Nguồn tác giả: facebook Nguyễn Thành Nam - Former ceo FPT
Thử lý giải tại sao Fsoft/FPT lại ra sức cổ súy cho tinh thần khởi nghiệp, mặc dù không có những kết quả rõ rệt còn công ty vẫn phát triển tốt theo những hướng cũ.
Câu chuyện 1: GL – Leading is challenging
Tôi đã mày mò tìm, và thật ngạc nhiên là tìm thấy định nghĩa trong cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản” mà tôi đã quên mất không hiểu sao có trong tủ sách nhà tôi. Xin trích:
“Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng tư bản để tạo ra lợi nhuận thặng dư, là nơi các cá nhân thể hiện quyền tự do cá nhân biến những tham vọng của mình thành sự thật, nơi hình thành và lưu giữ các giá trị đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Tóm lại là tế bào của chủ nghĩa tư bản”
Tôi đã mô-đi-phê định nghĩa này như thế này”
“Ở Fsoft, G là một tập hợp các thành viên có chung tham vọng tìm kiếm khách hàng để thỏa mãn nhu cầu của họ bằng những kỹ năng phần mềm khác biệt (hoặc là tưởng là mình có). G là nơi cá nhân thể hiện các quyền tự do có giới hạn của mình, tóm lại cũng là tế bào của Vạn lý lập trình ty Fsoft. Tế bào có cái lớn, cái nhỏ. G cũng vậy, tùy thuộc hoàn toàn vào năng lực, tham vọng của lãnh đạo và tác động bên ngoài của xã hội. Bởi thế phải làm thế nào để GL vừa là quyền lợi vừa là thách thức mà bất cứ một nhân viên có tham vọng nào của Fsoft cũng mơ ước
Tháng 4/2009, tôi đăng đàn dạy cho anh em GL kỹ năng làm GL với tiêu đề “Leading is challenging – Lãnh đạo là thách thức.” từ chính những trải nghiệm của cá nhân mình
Thách thức đầu tiên là vượt qua được vòng lặp:
Thành lập -> khó khăn -> sung sướng -> khó khăn -> khủng hoảng
Đến đây bạn có hai lựa chọn, bỏ cuộc hoặc lặp lại vòng lập
Giải quyết khủng hoảng -> vấn đề mới-> tái lập -> khó khăn -> sung sướng -> khó khăn -> khủng hoảng ->giải quyết -> vấn đề mới
Các vấn đề, tựu chung cũng nằm trong từng này vấn đề
Xác định mục tiêu?
Tự xếp lương cho mình bao nhiêu?
Kiếm khách hàng ở đâu?
Tổ chức như thế nào?
Và nếu may mắn có chút thành công thì:
Chia thế nào?
và tương lai sẽ đi về đâu?
Tôi cũng cho rằng, GL cần có 5 kỹ năng, sau này mới hiểu là bất cứ một giám đốc nào cũng cần
1/ Quản lý qua các chỉ số tài chính, nôm na là lái xe phải biết nhìn đồng hồ, thì mới đi nhanh được. Không có đồng hồ thì chỉ lái xe công nông thôi
Biết đọc báo cáo P&L và CashFlow. Đã biết lợi nhuận rồi, còn cần gì CashFlow?
Quan tâm Lợi nhuận tuyệt đối hay margin?
Thế nào là cân bằng balance sheet. Thế nào là asset, thế nào là liability? Làm gì với lợi nhuận để lại?
Lên cổ phần thì phải biết tính EPS
Làm phần mềm thì phải biết đo các chỉ số: Effort efficiency, Productivity, Busy rate
2/ Phải đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, nội bộ và công chúng, nôm na là Nói được, Làm được!
