Các bạn cùng lớp, thi thoảng lại tụ tập tưng bừng ôn kỷ niệm cũ, ra đời gặp nhau thì giúp đỡ lẫn nhau. Vậy có khái niệm alumni của công ty không? Có chứ, chẳng ai làm mãi một chỗ. Miễn là kỷ niệm về công ty cũ cũng phải tươi đẹp như kỷ niệm thời thanh xuân trong trường Đại học. Vậy nên chúng ta phải cùng nhau cố gắng tạo dựng những kỷ niệm đó. Chương này kể về một số những đồng đội của tôi, đã rời Fsoft, dù trong hoàn cảnh rất khác nhau, đã đi tiếp những con đường mới, tạo dựng những kỷ niệm mới của riêng mình.
Endeavor
Sau khi rời Fsoft, tôi sang FU với tư cách là giáo viên và phụ trách việc toàn cầu hóa giáo dục. Tuy nhiên có một việc làm tôi thích nhất đó là gầy độ nhậu ở Mộc Lâm, một quán bia vỉa hè ngay cạnh nhà. Tập hợp toàn những anh em trước là từng đồng nghiệp ở FPT, sau là bạn bè đã thành danh, rồi đàn em đầy ý chí khởi nghiệp. Tuy là bia hơi, lạc luộc, nem chua những bàn những vấn đề to lớn.
Ví dụ như tổng kết một năm như sau:
“Giờ già rồi, gặp người hôm trước hôm sau đã quên, nên ngoại trừ việc FUNiX là lo ngay ngáy hàng ngày, còn lại đã làm gì rồi cũng chẳng nhớ. Nên muốn lục lại tâm tư của năm qua, phải tra sổ bia của Mộc Lâm. Hóa ra cũng nhiều phết.
Tất nhiên quanh đi quẩn lại vẫn là lo cho các khởi nghiệp gia. Tháng ba, ra Tết năm Tuất, đại gia Phan Minh Tâm ra khẩu quyết: ăn c’t. Theo anh nếu ăn được c, thì chẳng sợ gì chết cả. Tháng 4 đem chuyện tình café Vũ-Thảo ra để anh em mơ đại cục. Tháng 5 bàn chuyện cai nghiện JackMa sang thăm Việt Nam. Tháng 9 nhân ngày quốc khánh thì tự hào Bia Hơi là hình thức khởi nghiệp thành công nhất Hà Nội, 20k là chém cả thế giới.
Để cổ vũ cho các khởi nghiệp gia, tháng Giêng học chí thép của U23 ở Thường Châu tuyết trắng, tháng 12 mong Nhà nước đừng cấm đoán gì như VFF thì kiểu gì khởi nghiệp cũng có cúp, FastGo sợ gì Go Việt.
Trẻ trâu V cũng 2 lần lên sóng Mộc Lâm, một lần tháng 8 các giáo sư hân hoan đón 1000 tỷ rơi lên đầu Vũ Hà Văn và tháng 10 luận vụ Nổ bom VinFast tại Paris quanh đĩa lòng lợn.
Quốc tế hóa, tháng 6 bàn chuyện dụ các tài năng về nước, kiểu Cá Hồi ngược dòng đẻ trứng sao cho không chết, thì tháng 7 đã mở chi nhánh chém gió tại Melbourne.
Cuối cùng, khởi nghiệp thi mười phần chết 9, tháng 11, bàn chuyện thiền bia để chẳng phải lo nghĩ gì, còn tháng Hai giáp Tết, thôi thì cố giữ lấy một chỗ Quê Mẹ để về.”
Mộc Lâm là chỗ để anh em gặp nhau học hỏi. Tuy lần nào cũng vui, hào hứng, nhưng khá lộn xộn và thiếu follow-up.
Cuối năm 2017, APEC tại Việt Nam. Có một doanh nhân Mỹ tìm gặp tôi:
- Mày có cách gì giữ luôn Trump ở Việt Nam được không?
- ?
- Đùa thôi, tao muốn mời mày tham gia một tổ chức. Tao nghĩ là phù hợp với mày
- Tổ chức gì vậy?
