Chuyển đến nội dung chính

Sách: "Đêk biết gì cũng tiến" - Chương 5: Thuê Tây


Chương 5 cuốn sác Đek biết gì cũng tiến. Ta không dám đi. Việt Kiều thất bại. Tất yếu phải thuê Tây. Những người tìm hiểu lịch sử phát triển của Fsoft, chắc hẳn phải rất ngạc nhiên là tại sao vào năm 2001, công ty đã dám thuê Martin Geiger làm giám đốc Marketing có mức lương cao ngất ngưởng $7000/tháng (chú ý khi đó lương CTV của ĐắcNT thành viên FYT chỉ có 1 triệu/tháng). Và cũng khoảng thời gian đó Bryan Pelz lại nhận chức vụ CTO kiêm khách hàng và làm không công?

Câu chuyện 1: điếc không sợ súng

Cuối năm 2000 khi văn phòng FUSA đã hoàn toàn bất lực trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Những nỗ lực “điếc không sợ súng” của anh Bình và đội “phi công vũ trụ” ở trong nước cũng không mang lại kết quả gì.

Tôi liều mạng sang dự hội chợ ở Toulouse. Trong chương trình tham quan, thú vị nhất là hôm đến thăm Matra Marconi. Do đã được một tay của hãng này tại SIAM99 giới thiệu, tôi gọi điện đến Mr. Didier FRAYSE chuyên phụ trách việc thuê thầu phụ. Sau một hồi ú ớ có lẽ không hiểu mình muốn gì, ông ấy cũng đồng ý gặp. Thế là được một hôm hồi hộp chuẩn bị. Nếu mà được bọn này thuê cho lấy vài việc, dù nhỏ xíu thì cái danh của FPT chắc chắn sẽ oai như cóc. Là quần áo, cà-vạt, học thuộc profile... Phải công nhận là người Pháp lịch sự. Sau khi chào hỏi, hỏi thăm một số thông tin, ông ta mới thẽ thọt: "hãng chúng tôi chỉ thuê những công ty nào đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực vũ trụ" làm tôi hết hy vọng. Tuy nhiên trước khi về, ông ta vẫn còn an ủi "Ngày mai là chúng tao họp Hội đồng quản trị, có thể sẽ thay đổi chính sách, biết đâu lại thuê chúng mày". Đúng là lịch sự như người Pháp!!!

Anh Bình thì dẫn tôi và Tiến béo (Hoàng Nam Tiến) sang dự một hội nghị ở Hong Kong. Trong lúc anh Bình gặp ai cũng ôm chầm và trao đổi card visit (việc này thì phải nói cụ rất siêu), thì tôi có nhiệm vụ đứng cửa phát tờ rơi. Mỏi tay cũng chỉ được 1/2 thùng, còn lại vứt béng vào WC. Tiến béo thì xoa tay, bảo xong việc em sẽ bọn anh sang Thẩm Quyến giải trí. Đau nhất là còn bị một bác Nhật hứa có việc làm rồi gạ đi uống say túy lúy, rồi chuồn mất làm chúng tôi phải trả tiền.

Chúng tôi nghĩ chỉ còn cách thuê Tây. Anh bạn tôi tên là Khang, đã giới thiệu Martin, lúc đó đang làm chuyên gia tư vấn cho Paramarketing, một hãng tư vấn chiến lược phát triển thị trường có trụ sở ở Seatle.

Câu chuyện 2: Martin Geiger

Martin Geiger là 1 trong 2 thành viên sáng lập của công ty MK (Martin và Khang), vừa nổi danh toàn quốc trong việc làm chủ hoàn toàn công nghệ và sản xuất 80 triệu thẻ CCCD gắn chip cho Bộ công an trong thời gian ngắn kỷ lục.
Martin và Khang cùng học MBA tại Boise State University. Họ gặp nhau tại Seatle và đưa ra ý tưởng thành lập công ty để sản xuất, cá thể hóa các loại thẻ ngân hàng tại Việt Nam. Sau khi chiếm lĩnh thị trường thẻ tín dung, thẻ ATM trong ngân hàng, MK tiến sang thẻ gắn SIM của các công ty viễn thông Trong quá trình này họ đã làm chủ được hệ điều hành cũng như các thuật toán mã hóa trên chip. Nhờ có quy mô thị trường viễn thông lớn, MK đã xây dựng được năng lực sản xuất rất mạnh và mạng lưới nhà cung ứng và đối tác trên toàn cầu.

Bởi thế khi có quyết tâm chính trị từ lãnh đạo nhà nước và Bộ Công an về việc triển khai ngay 50 triệu thẻ CCCD có gắn chip trong nửa năm 2021, giữa lúc Covid đang hoành hành, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy khắp nơi, MK trở thành công ty duy nhất có năng lực thực hiện được dự án. Và kết quả đạt được là một kỳ tích, trong ngành, đưa Việt Nam vào nhóm các nước làm chủ được công nghệ định danh công dân.

Tôi cũng không nhớ tại sao lại nhờ Khang. Bản thân Khang cũng không nhớ vì trước đó chúng tôi không quen nhau. Có thể có bệnh là vái tứ phương.

Một hợp đồng tư vấn được kí kết. Sau gần 1 tháng làm việc ở Việt nam, Martin trình bày chiến lược GTM (go-to-market), bảo đảm giúp Fsoft vượt qua giai đoạn khó khăn và đạt doanh số khoảng 5-6m vào năm 2002. Lần đầu tiên Fsoft có một chiến lược rõ ràng đi ra thị trường, với mức đầu tư, doanh số kỳ vọng, IRR. Nói chung là đúng tiêu chuẩn.