Phải có thông tin rõ ràng minh bạch cho những đối tượng có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của tổ chức: Nhân viên, Cấp trên, Xã hội, Khách hàng
Một số nguyên tắc mà tôi rút ra được, có thể giúp mọi người khi ra quyết định:
- Việc nào mà không tuyên truyền được, việc đấy cũng không nên làm
- Ngược lại cũng đúng, việc nào dễ truyền thông, có lẽ là việc nên làm
- Những việc khó khăn trong truyền thông, không nên kéo dài
- Những sự việc tự nó lại tạo thêm được hiệu ứng truyền thông liên tục thì rất nên làm
3/ Xây dựng core team, tinh thần: “Anh em sống chết có nhau”
Thế nào là đồng đội? Tình đồng đội chỉ có thể xây dựng được khi đấu tranh cho cùng một mục đích (chưa chắc đã là mục đích chính nghĩa)
Đồng đội đòi hỏi sự hy sinh quyền lợi cá nhân
Người lãnh đạo phải làm gương
Kỷ luật trong công việc, hòa đồng khi sinh hoạt
4/ Thiết kế tổ chức phù hợp, không giáo điều
Phải xác định mục đích chung của tổ chức, một kiểu ngọn cờ
Sơ đồ tổ chức phải là sơ đồ miêu tả sự liên kết giữa các tổ chức trong những tình huống cụ thể
Lương thưởng, thì minh bạch quan trọng hơn khái niệm công bằng đầy tính chủ quan
5/ Phải biết đi tìm kiếm khách hàng, nôm na là “Bụng đói đầu gối phải bò”
Doanh nhân không có khái niệm “há miệng chờ sung” ăn may khách hàng
Muốn có khách phải biết xác định và phát huy thế mạnh, chứ không chỉ sửa chữa khuyết điểm
Có khách rồi thì phải biết quản lý, đừng để họ kỳ vọng quá cao, hãy để họ thấy mình dần dần tiến bộ
Câu chuyện 2: Nâng cao năng suất lao động
Năm 2009, Fsoft đã vượt qua Infosys cả về doanh thu và lợi nhuận ở cùng một thời điểm (Infosys thành lập năm 1981), nhưng năng suất lao động chỉ bằng 60%. ME 2010 chủ yếu bàn về làm thế nào để tăng năng suất lao động. Tháng 11/2010, lần đầu tiên Fsoft có một chiến lược cụ thể về vấn đề này. Theo đó
- Về dịch vụ, thay đổi cơ cấu dịch vụ, nâng cao tỷ trọng tư vấn và chuyên sâu. Đầu tư để làm sản phẩm/giải pháp có thể nhân rộng. Quay về thị trường Việt Nam. Xác định mục tiêu doanh thu 80/20, trong đó 20% từ những hướng mới
- Về tổ chức thành lập FTS và Hội đồng tư vấn chuyên ngành
- Về tài chính:
o Đầu tư vào công cụ lao động: Ít nhất 3% doanh thu hàng năm
o Đầu tư vào đào tạo: Từ 4% đến 4.5% doanh thu hàng năm
o Đầu tư để có được sản phẩm dịch vụ mới: thông qua liên doanh chiến lược
o Đầu tư để phát triển thị trường trong nước: khoảng 2% doanh số sử dụng cho các dự án tiền khả thi nhằm phát triển thị trường trong nước.
o Đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn đi vay không quá 10 triệu USD hàng năm
o Tất cả các khoản đầu tư trên cần đảm bảo lợi nhuận trước thuế TNDN không thấp hơn 20% hàng năm.
Nhưng sau đó, như đã nói trong chương 11, Phạm Minh Tuấn, giám đốc FTS bị tập đoàn điều về FIS, kế hoạch xây dựng sản phẩm bị gác lại
Câu chuyện 3: Aka
Đầu năm 2016, Trần Đăng Hòa được bổ nhiệm làm giám đốc Fsoft Japan. Đây là một trong những lãnh đạo vào Fsoft muộn, mãi năm 2004 anh mới chuyển từ một công ty Nhật là Avasys sang. Và ngay lập tức đã thể hiện những phẩm chất bán hàng tại khu vực Kansai Nhật Bản với những khách hàng như Sanyo, Panasonic. Nhưng anh muốn thử thách mình trong vai trò lãnh đạo. Năm 2006, anh về nước và xung phong đứng ra thành lập G11 rồi FSU11. Đơn vị của anh tiên phong trong việc sử dụng công nghệ để tìm kiếm những công nghệ mới, trong đó có tham vọng tự sản xuất các thiết bị điều hướng của Nguyễn Đình Nam, sau này tách ra thành VP9 đình đám.
Bài toán tiến lên trong chuỗi giá trị, nâng cao năng suất lao động, thực sự vẫn ám ảnh Hòa.
Cho đên khi nhận trách nhiệm ở Nhật, anh bỗng phát hiện ra, nước Nhật rất nổi tiếng về các sản phẩm tư ô-tô, đồ điện tử, lại khá yếu kém trong việc xây dựng các phần mềm đóng gói. Được khá tự do trong các khoản chi tiêu vì ở hải ngoại, Hòa quyết định đầu tư xây dựng một hệ sinh thái các phần mềm có tên chung là Aka, dựa trên nguồn lực công nghệ dồi dào mà Fsoft đang sở hữu.
Để hiểu chiến lược của Hòa, có thể tham khảo, một bài quảng bá của Hòa đăng trên mạng nội bộ FPT để quảng bá cho Akaminds
Akaminds.com - Platform nhân dân
IBM có 3,000 kỹ sữ nghiên cứu, 10% tiến sĩ toán học trên thế giới, 6 giải nobel, 6 giải Turin, và ti tỉ các giải kin kin khác
GE tiêu 2 tỷ USD để làm Predix, cùng với kiến thức ngành (y tế, giao thông, công nghiệp…) của các ngành doanh số 100 tỷ $ hàng năm
Baidu sở hữu dữ liệu của 721 triệu người dân TQ (double than US population), homeland của những đầu óc thiên tài đã thành danh tại tất cả các công ty hàng đầu ở Mỹ như Andrew Ng (tác giả của Google Brain), Qi Lu (Head of Microsoft Bing),… come home to make the great China.
Ban công nghệ FPT có 30 cán bộ cơ hữu, ngân sách hoạt động chắc chưa được tính tiền triệu $, data lõm bõm, thời gian nghiên cứu chắc ít hơn thời gian đi hội thảo và bán hàng, vậy cơ hội nào cho FPT Platform?
