Chương một còn có tên mỹ miều là “Dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải Xuất Khẩu Phần Mềm” Và lý giải tại sao FPT lại thành lập bộ phận phần mềm rất sớm? Tại sao nó lại không phát triển được trong 10 năm và cuối cùng phải chọn con đường liều lĩnh XKPM khi chưa hề có kinh nghiệm
Câu chuyện 1
Câu nói “Dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải Xuất Khẩu Phần Mềm” được anh Trương Gia Bình phát biểu trong một cuộc hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực cho CNTT Việt Nam năm 2000, được phát trên VTV1. Trên diễn đàn có anh Bình và giáo sư Chu Hảo, lúc đó là Thứ trưởng Bộ KHCN. Câu nói đã gây sửng sốt cho GS Hảo cũng như anh em ngồi dưới.
Câu nói nổi tiếng “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập” được cho là của HCM nhắn nhủ VNG lúc Cụ bị ốm nặng ở Tân Trào. Có thể coi đó như một lời trăng trối, thể hiện sự nhạy cảm về thời cơ cách mạng (khi đó Nhật đã đầu hàng đồng minh, và đồng minh chưa đưa quân vào Việt Nam, để lại một khoảng trống quyền lực cho Việt Minh), cũng như một quyết tâm chính trị sắt đá.
Lặp lại một câu nói của lãnh tụ, cho một sự nghiệp suy cho cùng cũng chỉ là của một nhóm người, nhất là lại được phát trên kênh chính thống VTV, có thể dẫn đến những hậu quả chính trị khó lường. Tuy nhiên, TGB đã thể hiện rõ ràng hai điều qua phát biểu đó:
1/ Đang có một thời cơ thuận lợi cho việc XKPM. Tất nhiên không rõ ràng như thời khắc thế chiến thứ 2 sắp kết thúc trong trường hợp câu nói của HCM. Nhưng vào những năm 199x, cả thế giới đang lên cơn sốt về CNTT có tên là Y2K (vấn đề năm 2000). Vấn đề đại loại thế này, các máy tính trước đó đều có bộ đếm thời gian kiểu dd/mm/yy, chỉ dành 2 chữ số để miêu tả năm. Nên có người đặt câu hỏi: vậy sau thời điểm nửa đêm ngày 31/12/1999, liệu máy sẽ hiểu năm tiếp theo là 2000 hay 1900? Không ai hình dung được. Và điều này có thể dẫn đến những sai sót nặng nề, ví dụ cho những giao dịch tài chính phải tính lãi suất.
Một cuộc chạy đua để đọc lại các mã nguồn phần mềm và sửa lại cách viết ngày tháng, nhất là trong giới kinh doanh, tài chính, ngân hàng. Các phần mềm này lúc đó chủ yếu được viết bằng ngôn ngữ COBOL. Khối lượng công việc khổng lồ gây nên nạn thiếu nhân lực trầm trọng, đã tạo ra cơ hội cho các công ty phần mềm Ấn Độ lúc đó đang tìm đường vào thị trường Âu Mỹ. Ban điều hành của các công ty lớn trên thế giới không còn lựa chọn nào khác là phải thuê các công ty Ấn độ làm cùng, ít nhất cũng có thể làm yên lòng các ông chủ. Bản thân các công ty Ấn độ cũng rất sáng tạo trong việc đào tạo nhân lực. Trong chuyến đi thăm Bangalore cuối năm 1998, tôi đã tận mắt thấy những quảng cáo: “Học sinh tốt nghiệp phổ thông, chỉ cần học 3 tuần là đã có thể tham gia cùng TCS giải quyết vấn đề Y2K.” (TCS là Tata Consulting Service – Công ty dịch vụ Tin học con của tập đoàn Tata Ấn Độ.)
Thời điểm anh Bình phát biểu đã qua ngày 31/12/1999. Chẳng có gì xảy ra cả. Thậm chí có dư luận còn cho rằng đây là một cú “chơi khăm lịch sử”. Nhưng nói gì thì nói, các công ty Ấn Độ đã tận dụng rất tốt thời cơ này để thâm nhập và chứng minh năng lực cung cấp dịch vụ Tin học đáng tin cậy của mình cho các công ty và các tổ chức lớn trên toàn cầu. Và tạo cảm hứng thời cơ lớn cho những đàn em đi sau, trong đó có TGB.
2/ Câu nói này cũng thể hiện một quyết tâm hiện thực hóa “giấc mơ” to lớn của Bình và các lãnh đạo FPT từ những ngày đầu thành lập năm 1988. Xuất phát từ dân chuyên Toán, lại học về Toán, Lý, khởi nghiệp trong thời đại bùng nổ của máy tính cá nhân. Họ tin chắc rằng làm chủ máy tính, tức là làm phần mềm sẽ giúp họ thành đạt trên thương trường. Nhưng thực tế 10 năm đã qua, đã cho thấy, nhóm phần mềm không những không phát triển được, mà còn đang tan rã, những người giỏi nhất đã ra đi. Năm 1999, khi FPT quyết XKPM theo mô hình Ấn Độ, bộ phận phần mềm chỉ có độ 30 nhân viên.