Còn nhớ khi cử Hùng Henry đi sang Mỹ, anh Bình có phàn nàn là Hùng chẳng có kế hoạch gì, khác gì ra trận mà không có bản đồ. Riêng với Martin, một MBA Mỹ chính hiệu, chuyên gia tư vấn, vẽ bản đồ là nghề của chàng.

Tiện thể nhắc tí, Bình là người đam mê “bản đồ”. Không có bản đồ - tức là kế hoạch kinh doanh, là không duyệt. Mà lúc đó FPT thành lập một loạt các bộ phận mới. Hùng Râu là người lập kế hoạch kinh doanh cho tất cả. Bí kíp của anh khá đơn giản. Cứ cho mục tiêu, cuối cùng, anh sẽ dùng Excel để tính lại được tất cả các con số doanh thu, lợi nhuận, nhân sự từ bây giờ đến lúc đó. Xem rất có khoa học, mặc dù ai cũng biết là bốc phét. Mới đây, chúng tôi tìm được 1 bản kế hoạch kinh doanh năm 2000 của Fsoft do Hùng Râu thực hiện. Ba quý đầu mỗi quí lỗ 200k USD, đến quý 4 tự nhiên lại 700k. Thế là cả năm lãi. Hay nhất là có cả chữ ký phê duyệt:-)

Quay lại bản trình bày GTM của Martin. Trước tù mù, đi quờ quạng nên thất bại. Giờ đã có người chỉ đường. Vấn đề là ai đi.

Chúng tôi tiễn Martin về bằng một buổi nhậu ở một quán trên đê Nghi tàm, không nhớ tên, chỉ nhớ ngồi chiếu và có hát quan họ. Không hiểu sao, đột nhiên tôi đề nghị Martin: hay mày join FPT để thực hiện luôn chiến lược được không? Suy nghĩ một lát, anh trả lời: tao sẽ xem xét và sẽ trả lời mày ngay sau khi về đến Mỹ.

Người Mỹ, đã nói là làm, đúng 2 ngày sau, anh email lại cho tôi, nhất trí gia nhập FPT và đề nghị đàm phán. Đàm phán cũng khá nhanh vì lúc đó liên đoàn bóng đá Việt nam đang mời Alfred Riddle làm huấn luyện viên. Chúng tôi cũng coi Martin như niềm hy vọng vàng của bóng đá Việt nam vậy. Mức lương được đặt cao bằng Alfred, $7000/tháng. Phải nói đó là một khoản cực kỳ lớn. Tôi nhớ quỹ lương của toàn bộ Fsoft năm đó chỉ khoảng 250tr/tháng. Một trong những tài năng trẻ, sinh hoạt trong câu lạc bộ tài năng trẻ của FPT – FYT, Nguyễn Tất Đắc còn giữ được hợp đồng với Fsoft với mức lương là 1tr/tháng.

Khi đã thành người FPT, Martin mới khám phá ra năng lực của Fsoft thực sự cách rất xa so với tham vọng. Anh càu nhàu suốt ngày: tưởng chúng mày chỉ kém lập trình, hóa ra chúng mày còn yếu cả tiếng Anh nữa. Mỗi tuần anh đưa cho tôi một list những vấn đề cần phải thay đổi ngay kiểu như
- Không được đứng lên trong giờ làm việc
- Cấm tiệt hát bậy
- Chỉnh lại đồng hồ cho đúng
- Không mang đồ ăn vào phòng.
- Không tổ chức lớp học trong giờ làm việc
....
Nhiều đến mức tôi cũng chẳng buồn xem nữa

Nhưng người Mỹ thật sự chuyên nghiệp, đã nhận làm thì bất cứ điều kiện nào cũng làm. Anh bảo tôi, chúng mày giao cho tao nhiệm vụ kiếm doanh số với đội quân ô hợp thế này thì khác gì đánh đố tay không bắt giặc. Để tao nghĩ một chút.

Tôi cũng tò mò lắm. Quân không biết lập trình, không biết tiếng Anh thì anh đàm phán với khách hàng Mỹ kiểu gì.

Bẵng đi một thời gian, anh phấn khởi khoe, tao nghĩ ra cách rồi: thời buổi khủng hoảng này, nhiều công ty Mỹ cũng đang ngắc ngoải, chỉ cần mình hứa có thuốc chữa là thế nào chúng cũng sa bẫy. Kiểu có bệnh thì vái tứ phương ấy. Ờ có lý đấy, nhưng làm thế nào để biết công ty nào sắp chết?

Thế mới cần học MBA. Đây này, mày vào website này nhé. Thấy cỡ nhân viên, dự án chưa? Tầm vài chục người. Thấy danh sách khách hàng chưa? Chỉ có vài thằng mà toàn là cỡ nhỏ ở địa phương. Đây là ứng viên nặng ký cho “nạn nhân” của khủng hoảng đấy.

Cứ thế, Martin tìm được gần 100 địa chỉ đại diện của các công ty Mỹ mà theo tiêu chí của anh là sắp chết. Rồi anh soạn một cái email rất trịnh trọng, đại khái là thưa quý ngài, tôi đây là chuyên gia hàng đầu của công ty FPT, rồi phân tích xu hướng công nghệ thế giới, các bảng biểu chỉ số kinh tế vĩ mô của Mỹ, rồi kết luận là công ty của quí ngài đang sắp chết. Tôi rất lấy làm tiếc.
Rồi ấn nút gửi.
Tôi bảo viết thế nó cho chửi cho chết. Nhưng anh thì xoa tay rung đùi ngồi đợi hệt như đang đi câu cá. Mấy ngày sau, anh hào hứng khoe có 5 con cá cắn câu, trả lời lại email của tao với câu hỏi: sao mày biết tao sắp chết? có cách nào giúp được tao không?