- Một tổ chức mà mày phải đóng tiền để được đi giúp người khác. Đó là Endeavor. Đại khái là các nhà khởi nghiệp thường phải vật lộn để tồn tại. Đó là hợp lẽ tự nhiên. Nhưng khi bắt đầu có tiềm năng tăng trưởng, họ đơn độc khi phải đối đầu và nhiều khi phải dựa hẳn vào các nhà đầu tư, không phải lúc nào cũng cùng một tầm nhin. Endeavor được tổ chức như một quỹ đầu tư, nhưng lại đứng về phía nhà khởi nghiệp giúp họ tạo nhiều ảnh hưởng lên xã hội. Nó được xây dựng trên tinh thần phi vụ lợi, gọi là Pay It Forward, thế hệ đi trước giúp thế hệ đi sau, chỉ mong họ sẽ giúp lại thế hệ đi sau nữa.
Tinh thần đó chúng tôi thấu hiểu. Lúc đó anh em hay hội ngộ ở Mộc Lâm Quán. Có gì chia sẻ cho nhau hết. Nhưng khá vô tổ chức và nhiều câu hỏi vượt tầm của các mentors. Ví dụ làm sao vào được thị trường Indonesia? Hay em muốn gặp Tony Fernandes. Hay em muốn tuyển 1 giám đốc Sale toàn cầu…? Giờ có tổ chức toàn cầu, mà quản lý theo kiểu Mỹ, thì còn gì bằng.
Thế là cùng với mấy anh chị em nữa đóng tiền để mở ra cánh cửa Endeavor Việt Nam. Đến nay đã được gần 5 năm, anh em tụ tập ngày càng đông vui. Rất nhiều những kỷ niệm mới. Biết thêm rất nhiều bạn bè. Từ các bạn founders – cùng đóng tiền, các mentors, các bạn trẻ khởi nghiệp tài năng ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Toàn những người trẻ và đáng nể. Nhưng vẫn lo lắm. Liệu Chiến đạo Việt Nam có bền vững? Đến bao giờ thì mới hình thành được thế hệ doanh nhân tầng tầng lớp lớp theo tinh thần “pay it forward”?
Giấc mơ
Lê Thế Hùng, aka Hùng Râu, đã là một nhân vật quan trọng bậc nhất của Fsoft thời gian khó. Anh chỉ huy các chiến dịch CMM và phụ trách nguồn tài chính ít ỏi của Fsoft. Giai thoại về anh thì nhiều vô kể. Trong đó nổi tiếng nhất là “think more code less”, khi anh em cứ lên xin tiền để tăng RAM cho máy chạy nhanh hơn. Các chị em thì đã không ít lần phải bật khóc chạy khỏi căn phòng lúc nào cũng tối om, vì theo anh bật đèn làm gì cho tốn điện.
Vậy mà ai cũng yêu quí anh. Đội bóng đá nữ Fsoft đã đá một trận cầu lịch sử với đội lão tướng để chia tay anh.
Năm 2007, anh có lẽ là người đầu tiên rời Fsoft, để thực hiện giấc mơ từ thuở còn niên thiếu: đọc truyện Tam Quốc từ nguyên bản tiếng Tàu.
Ở tuổi 60, anh bắt đầu toàn tâm toàn ý học thứ tiếng tượng hình loằng ngoằng đó. Mỗi năm anh sang Trung quốc 3 tháng, một mình sống đời ký túc xá như sinh viên. Hôm tôi sang thăm, bước vào phòng, tôi hỏi: ở một mình mà anh ko xem TV cho đỡ buồn. Ơ, sao chú biết là tớ không xem. Ah, thì vì em thấy cái TV của anh đang quay mặt vào tường.
Và anh đã đọc được Tam Quốc bằng tiếng Tàu. Không những thế anh lọ mọ đến thăm tất cả các địa danh đã ghi trong Tam Quốc, viếng các nhân vật lẫy lừng một thời trong các tiểu thuyết của Kim Dung.
Anh bắt đầu đọc Nhị thập tú (thực ra là 26) bộ sử chính thống của Trung Quốc. Đặc biệt quan tâm đến những chỗ nào họ viết về đất nước chúng ta, như Giao Chỉ, An Nam, Âu Cơ, Lạc Long Quân… Anh nói dân ta phải biết sử Tàu thì mới tường sử Ta.
Nhà anh giờ sách cổ Trung quốc chất cao 4 phía.
Lần gặp gần đây nhất, anh cười oang oang khẳng định. Quảng Đông thì còn chưa rõ chứ Quảng Tây thì chắc chắn đã cùng với Việt Nam hiện nay ở trong một quốc gia xa xưa.