Muốn hiểu rõ nguyên nhân của việc này, chúng ta phải ngược dòng quá khứ
Câu chuyện 2
Như bất cứ một công ty tham vọng khác, ngay từ khi thành lập FPT đã nung nấu mục tiêu trở thành những người khai phá cho công nghiệp phần mềm tại Việt nam. Để đạt được mục tiêu đó, Trương Gia Bình đã cất công mời những chuyên gia hàng đầu về phần mềm của Việt nam lúc đó vào ISC: Trung tâm Dịch vụ Tin học
- Nguyễn Chí Công, chuyên gia hàng đầu về UNIX và Mạng thuộc Viện Tin học Việt Nam (lúc đó gọi là Viện Tính toán và Điều khiển), người đã tham gia chế tạo chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của Việt Nam năm 1977. Anh Công dễ nhớ nhờ luôn đòi hỏi ở nhân viên hai việc:
+ Nhân viên mới đến làm việc phải quét nhà, pha nước, bưng bê.
+ Số lượng sách đọc được phải tính bằng cân.
Chính theo sự hướng dẫn đặt hàng và chỉ đạo của anh, FPT đã lắp đặt thành công mạng cục bộ đầu tiên vào giữa năm 1989. Anh Công là người đã cài đặt SCO Unix và terminal tại FPT cùng thời điểm đó. Anh dự đoán là sẽ đến lúc, tất cả Việt nam sẽ dùng UNIX và những phiên bản của nó. Sự bùng nổ của Internet vốn dựa trên giao thức kết nối chủ yếu của UNIX là TCP/IP, và sau này là điện thoại thông minh Android (hệ điều hành được phát triển từ một phiên bản nguồn mở của UNIX là Linux đã chứng minh là anh đúng.
- Đỗ Cao Bảo, chuyên gia lập trình Pascal số 1 lúc đó. Chuyện kể rằng, có một tay Việt kiều tự xưng là chuyên gia hàng đầu đến xin hợp tác tại một cơ quan, khi trả lời không biết Đỗ Cao Bảo là ai đã bị từ chối thẳng thừng. Anh Bảo lúc đó đang là chủ chốt của nhóm lập trình nhận dạng hóa đơn của Viện Tin học Việt Nam.
- Nguyễn Trung Hà, chuyên gia về Fortran của Viện Cơ học. Từ khi còn đi học ở Liên xô, anh đã nổi tiếng về tài nhìn trộm và phá khóa trong hệ điều hành của máy mini CM-4 của Nga. Tại Viện Cơ, công trình đáng kể của anh là thiết kế bộ thư viện đồ họa cho Fortran. Các chương trình Fortran vẽ được đồ thị tại thời điểm đó cũng gây ấn tượng không kém gì Metaverse bây giờ.
- Bùi Quang Ngọc, lúc đó là người có bằng cấp chính thống cao nhất về Tin học: tiến sĩ đào tạo ở Pháp. Lúc đó anh Ngọc đang là Phó khoa Tin học của Đại học Bách khoa Hà nội, một ngôi sao trẻ đầy hứa hẹn của nền Giáo dục và Đào tạo Tin học Việt nam, không thiếu tham vọng lên Bộ trưởng.
- Võ Mai, chuyên viên của Viện Vũ Khí, đã từng tham gia thiết kế hệ thống bỏ phiếu cho quốc hội Việt nam. Anh là chuyên gia về Assembler. Anh cũng là người đầu tiên lập trình truyền tin cho UNIX tại FPT
- Tôi, Nguyễn Thành Nam (tác giả) người viết những dòng này khi đó như một con cừu non giữa bầy sói. Hồi đó, mặc dù chưa thành lập, nhưng Trung tâm dịch vụ Tin học (ISC) của FPT đã được bác Vũ Đình Cự tin cậy gọi lên giao phó nhiệm vụ chế tạo siêu máy tính. Và kỳ lạ thay, anh Công đã nhận lời. Tối về trong căn phòng chật hẹp của vợ chồng Trung Hà tại Hàng Bông, anh Công họp cả hội lại triển khai làm siêu máy tính. Vì mọi người chưa quen biết nhau, nên phải tự giới thiệu. Anh Bảo tự nhận là siêu nhân về Pascal, Trung Hà điêu luyện về Fortran, anh Mai demo assembler liên tục. Còn mỗi anh Nam ngồi im chẳng nói gì. Khi anh Công ép: "Thế mày biết ngôn ngữ gì?", anh bẽn lẽn nhận là có biết tiếng Việt và tiếng Nga!!!