Câu chuyện này liên tưởng đến câu chuyện vì sao Việt Nam với thắng Mỹ, Việt Nam đã từng thua thiệt như FPT thua thiệt trước IBM, GE, Baidu,… nhưng Việt Nam đã thắng,
Việt Nam đã thắng Mỹ bằng chiến tranh nhân dân, chúng ta sẽ thắng IBM, GE, Baidu bằng Platform nhân dân – Akaminds @akaminds.com
1. Akaminds là lí tưởng, là tinh thần đại diện rõ ràng nhất cho khát khao vươn lên của trí tuệ Việt Nam, trước giờ chúng ta chỉ tự hào về thành tích thi cử đến cấp 3 là hết, Akaminds là thi đấu thực tiễn
2. Toàn dân, mỗi một người FPT sẽ là 1 contributor của Akaminds, khi chúng ta có giải pháp gì hay, được khách hàng tin cậy, chấp nhận chúng ta sẽ gọi nó là Akiminds, và tích hợp vào Akaminds, Citus sẽ la Akaminds, FPT.AI sẽ là Akaminds, JIRA sẽ là Akaminds, Post & Tag sẽ là Akaminds…
3. Người FPT sẽ bù đắp cho Akaminds, nếu Akaminds không làm được, thì sẽ lấy sức người bù vào làm
4. Các công ty khách hàng hàng đầu có thể sẽ tìm đến IBM, GE, Baidu,… nhưng sẽ có hằng hà sa số các công ty khác sẽ tìm đến Akaminds vì yêu Việt Nam, hoặc đơn giản là (ghét Mỹ, ghét TQ), không đủ tiền nhưng vẫn muốn được trân trọng,…
PS. Giới thiệu ý nghĩa của Akaminds
Akaminds = Akachan (baby in Japanese) + minds = bộ não của một em bé, tuy chưa hoàn thiện, nhưng với dung lượng lớn, độ học hỏi, hoàn thiện nhanh và các kỹ năng bẩm sinh chưa bị mất đi kết hợp với sức người sẽ thật đáng sợ (Trong Minority Report, chúng ta cũng chứng kiến khả năng predict đáng sợ thế nào của các em rồi). Quan trọng nhất là Akaminds là platform không sợ bị chửi; người ngoài chả ai nỡ chửi trẻ con cả, người nhà mà chửi thì sẽ bảo "anh biết thì anh dạy em đi" !!!
contact me if you want to be on that list (note: leaders = more than 10 customers, visionary = should win/commited to invest, challenger = raising/hot)
1. akaMinds: 3rd generation => Pham Ngoc Son (MFG.KR.DTM)
2. akaChain: became Digital ID Platform => Tran Hoang Giang (AKC.BOD)
3. akaBot: on progress Bui Dinh Giap (AKB.BOD)
4. akaWork: => Nguyen Phuong Lan (PID.DSC)
5. akaCoola => Sleeping child Tran Duc Tri Quang (FCJ.ABC)
6. akaTrans => + Translate Memory Tool Tran Viet Hung (CBI.HN)
7. akaDoc: => merge into akaBot became akaBot Vision
8. akaMes: is an** ecosystem which **comprises of different modules to monitor factory operations, ranging from collecting raw material for production to selling to customers. Le Minh Quan (FGA.TCA)
9. akaInsights: a total Customer Data Platform - CDP is the answer for shifting FSO revenue 5-10 times from CIO to CMO Nguyen Van Hung (CBI.IP)
10. akaSAFE - a cloud security compliance product Mac Van Hai (DPS.VI.ITM)
11. akaDev: low code (with gencode) platform Le Anh Dung (PID.AKD)
12. akaLink: HR engagement Platform Le Hoai Van (FHO.DX)
13. akaLinked: Resources Exchange Platform Nguyen Thi Hong Lien Minh (FHO.DX)
14. akaDrive: autonomous Driving Platform Pham Quang Viet (FGA.AI)
15. akaPIC: made in VN Power IC Nguyen Vinh Quang (MFG.JP.LSI)
16. akaClaud: Digital Kaizen Suit for Cloud Transformation Nguyen Ngoc Son (CDTO.HO)
17. akaTOM: Device Farm Nguyen Khac Hiep (GST.BOD)
18. akaAT: Automation Test Thomas Vu (IVS BOD)
19. akaMeet: Video meeting integration Nguyen Hoang Trung (FSG.BOD)
20. akaNOX: Notes Exit Le Vinh Thanh (JSI.BOD)
21. akaSign: electronic Signiture Nguyen Hoang Trung (FSG.BOD)
(Update): Welcome AkaDoc to join Aka family Tran Van Dung (FHN.BOD)
Hòa cho rằng các sản phẩm này nếu chưa thành công bằng doanh thu hoặc spinoff ra ngoài thì cũng là cách tốt nhất để giữ lại những người giỏi. Cách Hòa lựa chọn founder cho các sản phẩm này cũng khá dị:
- Chơi poker giỏi hoặc phải có gì đó giỏi hơn Hòa
- Suy xét kỹ trước khi hành động, ko có những lỗi cẩu thả, ví dụ như xưng hô
- Không hỏi nhiều, cũng ko quá im lặng
Trong thời gian Hòa ở Nhật, Fsoft Japan đã đầu tư khoảng 10 triệu USD cho gần 30 sản phẩm và đã có những sản phẩm bước đầu thành công, như Akabot riêng trong năm 2022 đã có doanh thu hơn 100 tỷ. Hay sản phẩm kết hợp với Akachain là Utop đã kêu gọi được đầu tư 3 triệu đô từ Nhật Bản.