Hùng Râu biết rất rõ mình muốn gì khi rời Fsoft, nhưng có một số anh em khi ra rồi, mới tìm được lại chính mình
Trần Đức Nghĩa
Sinh năm 1977, lớn lên trong một gia đình có bố là một kỹ sư rất tài năng của nhà máy cơ khí Hà Nội. Cuộc sống của người kỹ sư quá vất vả, và ông cho rằng đó là vì không biết giao tiếp ứng xử. Vì thế đã hướng cho cậu con trai mình học Đại học Ngoại giao.
Nghĩa được giới thiệu vào Fsoft năm 1999, một trong những nhân viên đầu tiên với lời giới thiệu, đã biết lập trình từ cấp 3. Nhưng do tấm bằng ngoại giao anh được phân về bộ phận kinh doanh của Hùng Henry. Nhưng có lẽ do gene “giao tiếp” kém, nên chỉ được mấy hôm anh bị trả lại
Vào G1, việc gì Nghĩa cũng làm và nhanh chóng được giao trách nhiệm PM rồi quản lý các khách hàng quan trọng của G1. G13 được tách ra từ G1 trong phong trào “xã hội hóa” thị trường Nhật Bản, trực tiếp phụ trách khách hàng Nissen và các đối tác ở khu vực Kyoto. Hóa ra anh lại rất biết giao tiếp trong môi trường kỹ thuật này, G13 được khách hàng yêu quí, tuy đảm nhận công việc khó là làm thẳng với end-user, quản lý dự án lớn với nhiều đối tác.
Nhưng có lẽ Fsoft là một môi trường chưa đủ tự do, để anh có thể thỏa chí trải nghiệm, từ gene của bố để lại.
Năm 2012, Nghĩa rời Fsoft, thành lập công ty mới 3S. Đáng ngạc nhiên là nhân sự chủ chốt của G13 đều đi theo anh, bỏ chỗ “sáng” về chỗ “tối”. Cũng mất thời gian đầu khá vất vả, nhưng rồi với kinh nghiệm quản lý và kỹ năng “giao tiếp” mà bố anh đã, 3S nhanh chóng phát triển, mở chi nhánh ở Nhật, Đà Nẵng, Huế. Rồi … không phát triển nữa. Bạn bè khá ngạc nhiên.
Nhưng với Nghĩa, lập doanh nghiệp riêng, kiếm tiền chỉ để thực hiện những giấc mơ cá nhân, mà nếu ở lại Fsoft, anh không được tạo điều kiện để thực hiện. Anh dành tiền để thử nghiệm chế tạo các sensor đo các thông số môi trường, mà anh tin là Việt Nam đang rất cần. Anh muốn thử nghiệm các thiết bị giúp đỡ người già, tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Gần đây anh còn muốn làm bệ phóng đưa các nghệ sĩ nhạc cổ điển Việt Nam ra với công chúng thế giới. Tất cả các giấc mơ đều là viển vông cho đến khi ta bắt tay thực hiện nó.
Trần Xuân Khôi lại là một trường hợp khác
Anh có lẽ là “cá biệt” từ thời còn nhỏ, nghe đâu bị “đuổi học” mấy lần. Bù lại thông minh và đẹp trai. Khôi gia nhập FSS tiền thân của Fsoft từ 1997 khi mới 21 tuổi. Anh cũng là dev chính của dự án đầu tiên của Fsoft cho Winsoft năm 1999 và cũng là người tham gia dự án đầu tiên cho Nhật Bản đầu năm 2001.
Khi Fsoft chia thành các OG, Khôi đầu quân về trợ giúp cho đàn anh là Hoàng Việt Anh ở G2. Nhưng có lẽ “cá biệt” là gene, nên vài năm, anh xin được tách ra thành một OG riêng, đó là G21, kỷ niệm đã từng một thời ở G2. Nhân viên ở G21 là một nhóm rất hạnh phúc, vì giám đốc là một trong những người mua ô-tô đầu tiên ở Fsoft, nhưng lại tình nguyện làm lái xe đưa anh chị em đi công tác ăn chơi khắp nơi. Nhưng cái áo GL có lẽ vẫn chưa đủ rộng làm anh không thấy thực sự hạnh phúc. Tôi khuyên Khôi nên sang Nhật.