Năm 1988, nói chung khi nói đến Tin học, ai cũng nghĩ là sẽ làm phần mềm. Một không khí sáng tạo hừng hực khắp nơi. Viện tính toán điều khiển có các chương trình nhận dạng và trí tuệ nhân tạo, AIC có CAMAP miêu tả các lục địa trôi trong tiếng nhạc véo von, Tô Thành (ĐHBK) có chương trình hoa thơm bướm lượn…
Năm 1989, FPT được một Việt kiều Pháp tên là Nguyễn Ngọc Long, ngưỡng mộ tài năng của NgocBQ, đặt hàng làm một phần mềm dàn trang cho các xuất bản, được đặt tên là Typo4, phát triển trên môi trường Windows version 2.0 đang bắt đầu hoàn thiện trở thành đại trà. Thực tế là anh Long đặt hàng anh Ngọc với tư cách là giảng viên Đại học BK, chứ anh đâu có biết FPT. Những thành viên chủ chốt củadự án cũng toàn là giáo viên và học sinh xuất sắc của ĐHBK. Vì đã nhận lời làm việc cho FPT, nên anh Ngọc rủ tôi và Đỗ Cao Bảo cùng tham gia. Được một thời gian thì anh Bảo được mời đi Pháp nên tôi trở thành thành viên chính thức của dự án. Tuy anh Long không thành công trong việc thương mại hóa Typo4, nhưng dự án đã cho tôi những kinh nghiệm quí giá cả về kỹ thuật lẫn quản trị. Có thể nói Typo4 là dự án xuất khẩu phần mềm đầu tiên của FPT.
Tiếc thay trào lưu đó đã không được nâng đỡ nên đã bị xu hướng thương mại mua rẻ bán đắt đánh bại dễ dàng. Nhiệm vụ phát hiện ra Bill Gate của Việt nam đành bị lùi lại cho lớp đàn em những thế hệ sau.
Đầu năm 1990, cùng với FPT, ISC chuyển về trường phổ thông cơ sở Giảng Võ. Trước đó, chúng tôi được phân một phòng bé tí ở trên tầng 3 tòa nhà 224 Đội Cấn. Vì không có chỗ ngồi nên thực ra chỉ có tôi thường xuyên đến. Được ra chỗ mới rộng rãi rộng, anh Công mừng ra mặt. Anh tự tay theo dõi việc lắp từng ổ điện. Chúng tôi được bổ sung Trần Ngọc Trí, Đỗ Thị Quyên, Phan Minh Tâm là những sinh viên xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội. Gần cuối năm có thêm Phan Quốc Khánh, từ quân đội chuyển sang. Khi mới vào anh Khánh trông cực giống thổ phỉ, đại úy quân đội nhân dân Việt nam nhưng tóc dài đến vai, râu quai nón xồm xoàm. Lúc đó ISC đã bắt đầu có ban bệ: Hệ thống, Nhận dạng, Unix, DOS...
Và bắt đầu có xi-can-dan. Đó là sự kiện liên quan đến anh Trần Xuân Thuận. Anh Thuận lúc đó đang lãnh đạo một nhóm nghiên cứu lập trình truyền tin cho Unix dưới sự hướng dẫn của anh Công. Sang Giảng Võ, có thêm chỗ mới, anh Công mời cả nhóm chuyển về. Cùng với anh Thuận là Châu, Cường những sinh viên tài năng của Đại học Tổng hợp. Trần Ngọc Trí cũng được phân sang nhóm này. Cũng chia sẻ quan điểm về sự thống trị của UNIX, anh Thuận và cả nhóm đã làm việc miệt mài và tạo ra nhiều ứng dụng thú vị. Tiếc rằng không hiểu sao anh không coi FPT là môi trường xứng đáng để anh đóng góp. Do đó anh đã ký những hợp đồng kinh tế nhưng không cho FPT.
Do những thỏa thuận không rõ ràng về tổ chức cũng như do sự thiếu sâu sát, anh Công đã vô tình tạo ra một lỗ hổng trong quản lý. Sự việc không hay đã xảy ra và FPT chia tay với anh Thuận không trong hòa thuận. Cần nhắc lại rằng, anh Thuận là một trong những người tôi rất khâm phục vì niềm tin sâu sắc vào khả năng của mình và lực lượng tin học Việt nam. Những năm 92-95, một mình anh kiên trì triển khai chương trình T-Net, chương trình truyền tin trên UNIX nhưng không theo chuẩn TCP/IP mặc cho những lời công kích về tính du kích của nó (chương trình) của các đồng nghiệp trong Viện Tin học và giới quản lý Tin học Nhà nước. Không thể không thừa nhận là anh là người đặt nền móng cho những mạng diện rộng đầu tiên và khá phổ biến ở Việt nam là VinaNet và VietNet (xuất thân từ E-News của Khánh Hòa), tiền thân của VietnamNet. Sau này anh lập ra Liên hiệp Công nghệ Phần mềm CSE thuộc Viện Vật lý và Công ty TDACO, khá thành đạt trong lĩnh vực các giải pháp truyền tin. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi tại sao hồi đó anh lại xử sự như vậy với FPT.
Tuy nhiên sự kiện bi thảm trong lịch sử phát triển của ISC là việc ra đi của anh Công. Vào thời điểm thành lập Công ty tháng 9/1988, không ai có thể nghĩ đến việc anh phải chia tay FPT trong một tư thế như vậy. Sau khi chuyển sang Giảng Võ, bắt đầu có cảm giác không ổn trong việc phát triển Tin học ở FPT. Có lẽ tiên đoán ra điều đó sớm nhất là anh Bình. Anh đã nhận ra rằng việc bán máy tính sang Liên xô cũ tuy rất có lời nhưng chỉ là tạm thời. Thị trường trong nước mới thực sự là nơi FPT có thể phát triển những tham vọng công nghệ của mình. Nửa cuối năm 90, đội mktg do anh Phan Quốc Việt chỉ huy bắt đầu chạy. Hợp đồng với Hàng Không Việt nam tương đối thành công đã làm lung lay một cách đáng kể vị trí lãnh đạo về Tin học của anh Công. Bùi Quang Ngọc nổi lên như một ngôi sao mới.