“Thuốc” cải tử hoàn sinh, mà anh đưa ra là một mô hình trên giấy, gọi là Pivotal ODC, tóm lại muốn không chết thì đuổi hết quân đi, chỉ giữ bọn sale thôi, có việc cứ đưa tao làm cho. Mà tao cũng bận lắm, nên nếu khi cần gọi được tao, thì phải đóng một khoản tiền giữ chỗ hàng tháng. Tôi nhớ là đâu đó $5000/tháng.

Thế là chưa làm gì, anh đã thu được mấy chục ngàn đô hàng tháng tiền giữ chỗ. Khi có việc thì đối tác phải giao cho bọn tôi với lòng biết ơn chứ không dám hoạnh họe kiểm tra phỏng vấn gì cả. May là anh em cũng sáng dạ chăm chỉ học hỏi nên rốt cục cũng hoàn thành được cả.

Ba trong năm công ty “sắp chết” may mắn thoát được khủng hoảng (chẳng biết có phải nhờ lá lẩu của chúng tôi không), và trở thành khách hàng thân thiết lâu dài.

Người Mỹ cũng rất sáng tạo về mô hình kinh doanh. Hồi đó Fsoft chỉ có doanh số từ HarveyNash, trông báo cáo hết sức bi quan, Martin bàn với công ty Cogita Solution một giải pháp swap, tóm lại mình đưa tiền cho nó phát triển thị trường, còn mình thì nghiên cứu kỹ thuật của nó và bill lại đúng số tiền đấy. Thế là tất cả đều thỏa mãn: anh em có việc làm, công ty có doanh số.

Nhưng cũng không ăn thua gì so với con số doanh số mà Marrtin đã cam kết. Thế là cậu ấy lại đi tìm đường mới. Lần này đề nghị mua một công ty khác. Anh quay lại gặp anh Bình và tôi với một hồ sơ dày cộp. Có lời giải rồi.
Muốn doanh số xx triệu (hình như là 4m), bỏ ra yy triệu để mua lại công ty này cho tao. Công ty này ở Mỹ tao đã nói chuyện với mấy ông chủ rồi. Hợp đồng với khách hàng đây, danh sách lập trình viên đây, quy trình phát triển đây. Tôi nhìn thấy ngất. Bình mà mua cái này thì cần gì bọn tôi nữa. Không hiểu là Bình hèn không dám mua hay thương tôi, nên đề xuất bị bỏ qua. Martin bảo, đấy đừng ép tao nữa.
Mãi đến năm 2014, khi đã có 5000 lập trình viên, doanh số 130m, Fsoft mới quyết định mua lại một công ty bên ngoài, bé hơn rất nhiều. (Chuyện sẽ được phân tích ở chương 17)

Sau một thời gian làm việc, anh đã đánh giá về FPT Software lúc đó thế này: “Công ty này được thành lập bởi những ảo tưởng sai của các lãnh đạo FPT về năng lực vận hành, bán những sản phẩm sai vào những khách hàng sai trong một thị trường cũng sai nốt!” “This strategy was based on the unrealistic visions of certain FPT executives about F-Soft's delivery capabilities…In short, inexperienced and unqualified managers and employees attempted to sell the wrong services to the wrong people in the wrong markets."

“Nam, you have to do something. People looks at you”. Martin nói với tôi trong một cuộc họp cuối năm 2001. Look thì look chứ làm được gì, tại thời điểm đấy Fsoft đã chơi hết mọi quân bài của mình ở thị trường Mỹ, còn Nhật thì chỉ mới bắt đầu.

Sau một năm làm việc thì chúng tôi chấm dứt hợp đồng với anh vì tình hình kinh tế Mỹ quá bi đát. Thế nhưng Martin không thể trở về Mỹ, anh đã bị một phụ nữ Việt nam trói chân, đó là chị Khuất Thanh Thúy, nhân viên phòng nhân sự của Fsoft.

Hôm trước ngày cưới, anh mời tôi và Khang lên tầng 18 khách sạn Daewoo tâm sự: “tao cứ thỉnh thoảng lại cấu vào chân xem có đúng là sự thật không. Đang yên đang lành ở Seatle, bây giờ lại ngồi giữa chốn xa lạ này, lại còn sắp có vợ nữa”

13 năm sau, anh đưa vợ con về Mỹ và gia nhập lại FPT USA với tư cách giám đốc điều hành. Trong lúc “trà dư tửu hậu”, Martin có tâm sự với tôi:
“Nam này, tao thấy tất cả những lỗi mà tao nêu ra hồi làm cùng với chúng mày, vẫn còn nguyên, thậm chí còn lớn hơn. Thế mà chúng mày đã tăng trưởng hàng trăm lần so với hồi đó. Lạ thật!”

Như vậy những điều bất cập mà Martin chỉ ra, không phải là “lỗi” cần phải sửa chữa, mà có thể đó là những ngầm định văn hóa không chấp nhận được với anh, nhưng lại phù hợp với Việt Nam và việc xây dựng Fsoft theo những ngầm định văn hóa đó đã mang lại những kết quả ngoài sức tưởng tượng của anh.