Cuối năm 2011, khi bác Ogawa rời chức vụ giám đốc FJP, ông đã giới thiệu Khôi là người thay thế mình vì anh là người có “trái tim Nhật Bản”. Cuối năm 2015, sau khi chịu trách nhiệm tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập FJP đầy cảm xúc, có lẽ Khôi đã cảm nhận được mình đã đi hết con đường của mình tại Fsoft. Sau 1 năm ở lại giúp người đàn anh cũ là Hoàng Việt Anh, lúc đó đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Fsoft, Khôi ra ngoài và thành lập công ty VTI.
Có lẽ đây mới là sân chơi thực sự của anh. VTI phát triển mạnh mẽ, mở rộng các chi nhánh, đầu tư cho giáo dục và chỉ trong vài năm đã vượt mốc 1200 nhân viên, một con số rất ít các công ty phần mềm ở Việt Nam đạt được.
Gần đây, ăn trưa với tôi ở Tokyo, anh tâm sự: bọn em sẽ tiến không ai có thể ngăn cản được, có thua thì chỉ có thể là Fsoft.
Nhưng có những bạn trẻ rời Fsoft với một giấc mơ khác: lật đổ thần tượng
Lật đổ
Thời hay gầy độ anh em quần hùng tụ họp quán Mộc Lâm. Lần nào cũng có một thiếu niên leo khẻo đeo kính trắng. Quán bia ồn ào, quần hùng chém tung trời, cậu vẫn chăm chú lắng nghe, hỏi đi hỏi lại những điều chưa rõ.
Anh em tò mò hỏi, cậu xưng danh một công ty lạ hoắc có tên là Rekkei! Thấy mọi người bối rối, cậu khẳng định chắc nịch: em đã từng là nhân viên của Fsoft, nhưng rồi sẽ có ngày bọn em vượt mặt Fsoft, trở thành số 1 Việt Nam. Quần hùng ồ lên. Mộc Lâm mà, ai cũng có quyền mơ lớn.
Hóa ra là Dũng đã từng là nhân viên của tôi.
Tôi ấn tượng với tham vọng của các bạn ấy. Muốn một nền công nghiệp phát triển bền vững, thì thế hệ sau luôn luôn phải có ước mơ lật đổ thế hệ trước.
Hồi sang thăm Neusoft, tôi hỏi bác Liu chủ tịch, ông có dành thời gian để đi nói chuyện với sinh viên hay lớp trẻ khởi nghiệp. Bác bảo: thời gian đâu, mà tao nói bọn nó cũng chẳng nghe, tao còn bạc đầu đang nghĩ cách đối phó với chúng nó đây.
Tiếc là ở Việt nam chưa thấy ông lớn nào phải lo lắng, ngược lại vẫn thấy hào hứng đi “truyền lửa” cho lớp trẻ. Nên gặp được bạn này mừng quá.
Tạ Sơn Tùng, giám đốc Rikkei cũng đã từng là nhân viên của Fsoft. Làm được hơn một năm, thì cậu ngộ ra, Fsoft còn có nhiều lực cản quan liêu và nếu toàn quyền quyết định, vẫn mô hình đó, có thể đi nhanh hơn rất nhiều. Tùng đã rủ Dũng và 4 người bạn nữa đứng ra lập Rikkei vào năm 2012.
Năm 2022, kỷ niệm 10 năm thành lập, Rikei đã có hơn 1500 nhân sự. Có thể về qui mô, các cậu còn một chặng đường dài để vượt Fsoft. Nhưng các cậu đã chứng tỏ mình tiên phong trong việc khai thác tìm kiếm những hướng đi mới. Liên tiếp tung ra các sản phẩm mới, không ngại bất kỳ một thử thách công nghệ nào. Tháng 5 năm 2022, kết hợp với hai xu hướng mới là Games và Blockchain, Rikkei đã mở đường xâm nhập vào thị trường truyền thống Nhật Bản bằng một tựa game độc đáo có tên là Titan Hunter. Tựa game NFT này đang làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội Nhật Bản và mới đây đã lọt top trending (xu hướng) trên Twitter Nhật.
Năm 2023, Rikkei chiêu mộ giám đốc cũ của FUSA: Bùi Hoàng Tùng, thành lập RikkeiTech quyết tâm hoàn thành giấc mơ dang dở của Fsoft là niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Tùng, Dũng đi theo con đường của Fsoft và tin rằng họ có thể đi nhanh hơn, sử dụng tối đa những lợi thế của thời đại mới.