Một cuộc tranh luận nổ ra. Sẽ tiếp tục các nghiên cứu về hệ điều hành và mạng như anh Công đã làm, hay làm bất cứ việc gì ra được tiền theo hướng của anh Ngọc?
A Bình quyết định tách ISC làm hai, một tiếp tục hướng cũ do anh Công lãnh đạo. Một đơn vị mới sẽ mang tên mới là IDAC (Informatic Development Application Center) do anh Ngọc chỉ huy.
Tôi còn nhớ như in buổi họp nặng nề hôm đó do anh Công chủ trì có anh Bình tham dự. Từng người một tự quyết định mình ở đâu. Trừ Trung Hà đã chính thức thôi làm tin học, Võ Mai, Bảo quyết định chuyển sang IDAC. Còn mỗi mình tôi, anh Công nhìn tôi hy vọng. Than ôi, tôi không thể chia sẻ với anh. Rất tôn trọng những nghiên cứu của anh, tôi cần các khách hàng để cảm thấy mình có ích. Có lẽ anh Công bị tổn thương. Tháng 5 năm 1992, khi đang ở HCM làm cho Pacific Airlines, tôi được anh Bình gọi điện báo anh Công đã quyết định chia tay FPT.
Thực ra lúc đó mọi người đều cảm giác đó là một việc tốt đẹp cho cả hai bên. Ban lãnh đạo FPT, kể cả tôi nữa, lúc đó thực chất đã không hiểu vai trò của anh Công là gì trong cơ cấu mới. Cho đến tận năm 1996. Sự phát triển liên tục của Tin học tại FPT những năm 1993-1994-1995, ngoài việc mang lại lợi nhuận còn thường xuyên đặt ra những câu hỏi nhức đầu. Tại sao chúng ta không chơi với ORACLE? tại sao không dùng HP? không tham gia Internet? không thành công trong GIS? không có phần mềm nhân bản như BKED, ATV? .... Chẳng ai hiểu tại sao cả, cho đến khi chúng ta nhận ra rằng FPT muốn dẫn đầu không thuần túy trong doanh số mà thực sự trong việc ứng dụng các công nghệ. Trong thách thức đấy, chúng ta thiếu người định hướng. Tôi vẫn nghĩ là anh Bình đã không nhầm khi chọn anh Công làm lãnh đạo Tin học. Sai lầm ở đây chỉ có thể là vấn đề về tổ chức và quản trị, nỗi đau muôn thuở của những Giám đốc nghiệp dư đầy ý tưởng sáng tạo nhưng không giỏi hòa hợp công nghệ và thương mại?
Sau khi về hưu, anh Công đã đứng ra nêu ý tưởng thành lập Bảo tàng CNTT Việt Nam. Mồng 3 Tết năm Canh Tý 2020, bảo tàng CNTT đầu tiên tại Việt Nam do anh Công vừa làm giám đốc, giám tuyển, lau bụi, vừa làm hướng dẫn viên, chính thức đón những vị khách đầu tiên. Căn gara bé tí nhanh chóng thành điểm hẹn của rất nhiều các thế hệ công nghệ thông tin Việt Nam, nơi các bạn trẻ có thể tận hưởng câu chuyện đầy cảm hứng về lịch sử hình thành và áp dụng các thiết bị tính toán trong lịch sử loài người.
Nhưng anh Công vẫn còn đầy ắp các dự định. Những gì đã làm mới chỉ là bước đi đầu tiên. Anh muốn, bảo tàng không chỉ lưu lại dấu ấn phát triển của một thời kỳ mà nhiệm vụ chính là “truyền lại cái lửa cho thanh niên”, để thế hệ sau biết rằng “trí tuệ Việt Nam không hề thua kém thế giới” khi chúng ta đã làm chủ những kỹ thuật và công nghệ từ rất sớm. Anh muốn bảo tàng sẽ tiếp tục được cập nhật những hiện vật mới nhất. Anh muốn tiến hành số hóa tất các sản phẩm, thiết bị được trưng bày, ghi chép lại tất cả những câu chuyện để những trải nghiệm tại bảo tàng ngày một sống động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Sau khi anh Công rời đi. IDAC lấy lại tên cũ là ISC. Tháng 12/1994, ISC tách thành 4 trung tâm. Hai lập trình viên kỳ cựu là Đỗ Cao Bảo và Phan Minh Tâm đều bỏ nghề chuyển sang kinh doanh. Phần mềm lại thêm một lần nữa “chảy máu”. Ở lại còn có tôi, Khắc Thành, Lâm Phương, Đình Anh, Khánh hói. Mặc dù tên chính thức của đơn vị chuyên trách phần mềm là FSS: FPT Software Solution, chúng tôi tự xưng là xí nghiệp ABC (Accounting-Bank-Communication). Sở dĩ gọi là Xí nghiệp vì chúng tôi cho rằng làm phần mềm tức là sản xuất, lập trình viên cũng là một dạng công nhân “thời đại tri thức”.
