Là chương 7 của cuốn sách "Đek biết gì" lý giải tại sao Fsoft lại quyết định mở văn phòng Tokyo khi cả công ty không ai biết tiếng Nhật?
Kế hoạch ban đầu của các nhà lãnh đạo FPT là sau thành công ở Mỹ, Ấn Độ và châu Âu, FPT mới tiến sang Nhật, vì Nhật được coi là thị trường khó nhằn vì rất đòi hỏi và quan trọng nhất là không ai biết tiếng.
Tuy nhiên, sau thất bại FUSA 1.0 và thất bại từ “chiến trường B” Ấn Độ, kế hoạch phải thay đổi, Trương Gia Bình nói với Nguyễn Thành Nam: “Anh em mình đi Nhật”.
1. Khu CNC Hòa Lạc và cơ duyên bất ngờ với thị trường Nhật
Khu CNC Hoà Lạc nằm ở phía Tây Hà Nội, có diện tích khoảng 1.586 ha. Đây là trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp Quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
Trong Sử ký FPT 13, Trương Gia Bình viết: “Khoảng giữa năm 1994, tôi sang phòng Lê Quang Tiến để trao đổi ý tưởng làm sao cho FPT chóng lớn. Chúng tôi thấy có hai cách để đạt được điều đó. Một là kinh doanh tốt và tích lũy. Cách này hơi lâu. Cách khác là ai đó cho thật nhiều tiền. Tiền thì chẳng ai cho, song đất thì có thể, mà đất thì cần phải có ý tưởng về một đề án lớn”.
Anh Bình đã biết đến Silicon Valley (Mỹ) nơi tập trung những ông lớn của ngành CNTT thế giới như Intel, Oracle, Cisco, Apple… Anh cũng đã nghĩ tới khu Tân Trúc (Đài Loan), trung tâm sản xuất các thiết bị điện tử, tin học lớn nhất thế giới. Anh ước mơ: FPT sẽ xây dựng một khu công nghệ cao có thể làm bệ phóng đưa Việt Nam lên tầm cao các nước tiên tiến trên thế giới. Và hơn thế, Bình còn có niềm tin sâu sắc rằng, khu CNC chính là con đường cứu cánh Việt Nam.
Từ ý tưởng đó, Trương Gia Bình cùng Lê Thế Hùng (Hùng Râu) đã dày công tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu và xây dựng đề án lớn có tên là “Khu Công nghệ cao quốc gia - Điểm đột phá trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Năm 1994, Giáo sư Đặng Hữu, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ KHCN và MT), đã ký Quyết định số 1360/QĐ-PTCN giao cho FPT chủ trì đề án Khu Khoa học Công nghệ cao (CNC) Hà Nội và huy động các nguồn vốn để xây dựng Khu CNC Hà Nội.
Đây chính là “nguồn cơn” để bài hát “Người FPT” được ra đời cùng năm, nhằm ca ngợi Hùng Râu, một người đam mê và quyết tâm tạo ra các loại công nghệ cao theo ước mơ của Trương Gia Bình. Hai từ khóa chủ yếu của bài hát là “HighTech” tức công nghệ cao và “Máy cái” ngụ ý cho những con người sáng tạo công nghệ.
Lời bài hát:
Người FPT chúng ta chẳng nên cúi đầu làm thuê cho Mỹ
Nước Nam hơn 4000 năm vinh quang đắp xây đâu ngại ngần chi
Nếu thiếu HighTech thì ta cùng nhau ước mong làm nhiều máy cái
F-P-T quyết một phen phải luôn đứng đầu hướng tới ngày mai
Người FPT chúng ta làm ít, ăn nhiều lại hay nói phét
Mỗi khi liên hoan là ta cùng nhau chén và hát vang bài ca
Huân chương ta đúc thật to để cho lũ kia càng nhìn càng khiếp
Mai sau Công ty vẻ vang phải luôn nhớ rằng đây Cô sờ ty
Dự án Khu Công nghệ cao CNC Hòa Lạc ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà nước. Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), quyết định giúp Việt Nam xây dựng Bản đề án Nghiên cứu khả thi và Quy họach tổng thể cho khu CNC Hòa Lạc. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong đó có tập đoàn Sumitomo biết đến FPT. Điều này đã mang đến cho FPT cơ duyện và may mắn sau này.