Nhưng có những bạn trẻ khác nghĩ khác. Họ chọn ngay con đường mới sau khi rời bỏ Fsoft.
Những con đường khác
Năm 2020, có một bạn trẻ xin gặp tôi. Vừa ngồi vào bạn nói ngay: Cách đây 10 năm, em mới vào công ty, anh đã là lãnh đạo cao ngất. Em rất muốn được nói chuyện với anh. Nhưng rồi nghĩ lại. Em tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ, phải làm được một cái gì đó, để 10 năm sau có chuyện để nói với anh. Em đã ra làm riêng, tự lập công ty để chiến đấu. Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường, kiếm được nhiều tiền, vươn ra thế giới, tạo ra nhiều cơ hội để phát triển, có thể tăng trưởng gấp đôi hàng năm. Giờ tự tin gặp anh. Nhưng em vẫn nhiều băn khoăn lắm: làm thế nào các đối tác toàn cầu kính trọng? nhân viên nhiều cơ hội trưởng thành? Và đóng góp sức mình cho cho xã hội?
Đó là Nguyễn Quyết, năm 2010 em gia nhập FMA, một đơn vị do Fsoft lập ra năm 2009, để sản xuất các ứng dụng cho điện thoại FPT. Có lẽ Quyết đã nhận ra apps trên điện thoại là một tương lai mới, còn to lớn hơn cả Internet. Mà lúc đó chúng tôi không nhận ra, hoặc chỉ thấy một cách “lờ mờ”. Quyết đã ra ngoài, thành lập công ty iKame.
Cũng tầm thời gian đó, năm 2010, một bạn trẻ khác có tên là Nguyễn Đức Linh, gia nhập FSHCM khi còn chưa tốt nghiệp khoa CNTT lý đại học KHTN thành phố HCM. Sau hơn 1 năm, nhận thấy đây không phải là mảnh đất để mình tung hoành, Linh ra ngoài khởi nghiệp, ban đầu là 1 công ty về thương mại điện tử, sau đó là một công ty về digital marketing. Chưa thực sự thành công, nhưng em đã học được những bài học quí giá về quan hệ toàn cầu, tổ chức đội ngũ và nắm bắt cơ hội.
Tôi gặp Linh năm 2020, với tư cách là thành viên mới của Endeavor. Tôi hỏi: em yêu vật lý có muốn bay lên vũ trụ không? Có chứ anh. Hết bao nhiêu tiền nhỉ. Nghe nói là 20 triệu USD đấy. Cũng không nhiều lắm anh nhỉ. Kinh quá.
Linh, Quyết đã mở được cánh cửa thần kỳ nào mà có thể thành công và tự tin như vậy?
Cánh cửa!
Đầu năm 2014, cả thế giới lên cơn sốt về một trò chơi đơn giản có tên là Flappy Bird của một lập trình viên Việt Nam có tên là Nguyễn Hà Đông. Với lượng download tính bằng đơn nhiều chục triệu, ước tính tác giả có thể kiếm được cỡ 50k USD mỗi ngày. Đúng lúc đỉnh cao của thành công, ngày 10/2, Đông tuyên bố rút trò chơi của mình ra khỏi cả App Store và Google Play, vì không muốn nhìn thấy người dùng “nghiện” trò chơi của mình. Động thái không thể tưởng tượng được này của anh gây chấn động cộng đồng và báo chí thế giới.
Những chiếc điện thoại đã được cài trò chơi trước đó được rao bán với giá cao ngất ngưởng trên eBay có lúc lên đến 90 ngàn USD. Các tạp chí danh tiếng đua nhau phỏng vấn Hà Đông, từ The Verge, Forbes, hay Rolling Stones và ngỡ ngàng nhiều khi bị cậu từ chối thẳng thừng. Trên cả App Store lẫn Google Play, xuất hiện một làn sóng làm game nhái Flappy Bird, theo thống kê riêng trên App Store có thời điểm lên đến 60 sản phẩm một ngày. Cả Apple, Google và eBay đều phải ra khuyến cáo đặc biệt cho Flappy Bird.
Nhân dịp Năm Mới 2014-2015, Google cho hiển thị biểu tượng hoạt hình, xác định từ khóa fallpy bird được tìm kiếm nhiều nhất năm, cùng với WC bóng đá tại Brazil năm đó.