Tôi với anh có một số kỷ niệm khó quên
Hồi đó, anh thuê nhà ngay gần nhà tôi. Tết, có học sinh của vợ tôi lên biếu một con gà. Hai vợ chồng không dám giết nên cứ buộc gốc tre trong vườn. Đi làm, Martin bảo với tôi. Tao mơ ước được sở hữu súng như ở Mỹ. Mày cần súng làm gì, Việt Nam thanh bình lắm, không phải tự vệ đâu. Không, để tao bắn chết con gà nhà mày. Vì sáng nào nó cũng gáy tướng lên lúc 5h sáng, tao không ngủ được. Một hồi sau con gà bị trộm mất, Martin khoái trá lắm, bảo tao nhìn thấy thằng trộm nhưng tao mặc kệ.

Lại có lần cậu ấy bảo: Việt Nam chúng mày có tục lệ hay nhỉ. Tục lệ gì thế. Ah, hôm trước mừng nhà mới, mày mang sang tặng tao chai rượu. Hộp đẹp lắm. Chai xịn. Nhưng hôm vừa rồi tao mở ra uống thì rỗng không. Không biết chúng mày có tục lệ tặng chai rượu không. Tôi té ngửa. Ra là chai rượu do khách hàng tặng, tôi để trên bàn làm việc. Anh em nhân viên (sau này chúng nó khai ra là anh QuynhND) lẻn vào khui ra uống hết rồi lại để lại cẩn thận. Mình cứ tiện tay mang đi tặng.

Anh sắp lấy vợ. Bố vợ anh làm ở văn phòng TƯ Đảng. Tôi đưa anh đi thăm nhà bác Hồ ở Nghệ an. Đến nơi thì cửa đóng kín mít. Anh bảo thôi để tao vào cửa hàng mua một cái tượng Bác Hồ đem về tặng bố vợ. Mấy bà bán hàng lụp xụp đấy đã không biết cơ hội chặt đẹp, chỉ lấy của Martin có 12,000 đồng cho một bức tượng bán thân to tướng. Bố vợ quý lắm, biết chúng tôi rất cần Martin, hôm ăn hỏi, chú nói thầm với tôi: cháu yên tâm, chú sẽ giữ Martin ở lại Việt Nam.

Anh có hai đứa con trai, là William Khang và Geiger Nam, kỷ niệm hai ông bạn Việt nam đã dụ anh đến đất nước này.

Thời gian Martin ở Fsoft không lâu. Nhưng sự chuyên nghiệp và sáng tạo trong bán hàng của anh thực sự đã ảnh hưởng đến tôi và qua tôi đến Fsoft rất nhiều. Tôi luôn nói các bạn sale, nếu bạn thực sự muốn bán, bạn sẽ tìm ra cách bán.

Sai khi rời Fsoft, anh đã tham gia xây dựng một công ty phần mềm làm game ở Việt nam, làm bệ đỡ cho Nguyễn Hà Đông, ngôi sao trong thị trường game mobile nhỏ (casual games) với con chim Flappy Bird nổi tiếng.

Trái ngược với Martin, thấy khó chịu với những sự không phù hợp về văn hóa, những năm đầu đó, chúng tôi còn tình cờ được có sự phục vụ của một chuyên gia khởi nghiệp công nghệ người Mỹ. Anh này thấy ở Việt Nam cái gì cũng hay, và quyết định ở lại khởi nghiệp.

Câu chuyện 3: Bryan Pelz

Hey I don’t think I can be more Vietnamese than you 
😉
 Thanks Nam, Chuc Mung Nam Moi.
You’re one of the people who played a key role in me coming to Hanoi. Since then, I’ve found success and happiness with my new wife and my new company…essentially a new life. For me, Tet is somewhat of a continual experience. I wish that for you.
Chào, tao không nghĩ là tao Việt lầy hơn mày Mày là một trong những người làm tao phải đến Hà Nội. Tao có được thành công và hạnh phúc ở đây với vợ mới, công ty mới… thực sự là một cuộc sống mới. Tết là một trải nghiệm thú vị và tao chúc mày lúc nào cũng vui như Tết.

Đây là một trong những bức thư chúc Tết mà Bryan Pelz gửi cho tôi.
Chúng tôi gặp nhau hết sức tình cờ. Bryan là một người Mỹ kỳ lạ, anh đã từng thành công với nomade.fr (một kiểu yahoo của Pháp), rồi bán đi kiếm được một mớ tiền. Không hiểu sao năm 2001, anh quyết định sang Việt Nam. Anh vào network của mình và nhờ bạn bè giới thiệu ai đó ở Việt Nam và được giới thiệu đến chị Đinh Thị Hoa, là một trong những người Việt Nam ở miền Bắc được học Harvard từ năm 1990.

Một hôm, tôi nhận được điện thoại từ Hoa, chúng tôi học cùng phổ thông chuyên Toán, aka A0. “Nam, có một anh bạn Mỹ sang đây, hỏi tớ linh tinh về IT, tớ mù tịt, bạn giúp tớ tiếp nhé.” Tôi mừng húm, từ Mỹ sang, lại làm CNTT, khách hàng đây rồi chứ đâu, nên đồng ý vội.

Bryan rất dễ chiều. Cái gì anh cũng thấy hay. Chúng tôi cần hợp đồng, anh ok ngay và giao việc xây dựng các chương trình đi crawl data (thu nhập dữ liệu) trên internet. Bây giờ thì thường, nhưng lúc đó là công nghệ đỉnh cao với chúng tôi.

