa ra Nam Vang chính là tên thủ đô của Campuchia) của chị chủ quán người Việt, chúng tôi thẳng tiến tới Angkor Wat.
Choáng, đó là cảm giác đầu tiên của tôi, 5 tòa tháp sừng sững. Cả một khu thành trầm mặc tưởng như đứng đó đã hàng ngàn năm (và thực sự đã đứng đó ngàn năm thật). Cả về quy mô lẫn sự cổ kính đều vượt quá trí tưởng tượng của chúng tôi.
Chúng tôi cặm cụi đi, sờ mó từng viên đá, leo từng bậc thang, lang thang sang Angkor Thom để chiêm ngưỡng một kinh thành hoang tàn, dán mắt vào những gương mặt cười Bayon nổi tiếng như La Jocond. 5h chiều, chúng tôi hối hả chạy ra cổng để có thể kịp leo lên đỉnh Bakheng ngắm mặt trời lặn trên nền Angkor Wat. Rất tiếc là dù chạy hồng hộc, lên được đến nơi thì mặt trời đã lặn mất rồi, chỉ còn có nên trền ửng hồng in dấu những ngọn tháp sẫm. Rách việc, QuynhND quay ra tán gẫu với mấy vị sư, cực kỳ ngưỡng mộ khả năng ngoại ngữ (tiếng Nhật) của họ vì lúc đó anh cũng đang tập tọe học tiếng Nhật để đi khách.
Ngày thứ ba, chúng tôi quyết tâm đi núi Kuleng là nơi cung cấp đá cho đại công trường Angkor ngàn năm trước. Càng đi sâu vào rừng già, gập ghềnh quanh co, càng thấy sự vĩ đại của quần thể. Theo lời của chú guide, có đến hơn 290 đền thờ khác nhau. Muốn leo đển đỉnh Kuleng phải lội theo một con suối có tên là Ngàn Cu (dưới lòng suối có đúng 1000 hình tượng sinh dục đực linga). LamNT dẫn một hội ra tắm truồng dưới thác để hy vọng được tăng thêm sức mạnh. Chiều cả bọn lại hối hả về, quyết tâm ngắm bằng được hoàng hôn. Nhưng nhân định chẳng bằng thiên định, một trận mưa như trút đã làm cả lũ đành phải tưởng tượng hoàng hôn trong mưa
Ngày thứ 4, để lại Angkor cổ kính đằng sau, chúng tôi lên tàu đi Biển Hồ đầy rẫy cá tôm, xuôi theo dòng Tonle Sap hòa vào sông Mê kong cuồn cuộn đổ về Phnompenh. Chú em của chú cò ở Siemriep ra đón, dẫn đến một khách sạn có giá $30/đêm cho 6 giường. Chú vui vẻ giới thiệu: chỗ này tuyệt vời đấy, vừa mới bị đánh bom tháng trước nên mới có giá rẻ như vậy!!! Đúng là mặt tiền của khách sạn đang bị phá nham nhở thật.
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm bảo tàng Killing Field với 1 tháp cao ngất đựng đầy đầu lâu kinh dị. Trong những hố chôn người cũ vẫn thấy còn sót lại vài mảnh quần áo cũ, thậm chí có thể 1 khúc xương. Tôi thủ 1 tàu lá thốt nốt có cuống sắc như dao, nghe đồn trước đây được Khome đỏ dùng để cắt cổ nạn nhân. Chúng tôi quay về bảo tàng lịch sử Khme để chiêm ngưỡng sự vĩ đại của vương quốc Khme vào thế kỷ 12-13, gần như bao trùm toàn bộ Nam Lào, Thái lan và Nam bộ. Từ đó đến năm 1975, dân tộc vĩ đại này đã trượt dài đến bờ vực của sự diệt chủng.
Sáng ngày thứ 5, CanhBT mặc cả thuê được 1 chiếc xe 24 chỗ với giá 3m VNĐ chở thẳng về HCM. 220 km qua những cánh đồng xơ xác, những xóm làng tiêu điều, vắng bóng người. Thi thoảng mới thấy những khẩu hiệu kèn trống, cổ vũ cho cuộc bầu cử sắp tới giữa đảng Funcipec và phe ta (tức là đảng của Hunsen). Đường xóc, mệt nhoài. Về đến Mộc Bài tất cả tươi tỉnh hẳn vì được chiêu đãi món bánh tráng Trảng bàng ngon nổi tiếng. Hơn 1h sau, chúng tôi đã có mặt ở Sài gòn, kết thúc một chuyến đi đầy cảm xúc.
Chuyến đó về bị tập đoàn kiểm điểm là đang khó khăn mà lãnh đạo lại bỏ đi chơi. Chúng tôi cãi là đi học. Qua mấy ngày, cảm thấy gần nhau hơn rất nhiều và thực tế là cũng học được khối thứ! Ít nhất là quyết tâm học tiếng Nhật bằng các vị sư.
2/ Thi thoảng có chiến lược
ME nói chung đi chơi (Escape) là chính. Nên hỏi năm nào, mọi người chỉ nhớ đi đâu, chứ không ai nhớ là bàn chuyên gì. Nhưng thỉnh thoảng cũng có chiến lược. Lần đó là hè năm 2004, chúng tôi đi Đà lạt theo đường Trường Sơn phía Nam, thăm Tây Nguyên.
Lần này tướng lĩnh đã có vẻ đông hơn. Có HoanQL trưởng nhóm JCT, HoànNK mới được bổ làm KTT, LongNT vice GL G5, CuongDD Vice GL G1 là tham dự lần đầu. Kỷ niệm 5 năm thành lập Fsoft, chúng tôi mời một số bạn bè đi cùng, cuối cùng chỉ có Hưng đỉnh nhận lời. Rủ thêm em HongDTT (lúc đó đang là thư kí cho G8) làm chân chạy.
Sau năm 2003, có vẻ tin chắc là sẽ không chết, nên thuê hẳn tour guide của Vietravel. Chú guide ra đón gặp bọn tôi mặt buồn lơ: thế này thì chết em rồi, cứ tưởng khách quốc tế. Quốc tế thì khác đ gì, yên tâm đi, bọn anh sẽ trả đầy đủ. Không, anh hiểu nhầm em rồi, dẫn khách quốc tế nhàn hơn nhiều, gặp con trâu thì chỉ cho bọn nó bảo đây là con trâu, gặp bụi tre thì bảo đây là bụi tre... chứ còn dẫn bọn anh thì biết nói gì bây h. Em là dân văn khoa Huế, ngoại ngữ tít, nhưng đã đi Tây Nguyên đâu bao h đâu! Sau này mới thấy chú này đúng là đếch biết gì thật. Ngoài việc dạy cho chúng tôi một bài hát rất hay của chế độ trước: “toàn dân biết ơn Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muốn nằm, Ngô Tổng thống muốn nằm”, thường phải hát trước khi xem phim trong rạp thời Ngô Đình Diệm.