Ngày 3/1 năm 2015 tôi có đăng trên facebook một note có tên là Panem et Circenses.
Thành ngữ panem et circenses này có nghĩa là Bánh mỳ và Giác đấu được coi là phương châm quản trị mới của các hoàng đế La Mã. Hệ thống chính trị nào cho dân chúng được hai điều đó là họ hài lòng, bất kể nguồn gốc, tư tưởng etc…
Tiếng Việt ta cũng có chữ rất hay tương tự là ĂN CHƠI. Ăn và Chơi là mơ ước của nhân dân từ bao đời nay. Đến giờ vẫn vậy thôi. Trong lúc hàng tỷ người Á, Phi, Mỹ la tin vẫn còn đang vật lộn để tìm cái ĂN, thi thoảng mới dám CHƠI. Thì có một đám đông không nhỏ dân chúng ở các nước phát triển cũng đang loay hoay đi tìm cái CHƠI khi đã quá đủ cái ĂN.
Nên không lạ là ngành công nghiệp Giải trí phát triển rất mạnh mẽ ở các nước phát triển. Bổng nhiên tôi chợt hiểu vì sao ngay ngày đầu năm 2015, Google chọn Flappy Bird làm biểu tượng. Chợt hiểu tại sao Nguyễn Hà Đông có thể thành công một cách vang dội như vậy, làm cho cả ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) Vietnam bất ngờ và sau đó là nghi ngờ.
Trước Đông, tôi và rất nhiều các tiền bối và chuyên gia CNTTở Vietnam khác, chỉ nghĩ CNTT là công cụ để giúp người ta thông minh hơn, tăng năng suất lao động... Work Smarter, Hạ tầngcủa Hạ tầng… chung qui cũng chỉ để kiếm ĂN dễ hơn. Mà không hiểu rằng đó không phải là điều quan tâm hàng đầu của thế giới phát triển. Nên chúng tôi rất chật vật trong việc tìmđường đưa trí tuệ Việt nam ra thế giới. Thế giới đã thay đổi trong khoản một chục năm gần đây. Smartphone bùng nổ. Game trên điện thoại di động không còn là vấn đề công nghệ. Dân chúng dùng công nghệ để giải trí, chẳng khác gì nghe những ca khúc đằm thắm, hoặc những vở nhạc kịch đắt tiền….
Những trò chơi đơn giản như Flappy Bird đã đáp ứng đúng nhu cầu CHƠI của dân Mỹ/Nhật/Châu Âu. Flappy Bird không phải là một sản phẩm công nghệ mà là một sản phẩm giải trí. Người ta chơi nó, không khác gì nghe đi nghe lại một bản nhạc mà mình yêu thích. Vì thế mà Rolling Stones, một tạp chí hàng đầu thế giới vềvăn hóa, đã phải phỏng vấn Hà Đông bằng được
Vì thế mà bảo tàng hàng đầu thế giới về Art and Design: Victoriaand Albert Museum đã chọn Flappy Bird làm sản phẩm đại diện cho các một dòngnghệ thuật mới này.
Bằng trực giác của người nghệ sĩ hiểu biết sâu sắc về công nghệ, Đông đã nắm bắt được đúng xu hướng đó. Nhưng điều làm tôi lạc quan hơn cả, đó là Đông, một người con bình thường của làng lụa Vạn Phúc, là một sản phẩm hoàn toàn của xã hội và nền giáo dục Việt nam. Bởi thế tôi tin chắc chúng ta còn hàng ngàn, hàng vạn những bạn trẻ tài năng như vậy trên khắp miền đất nước. Hà Đông là tấm gương chỉ cho các bạn ấy một con đường khác để chinh phục thế giới.
Dưới phần bình luận của status này, Nguyễn Hà Đông đã phản biện 1 bạn cho rằng
“Làm game là dễ quá, không đáng làm, mà phải tạo ra cái gì đó, chẳng hạn như platform để thay thế ERP etc...”
như sau:
Vũ trụ có những nguyên lý bất biến: "Có nhỏ thì mới có lớn, có đơn giản thì mới có phức tạp". Nhiều cá nhân, đất nước nghĩ mình giỏi hơn người, bắt chước làm những điều lớn lao trong khi nguồn lực chưa sẵn sàng để rồi thất bại và đổ lỗi do mình không gặp may, đổ lỗi cho giáo dục, đổ lỗi cho xã hội... Thật là trẻ con và ấu trĩ!