Sự thành công của Utop cũng là điển hình của kết hợp thế mạnh truyền thống của Fsoft với tinh thần khởi nghiệp mới. Số là trong các OG của Fsoft, có G3 ngay từ những ngày đầu đã gắn với một khách hàng truyền thống, một ông lớn trong lĩnh vực FMCG là Unilever. Các bạn đã xây dựng hệ thống DMS và triển khai khắp khu vực ĐNA và gây được tiếng vang lớn. Đây cũng là OG thực sự có kiến thức chuyên sâu. Khi tiến sang thị trường Nhật Bản, giám đốc là Phạm Nguyên Vũ, đã quan sát thấy người Nhật có những triết lý rất hay về khách hàng, đặc biệt là hệ thống tính điểm khách hàng trung thành, nên đã phát triển thành platform đặt tên là Utop (có nghĩa You luôn ở Top). Và không ngạc nhiên một trong những khách hàng đầu tiên của Utop lại là Unilever, cho chương trình Uhub
Hòa đã được tập đoàn điều chuyển sang FIS. Không hiểu sao, anh
vẫn đắm đuối với với hệ thống Aka của mình và mang theo tất cả sang đơn vị mới. Có thể TGB muốn dùng Hòa để “kích” phong trào khởi nghiệp trong FPT.
Bởi vì, ý tưởng khởi nghiệp nội bộ cũng không phải là mới với Trương Gia Bình
Câu chyện 4: FTD Vườn ươm đầu tiên
Năm 2004, Fsoft bắt đầu có da có thịt. Một hôm TGB gọi tôi lên tâm sự: anh nghĩ tương lai của tập đoàn phụ thuộc vào việc phát triển tinh thần khởi nghiệp, mở ra các hướng mới. Fsoft là một ví dụ như vậy. Em suy nghĩ xem có thể nhân rộng tinh thần đó ra không.
FTD – FPT Technology Development Center ra đời.
Lúc đó có em Lê Kim Thành, mới tốt nghiệp từ Nhật về mới xin vào Fsoft, tôi lôi ngay sang làm trợ lý mà thực chất là điều hành cả cái FTD này. Lúc đó khái niệm Vườn ươm – Incubator còn chưa được ai nhắc đến nên hai anh em chỉ tâm niệm mục tiêu là hỗ trợ cho các giấc mơ, kể cả điên rồ của các khởi nghiệp gia, đa phần còn rất trẻ. Còn thì vừa làm vừa học, vấn đề phát sinh đến đâu giải quyết đến đấy.
Dự án đầu tiên, là FPT Media, tham vọng định sản xuất các nội dung hình ảnh như VnExpress làm text. Chịu trách nhiệm là Trần Tuấn Việt, cử nhân sinh học, đang buôn điện thoại với Tiến béo, thành tích lớn nhất là được sếp là măng non của Stico làm solist trong liveshow “Một chút Khắc Thành”. Việt không biết bắt đầu thế nào, nên chúng tôi cũng chẳng biết giúp gì. Cuối cùng quyết định tuyển toàn trai xinh gái đẹp, trong phòng treo TV 4 phía, anh em ngồi xem suốt ngày xem có phọt ra ý tưởng gì không?
Thế mà cũng ra được sản phẩm hơi bị oách. Đó là chương trình “Sống khỏe mỗi ngày”. Cũng rất tình cờ. Hồi đó có ông em là Phan Đức Trung giới thiệu cho một ông anh làm ở Bộ Y Tế muốn làm website cho chương trình “bình ổn giá thuốc”. Cách tốt nhất là công khai hết giá thuốc lên website, cùng 1 biệt dược, thì thuốc nội giá bao nhiêu, thuốc ngoại bao nhiêu, dân tự chọn. Nhưng vấn đề là làm sao dân biết mà vào xem? Làm mấy chén rượu, anh em thống nhất muốn dân xem thì phải cho lên TV. Vậy là chúng tôi làm công văn gửi phó giám đốc VTV lúc đó là anh Trần Đăng Tuấn, cũng là dân học MGU cùng tôi xin slot thời gian. Mục tiêu trong sáng, lại hợp chủ trương của Nhà nước, có công văn ủng hộ của Bộ Y tế, nên anh Tuấn đồng ý chủ trương và giao VTV3 hợp tác.