Cả bọn bay đến Huế, rồi chạy ra Quảng Trị đón Hùng Râu đang về quê. Ăn trưa xong, chúng tôi nhằm hướng tây thẳng tiến Trường sơn. Quốc lộ 49 ngoằn ngoèo bám theo dòng sông Hương, chạy qua những khu lăng mộ hoành tráng của Gia long và Minh mạng, hai vị vua đã có công lớn trong việc thống nhất và mở mang bờ cõi Việt nam đầu thế kỷ 19 (nghe đâu là Việt nam thời Minh mạng có diện tích lớn nhất từ xưa đến tận hôm nay), đâm lên dãy Trường sơn hùng vĩ.
Khoảng 4h chiều, chúng tôi đã chạm chân vào đường Trường sơn huyền thoại ở phía nam thị trấn A Lưới thuộc thung lũng A Sầu, nơi đã từng nổi tiếng với những trận chiến đẫm máu để giành giật quyền kiểm soát đường Trường sơn, trong đó trận đánh chiếm đồi “Humberger Hill” tháng Năm/1969 được giới sử gia quân sự coi như bước ngoặt của cuộc chiến. Thung lũng bây giờ khá yên tĩnh, một cửa khẩu nhỏ sang Lào với lá quốc kỳ tung bay như hứa hẹn một tương lai mới. Nhưng ít ai biết rằng rất nhiều nơi trong thung lũng này, nồng độ dioxin trong đất, nước và môi trường còn vượt hơn 500 lần mức độ cho phép.
Chưa kịp thở hít khoan khoái cho đã rừng núi Trường sơn, thì xe vấp ngay phải một bãi đất lở khổng lồ. Tiến lui, chừng 30’, trời đã tối om, bác tài nằng nặc đòi quay về. Đành chịu. Tôi quyết định về thẳng Đà nẵng, sáng mai kiếm đường khác. Tâm trạng chán nản, rừng núi trở nên âm u, ma quái. Chú guide Viettravel lo sốt vó, làm sao phải kiếm chỗ ngủ cho gần 20 mạng bất ngờ thế này. Đợi cho chú thực sự vã mồ hôi hột, mới thấy LiênBH điềm nhiên rút điện thoại di động ra lệnh: “anh X, lo cho bọn em chỗ ăn ngủ cẩn thận nhé, T64 hả, sát bờ biển? cũng được, thế thế...” Rồi phẩy tay bảo chú kia không phải lo nữa. Đúng là phong cách đại tỷ. Hơn 9h đêm mới về đến Đà nẵng, chúng tôi được anh X đón tiếp hết sức chu đáo. Sau một trận đánh chén tưng bừng trên một quán ven biển, anh em quên hết Trường sơn. Cần gì phải đi đâu nữa, ở đây cũng tốt chán.
Không được, Escape mà. Sáng sớm hôm sau, cả bọn lại lên đường, xuôi quốc lộ 1A rồi theo quốc lộ 4E bắt lên đường Trường sơn ở ngã ba Làng Hồi, gần Khâm đức. Để tránh khoảng 1 km đất lở, chúng tôi đã phải đi vòng gần 300km để bắt vào với Tây nguyên
“Trên đất nước ta bây giờ tìm đâu ra được một người không từng nghe nói đến cây kơnia, không biết cây kơnia, dẫu chưa từng tận mắt nhìn thấy nó. Có lẽ nói thế này cũng không sai, không quá: mỗi người Việt Nam hôm nay đều có một cây kơnia “của mình”. Rất chung của đất nước và rất riêng của từng tâm tư...” - Nguyên Ngọc
Bài hát “Bóng cây Kơ nia” là tuyệt tác tâm đắc của Hưng đỉnh, nên ngay từ ngày đầu chúng tôi đã hỏi rất nhiều người, nhưng chẳng ai biết có thể tìm được cây Kơnia ở đâu cả. Con đường 20 nối Pleiku và Banmêthuột bạt ngàn thông, cafe, cao su và hoa dại. Những nhánh đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo đến những chân núi xa xa. Ai cũng ngây ngất trước sự trù phù mà hùng vĩ của cao nguyên.
Có lẽ để hưởng lộc trời này mà CảnhBT nảy ra ý bỏ xe ô-tô xuống thuê một chiếc xe máy. Và hai chúng tôi vi vu. Đi đâu cũng hỏi, và cuối cùng cũng đã chạm được vào cây Konia của mình. Cây Kơnia mà tôi tìm thấy đứng đơn độc, trong một nghĩa địa bị bỏ hoang ở cuối đường Phan Bội Châu thành phố Banmêthuột. Đúng như chúng tôi đã hình dung về nó, một thân cây vạm vỡ, bóng lá hoành tráng, rễ lồi sang một bên, nhưng không biết có phải là phương Bắc không. Mấy em bé hay vun cỏ ở nghĩa địa đã dẫn tôi đến tận nơi, trèo lên hái cho tôi một cành có những quả xanh nhỏ như quả táo.
Chiều ngày thứ 3, chúng tôi đến Đà lạt, hội quân với TuanPM, CoiT, SonHT lúc đó đã đại diện cho FSHCM. Lần này họp thật. Quán Net dưới chân khách sạn Golf3 trở thành văn phòng Fsoft vì anh chị em lo in ấn, làm tài liệu, check mail. Lần đầu tiên, chúng tôi dám mơ tương lai, dự đoán năm 2008 mình sẽ ra sao. Cân nhắc chán, cuối cùng đặt mục tiêu là cuối năm 2008 sẽ có doanh số 20m và 1500 lập trình viên. Quá hoành tráng vì kế hoạch doanh số năm đó là 4m.