Trong công nghiệp mobile games, Phần Lan nhờ có quá trình trưởng thành của các thiết bị Nokia nên họ có thể từng bước làm tốt các games từ nhỏ như Snake cho đến các games lớn hơn Clash of Clans của ngày hôm nay. Quá trình này không khác Nintendo khi xưa là mấy. .GEARS (tên công ty của HĐ) rất may mắn khi đạt được thành công từ những bước khởi đầu với những sản phẩm rất nhỏ và mô hình kinh doanh không thể đơn giản hơn hoàn toàn phù hợp với nguồn lực nội tại.
Sản phẩm nhỏ mà thành công giống như "Pie in the sky" ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không thể chạm đến, Flappy Bỉd, Swing Copters tuy đơn giản nhưng để đạt đến trình độ đó không phải là một sớm một chiều. Nếu bắt đầu đầu tư bây giờ trong 5-10 năm tới mới thấy có kết quả. Ai có đủ can đảm để đầu tư từng ấy thời gian?”
--
Tháng 12/2015, CEO của Google lúc đó là Sundar Pichai đã đến thăm Việt Nam và chấp nhận để Nguyễn Hà Đông tiếp ông tại một quán trà chanh vỉa hè Hà Nội.
Sự thành công của Hà Đông và bức ảnh CEO của công ty công nghệ hùng mạnh nhất thế giới phải hạ mình ngồi uống trà cắn hạt hướng dương với một lập trình viên chưa từng bước ra nước ngoài, trên vỉa hè Hà Nội, thực sự đã tạo cảm hứng vô tận cho thế hệ lập trình viên trẻ. Đó là Quyết, là Linh, những người tôi đã nhắc ở trên.
Họ chính là lớp người mà Nguyễn Hà Đông đã nhắc đến ở trong bình luận của mình: “Sản phẩm nhỏ mà thành công giống như "Pie in the sky" ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không thể chạm đến. Ai có đủ can đảm để đầu tư 5-10 năm?”
Năm 2015, họ đã có đủ can đảm để bỏ tất cả đi theo lời kêu gọi của Hà Đông tìm "Pie in the sky". Và bây giờ đạt được những thành công vang dội.
Xin kể một chuyện nhỏ.
Đầu năm thấy cô em giám đốc Endeavor hớn hở khoe: "Có thế hệ sau rồi anh ơi. Hy vọng là Endeavor Việt Nam sẽ trường tồn."
Số là anh em Chiến đạo (tên tiếng Việt của Endeavor) New York có sáng kiến rủ cùng nhau đóng tiền chơi chung, gọi là Catalyst cũng đầu tư vào trong các công ty trong mạng lưới. Không ít quá, nhưng cũng không nhiều quá. Cam kết nếu có lời thì để lại 50% phát triển Chiến đạo tiếp. Họ pitching rủ anh em Việt Nam chơi cùng. Tối thiểu mỗi suất đầu tư là $500k. Có 2 founders quen sống ở Mỹ đã quen kiểu này tham gia. Còn lại đa phần anh em Việt Nam vẫn còn e ngại.
Cuối buổi, một thiếu niên mặt non choẹt, mới tham gia mạng lưới hồi tháng 8 năm nay mới rụt rè hỏi: “Cho em hỏi, tối thiểu là $500k, vậy tối đa là bao nhiêu ạ.”. Vì là chơi chung nên quỹ cũng không muốn một đại gia nào áp đảo nên có đặt ra mức tối đa.
Tối đa là góp $10 triệu.
“Vậy em cam kết đóng $10 triệu!”
Tôi suýt ngất. 60 tuổi đầu, quả thật là chưa thấy ai xuống số tiền lớn từng đấy cho một việc nghĩa nhanh như vậy.
Không đánh giá hành động của mình có gì là to lớn, em tâm sự: em thấy mình quá may mắn, nên tự thấy mình phải đóng góp lại cho xã hội. Nếu thành công, tiền lời từ số tiền đầu tư của ông em thừa sức nuôi văn phòng Chiến đạo Việt Nam trong nhiều năm tới, góp phần nâng đỡ nhiều thế hệ doanh nhân khởi nghiệp mới. Đó lại là Nguyễn Đức Linh.