2. Ông Nishida
Một nhân vật quan trọng trong quá trình đưa FPT bước vào ngã rẽ đầy bất ngờ - Nhật Bản - chính là ông Nishida, khi ấy là Cố vấn cao cấp của Sumitomo, một người rất yêu quý Việt Nam.
Năm 2000, ông Nishida đến gặp Trương Gia Bình và bảo: “Muốn làm với Nhật thì phải đến Nhật. Tôi sẽ đưa ông đi”.
Hồi đó mảng phần mềm của FPT còn thua lỗ nên Trương Gia Bình dự định chỉ đi một mình để tiết kiệm chi phí. Nhưng ông Nishida bảo không được, vì đi một mình sẽ không tạo cho đối tác cảm thấy mình nghiêm túc. Trương Gia Bình kéo thêm Nguyễn Thành Nam, lúc đó đang phụ trách Trung tâm Giải pháp Phần mềm FPT. Ông Nishida lại rủ thêm 3 người của Sumitomo nữa là 5. Nishida còn mang cả phiên dịch viên tiếng Nhật từ Việt Nam sang, bởi người Nhật hầu như không nói tiếng Anh.
Chuyến đi Nhật diễn ra vào tháng 12/2000, nhờ sự dàn xếp của ông Nishida, hai nhà lãnh đạo FPT đã gặp gỡ đại diện của rất nhiều công ty. Tâm lý từng thất bại ở các thị trường trước, Trương Gia Bình và Nguyễn Thành Nam không hy vọng nhiều. Vũ khí duy nhất của FPT trong chuyến đi này là bài diễn thuyết về “Digital Waterfall” (Thác số - Cầu vượt). Ở đâu anh Bình cũng say sưa trình diễn bằng tiếng Anh. Mặc dù đa phần khách hàng không hiểu gì, nhưng họ lại cảm nhận được nhiệt huyết trong bài thuyết trình của anh.
Nguyễn Thành Nam kể lại: “Có hai nhận xét mà tôi rất nhớ, một ông già sau khi nghe trình bày đã xông lên ôm hôn thắm thiết, nước mắt giàn giụa: “Bình, tao chúc mày thành công”. Một ông khác, thì dặn dò: “Chúng mày đang nhìn lên núi cao, bởi thế chúng mày chưa nhìn thấy những vực sâu. Hãy cẩn thận!”.
Buổi gặp ấn tượng nhất của hai anh là với Công ty NTT-IT. Trong cuộc gặp có 7 người thì cả 7 người đều là tiến sĩ học ở nước ngoài. Ngoài điểm trùng hợp thú vị đó ra thì không có gì nổi bật khác.
Nhưng nhờ họ học tiến sĩ ở nước ngoài và biết tiếng Anh nên công lao khản tiếng thuyết trình của anh Bình được đền đáp. Vài ngày sau khi hai người về nước thì nhận được email của bác Ichinose từ NTT-IT muốn bắt tay làm việc cùng FPT.
NTT-IT có một hợp đồng cần thực hiện gấp trong 2 tuần. Không cần suy nghĩ, 2 nhà lãnh đạo FPT nhận lời ngay và may mắn FPT đã hoàn thành đúng hạn. NTT-IT tuy là một công ty nhỏ nhưng thuộc tập đoàn hàng đầu tại Nhật là NTT. Nhờ quan hệ đó, cái tên FPT bắt đầu được biết đến ở xứ sở Phù Tang.
Trương Gia Bình đánh giá, thành công với NTT-IT là cả một sự bất ngờ và thay đổi hoàn toàn chiến lược tiếp thị của FPT. Từ đó, Bình tin tưởng, Nhật Bản sẽ là thị trường hàng đầu của FPT về xuất khẩu phần mềm.