Sản phẩm Accounting có tên là Balance, do Phan Quốc Khánh phụ trách, bán được đều đặn nhưng không có đột phá. Đầu năm 1996, Phan Quốc Khánh tách ra thành lập công ty riêng, giờ là FAST Accounting cũng rất thành công.
Sản phẩm Communication do Trương Đình Anh phụ trách, chủ yếu phát triển thành chức năng thanh toán và phê duyệt trực tuyến cho ngân hàng. Năm 1996, dựa trên nền tảng đó, Đình Anh viết phần mềm TTVN, trở thành hạt nhân để xây dựng mạng Trí tuệ Việt Nam, khuynh đảo Việt Nam thời tiền Internet. Chính TTVN đã thúc đẩy FPT quyết định thành lập FOX (FPT Online Exchange) năm 1997, do Đình Anh làm giám đốc, giờ là FPT Telecom.
Sản phẩm chủ lực, và có lẽ cũng là sản phẩm phần mềm thành công nhất trong lịch sử FPT, là hệ thống core cho ngân hàng, khi đó có tên là SIBA, của team Nguyễn Khắc Thành chỉ huy viết trên FoxPro. Năm 1993, SIBA đã lập kỷ lục là phần mềm đầu tiên có giá trị lớn hơn phần cứng, khi được ngân hàng Đài Loan Chinhfong Bank mua với giá $63000 (một con số khổng lồ lúc đó). SIBA cũng là phần mềm đầu tiên thắng thầu ở nước ngoài khi vượt qua phần mềm InfoPro của hãng Malaysia khi đấu thầu cung cấp cho chi nhánh ngân hàng MayBank tại Việt Nam. Nó cũng là phần mềm đầu tiên của FPT được triển khai ở ngoài lãnh thổ Việt Nam khi được Khắc Thành và Hồng Sơn triển khai tại CampuBank ở Phnompenh năm 1995.
Các ngân hàng lớn của Việt Nam như ACB, TechcomBank, MaritimeBank… đều sử dụng SIBA cả. Hợp đồng toàn tiền đô. Làm 1-2 dự án đủ ăn cả năm. Anh em làm ngân hàng oai như cóc. Cho đến năm 1997
Năm đó TechcomBank quyết định nâng cấp phần mềm lõi của họ.
FSS tham gia đấu thấy với sản phẩm SIBA lúc đó đã được nâng cấp có tên là SmartBank. Smart được xây dựng trên nền tảng Ms SQL Server của Microsoft. Cơ sở dữ liệu được thiết kế theo chuẩn của SilverLake, là phần mềm của Mỹ, được hãng SilverLake Malaysia triển khai cho VietcomBank, VietInBank và Maritime Bank trong khuôn khổ dự án hiện đại hóa ngân hàng. Phần mềm này chạy trên hệ máy tính mini mới nhất của IBM: AS400. (Câu chuyện “ăn cắp” được thiết kế dữ liệu của họ cũng rất thú vị, sẽ kể sau.)
Là nhà cung cấp quen thuộc, lại là chỗ bạn bè với giới lãnh đạo, sản phẩm mới được nâng cấp, nên chúng tôi khá tin chắc là mình sẽ thắng thầu. Vậy mà cuối cùng TCB lại chọn một phần mềm của Thụy Sĩ với giá đắt hơn hàng chục lần.
Thắc mắc, tôi tìm gặp anh giám đốc để hỏi cho ra nhẽ. Tôi giữ thói quen hỏi lại khách hàng bất kể mình thắng hay thua thầu này mãi về sau. Câu trả lời của anh giám đốc đã làm tôi sững sờ:
“Anh đánh giá rất cao bọn em, có điều bên anh đã quyết định đi ô-tô, mà bạn bán hàng bên em vẫn cố gắng thuyết phục bọn anh đi xe máy.”
Ý của anh rõ ràng là chúng tôi đã lạc hậu về tầm nhìn. Như vậy vấn đề không phải là chỗ làm thân với khách hàng. Cũng không phải là thiết kế hệ thống dữ liệu tốt, chọn nền tảng công nghệ tiên tiến. Vấn đề là chúng tôi không hiểu nhu cầu của khách hàng. Đất nước đang mở cửa. Các Ngân hàng Việt Nam bắt buộc phải thay đổi và kết nối toàn cầu để chuẩn bị cho những thay đổi lớn của đất nước.
Chúng tôi mải mê hoàn thiện xe máy, khi khách hàng đã bắt đầu đi ô-tô. Còn chưa biết “ô-tô” là cái gì thì làm sao chế tạo được nó.
Hè năm 1998, khi anh Trương Gia Bình đến dự “hội nghị chiến lược” của FSS, anh đã chứng kiến khoảng 20 thanh niên tài năng đầy nhiệt huyết nhưng đang mất phương hướng. Accounting đã tách ra. Communication cũng khởi nghiệp. Banking đang hoang mang. Kế hoạch năm 2000, dù khiêm tốn chỉ đặt chỉ tiêu doanh thu 1 triệu đô cũng không thấy có bất cứ một cơ hội nào để hoàn thành.
Anh Bình nói: phải đi ra nước ngoài tìm thị trường mới!