Xong phần chiến lược, sang việc thực thi. Gay cấn nhất là vấn đề văn phòng Nhật bản. Trước đó chúng tôi vẫn tin là đi mở cõi mới phải là lãnh đạo có kinh nghiệm nên giao PhuongNL tạm phụ trách. Nhưng Phương không thể fulltime lại không biết tiếng Nhật nên khó setup và bán hàng. Cần phải có người 150% thời gian ở Nhật. Đang lúc bí thì bỗng thấy HoànQL (lúc đó là Comtor mới vào Fsoft được hơn 2 năm, vừa nghỉ sinh xong) đứng dậy nhỏ nhẹ: con em còn nhỏ, nhưng nếu các anh tin thì để em đi cho!
Có thể coi lịch sử chính thức của Fsoft Japan bắt đầu từ chuyến ME này. Cũng bõ công cho cả đoàn vượt hàng ngìn km đến thành phố hoa Đà lạt
Những chuyến ME “lên đời”
Đều là những người ham thích khám phá tìm hiểu, nên ban lãnh đạo mới đã quyết định mỗi chuyến ME không chỉ là dịp để anh em lãnh đạo hàn huyên, mơ ước mà còn là dịp để mở mang đầu óc, hấp thụ linh khí của nơi cần đến. Bản thân tôi cũng học được rất nhiều từ những chuyến đi này. Xin chia sẻ lại, trừ chuyến đi Úc, năm 2013 do bận nên không tham dự được
Tháng 7/2012, nhờ có ME của Fsoft, tôi được đặt chân đến Bali
Bali, thiên đường du lịch ĐNA, island of Gods. Bali chỉ như 1 tỉnh Việt nam. Có núi một chút, có biển, có đền chùa Hindu, và những cánh đồng. Không có di sản thế giới, không có Hạ long, không có vịnh nào trong danh sách đẹp nhất thế giới, không có lịch sử bi tráng, không có làng nghề ngàn năm etc… Vậy mà với dân số khoảng 4 triệu, họ đã tạo ra doanh thu du lịch nước ngoài là 4 tỷ USD năm 2012 so với Việt Nam cả năm là 1 tỷ USD (Nếu tính đến năm 2019 thì ta đã san bằng doanh thu là 18 tỷ USD, nhưng Bali chỉ cần có 6.3 triệu khách, còn ta cần đến 18 triệu khách.)
Có mấy quan sát xin chia sẻ. Thứ nhất, dễ nhận thấy đó là sự tiện lợi trong làm visa on arrival. Ở Việt Nam thì đó là một thủ tục hết sức lằng nhằng, phải chuẩn bị từ trước và cũng rất mất thời gian khi đến. Ở Bali, bạn có thể thấy các quầy Visa on Arrival nhan nhản, đơn giản, không khác gì quầy bán vé du lịch. Tôi đã bấm đồng hồ, và thấy một cặp vợ chồng ngoại quốc đã nhận được visa trong vòng chưa đến 30s. Khách rõ ràng cảm thấy được chào đón.
Cái thứ hai, khó nhận thấy hơn. Đó là internet ở trên phòng rất chập chờn. Tôi phàn nàn với khách sạn thì được khuyên là nếu muốn làm việc thì xuống dưới business center rất thuận tiện. Lân la nói chuyện với bạn quản lý, thì mới biết là khách sạn nào cũng vậy, và đó là chính sách chung của địa phương. Họ không muốn khách đến ru rú trong phòng lướt net. Họ muốn khách ra ngoài để trải nghiệm cuộc sống địa phương.
Mà ra ngoài đúng là chỗ nào để trải nghiệm thật. Nhân dân chăm chỉ làm việc, hàng quán phong phú, chính quyền quy hoạch nghiêm túc giữ gìn trật tự. Tất cả đều rất hiếu khách, khách nào cũng được. Cứ thế tự nhiên đến, không cần book trước, không cần đặt tua. Một nền du lịch nhân dân.
2014, Lên đời ở Praha
Năm đó Fsoft mua lại 1 công ty ở EU. Được mất gì chưa rõ, nhưng chắc chắn là lên đời. Ban lãnh đạo phấn khởi tổ chức đi ME đến Praha, thành phố trung tâm của châu Âu. Thành phố này đã từng được chọn làm thủ đô của Đế quốc La Mã thần thánh và được UNESCO công nhận là di sản thế giới của nhân loại. Đã lên đời là phải đồng bộ, nên bữa Gala Dinner thường là hát hò STC nhăng nhít được đổi thành Mozart Dinner, thưởng thức Opera ngay tại bàn ăn, Boccaccio Hall, Grand Hotel Bohemia.
Nhà hàng dát vàng lộng lẫy như phòng khiêu vũ, chị em ăn mặc thướt tha, mỗi món ăn được kèm theo 5 bài arias của Mozart từ những vở nhạc kịch nổi tiếng như Cây sáo thần hoặc Đám cưới ở Figaro. Giọng bariton tuyệt vời của ca sĩ nam, vẻ đẹp cổ điển của ca sĩ nữ, dàn nhạc 5 người từ dàn nhạc giao hưởng Praha ăn mặc như nhạc sĩ cung đình. Không chê vào đâu được. Đúng là 3 giờ đồng hồ lên đời, mở mang đầu óc cho các LTV quen quần zin, áo phông, chúc zô-zô và hát “hò kéo pháo”!
Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Bữa ăn sang trọng kết thúc lúc 10h đêm tức là khoảng 3h sáng giờ Việt nam. Rượu vang ngấm, giọng hát ngấm, làm rất nhiều thực khách phải banh mắt ra để đỡ mang tiếng là “nhà quê”. Tôi lại nhớ, có lần được anh em bên FUSA đưa đi Broadway “khai hóa” văn minh. Vào chừng 20 phút, chụp ảnh chán chê thì TrungPD lăn ra ngủ. Đến giờ giải lao thì HaiNH cũng không chịu được ngủ nốt. BaoLT mang tiếng chủ nhà nên “chịu trận” thêm được một lúc quay sang thì thầm với tôi: “anh ơi, Mỹ nó cũng ngủ kìa, thôi em ngủ đây”!
Lên đời, trông vậy mà vất vả, đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì và quan trọng nhất là đừng cố lên gân. Bằng chứng là hôm sau anh chị em được dịp phá cách vui nổ trời tại nhà máy bia “Plezen”: Pilsner Urquell Brewery. Đặt mục tiêu chưa uống hết 50 lít chưa về. Sách đỏ Stico được lôi ra duyệt. Nhà máy cũng nhanh trí, hiểu rằng uống bia mới là mục đích chính nên đã hủy luôn cả chuyến thăm quan, quây rèm lại cho hội khách mới lên đời được một hôm hò hát khản giọng.