Chương trình có tên là “Sống khỏe mỗi ngày”, nội dung rất đơn giản. Sẽ có một bệnh nhân bị mắc một bệnh gì đó, khá phổ biến, gặp bác sĩ, và được bác sĩ giảng giải cần uống thuốc gì mua ở đâu, giá bao nhiêu. Làm sao cho nó hấp dẫn là nhờ diễn xuất. Kiểu như chương trình “Góc phố muôn màu” của VTV3 bây giờ. Hồi đó Việt rất hèn, nên bán hết cho phòng marketing TechcomBank lấy chi phí sản xuất cùng tí ti lãi. Cuối năm thấy họ bán quảng cáo được gấp 5 lần thì tiếc ngẩn ngơ. Chúng tôi học được bài học xương máu là muốn lấy được giờ đẹp trên VTV thì phải chịu khó đi “lê la thiên hạ”. Tiếng tăm của Fmedia nổi như cồn sau thương vụ mua bản quyền truyền hình của WorldCup 2006.
Đầu xuôi đuôi lọt! Sau đó thì thôi rồi các dự án. Vô cùng đa dạng, từ sờ mò được dễ hiểu như làm khẩu trang nano chống cúm (đi trước covid cả chục năm), chế tạo máy lắc ổn nhiệt cho các phòng thí nghiệm sinh học, đến những thứ bây giờ được gọi là 4.0 như quảng cáo số, nhạc số. Từ ước mơ đơn giản là làm đĩa trò chơi cho con trẻ đến những dự án đón trước tương lai như Telemedicine. Từ khoa học lãng mạn tốn kém như thiết kế router tham vọng cạnh tranh với Cisco đến khoa học ra rất nhiều tiền như FPTBiotech, sử dụng những thành tựu của nghiên cứu tế bào gốc để làm mỹ phẩm.
Chúng tôi, ở chung một nhà, ăn cùng một mâm, nhiều đêm vật vã ngủ trên sàn cùng nhau. Và trở nên thân thiết. Gần 5 năm tồn tại. Hơn 100 dự án được xem xét. 31 khóa học “khởi nghiệp cùng FPT” được tiến hành, đã tác động đến tinh thần khởi nghiệp của hàng ngàn người, tạo ra vô khối việc làm, với chi phí cực kỳ gọn nhẹ.
Đáng tiếc, vì thiếu nhất quán trong phong cách quản trị nên FTD đã bị đóng cửa năm 2008.
Theo lời Nông Bích Vân, một phóng viên tập sự lúc đó, kể lại trong lễ kỷ niệm 10 năm đóng cửa: do gia cảnh khó khăn, lúc bệnh hiểm không được thuốc men chu đáo nên Cụ FTD ra đi khá sớm khi cháu con còn thơ dại, nhắm mắt mà không kịp nhìn ngày Quốc gia Khởi nghiệp được vinh danh. May mắn thay, hôm nay gặp lại, tuy thiếu vắng sự dạy bảo của Cụ, con cháu vẫn cố gắng học hành, hăng say lao động, không hổ thẹn với tâm nguyện của Cụ lúc sinh thời:-)
Nam, một game thủ lúc đó mới tốt nghiệp đại học, ăn ngủ ở Trung tâm, sau hành tẩu giang hồ, khắp nơi khắp chốn. Hôm nay mãn nguyện, có tý khoe: em giờ có thể yên tâm ở nhà bế con cho vợ.
Nguyệt, con gái của một gia đình nông dân lên thủ đô làm thợ hồ những ngày nông nhàn, khi đó là tạp vụ của Trung tâm. Hôm nay, đến chia vui: cháu cám ơn bác và các anh chị, thời gian làm việc cùng với mọi người thực sự đã dạy cháu rất nhiều điều. Cháu đã học được cách độc lập tạo dựng cuộc sống cho mình. Giờ cháu đã có gia đình, một con trai 5 tuổi, 1 căn hộ chung cư, 1 miếng đất, và đang điều hành 1 Spa.
Với tôi, suy cho cùng mục tiêu cuối cùng của Quốc gia khởi nghiệp là hiện thực những mơ ước rất người như của Nam, của Nguyệt, là mang đến nụ cười cho những con người tự tin trong cuộc sống như Thu, Linh, Lộc, Long, Dung, Hằng… hôm nay.
Nên tuy thất bại, nhưng chúng tôi rất tự hào vì những gì đã làm ở FTD khi đó.
Nhưng anh Bình có những suy nghĩ khác. Anh đã thấy những tiềm năng to lớn mà Internet mang lại. Một trong những lý do mà anh “nhường” lại chức TGĐ cho tôi, là anh muốn dành nhiều tâm sức hơn cho một dự án, được kỳ vọng là sẽ thay đổi tương lai của FPT, một thứ FTD nhưng chỉ tập trung vào Internet. Để khắc phục những bất cập về quản lý cái “cũ” và cái “mới”, anh sẽ đích thân phụ trách. Đó là dự án Visky, hay còn gọi là Vườn Chim của Cụ.
Câu chuyện 5: Vườn Chim
Năm 2019, tại một cuộc nói chuyện giữa CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn và Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, khi được "đàn em" hỏi nếu được quay lại tuổi 20, ông sẽ làm điều gì khác đi, ông Bình lập tức trả lời: "Anh sẽ không bỏ Vườn Chim của anh".