Được một thời gian, Bryan nói với tôi, tao thấy chúng mày có vẻ yếu công nghệ. Tao xin apply làm CTO. Tôi trố mắt, tiền đâu mà trả. Bán hàng thì ok, chứ CTO cần quái gì. Tao chỉ lấy $1000/tháng thôi. Nhưng mày vẫn là khách hàng chứ. Đương nhiên rồi, các hợp đồng vẫn tiếp tục. Tôi nhất trí, gì thì gì, bán hàng kém của mình cũng tại vì mình ú ớ về công nghệ. So với Martin thì mềm hơn hẳn rồi.

Nhận chức rồi, việc đầu tiên là Bryan chấn chỉnh tôi. Công nghệ bắt đầu bằng hình ảnh. Bàn làm việc của giám đốc một công ty công nghệ mà thế này à? Thế phải thế nào? Là phải đầy sách báo về công nghệ hiểu chưa? Sách nào, mua ở đâu? Để tao lo. Thế là Bryan đặt rồi chất đầy lên bàn tôi từng chồng tạp chí công nghệ. Đọc hay không không biết, khách chưa rõ phản ứng thế nào, nhưng anh em công nghệ chắc ngất: mình làm việc đúng chỗ rồi.

Có hai cuốn tôi đọc nhiều nhất là báo cáo công nghệ hàng năm của PWC và tạp chí WIRED (có thể dịch sang tiếng Việt là “Tán gẫu”). Wired rất hay ở chỗ viết về công nghệ dưới góc nhìn đời thường. Kiểu “chuyện tình blockchain” hay “một mình trong sa mạc dữ liệu” etc… Giờ tôi vẫn đọc Wired và vẫn thấy bổ ích, thường xuyên có đủ chất liệu để đàm đạo với anh em công nghệ bốn phương.

Sau khi xây dựng hình ảnh công nghệ cho giám đốc xong, Bryan lại đề xuất: tao thấy nhân viên mình là nhân viên một công ty công nghệ, mà chơi toàn những trò chân tay to như đá bóng, mất hình ảnh. Chơi cũng phải trí tuệ chứ. Ý mày là gì, chơi cờ vua à. Không, cờ vua nhàm lắm, không vui. Phải thi đấu, nhưng là thi làm robot chẳng hạn. Thôi tao lạy mày. Quân mình, thằng thành phố thì ăn trắng mặc trơn, thằng xuất thân nông thôn thì chỉ biết cày cấy, làm robot thế chó nào được. Không phải là chế tạo từ đầu, chỉ là lập trình cho nó thôi. Ah, thế thì được, nhưng có tốn kém không? Cho tao $2000 là đủ. Rẻ thế, ok luôn.

Thế là Bryan đặt luôn 5 bộ Lego robokit, đúng $2000 thật. Rồi chia cả công ty thành 5 đội. Vẽ một cái maze thật to. May lúc đó có cái phòng to tướng, chưa đủ quân để ngồi. Nhiệm vụ là lắp các miếng lego thành một con robot và lập trình cho nó chạy theo cái maze đó. Giẫm đạp lên nhau thoải mái, con nào về trước thì thắng.

Hôm thi đúng là một ngày hội. Anh em hò reo rung động cả văn phòng. Mấy ông khách hàng từ IBM Nhật chạy vào xem nể quá: bọn này robot còn làm được, nên cũng bao dung hơn rất nhiều với anh em. Thừa thắng anh em còn mang đến trường Trưng Vương, tổ chức cho các cháu thi. Bạn Fsoft phụ trách chương trình này sau về thì thào với tôi: anh ạ, em thấy các cháu lập trình còn hơn anh em Fsoft. Sau này khi lập FUNiX, tôi vẫn giữ niềm tin đấy, học lập trình càng sớm càng tốt.

Một hôm Bryan vào bảo, Nam tao không nhận lương nữa. Sao vậy, mày không được nghỉ đâu. Cả công ty có mỗi mày là bộ mặt công nghệ. Không tao vẫn làm, ý tao là tao sẽ không nhận lương nữa mà vẫn hoàn thành công việc, nếu mày miễn cho tao việc phải báo cáo cho Hùng Râu. (Anh này khi đó là ác mộng của anh chị em làm khối hỗ trợ, tức là phải tiêu tiền.)

Sau này khi Bryan chuyển sang khởi nghiệp sáng lập VNG, Hùng Râu cứ trách tôi: chú thấy tài năng mà không biết giữ. Tôi vặc lại: tự anh cứ bắt nó làm báo cáo nên nó chán.

Lúc đó tôi mới hiểu tại sao anh lại làm không công cho chúng tôi. Có lẽ anh đã “đánh hơi” được cơ hội ở thị trường này. Anh cần chúng tôi để có cớ hợp pháp ở lại Việt Nam để kiểm định những cảm nhận của mình. Chức danh CTO mà anh bịa ra để được ở lại thực sự cũng không phải là cần thiết với chúng tôi (điều này sẽ được đề cập đến trong chương 11). Nhưng anh đã chỉ cho chúng tôi thấy, thế nào là thủ lĩnh của một công ty công nghệ.

Bryan là một người dễ hòa nhập. Trong một lần ngồi ở quán Spot 1, anh đã mách cho tôi khái niệm Social capital (vốn cộng đồng - VCD), có thể sử dụng như cơ sở lí thuyết của hệ thống hoạt động phong trào của FPT. Đại khái có thể hiểu vốn cộng đồng của một cá nhân là khả năng liên kết của cá nhân đó với các cá nhân khác. Càng rộng, càng sâu thì vốn cộng đồng càng cao. Vốn cộng đồng của một tổ chức có thể hiểu là tổng VCD của các cá nhân trong tổ chức đó. FPT khi mới bắt đầu đã có VCD rất cao do các thành viên đã rất gắn bó với nhau. Rất tiếc là thời gian gần đây có vẻ như VCD của FPT không tăng kịp với tốc độ tăng trưởng doanh số. Và cũng không ai quan tâm đến vấn đề đó nữa. Tất cả quy ra thành event – sự kiện.