Câu chuyện 3
Ngày 26/10/1998, FPT họp “hội nghị chiến lược” tại Đồ Sơn
...Thần dân nghe chăng
Sơn hà nguy biến
Hận thù đằng đằng
Nên hoà hay chiến...
Đó là những lời tâm huyết mở đầu bài hát "Hội nghị Diên Hồng" được lấy làm đầu đề cho bản tường thuật tại chỗ theo phong cách STC về hội nghị được coi là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành XKPM FPT, được đăng trên báo Chúng ta tháng 11/1998.
Do tính chất đặc biệt là hội nghị là diễn ra sau lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập FPT hoành tráng, hát hò, đánh chén lu bù, nên đa số các “bô lão” FPT đến hội nghị vẫn mơ hồ chưa hiểu rõ “Sơn hà đang nguy biến” thế nào và “nên hoà hay chiến” với ai? Bởi thế ai cũng có ý chờ đợi.
Và bài phát biểu đầu tiên của BaoDC đã như một tiếng sét nổ giữa hội trường. Anh đã ném ra một tính từ hết sức mới "Đầu đàn" để thay thế cho những tính từ vẫn hay đi cùng với danh từ FPT như "Hàng đầu", "Số 1"... Không những thế, tính từ đó còn phải được áp dụng một cách triệt để và toàn diện trong tất cả các lĩnh vực. Sau hơn 5 phút lặng ngắt của hội trường, NamNT được sự xúi bẩy của LinhPT mới rón rén đứng lên đặt câu hỏi "Vậy chứ đầu đàn là thế nào?".
Để cho mọi người hiểu rõ hơn, anh liệt kê ra 5 loại đầu đàn trong tự nhiên:
- Vịt đầu đàn có mục đích dẫn đường, thường dẫn cả đàn chui vào bẫy
- Hạc đầu đàn là con chịu khổ bay trước hứng sức cản của gió
- Ong đầu đàn là loại hưởng thụ, nằm một chỗ bắt các loại đàn viên phục dịch
- Bò đầu đàn thường ăn ít, lo lắng bảo vệ cho cả đàn khỏi hổ báo
- Hà mã đầu đàn chuyên bạt tai đá đít các con khác, tỏ quyền lực. Thậm chí còn ném c. vào mặt các đàn viên để xem có thằng nào dám cãi không?
Sau một hồi thảo luận, hội nghị quyết định chúng ta không nên theo 1 con nào cả, mà phải làm hết. Tuy nhiên ngày hôm sau vẫn thấy nhóm 3 do NgocBQ đưa ra hai loại mới là Nhái đầu đàn và Cò đầu đàn (xem chi tiết sau)
Bài phát biểu thứ hai là của TiếnLQ về một trong những chủ đề được anh chị em quan tâm nhất: "Cổ phần hoá công ty, khi nào? như thế nào?". Ai cũng háo hức một ngày đẹp trời mình sẽ được thành ông chủ. Thêm vào đó chính phủ đang hết sức khuyến khích, quả là có "thiên thời" và "nhân hoà". Tuy nhiên như anh Tiến nói địa chưa lợi. Hiện tại mới chỉ có 12 doanh nghiệp đã cổ phần hoá (trước năm 1998), trong đó hai ban giám đốc đã bị bắt sạch. Bởi thế chúng ta nên bình tĩnh chờ đợi đến quãng năm 2000-2001.
"Hết sức tâm huyết", đó là ý kiến của NSND Khắc Thành sau khi chợt tỉnh giấc nghe bài phát biểu của HUNGPNT lãnh đạo khối “Thiết bị KHCN”. Với lời lẽ vừa hùng hồn vừa bi ai, anh đã nhắc lại những phút xưa sôi nổi cuồng nhiệt khi PhiTin còn chiếm 100% doanh số FPT. Rồi cãi vã, lục cục, đổ vỡ. Rồi lại hoà giải. Và giờ đây Phi Tin vẫn đẹp, vẫn xinh, vẫn đầy sức sống. Anh đưa ra ý tưởng phát triển phần mềm cho các thiết bị công nghệ. Và mơ ước trở thành nhà tích hợp các thiết bị công nghệ cỡ khu vực, tự xây dựng được những nhà máy. Tóm lại, những ý kiến của HUNGPNT rất giống cảm xúc của một cô gái yêu rồi lấy chồng, tự thấy vẫn đang hừng hực sức xuân mà chồng đã nhòm ngó cô gái khác. Cô gái thì quá hiền thảo để có thể cho con cướp chồng một lọ a-xit.
Ngay sau đó, NgocBQ hùng hồn lên khán đài chứng minh rằng Tin học vẫn là quả đấm thép. Anh cũng đã đưa ra hai khái niệm mới là "Hàng hoá Tin học" và "Chất lượng ISO". Tuy nhiên các khái niệm của anh đều rất cụ thể, thậm chí cái đầu còn được bằng đô la. Chất lượng ISO là cái ta chưa cần nhưng Tây đang rất cần. Chứng tỏ ta đang thừa còn nó đang thiếu. Anh dành khá nhiều thời gian cho một hướng chủ đạo là "Tích hợp Hệ thống Thông tin" và dự đoán hướng đó sẽ trở nên huy hoàng trong một tương lai gần với doanh số khiêm tốn khoảng 5M đến năm 2000.