Vườn Chim - dự án startup của Bình có tên chính thức là dự án Visky 2.0, với đầu tư khởi điểm 2 triệu USD (theo thông tin nhà sáng lập Vườn Chim chia sẻ trên Doanh nhân Sài Gòn), chuyên về nội dung số, một dự án nằm trong chiến lược "Vì công dân điện tử" (e-citizen) FPT vạch ra năm 2007, nhắm hướng trở thành tập đoàn Kinh tế - Công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Visky mang hàm ý "bầu trời Việt Nam". Khu làm việc được thiết kế với cảm hứng từ Google, với bàn bi-da, dàn karaoke, phòng ngủ... Lý giải cho cái tên "Vườn Chim", Người Lao động ngày ấy cho biết theo tính chất công việc, họ gọi những thành viên sáng lập là "rùa", vị trí khó thể thay thế được. Đội ngũ viết chương trình, trực tiếp sáng tạo các ứng dụng được gọi là "chim" - những chú chim nhảy từ dự án này sang dự án khác trong "Vườn", với tấm danh thiếp không chức danh, chỉ bao hàm vỏn vẹn tên công ty, tên nhân viên và thông tin liên lạc.
Chia sẻ trong báo cáo thường niên năm đó, FPT cho rằng "Đây là chiến lược được ứng dụng và triển khai trên nền Internet và thiết bị di động, hứa hẹn khai thác tối đa những tiến bộ công nghệ tương lai, khai thác hiệu quả hơn những dịch vụ FPT đang cung cấp và đem lại lợi nhuận vượt trội trong tương lai".
3 năm tồn tại, Vườn Chim cho ra đời một loạt sản phẩm nội dung số khá ấn tượng như ViTalk (hoạt động tương tự WeChat), ViMua (mô hình tương tự Lazada), ViKim (mô hình tương tự Momo), và một loạt "Vi" khác như Vihuni, Vinaanh, Vicongdong, Vibeyeu, ViMap, ViOlympic, Violet… với tầm nhìn trở thành một MegaApps.
Anh Bình tự hào tuyên bố
"Mạng Trí tuệ Việt Nam có thể là Facebook đầu tiên trên thế giới. Giờ có thể biến ViSky thành SupperAp như WeChat”
Ý tưởng vượt trội, tầm nhìn xa, nhân tài hội tụ… Nhưng rồi năm 2012, Visky phải sát nhập vào FPT Telecome.
Năm 2018, Trần Anh Dũng, một “con chim” lúc đó, tiếc nuối:
"Cái ngày ấy nếu FPT làm tới cùng và ngày ấy nếu chúng tôi không ngây ngô, ngày ấy nếu làm vì sứ mệnh phụng sự xã hội như các lãnh đạo vừa tuyên thệ, ngày ấy nếu chúng tôi làm khác, ngày ấy nếu có niềm tin, ngày ấy nếu ... Thì giờ đã có FPT 2.0, Vitalk đã biến thành Zalo, ViMua đã biến thành Lazada + Adayroi + Sendo, ViEdu đã biến thành ViOlympic.vn + Topica + BigSchool + Gotit + Funix, ViKim đã biến thành Momo + 123pay + Payoo, Vimuzic đã biến thành Nhaccuatui + Zing MP3"
Tại sao vậy?
Cũng trong cuộc đối thoại với Founder của Tiki, Bình giải thích: “dốt" mỗi một điều thôi, là lắng nghe anh em quá! Tin quá! Anh em bảo là: "Ôi, cái này không có tiền, thôi không làm nữa". Hỏi "Tại sao không có tiền không làm?", bảo "Không có tiền thì không làm". Thế là bỏ"
Không hiểu “anh em” trong ý anh là ai.
Ban biên tập của CafeBiz thì cho rằng dự án sai thời điểm.
"Sau khi lên sàn và hàng trăm lãnh đạo FPT qua đêm trở thành triệu phú đô la, bỗng cảm giác mình là vĩ nhân làm gì cũng được, nôm na là mắc bệnh “đột kim”. Sao không hái tiền ở những lĩnh vực ngon ơ, hơi đâu phải khởi nghiệp cho mệt. Năm 2007, FPT đầu tư vào một loạt lĩnh vực đang rất hot nhưng không phải mảng cốt lõi như tài chính, ngân hàng, với CTCP Chứng khoán FPT, CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT, Ngân hàng TMCP Tiên Phong và lấn sang cả bất động sản với Công ty TNHH Bất động sản FPT.
Năm 2008, FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời đánh dấu quá trình chuyển giao quyền lực chính thức - ông Nguyễn Thành Nam lên thay ông Trương Gia Bình ở cương vị Tổng Giám đốc.
Chỉ ít ngày sau đó, FPT, ngày ấy dưới quyền điều hành của ông Nguyễn Thành Nam, công bố văn bản chính thức, đưa Vườn Chim - Visky thành công ty cổ phần với tên Việt Thiên FPT (tên tiếng Anh là FPT Visky), với số vốn điều lệ 24 tỷ đồng."