Trên đường về, anh em lại quay ra bàn tán về di sản của người Việt ở nước ngoài. Một số tỏ ra thất vọng. Sao không thấy style đặc trưng, kiểu China Town hay Little India.
Rõ là được voi đòi Hai bà trưng. Không thể xây Rome trong 1 đêm. Cần đến cả trăm năm và bộ phim nổi tiếng của Polanski, thế giới mới biết đến Chinatown. Còn bây giờ, khu “Chợ Sapa” giữa thủ đô Tiệp, rộng đến 35 ha, cửa hàng san sát, xe cộ nườm nượp, đã có thể là niềm tự hào của hơn 70,000 người Việt nam sống ở đây (cộng đồng người Việt ở Tiệp chỉ thua người Slovak, Balan và Ukraine).
Tuy nhiên, nếu quyết tâm xây Rome, ở đây tôi sẽ chọn 2 thứ làm viên gạch đầu tiên:
- Quán ngan Dũng Liên: ngan béo nướng thơm lừng, tiết canh đỏ tươi, nước chấm ngon, canh măng ngọt, rau sống sạch trắng…. ngon thôi rồi.
- Chữ “Chợ”. Dứt khoát là các khu định cư người Việt tại nước ngoài nên dùng chữ Chợ để khác biệt. Đối nghịch với Chinatown phải là VinaChợ. Chợ có thể nhếch nhác, nhưng đầy ắp cảm xúc, mắc cửi quan hệ và quan trọng nhất là có các hàng ăn cực ngon.
Nếu người Việt ở đâu cũng tụ tập lại dần như chợ Sapa ở Praha thì khoảng 20 năm nữa VinaChợ sẽ nổi tiếng hơn ChinaTown:-)
Năm 2015, ME được tổ chức tại SanFrancisco,
Ngay trung tâm của Sillicon Valley, để các managers có thể thở hít không khí tràn ngập từ khóa “Digital Transformation”, “AI” và “Cloud”. Ban tổ chức đã mời người quen cũ “ông bác” của FUSA là Paul Vivek đến chia sẻ về bản chất kinh doanh của Fsoft. Bài nói chuyện của Paul có thể coi là một sự “công nhận” của một trong những người hùng của ngành Gia công phần mềm Ấn Độ, cho những gì chúng tôi đã thực hiện tại Fsoft trong suốt 15 năm qua.
(Cũng xin phép để nguyên tiếng Anh)
Chat with Vivek at ME SF 2015
Abour the nature of our business
Boring is the best. Boring means predictable. Product company bet on disrupt-technology, we are service company, we bet on predictability.
About technology
Never venture into cutting-edge technology, keep an eye on that and wait until it became stable.
For demanding customer, your CTO should prepare supervisionary powerpoint. That’s enough.
About HR
Move your head of sale into head of recruitment
Create position Day-One Manager
Put every job online for every employee can apply for.
If you want manager have high salary, pls. make your workforce pyramid as flat as possible
Result of employee satisfaction survey is useless. Put your message in the questions, since everybody will read it.
About 1B target
It can be negative, since it give you a feeling that you are done, after setting the target.
Target only have some meaning if every employee have a chance to discuss about it.
About finance
You don’t need to borrow for investment. You take money from saving. You draw resource from your growth. Our business model is growth is not the option. Growth is the must. You will have a lot of problems without growth.
Don’t give shareholder dividend? Convince them that shoud you give them dividend, they will reinvest in you anyway, since you deliver best return.
About transformation
You do it every day. If someone want to create business unit let them do. If 2 units want to do the same domain, why not let them do.
You need 5 bureaucracy: HR, Finance, QA, IT and GA. But give them pressure by setting up SLA and cut budget every year.
About sale
You don’t need super-saleman. The best saleman is PM. Saleman is to maintain relationship and control the term of contract.
AM should be responsibility of deliver guy, since customer always feel that sale not in their side, but delivery is in their side.
About invitation to become your CEO
It is your journey, you don’t need such expensive outsider guy on the stage. I’m absolutely confident in your success because you are smart and honest.
About philosophy of life
Life is not linear. You accumulate strength, and suddenly you can jump over your head.
You are young because your mind is young, not depend on your bio age.
--
Và trong một những ME lên đời đó, một chiến dịch đầy tham vọng đã được thai nghén.
Chiến dịch 10kBrSE
Ngày 10/11/2014, tại Tokyo, Nhật Bản, trong lễ kỷ niệm 9 năm thành lập FPT Japan, Fsoft đã công bố triển khai chương trình chiến lược có tên là 10kBrSE cho thị trường Nhật Bản.