“Lý do là, nếu chúng ta cần thị trường Nhật Bản một thì Nhật Bản có thể cần Việt Nam hai. Với thị trường đặc thù tiếng Nhật của mình, hơn lúc nào hết Nhật Bản cần đồng minh chiến lược để duy trì vị trí cường quốc của mình trên trường quốc tế. Tôi tin tưởng rằng, quá nửa trong số 200 triệu USD mục tiêu phần mềm (528) của chúng ta là từ Nhật Bản”, Trương Gia Bình viết trong Sử ký FPT 13.
Sau chuyến đi này, hai lãnh đạo FPT học được 2 điều: một là phải biết tiếng Nhật và hai là phải có “hangko” tức người đỡ đầu, còn gọi là “ông bác”.
3. Đâm lao phải theo lao
Muốn làm được với Nhật, phải học tiếng Nhật. Khó mấy cũng phải làm. Cả FSOFT lúc bấy giờ để nói về lập trình thì có thể ngon, nhưng để nói và sử dụng tiếng Nhật thì chẳng có ai. Tiếng Nhật là một vấn đề gay go với FSOFT khi muốn tiến quân vào thị trường này.
Xác định ngoại ngữ là một trong những khó khăn chính trên con đường toàn cầu hóa, Trương Gia Bình và Nguyễn Thành Nam đã rủ nhau học tiếng Nhật để làm gương cho toàn quân, vừa cũng là động viên anh em. Cô giáo được giới thiệu là tiến sĩ ngôn ngữ Kumi senshei. Học được mấy tháng thì anh em hiểu ra rằng, đây là lời giải dài hạn. Cần phải có thêm cách làm ngắn hạn.
Về dài hạn
Trương Gia Bình giới thiệu Tạ Anh Thắng đang học dở Tiến sĩ ở Nhật, có chuyện gia đình phải về nước. Nguyễn Thành Nam liền kéo về FSOFT. Thắng rủ bạn là Phạm Hùng (HungP) mở ra trung tâm đào tạo tiếng Nhật cho các lập trình viên và các sinh viên IT, lấy tên là Đông Du vào năm 2002. Đây chính là tiền thân của các chương trình đào tạo kỹ sư tiếng Nhật sau này tại FPT như 10KBrSE, Brush-Up, Fly Up, 13K5 JSE…
Cùng lúc, FPT cũng tranh thủ chương trình đào tạo AOTS (Hiệp Hội Tu nghiệp Kỹ thuật Hải ngoại Nhật Bản) để cử những người tốt nhất sang Nhật 6 tháng (có 3 tháng học tiếng Nhật, 3 tháng thực tập tại 1 công ty Nhật). Đó là các anh chị: Bùi Thị Hồng Liên, Trần Xuân Khôi, Tạ Anh Thắng, Nguyễn Thị Thanh Hương (Kaori), Lê Thị Hằng, Nguyễn Thị Lan Hương, Phạm Hoài Nam, Trần Đức Nghĩa…
Một may mắn khác cho FPT đúng thời điểm này là năm 2002, Chính phủ Nhật đã đưa ra chiến lược China +1, chọn rất nhiều quốc gia để làm đối trọng với Trung Quốc: chọn Thái Lan để sản xuất ô tô, chọn Ấn Độ làm phần mềm. Với những ưu thế khác biệt, Việt Nam vẫn luôn có cửa trong chiến lược này.
Từ năm 2012, Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển các đơn hàng gia công xuất khẩu phần mềm từ Trung Quốc sang các nước ASEAN theo công thức ASEAN + Trung Quốc thay cho công thức Trung Quốc+1 (China plus One). Trên "đấu trường" Nhật Bản, Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhờ khả năng học tiếng Nhật nhanh, lượng lập trình viên đông đảo và kinh nghiệm làm việc với Nhật cũng đi trước Việt Nam khoảng 12 năm. Tuy nhiên, chi phí sản xuất phần mềm ở các thành phố lớn của Trung Quốc tăng lên cùng với mối quan hệ chính trị Trung - Nhật trở nên căng thẳng khiến các công ty Nhật bắt đầu coi Việt Nam như một đối tác chiến lược lâu dài nhằm cân bằng lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về ngắn hạn
Nam đăng ký học một lớp 3 tháng liên tục, mục tiêu chỉ làm sao có thể tiếp khách. Dozo yorosuku. QuynhND sau này phát triển thành hẳn môn phái, không cần 1-kiu mà dẫn khách đi khách vẫn rất hài lòng.