Cá nhân tôi, có một thời gian ngắn tiếp quản dự án ở cương vị TGĐ của FPT, thì cho rằng “Có quá nhiều ý tưởng và quá ít kỷ luật quản trị”. Trong buổi gặp với anh em Visky tôi đã nói một cách ví von “Ở đây toàn chim thôi, nhưng anh thấy không có người. Phải có người chăn chim chứ. anh Bình chẳng qua cũng là một con chim to”
Có lẽ có “chim” tự ái nên báo cho anh B, anh gọi điện xạc tôi hơn 3 tiếng đồng hồ. Tôi hiểu rằng thôi tốt nhất là kệ anh.
Nói về TGBình, một lãnh đạo cấp cao của FPT cho biết ông là người mơ mộng và thường có những ước mơ viển vông.
"Ở FPT có một người mơ mộng nhất của Việt Nam là anh Bình. Anh Bình bao giờ cũng có những ước mơ viển vông, và rất ngây thơ khi tin vào những ước mơ ấy. Điều kỳ lạ là một số trong số ấy sau vài ba năm cũng thành hiện thực", vị này nói.
Tiếc là Vườn Chim không nằm trong con số trở thành hiện thực ít ỏi ấy.
Tuy nhiên giấc mơ của TGB vẫn chưa dừng lại.
Câu chuyện 6: FPT Ventures
Tháng 10 năm 2014, sau khi đã ổn định nhân sự và chấp nhận thất bại của việc “chuyển giao thế hệ”, dưới sức ép của các tuyên bố ầm ĩ của Vin, Viettel, Trung Nguyên về quốc gia khởi nghiệp, TGB công bố chính sách “Thành Cát Tư Hãn” nhằm thúc đẩy sáng tạo trong tập đoàn.
B nói: “Một bí quyết chiến thắng của TCTH là thay vì lấy hết chiến lợi phẩm, ông đã chia làm ba phần: Một cho mình, một cho tướng trận và một cho quân sĩ. Nhờ vậy, ông trở thành bá chủ thiên hạ.”
Chọn nickname "Thành Cát Tư Hãn" với tư tưởng chia ba “chiến lợi phẩm” cho chính sách khuyến khích sáng tạo, Bình hy vọng FPT sẽ thu hút được nhiều ý tưởng xuất sắc về công nghệ từ các nhân tài trong và ngoài tập đoàn, đủ tạo động lực để họ cùng FPT khởi nghiệp, tạo ra những hướng kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới…
Có lẽ ông đã rút kinh nghiệm từ Vườn Chim là các “con chim” cần phải có “mồi nhử” đủ hấp dẫn. Để quản lý, B cũng giao cho Nguyễn Lâm Phương, lúc đó là giám đốc công nghệ, thiết kế một khung quản trị và đặt tên là FPT Ventures.
Trần Hữu Đức, cũng là một GL cũ của Fsoft sau đó được điều sang “FPT Product” để phục vụ việc sản xuất phần mềm cho điện thoại FPT, được Phương chọn làm giám đốc đầu tiên của FPT Ventures. Đức kể: nhiều người bảo, FPT làm gì có gen đầu tư, nhận làm gì. Nhưng kệ, đây là lĩnh vực em thích, em theo để học.
FPT Ventures được chính thức khởi động tháng 5/2015. Mục tiêu là đầu tư “seed và series A” cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Ngoài tiền, FPT còn hỗ trợ hạ tầng, nhân lực và bán hàng. Quỹ hứa hẹn sẽ phê duyệt dự án rất nhanh và sẽ biến dự án thành sự nghiệp lớn trong vòng 5 năm.
Theo Trần Hữu Đức, Fpt Ventures có vai trò làm rõ được chiến lược đầu tư khởi nghiệp cho Fpt. Thời gian đầu là làm đủ model: đầu tư kiểu VC (Elsa), M&A (Adtrue), venture build (Cyradar), intrapreneurship (Ants), sau đó thì kết luận là mảng VC thì setup riêng VIISA, liên doanh chung với Dragon Cap. Còn Fpt sẽ đầu tư theo hướng M&A. Tuy nhiên sau thương vụ mua Base năm 2021, FPT vẫn chưa cho thấy một chiến lược rõ ràng.
Giờ thì không ai còn nhớ đến chính sách Thành Cát Tư Hãn và FPT Ventures nữa.
Bình luận
Đầu tư không thiếu, tài năng không thiếu, khách hàng kiếm được, nhưng phong trào “khởi nghiệp” trong nội bộ FPT có vẻ vẫn chưa cất cánh được. Có lẽ những ý tưởng mới đòi hỏi việc phải tạo một văn hóa quản trị mới, mà một trong những điểm “cản trở” của hệ thống quản trị FPT là tôn vinh tập thể và rất ngần ngại trong việc tưởng thưởng xứng đáng cho những cá nhân dám từ bỏ con đường cũ, để dấn thân vào mạo hiểm.
Có chuyện này vui vui tí, về sáng tạo và kỷ luật:
Tôi cũng thuộc dân sáng tạo lung tung, nên rất dễ bắt đầu, nhưng cũng chóng chán. Khá giống với các khởi nghiệp gia lean bây giờ. Mới nứt mắt mà đã thấy CV khởi nghiệp đến mấy lần.