Dự án này đặt mục tiêu đưa 10.000 người Việt sang Nhật tập huấn nhằm đạo tào ra những kỹ sư phần mềm am hiểu tiếng Nhật và văn hóa Nhật. Họ giữ vai trò tìm hiểu yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhật, mang những thông tin đó về Việt Nam và truyền đạt cho những kỹ sư không biết tiếng và quản lý tiến trình phát triển phần mềm. Tờ Nikkei - một tờ báo Nhật chuyên trong các lĩnh vực về tài chính, kinh doanh và công nghiệp nhận định chương trình này đặc biệt quan trọng, có thể trở thành cầu nối giữa hai quốc gia vì lâu nay Trung Quốc là thị trường gia công phần mềm lớn nhất cho Nhật Bản.
Học viên của chương trình 10.000 BrSE là những kỹ sư CNTT hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ĐH chuyên ngành CNTT. Tùy thuộc vào trình độ tiếng Nhật đầu vào, các học viên sẽ tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật khoảng 6 đến 12 tháng tại Việt Nam hoặc Nhật để đạt trình độ tiếng Nhật N2 hoặc N3+ và giao tiếp B2. Sau khi hoàn thành chương trình học, các học viên sẽ được giới thiệu làm việc trong các dự án với đối tác Nhật của FPT Software tại Việt Nam và FPT Japan hoặc làm việc trực tiếp cho các công ty tại Nhật.
Ứng viên tham gia chương trình du học Nhật Bản cùng FPT Software sẽ được FPT Software bảo lãnh về tài chính để xin được visa sang Nhật, đồng thời được bảo lãnh với ngân hàng để có thể vay ngân hàng mức tối đa là 300 triệu cho toàn bộ chi phí du học tại Nhật Bản 1 năm. Nếu học viên đăng ký gói vay này với ngân hàng, thì sẽ không cần phải chuẩn bị trước tiền để đem sang Nhật du học. Sau khi được đi làm sẽ trả lại cho ngân hàng.
Dự án này đã được ấp ủ ngay từ ngày đầu sang Nhật. Trung tâm Đông Du do Tạ Anh Thắng thành lập đã có được những lứa sinh viên đầu tiên từ những năm 2002. Tuy nhiên thời cơ lúc đó chưa chín muồi, và cũng có thể là qui mô của Fsoft còn quá bé, không đủ thuyết phục được các kỹ sư đi học tiếng Nhật
Cũng đã từng trong vai BrSE “đóng thế”, nên hơn ai hết, TGĐ Fsoft hiểu phải có một cú hích thật mạnh về tiếng Nhật để nâng cao vị thế cho giới CNTT Việt Nam tại Nhật Bản. Chương trình 10kBrSE không chỉ tạo cảm hứng cho các công ty Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản mà còn gửi một thông điệp cam kết đến các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm đối tác. Năm 2018, từ kinh nghiệm của chương trình này, FJP đã tự thành lập Trường tiếng Nhật của riêng mình tại Tokyo.
Nhật Bản chính thức trở thành thị trường lớn nhất cho các công ty Việt Nam
Bình luận
Lớp founders đầu tiên của FPT và sau này là Fsoft, đều có một điểm chung là mạnh về khoa học, xây dựng nền tảng, mà thiếu một độ “tham” cần thiết để có thể trở thành công ty vĩ đại. Ngoại lệ có lẽ chỉ có TGB, sẽ được chúng tôi cố gắng “giải mã” ở phần kết của cuốn sách. Tuy nhiên có tham vọng đến đâu, B cũng cần được sự cộng hưởng của tất cả các đơn vị thành viên.
Ban lãnh đạo mới của Fsoft, đã chứng minh là họ hoàn toàn phù hợp với kế hoạch “lột xác” và “lên đời”.
Fast & Fourious Là tên một bộ phim nổi tiếng của Holliwood, đã được ban lãnh đạo mới của Fsoft sử dụng như Slogan trong nhiệm kỳ của mình, với việc đặt ra các mục tiêu tưởng như vô vọng và quyết tâm thực hiện nó.
Năm 2014 FPT Software lần đầu tiên lọt vào và cho đến nay tiếp tục là công ty Việt Nam duy nhất hiện diện trong danh sách Global Outsourcing 100 (GO100) của tạp chí Fortune, vinh danh những nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) tốt nhất thế giới.
Đến cuối năm 2015, chỉ còn một mục tiêu ban đầu mà Fsoft chưa chinh phục được, đó là đưa công ty lên thị trường chứng khoán New York, sẽ được thảo luận ở chương 18.
Cấu trúc và các phương pháp quản trị của Fsoft vẫn được bảo toàn trong giai đoạn phát triển này. Lớp lớp các lãnh đạo trẻ tiếp tục được rèn luyện qua các trận đánh.
Fsoft tự đặt ra cho mình một thách thức mới: làm thế nào để có thể quản trị một công ty hoàn toàn là người nước ngoài là RWE Slovakia. Và liệu văn hóa Việt Nam có thể giúp ích được gì trong thách thức đó. Chỉ có giải quyết được vấn đề này, chiến lược M&A được lên kế hoạch từ xưa mới có cơ biến thành hiện thực. Vấn đề này sẽ được bàn luận và lý giải ở chương sau
Câu hỏi thảo luận
Sau khi đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, Fsoft có cần điều chỉnh văn hóa mới cho lãnh đạo?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[ebook] Phần I - Tổng hợp nội dung sách "Nuôi con không phải cuộc chiến"