Lấy đúng khái niệm này mà đánh giá thì Bryan có VCD rất cao. Có vẻ như không có ai mà anh không thể quen. Tôi đã thấy anh chơi say sưa với một cô gái bán bạc trắng tại chợ miền núi Mường hun và đàm đạo chuyện phim ảnh với những nghệ sĩ gạo cội. Nhớ hôm tôi giới thiệu Trương Quí Hải với Bryan tại Fsoft House. Hải hơi biết một tí tiếng Anh còn Bryan hơi biết một tí tiếng Việt. Đầu tiên thì tôi phải làm phiên dịch, sau đó họ không cần tôi nữa. Hải bảo: Bryan có biết không, Hà nội xưa cực kỳ yên tĩnh, yên tĩnh đến mức ngồi trong nhà có thể nghe thấy tiếng xích xe đạp lạch xạch trên đường. Bryan thì mơ mộng: nhà mình ở Cali, nhưng vắng lặng, nhiều buổi chiều nghe tiếng gió như tiếng nhạc đồng quê.

Bryan sẵn sàng đi khắp nơi mà tôi dẫn đi. Anh bảo: tao chắc là người Mỹ duy nhất 3 lần đến Ngã ba Đồng lộc và hát “Cô gái mở đường”. Anh tậu được một chiếc xe Jeep đời 68, máy nổ ầm ĩ, rồi chở tôi đi thăm bảo tàng Trường sơn ở Bala Bông đỏ. Một hôm anh trầm ngâm nói: ở trên những Highway California, thỉnh thoảng lại có những pano: đừng quên hơn 1000 lính Mỹ còn bỏ mạng mất xương tại Việt nam. Hôm qua tao mới biết chỉ riêng phía Việt cộng đã còn khoảng 300,000 người vẫn được coi là mất tích.

Đi với Bryan tôi học được rất nhiều, về sự chuẩn bị cẩn thận, về thái độ cởi mở ham học hỏi và về kiến thức vô cùng rộng của anh. Có lần chúng tôi cùng nhau đi “phượt” trên đường HCM. Lúc đó đã muộn, đêm trời tối om, thấy anh kêu ầm lên: dậy thôi, chúng ta đang đi qua vĩ tuyến 17 lịch sử. Đợt đó chúng tôi đến bản Vân kiều ở Quảng trị, mặc dù đã 11h đêm, thấy hẳn một thê đội cán bộ xã đón tiếp. Có lẽ là họ biết là có khách quốc tế.

Tôi luôn ngờ rằng anh hiểu người Việt hơn đa số tất cả chúng ta. Khi khởi nghiệp VNG và cho FPT « đo ván » trong lĩnh vực chơi game trực tuyến, anh thú nhận là hơi bất ngờ về sức cạnh tranh yếu của FPT. Theo anh, FPT đã bỏ sở trường về sử dụng sức mạnh cộng đồng để mở rộng mạng lưới mà lại đặt cửa vào việc người ta chơi game vì mong muốn danh lợi không có được ngoài đời. VNG đơn giản cho rằng người ta chơi game là vì adua theo bạn bè, và đã đặt cửa vào việc chiếm các quán Net, là nơi hội chơi game thường tụ tập.

Khi đặt tên cho cổng thông tin trực tuyến của mình Zing.vn, một lần nữa Bryan làm tôi bất ngờ, anh nói: tiếng Việt có chữ Z rất hay, rất quốc tế mà người Việt lại phát âm dễ, có trong tâm thức từ A đến Z mà chỉ có một người Việt nam dám dùng chữ này trong văn viết, đó là Hồ Chí Minh, bọn tao chỉ bắt chước cụ thôi. Zalo cũng là một sản phẩm tuyệt vời họ Z mà giờ đây hầu như người dân Việt Nam nào cũng dùng.

Chuyện Bryan lấy vợ Việt Nam cũng vui. Hồi mới sang Việt Nam, anh mang theo 2 con chó. Vấn đề lớn nhất là chúng – bọn chó Mỹ rất sợ giao thông và từ chối đi qua đường. Mỗi lần đưa chúng đi, anh đều phải thuê 1 cái xích lô để chở chúng qua đường. Tôi có bảo, sao phải vất vả thế. Anh trả lời: tao phải nuôi chó để tập làm quen cho việc có tinh thần trách nhiệm, đi đâu cũng phải về nhà chăm chó, sau này lấy vợ dễ thích nghi. Anh luôn ý thức được mình: đẹp trai, thông minh, giàu có sẽ là đối tượng nằm trong tầm ngắm của các cô gái nên rất cảnh giác. Thỉnh thoảng anh lại cho tôi xem tin nhắn: mày xem bé này định chăn tao này, hehe, tao né ngay. Cho đến hôm anh nhắn tin báo: đang uống café với bạn gái và mẹ. Tôi bảo, mày chết rồi, nó dẫn mày ra mắt mẹ đấy, chuẩn bị đám cưới đi.

Thế rồi anh cưới thật. Khi mời tôi, anh lại dùng thuật ngữ “vốn cộng đồng”: Nam, mày có VCD cao. Tao tổ chức đám cưới 2 lần, 1 lần cho nhóm bạn bè đông đảo ở khách sạn Kim Liên, 1 lần cho bạn bè chọn lọc ở Moon River bên bờ sông Đuống. Cả hai lần đều thấy phải mời mày cả!