Trẻ trung, sáng tạo, sẵn sàng khám phá những chân trời mới, và cũng sẵn sàng cho đi. Linh, Quyết và rất nhiều các bạn trẻ khác đi theo Hà Đông xây nên cả một ngành công nghiệp game mobile, tầm cỡ top 5 trên giới, với doanh thu lên đến hàng tỷ USD hàng năm và một năng suất lao động mà chúng tôi ở Fsoft có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến. Hoàn toàn tự nhiên, không cần đến Nhà nước phải ra chính sách giúp đỡ, bỏ qua những lời kêu gọi của các đàn anh như chúng tôi.
Suy ngẫm
Nếu theo dõi cuốn sách này đến đây, các bạn chắc phần nào đã hình dung được những con người đã làm nên thành công của Fsoft. Quả thật là chưa bao giờ tôi hết sửng sốt vì những gì mà những bạn trẻ dưới quyền tôi làm được.
Và tôi chợt nhận thấy một điều, lứa trẻ làm nên những thành công đó của Fsoft, ra đời những năm 1975-1985, đều không có điều kiện được đi học nước ngoài. Tất cả những người được nhắc đến Phạm Minh Tuấn, Hoàng Việt Anh, Nguyễn Đức Quỳnh, Bùi Thiện Cảnh, Trần Xuân Khôi, Bùi Hoàng Tùng, Vũ Đăng Khoa, Trần Côi, Nguyễn Thu Hà, Trần Đức Nghĩa…. và cả những người tôi không đủ thời gian để nhắc đến như Đỗ Khắc hiện là giám đốc FJP, Đặng Trần Phương FUSA, Lê Hải Fgermany, Trần Hồng Chung, FMAS… đều là những người được hoàn toàn đào tạo trong nước, và cho đến trước khi vào Fsoft, họ chưa từng một lần ra nước ngoài. Rồi ngay cả lớp sau như Hà Đông, Quyết, Linh, cũng thế. Các em là sản phẩm 100% made in Việt Nam nhưng đã thành danh trên thế giới.
Tôi cho rằng, có lẽ trong các bạn ấy đã có một cái gì đó rất Việt Nam, một thứ “hồn cốt” được đúc kết từ hàng ngàn năm xây dựng định danh của dân tộc. Như truyện Kiều vậy!
Bạn có thể cho nhận xét của Phạm Quỳnh về Kiều: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” là lối nói thậm xưng (bây giờ gọi là nổ) của các văn sĩ xưa.
Bạn có thể không thích một bài thơ dài dằng dặc, đầy tâm lý yếm thế, thuần âm, mòn mỏi đơn điệu.
Bạn có thể không thích cốt truyện nhạt, lại miêu tả cảnh và người tận bên Tàu.
Bạn có thể cho rằng Nguyễn Du phượt nhiều, rách việc mà sáng tác, chứ cũng không truyền tải một mưu đồ hay ý tưởng gì sâu xa kiểu “văn tải đạo” cả.
Nhưng bạn không thể phủ nhận ảnh hưởng sâu rộng của Kiều trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Thậm chí một bạn đã chê Kiều bằng chính một câu Kiều: “rằng hay thì thật là hay/Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”!
Nói một cách khác. Kiều là một sản phẩm tuy “nhái” Tàu, nhưng đã thành công rực rỡ tại Việt Nam có lẽ Nguyễn Du đã chạm được vào
cái gọi là “hồn cốt” của dân Việt. Thủ pháp này có thể gọi là “Kiều hóa”. Nếu mà được lý giải một cách mạch lạc, coi như có đường ra cho giới startup Việt Nam. Xưa nay chúng ta đều sang Tây, sang Tàu mà bắt chước, rồi mang về chế lại. Nhưng đều sai cách cả. Định nhái lại Tiktok, FaceBook thì khác gì Nguyễn Du chọn lục bát hóa Tây Du Ký, Những người khốn khổ. Bởi bắt chước không đến nên đều ngô nghê, nửa đường đứt gánh cả.
Nên trong phần kết của cuốn sách, tôi xin phép được lạm bàn một chút về Chiến tranh nhân dân, như một lời kêu gọi cho tất cả chúng ta hãy cùng nhau đi tìm “hồn cốt Việt” trong chính công việc của mình. Vì chỉ có dựa trên những giá trị của dân tộc, chúng ta mới có thể cùng nhau đưa Việt Nam vươn lên trong thế giới này.
Nhận xét