Phần I - Nuôi con không phải cuộc chiến Chương 1: ăn ngủ tự lập mẹ nhàn con ngoan EASY: eat - activity - Sleep - Your time -> Là chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại của bé trong một khoảng thời gian 1 ngày của bé. Có thể bạn quan tâm: Khuyến mãi mua trọn bộ sách Nuôi con không phải cuộc chiến I. Nếp sinh hoạt EASY   1. Lợi ích EASY: Đối với bé: + Nhận biết được những gì xảy ra tiếp theo -> Tăng khả năng tự tin của con. + Tập cho bé phản xạ có điều kiện. + Kết nối nhịp sing học của con. Đối vơí mẹ: + Biết cách phản ứng với những nhu cầu khác nhau của bé, không nhầm lẫn giữa khi bé khóc đòi ăn hay làm nũng.  Về lâu dài: + EASY là nền tảng cơ bản giúp rèn luyện sự tự lập ở bé. + Tạo nếp sinh hoạt ăn ngủ điều độ. (Khi con càng lớn chu kỳ EASY càng dài ra) 2.   Chu kỳ 03h: Cho bé từ 0 - 3 tháng tuổi. Bé ăn cách nhau 03 giờ. Cho con ngủ theo bảng thời gian hoặc căn cứ vào dấu hiệu của bé. Cân nặng tiêu chuẩn 2.7kg 3...