Sau khi rời VNG, mặc dù đã có kế hoạch đưa gia đình về Mỹ, anh lại khởi nghiệp tiếp, quyết tâm làm sản phẩm toàn cầu ở Việt Nam. Anh bảo với tôi: một nửa của tao là VN, tao phải có trách nhiệm. Anh chia sẻ: vấn đề của Việt Nam không phải là thiếu người tài, mà thiếu chỗ tập trung người tài. Chất xám phải có độ đủ đậm đặc thì mới tạo thành sản phẩm mạnh, cũng như uranium đủ mật độ mới tạo nên phản ứng hạt nhân. Anh còn tạo ra mô hình pair-programming, cứ mỗi 1 dev Việt ở Saigon sẽ làm cùng với 1 dev từ Silicon Valley. Từ đó học được cách làm sản phẩm. Tôi hỏi làm sao lấy tiền đâu mà trả lương cho lập trình viên Mỹ, anh nháy mắt: như tao thôi. Bọn nó còn phải bỏ tiền để tao cho sang Việt Nam ấy chứ.

Lâu rồi mới liên lạc lại, anh bảo với tôi là vẫn đang khởi nghiệp và lần này nếu thành công, sẽ tham gia đầu tư vào Ái Việt Venture mà tôi và Đinh Hoa mới lập ra, với một niềm tin khá "mù quáng" là có thể khai thác tiềm lực khoa học công nghệ của các bạn trẻ Việt Nam.

Bình luận

Những người Mỹ tham gia ở những vị trí chủ chốt của Fsoft, từ những ngày đầu đã góp phần bổ sung cho những tính cách mà có thể ban lãnh đạo Fsoft tại thời điểm đó còn thiếu.
Họ chỉ cho chúng tôi cách họ nhìn nhận các đối tác theo kiểu Mỹ. Nhưng họ cũng giúp chúng tôi hiểu rằng, những điểm khác biệt về văn hóa, lại có thể tạo thành unique selling point – lợi thế bán hàng, mà các bạn có thể đọc tiếp ở chương sau, chương 6.

Câu hỏi thêm
Liệu các công ty công nghệ Việt Nam ngày nay có cần thêm chất “Tây” trong ban lãnh đạo, khi Internet đã biến toàn cầu hóa thành chuyện thường ngày ở huyện?


Nguồn: facebook Nguyễn Thành Nam - Former CEO FTP.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[ebook] Phần I - Tổng hợp nội dung sách "Nuôi con không phải cuộc chiến"

Phần I - Nuôi con không phải cuộc chiến Chương 1: ăn ngủ tự lập mẹ nhàn con ngoan EASY: eat - activity - Sleep - Your time -> Là chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại của bé trong một khoảng thời gian 1 ngày của bé. Có thể bạn quan tâm: Khuyến mãi mua trọn bộ sách Nuôi con không phải cuộc chiến I. Nếp sinh hoạt EASY   1. Lợi ích EASY: Đối với bé: + Nhận biết được những gì xảy ra tiếp theo -> Tăng khả năng tự tin của con. + Tập cho bé phản xạ có điều kiện. + Kết nối nhịp sing học của con. Đối vơí mẹ: + Biết cách phản ứng với những nhu cầu khác nhau của bé, không nhầm lẫn giữa khi bé khóc đòi ăn hay làm nũng.  Về lâu dài: + EASY là nền tảng cơ bản giúp rèn luyện sự tự lập ở bé. + Tạo nếp sinh hoạt ăn ngủ điều độ. (Khi con càng lớn chu kỳ EASY càng dài ra) 2.   Chu kỳ 03h: Cho bé từ 0 - 3 tháng tuổi. Bé ăn cách nhau 03 giờ. Cho con ngủ theo bảng thời gian hoặc căn cứ vào dấu hiệu của bé. Cân nặng tiêu chuẩn 2.7kg 3...

[AI] BÀI 4: Tác nhân và môi trường (Agent and Environment)

1. Agent (tác nhân): l à tất cả những gì có thể nhận thức về môi trường của nó thông qua cảm nhận "Sensor" và đưa ra hành động tác động đến môi trường (effective). Có 03 loại agent: human, software, robotic. + Cấu trúc của Agent: Gồm 2 phần:  Architecture + Agent Program + Phân loại Agent: -  Simple Reflex Agents: Agent phản ứng đơn giản. - Model Based Reflex Agents: Agent phản xạ dựa trên model - Goal Based Agents: Agent dựa trên mục tiêu. - Utility Based Agents: Agent dựa trên tính tiện ích. 2. Turing test : Ứng dụng trong việc kiểm tra và đáng giá máy móc có thật sự thông minh?  https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p_th%E1%BB%AD_Turing   3. Các thuộc tính của môi trường Discrete / Continuous  − If there are a limited number of distinct, clearly defined, states of the environment, the environment is discrete (For example, chess); otherwise it is continuous (For example, driving). Observable / Partially Observable  ...

[Tool] Apache Nifi

Introduction Apache NiFi is a dataflow system based on the concepts of flow-based programming. It supports powerful and scalable directed graphs of data routing, transformation, and system mediation logic. NiFi has a web-based user interface for design, control, feedback, and monitoring of dataflows. It is highly configurable along several dimensions of quality of service, such as loss-tolerant versus guaranteed delivery, low latency versus high throughput, and priority-based queuing. NiFi provides fine-grained data provenance for all data received, forked, joined cloned, modified, sent, and ultimately dropped upon reaching its configured end-state. See the  System Administrator’s Guide  for information about system requirements, installation, and configuration. Once NiFi is installed, use a supported web browser to view the UI. Browser Support Browser Version Chrome Current and Current - 1 FireFox Current and Current - 1 Edge Current an...