Mãi đến khi làm Fsoft, mới học được điều cơ bản. Kỷ luật là nền tảng của sáng tạo. Khách Nhật thì chì chiết: Nam, tao chỉ cần quân mày làm đủ 8 tiếng một ngày, chưa cần sáng tạo gì cả. Khách Mỹ thì phạt tiền: quên làm cái này à, 10k usd đưa đây!
Đến năm 2007: tôi được tiếp giám đốc chất lượng của Toyota. Ông chia sẻ: không hiểu sao công nhân Việt Nam kém sáng tạo thế. Toyota có 1 chỉ tiêu là số sáng kiến trên đầu người ở các nhà máy. Và nhà máy ở Việt Nam hóa ra chỉ bằng nửa trung bình toàn cầu. Fsoft chúng mày chắc khá hơn.
Nói thật với mày nhé, nếu tin các con số thống kê thì trung bình một nhân viên bọn tao 3 năm mới có 1 sáng kiến. Ông ngạc nhiên lắm, nhìn sự phát triển của tổ chức thì chắc chúng mày đo sai. Chúng mày thử kế cho tao nghe, thế nào là sáng kiến.
Ah, thế này. Có hội đồng, ai có sáng kiến thì nộp lên. Nếu được phê duyệt, thì sẽ được thưởng, các loại ABCD… cũng to đấy, mà chẳng thấy mấy ai nộp.
Thế thì sai đường rồi. Sáng tạo để lấy thưởng là kiểu Mỹ. Với người châu Áu nói chung, và người Nhật cũng không phải là ngoại lệ, phải ép vào kỷ luật. Không phải có sáng kiến thì được thưởng, mà không có sáng kiến thì bị phạt, thậm chí cho nghỉ việc.
Thế thì cho nghỉ hết à.
Không, mày phải định nghĩa lại. Sáng kiến ko phải là cái gì to tát. Hãy bắt đầu bằng việc nghĩ cách làm thế nào để cải thiện điều kiện làm việc của chính mình, nâng cao năng suất. Ví dụ cốc nước treo có ống hút, để khỏi phải đi xa lấy nước uống chẳng hạn. Nếu sáng kiến ấy áp dụng được cho nhiều người, ảnh hưởng đến cả công ty, thì hẵng nghĩ đến chuyện khen thưởng.
Từ ý bác này mà ra, thì “khởi nghiệp” ở FPT thường chết yểu vì được sếp chiều chuộng hứa hẹn nhiều quá, mà không ép vào kỷ luật hà khắc của cuộc sống.
Cá nhân tôi cho rằng, thay vì loay hoay với khởi nghiệp nội bộ, có lẽ FPT cần tập trung xây dựng tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ ở Đại học FPT.
Ngay cả khi chưa có chính sách rõ ràng, Đại học FPT đã nổi danh với những khởi nghiệp gia từ ghế nhà trường, ví dụ như:
Võ Thanh Quảng, kiếm được tiền triệu đô ngay sau khi ra trường với website HAIVL tạo môi trường làm cho người dùng có thể sáng tạo những hình ảnh vui, ảnh chế, clip hài hước… và thoải mái bình luận về những thông tin được đăng tải.
Trần Trọng Hiếu đã biến TopCV thành người bạn thân thiết của đa số sinh viên Việt Nam trong việc tìm kiếm việc làm, đang mơ ước dẫn đường họ đến cuối đời
Và ngôi sao của tiền mã hóa, sinh viên bỏ học Nguyễn Thành Trung tạo ra hẳn một nền kinh tế thế hệ mới trên game Axie Infinity. Công ty Sky Mavis của anh được định giá có lúc đến 3 tỷ USD. Khoan nói đến chuyện anh kiếm được bao nhiêu tiền, tháng 3 năm 2022 anh đã bị hacker đánh cắp mất hơn 600 triệu USD (nên nhớ là ở VN chỉ có vài người có tài sản cỡ đó), đầu năm 2023, khi được hỏi điều gì làm anh băn khoăn nhất trong năm 2022, Trung vẫn cười tươi trả lời: “băn khoăn nhất là em không giảm được cân”. Thật là quá bản lĩnh.
Năm 2021, trong Covid, được sự gợi ý của anh Tùng tôi và Nguyễn Phi Hùng cùng mấy bạn trẻ ở FPT School of Business đã thiết kế hẳn một chương trình có tính bắt buộc với tất cả sinh viên đại học FPT với 3 giai đoạn: Thử sai/Làm lại/ và Tăng tốc với mục tiêu tạo ra một thế hệ mới không chỉ “ra trường có việc làm” mà “ra trường tạo ra nhiều việc làm mới”
Vẫn mong là có ngày sẽ thành hiện thực
Câu hỏi thảo luận
Có phải chính tinh thần thôi thúc luôn khởi nghiệp một cái gì đó, chính là động lực để FPT phát triển bền vững, chứ ko phải là thực sự cần phải khởi nghiệp?
Nhận xét