[AI] BÀI 4: Tác nhân và môi trường (Agent and Environment)

1. Agent (tác nhân): l à tất cả những gì có thể nhận thức về môi trường của nó thông qua cảm nhận "Sensor" và đưa ra hành động tác động đến môi trường (effective). Có 03 loại agent: human, software, robotic. + Cấu trúc của Agent: Gồm 2 phần:  Architecture + Agent Program + Phân loại Agent: -  Simple Reflex Agents: Agent phản ứng đơn giản. - Model Based Reflex Agents: Agent phản xạ dựa trên model - Goal Based Agents: Agent dựa trên mục tiêu. - Utility Based Agents: Agent dựa trên tính tiện ích. 2. Turing test : Ứng dụng trong việc kiểm tra và đáng giá máy móc có thật sự thông minh?  https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p_th%E1%BB%AD_Turing   3. Các thuộc tính của môi trường Discrete / Continuous  − If there are a limited number of distinct, clearly defined, states of the environment, the environment is discrete (For example, chess); otherwise it is continuous (For example, driving). Observable / Partially Observable  ...

[Tool] Apache Nifi

Introduction Apache NiFi is a dataflow system based on the concepts of flow-based programming. It supports powerful and scalable directed graphs of data routing, transformation, and system mediation logic. NiFi has a web-based user interface for design, control, feedback, and monitoring of dataflows. It is highly configurable along several dimensions of quality of service, such as loss-tolerant versus guaranteed delivery, low latency versus high throughput, and priority-based queuing. NiFi provides fine-grained data provenance for all data received, forked, joined cloned, modified, sent, and ultimately dropped upon reaching its configured end-state. See the  System Administrator’s Guide  for information about system requirements, installation, and configuration. Once NiFi is installed, use a supported web browser to view the UI. Browser Support Browser Version Chrome Current and Current - 1 FireFox Current and Current - 1 Edge Current an...

[Network] ARQ - Automatic repeat request

Automatic Repeat reQuest (ARQ) hay  Automatic Repeat Query là một phương thức điều khiển lỗi cho quá trình truyền dữ liệu bằng cách sử dụng ACK (acknowledgements) và Time Out, cho phép truyền dữ liệu tin cậy trên nền một dịch vụ không tin cậy (unreliable service). 1. ARQ protocol Gồm 03 loại Stop-and-wait ARQ Go-Back-N ARQ Selective Repeat ARQ / Selective Reject 2. Lĩnh vực liên quan Linked Data Transport Layer OSI Model. Ngoài ra có một số bằng sáng chế trong lĩnh vực live video contribution environments  sử dụng tới ARQ.