[Network] ARQ - Automatic repeat request

Automatic Repeat reQuest (ARQ) hay  Automatic Repeat Query là một phương thức điều khiển lỗi cho quá trình truyền dữ liệu bằng cách sử dụng ACK (acknowledgements) và Time Out, cho phép truyền dữ liệu tin cậy trên nền một dịch vụ không tin cậy (unreliable service). 1. ARQ protocol Gồm 03 loại Stop-and-wait ARQ Go-Back-N ARQ Selective Repeat ARQ / Selective Reject 2. Lĩnh vực liên quan Linked Data Transport Layer OSI Model. Ngoài ra có một số bằng sáng chế trong lĩnh vực live video contribution environments  sử dụng tới ARQ.

[LB-HA] Understand about High Available (HA) and Load Balancing

High Available (HA) :  Hỗ trợ dự phòng tiến trình. Hoạt đông với cơ chế Active - Passive . Hệ thống tồn tại 02 loại Component với role 'Active' và 'Passive'.  Active   Component sẽ đảm nhận việc xử lý tiến trình. Passive Component đóng vai trò backup. Trường hợp Active Component gặp lỗi (fail, downtime) hệ thống sẽ chuyển sang hoạt động trên B ackup  Component . Quá trình chuyển từ Active Component sang Passive Component gọi là 'Fail over'. Một số khái niệm liên quan đến HA: - FailOver: Chuyển đổi tiến trình chạy trên Passive Component khi Active Component gặp sự cố. - Fail Back: Khôi phục lại tiến trình hoạt động trên Active Component sau khi tiến trình dịch chuyển đến Passive Component trong quá trình FailOver. - Fault - Tolerant: Công nghệ giúp đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. Trường hợp một thành phần trong hệ thống bị hoạt động gián đoạn vẫn cho phép toàn bộ hệ thống hoạt động ổn định. Load Balancing : Hoạt động với cơ chế Active - Active ....

[Xu hướng] Open API – Xu thế phát triển mới của ngành công nghiệp phần mềm

Xuất bản: 2016-06-30 00:19:09 Các nhà phát triển đã nhận ra rằng việc lãng phí thời gian công sức vào thiết kế lại những thứ đã được các công ty khác xây dựng là hết sức không nên. Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể dựa vào những API được các nhà cung cấp nền tảng như Salesforce, Amazon, Google… và mới đây là các nhà phát triển độc lập khác đưa ra. Trong ngành công nghiệp sản xuất phần mềm, mỗi ứng dụng khi được đưa tới công chúng đều nhằm mục đích phục vụ cho một nhu cầu người dùng nhất định.  Có những ứng dụng phục vụ cho mục đích học tập, hoặc giải trí, du lịch, một số khác phục vụ cho mục đích đi lại như GrabTaxi hay Uber chẳng hạn. Mặc dù những ứng dụng này có thể giúp đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người sử dụng nhưng cũng không phải vì thế mà chúng được làm ra theo những cách hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, tuy có những mục đích sử dụng khác nhau nhưng những ứng dụng như vậy vẫn có những điểm chung, tương đồng về chức năng.  Dù bạn đang sử dụng Faceb...

[Mac OS] Cài đặt maven apache

Ngày tạo: 25/12/2016 Bước 1: Download maven apache từ liên kết:  https://maven.apache.org/download.cgi?Preferred=ftp://mirror.reverse.net/pub/apache/ Bước 2: Cài đăt biến môi trường: mở vào file .bash_profile thêm các dòng. (Nếu file chưa tồn tại thì tạo mới) $ vim ~/.bash_profile export JAVA_HOME=/Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home export M2_HOME=/Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 export M2=$M2_HOME/bin export PATH=$PATH:$M2_HOME/bin Bước 3 :  Restart Terminal, kiểm tra cài đặt thành công từ terminal bằng lệnh: $ mvn -version Trường hợp cài đặt thành công kết quả trả về như sau: Apache Maven 3.3.9 (bb52d8502b132ec0a5a3f4c09453c07478323dc5; 2015-11-10T23:41:47+07:00) Maven home: /Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 Java version: 1.8.0_60, vendor: Oracle Corporation Java home: /Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home/jre Default locale: en_US, platform encoding: UTF-8 ...

[PM4P] First step for reaching to PMP Certificate

27/07/2019: First step for reaching to PMP Certificate

Quản lý Session khi cấu hình dự phòng máy chủ sử dụng HAproxy

1.        Vấn đề Cùng một HTTP session có thể nằm trên nhiều kết nối TCP khác nhau. Trong điều kiện không sử dụng Load Balancer, sẽ không phát sinh các vấn đề về quản lý phiên – session. Thông tin session của tất cả người dùng được nhận biết thông qua một máy chủ duy nhất. Tất cả kết nối của Client đều được chuyển đến một máy chủ duy nhất. Ở chế độ dự phòng, khi người quản trị cài đặt nhiều hơn một server, vấn đề về quản lý session sẽ xuất hiện. Máy chủ ứng dụng có nguy cơ không thể access thông tin session người dùng. 2.        Phương án cấu hình dự phòng khi sử dụng session ·          Replication : Sử dụng cơ chế sao lưu session của web server để đảm bảo rằng tất cả các máy chủ ứng dụng thuộc cluster khác nhau đều có thông tin của Session. Một số web server phổ biến như tomcat đều hỗ trợ cơ chế replication session này. ·       ...