Như thường lệ Nghệ sĩ Hoàng Minh Châu lên sân khấu trong tiếng vỗ tay rào rạt của khán giả. Anh mở đầu bài diễn của mình bằng một triết lý, đại loại:
Kiến thức là biển cả
Tình ta là giọt sương
Muốn mai sau sung sướng
Ta chẳng nên biết nhiều
Thấy mọi người có vẻ nghi ngờ, anh liền giới thiệu đó là trích của Newton. Lập tức tiếng vỗ tay vang dội. Bằng một phong cách giới thiệu hấp dẫn anh đã dẫn người nghe qua những thành công và thất bại của chi nhánh HCM để kết thúc với hai quan điểm chính: Làm máy nhái và xây trụ sở mới. Vì lẽ đó mà sau này NgocBQ gọi anh là Nhái Vương.
Một ông sao sáng, hai ông sáng sao... chưa thể làm nên trời cao. Vũ trụ bao la phải nhiều chiều chuyển động. Công ty cũng thế. Một kiến trúc "công ty nhiều chiều" là chủ đề của công trình nghiên cứu của chú Vinh, người mang huân chương Sao Mai duy nhất của Công ty. Anh cho rằng ngoài Ban Giám đốc, chúng ta cần phải có nhiều Ban khác, tỷ dụ Ban chấp hành Công đoàn, Ban Phụ nữ, Ban Nam giới, Ban thanh niên, Ban phụ lão, Ban nhi đồng... Điều làm anh băn khoăn nhất là liệu các Ban này có phải giống các Ban bên ngoài không? Và làm sao để chúng khỏi mâu thuẫn về chiến lược kinh doanh của Ban Giám đốc và khỏi bị chê cười vì thiếu tính Sotico. Thật là một vấn đề hết sức hấp dẫn và mang tính triết học cao. Tuy nhiên do quá cao siêu nên ít người có thể giác ngộ ngay để cho ý kiến.
Để Hội nghị càng thêm phần huyền bí, TienHN bồi thêm một màn bói toán kỳ ảo với dự đoán rằng ngày 9/9/99 sẽ là ngày đại nạn. Công ty nợ đầm đìa, hàng hoá ế thừa, không việc làm. Hơn 400 người liên kết bằng Gen FPT vẫn ngồi ôm nhau ở 37 Láng Hạ để chờ chết. Thật thương tâm. Bỗng đùng một cái, mọi ông Tiên Tây, Tiên Ta ùa ra cho quà, dẫn lên thiên đường. Quá sướng.
TùngND là người duy nhất sử dụng Bục Lãnh đạo. Anh không rời một bước trong suốt thời gian phát biểu. Dù không nghe rõ giọng anh nhưng cũng hiểu được cái chí lớn của anh. Trời đã tối mịt, ai nấy đói meo nhưng chưa dám kêu vì anh Bình nói là chưa đến cái đinh.
"Chết hay là Xuất" là cái đinh của ngày đầu tiên. Tuy nhiên chết như thế nào, vì sao chết và xuất gì, xuất đi đâu là những câu hỏi đang chờ giải đáp. NamNT bắt đầu bằng một câu chuyện mà anh học mót được của ChauHM "Cách đây hơn 100 năm, vào cuối thế kỷ 20, ở đất nước nọ hình con giun, có một cuộc họp bộ lạc. Một ông béo đứng lên buồn bã "Thưa bà con, năm nay đói kém, ngoài đồng không có gì mọc được. Không khéo phải ăn c. thôi". Tiếng kêu la thảm thiết trong dân chúng. Bỗng một ông còi reo lên: "bà con ơi, có tin vui, có tin vui. Tôi đã tìm ra được một đống rất to"
Đống đó chính là xuất khẩu phần mềm, NamNT kết luận trong sự giận dữ xen lẫn khoái trá của cử toạ. Sau đó anh đã chứng minh hết sức chặt chẽ rằng, cái đó ăn được. Bằng chứng là rất đông bọn Nga, Tàu, Ấn đang tranh nhau ăn. Ta đang thiếu nhiều thứ công nghệ, kinh nghiệm, ngoại ngữ... Nhưng đang có một lợi thế cực mạnh là có rất nhiều người đói và háu ăn. Vì thế nên làm ngay.
Sau bài phát biểu này, hội nghị không thể nghe tiếp gì nữa nên kéo nhau đi ăn.
Sau một hồi ăn uống no say, trong tiếng thông vi vu, sóng biển dập dồn. Nam thanh rủ nhau đi hưởng đặc sản Đồ sơn. Nữ tú thì đắp chăn mơ mộng đến những chàng lãng tử thường từ biển chui vào. Hai, ba giờ sáng vẫn còn thấy nhiều bóng vật vờ trước cổng khách sạn.
Sáng hôm sau, cả bọn chia ra thành rất nhiều tổ để thảo luận. Biên bản có ghi chi tiết, ở đây chỉ xin tóm tắt lại những ý chính do đại diện các tổ phát biểu:
TiếnLQ
Phần mềm như con kiến 10 năm rồi loay hoay leo phải cành cụt leo ra leo vào.