[LB-HA] Understand about High Available (HA) and Load Balancing

High Available (HA) :  Hỗ trợ dự phòng tiến trình. Hoạt đông với cơ chế Active - Passive . Hệ thống tồn tại 02 loại Component với role 'Active' và 'Passive'.  Active   Component sẽ đảm nhận việc xử lý tiến trình. Passive Component đóng vai trò backup. Trường hợp Active Component gặp lỗi (fail, downtime) hệ thống sẽ chuyển sang hoạt động trên B ackup  Component . Quá trình chuyển từ Active Component sang Passive Component gọi là 'Fail over'. Một số khái niệm liên quan đến HA: - FailOver: Chuyển đổi tiến trình chạy trên Passive Component khi Active Component gặp sự cố. - Fail Back: Khôi phục lại tiến trình hoạt động trên Active Component sau khi tiến trình dịch chuyển đến Passive Component trong quá trình FailOver. - Fault - Tolerant: Công nghệ giúp đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. Trường hợp một thành phần trong hệ thống bị hoạt động gián đoạn vẫn cho phép toàn bộ hệ thống hoạt động ổn định. Load Balancing : Hoạt động với cơ chế Active - Active ....

[Xu hướng] Open API – Xu thế phát triển mới của ngành công nghiệp phần mềm

Xuất bản: 2016-06-30 00:19:09 Các nhà phát triển đã nhận ra rằng việc lãng phí thời gian công sức vào thiết kế lại những thứ đã được các công ty khác xây dựng là hết sức không nên. Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể dựa vào những API được các nhà cung cấp nền tảng như Salesforce, Amazon, Google… và mới đây là các nhà phát triển độc lập khác đưa ra. Trong ngành công nghiệp sản xuất phần mềm, mỗi ứng dụng khi được đưa tới công chúng đều nhằm mục đích phục vụ cho một nhu cầu người dùng nhất định.  Có những ứng dụng phục vụ cho mục đích học tập, hoặc giải trí, du lịch, một số khác phục vụ cho mục đích đi lại như GrabTaxi hay Uber chẳng hạn. Mặc dù những ứng dụng này có thể giúp đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người sử dụng nhưng cũng không phải vì thế mà chúng được làm ra theo những cách hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, tuy có những mục đích sử dụng khác nhau nhưng những ứng dụng như vậy vẫn có những điểm chung, tương đồng về chức năng.  Dù bạn đang sử dụng Faceb...

[Mac OS] Cài đặt maven apache

Ngày tạo: 25/12/2016 Bước 1: Download maven apache từ liên kết:  https://maven.apache.org/download.cgi?Preferred=ftp://mirror.reverse.net/pub/apache/ Bước 2: Cài đăt biến môi trường: mở vào file .bash_profile thêm các dòng. (Nếu file chưa tồn tại thì tạo mới) $ vim ~/.bash_profile export JAVA_HOME=/Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home export M2_HOME=/Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 export M2=$M2_HOME/bin export PATH=$PATH:$M2_HOME/bin Bước 3 :  Restart Terminal, kiểm tra cài đặt thành công từ terminal bằng lệnh: $ mvn -version Trường hợp cài đặt thành công kết quả trả về như sau: Apache Maven 3.3.9 (bb52d8502b132ec0a5a3f4c09453c07478323dc5; 2015-11-10T23:41:47+07:00) Maven home: /Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 Java version: 1.8.0_60, vendor: Oracle Corporation Java home: /Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home/jre Default locale: en_US, platform encoding: UTF-8 ...

[PM4P] First step for reaching to PMP Certificate

27/07/2019: First step for reaching to PMP Certificate

Quản lý Session khi cấu hình dự phòng máy chủ sử dụng HAproxy

1.        Vấn đề Cùng một HTTP session có thể nằm trên nhiều kết nối TCP khác nhau. Trong điều kiện không sử dụng Load Balancer, sẽ không phát sinh các vấn đề về quản lý phiên – session. Thông tin session của tất cả người dùng được nhận biết thông qua một máy chủ duy nhất. Tất cả kết nối của Client đều được chuyển đến một máy chủ duy nhất. Ở chế độ dự phòng, khi người quản trị cài đặt nhiều hơn một server, vấn đề về quản lý session sẽ xuất hiện. Máy chủ ứng dụng có nguy cơ không thể access thông tin session người dùng. 2.        Phương án cấu hình dự phòng khi sử dụng session ·          Replication : Sử dụng cơ chế sao lưu session của web server để đảm bảo rằng tất cả các máy chủ ứng dụng thuộc cluster khác nhau đều có thông tin của Session. Một số web server phổ biến như tomcat đều hỗ trợ cơ chế replication session này. ·       ...