Anh Sáu (Tức TGB) đi dong chơi cùng Quan, Trương, Triệu xuống ĐS. Gặp Karaoke bọn Quan, Trương liền sà vào chơi bời đú đởn. Anh Sáu bưng mặt khóc hu hu. Đệ tử xúm lại hỏi. Anh than: "Ta cả đời bôn ba, giờ đã già rồi, chân chồn gối mỏi, vậy mà vẫn chưa một thước đất cắm dùi, Hu, hu, hu" Trương liền nhanh nhảu "Em đổi cho anh cô Cave khác nhé". Lại càng khóc tợn. Chỉ có Triệu hiểu ý, trèo lên cành cao quan sát reo lên: Anh ơi em tìm ra rồi, đằng kia có một đống rất to, bốc khói.
NgocBQ
Khái niệm đầu đàn tương tự như "chiến tranh giữa các vì sao", cốt là làm cho đối phương hoang mang, tự chết. Xuất khẩu phần mềm, không cần làm nhiều mà đứng ra chỉ trỏ nên cò đầu đàn.
HungPNT
Xuất khẩu phần mềm là cần thiết và quan trọng, nên chú trọng cả phần mềm trong phi tin. Lực lượng hiện nay là chưa đủ, đang thoái hoá về công nghệ, cần phải tổ chức, chỉnh đốn lại. Cần có chính sách để lớp trẻ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định.
Trương Thanh Thanh
Việc phải làm Xuất khẩu phần mềm là quá rõ ràng. Chỉ có chiến lược hơi tù mù. (Thực ra đã có chiến lược gì đâu)
Đỗ Cao Bảo
Chế độ tuyển chọn phức tạp của FPT chưa lọc được nhân tài nào. Phải tận dụng phương án Lưu Bị mời Khổng Minh và cử ngay 3 người tài sang Mỹ
Hoàng Minh Châu
Anh Bình muốn lên Đế, nên phong vương cho các cận thần đã
- Lê Quang Tiến: Tài vương
- Bùi Quang Ngọc: Tin vương
- Hoàng Minh Châu: Nhái vương.
Để tổng kết, anh Bình hạ quyết tâm, sẽ đưa FPT lên vị thế đứng đầu khu vực (tuy chưa nói rõ khu vực nào) và rón rén xin 500k để đầu tư Xuất khẩu phần mềm. CFO là anh TienLQ lúc đó chốt hạ: còn đường nào nữa đâu, em duyệt hẳn 1m. Chỉ sợ không làm được!
Câu chuyện 4
Ngày 13/1/1999, gần 3 tháng sau, FSU1 (FPT Strategic Unit No 1) được thành lập để thực hiện nghị quyết XKPM, với mục tiêu 528, tức là đạt số lượng 5000 lập trình viên, doanh thu $200m và có giá trị $8b trên thị trường chứng khoán New York.
Bài hát “Phần mềm kháng chiến” theo nhạc “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, được hát trong lễ ra mắt FSU1, đã phản ánh đúng không khí của Hội nghị Diên hồng XKPM Đồ Sơn năm đó.
Mùa thu rồi ngày hôm nay/Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Mười năm rồi, lòng chưa thay/FPT đồng tâm tiến ra nước ngoài
Kiến thức thiếu, hai tay không/Mà phần mềm phải làm vì nước
Bán máy nhái, chơi phi tin/Nuôi công ty nuôi những anh tài
Có thể thấy quyết tâm thành công bằng được trong lĩnh vực phần mềm có vẻ được xuất phát từ những ngầm định vô thức của các nhà sáng lập vốn là dân gốc Toán-Lý hơn là đòi hỏi của thị trường.
Tuy đã rất cố gắng, tập hợp được các tài năng, nhưng thị trường quá nhỏ, cùng với tầm nhìn hạn hẹp, đã khiến cho những nỗ lực thành công trong nước thất bại.
Qua lần mâu thuẫn thứ nhất về quan điểm R&D và ứng dụng, Phần mềm FPT đã mất hai lãnh tụ là Nguyễn Chí Công, và Trần Xuân Thuận. Anh Bùi Quang Ngọc cũng chuyển lên làm lãnh đạo.
Qua lần mâu thuẫn thứ hai về phần mềm và tích hợp như những lĩnh vực kinh doanh, phần mềm FPT mất tiếp hai cao thủ: Đỗ Cao Bảo và Phan Minh Tâm
Mãi không lớn được, đội ngũ phần mềm ở FSS đứng trên bờ vực tan rã. Phan Quốc Khánh lập Fast Accounting, Trương Đình Anh chuyển sang dẫn dắt FOX.
TGB, NTN và các lãnh đạo FPT đã phải ra một quyết định mạo hiểm: bước ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, có thể đặt ra một câu hỏi:
Tại sao các công ty cùng thời đó, cũng xuất phát từ dân Toán, Lý với đội ngũ phần mềm rất mạnh như 3C, Tinh Vân lại vẫn kiên trì theo thị trường trong nước mà không đi theo hướng XKPM?
Có thể đó chính là khác biệt về sự cam kết với software giữa TGB và những nhà sáng lập khác
Nguồn (Facebook Nguyễn Thành Nam): https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222531783511947&set=a.1034375228248
Nhận xét