Ở một hướng khác, Quách Liễu Hoàn đã tạo nên một nghề mới là Comtor, mở ra con đường sống cho FSOFT trong những năm gian khó đầu tiên.
Hoàn kể, tháng 6/2001 chị vào FPT và đầu quân về FWB (Ban phát triển kinh doanh toàn cầu). Ba tháng sau, chị được kéo vào dự án với khách hàng Nhật. Cùng làm với chị còn có Nguyễn Thị Thanh Hương (Kaori) và Lê Thị Lan Anh, lập thành đội Comtor.
Làm xong dự án thì hết việc. Sang năm 2002, 2003, khi việc nhiều lên, đội Comtor cần tuyển thêm người và nhanh chóng lớn mạnh. Sau này, Comtor do FGC (Ban truyền thông toàn cầu FSOFT) phụ trách ngành dọc và từ năm 2017 đã chọn 30/9 là ngày tôn vinh các Comtor của FSOFT.
4. Ogawa sama và HSK
Tháng 7/2003, chị Bùi Thị Hồng Liên khi ấy đang là GL (Group Leader) phụ trách nhóm Nhật Bản G8 của FSOFT trở lại Nhật thực tập theo chương trình AOTS tại một công ty phần mềm lớn là Hitachi Soft (HSK). Trong 3 tháng thực tập tại HSK, chị đã chiếm được cảm tình của Chủ tịch HSK là bác Ogawa Takeo.
Ogawa Takeo được các thế hệ FSOFT hay gọi là “ông bác” hoặc “cụ Ô”. Cụ Ô cũng là một nhân vật đặc biệt, bởi nhờ có sự tham gia của cụ vào công việc của FPT sau này, FPT Japan (FJP) dần trở thành “công ty Nhật” đúng nghĩa.
Sinh năm 1939, cụ thuộc thế hệ Bushido (võ sĩ đạo) thứ hai (thế hệ thứ nhất là thời Minh Trị) đã xây dựng đất nước Nhật Bản đi lên từ đổ nát, vươn lên hàng đầu thế giới. Năm 1995, cụ gia nhập Công ty chế tác Hitachi và sau đó phụ trách công tác phát triển phần mềm và quản lý tại Hitachi Software với cương vị Tổng Giám đốc. Tháng 6/2006, sau khi thôi giữ chức Tổng Giám đốc HSK, cụ trở thành Chủ tịch danh dự của công ty này.
Năm 2003, HSK cần giảm chi phí phát triển phần mềm, cụ Ô đã tìm kiếm và quyết định hợp tác với hai công ty Trung Quốc. Đúng vào thời điểm đó, ông Sadanori Watanabe, một quan chức cấp cao của Hitachi Ltd, đã giới thiệu Trương Gia Bình và Ban lãnh đạo Hitachi đã thúc giục cụ đến gặp FPT. Chuyến thăm FPT vào tháng 8/2003 là lần đầu tiên cụ Ô tiếp xúc với FPT.
Trong Chuyện phần mềm 2.0, chị Liên kể lại ấn tượng về cụ Ô qua chuyến thăm: “Bác là một người trông giống như ông tiên trong chuyện cổ tích, vóc dáng khoan thai, hiền hậu, nhưng lại sắc sảo và nhanh nhẹn…”.
Sau này, khi thực tập tại HSK, chị Liên biết nhiều hơn về vị Chủ tịch của Hitachi Soft. Vị Chủ tịch đã hỗ trợ rất nhiều và quan tâm chị Liên như “một đại sứ đặc biệt” của FPT tại HSK. Chính điều này đã giúp chị mở được các quan hệ và các cánh cửa của HSK cho hợp tác kinh doanh với FSOFT sau này.
Trong sinh nhật lần thứ 80 tổ chức ở văn phòng Daimon của FJP tại Nhật, cụ Ô hồi tưởng: “Năm 2004, khi được đề bạt làm CEO Hitachi Soft, tôi đã yêu cầu Tiến sĩ Trương Gia Bình thành lập một trung tâm phát triển phần mềm cho Hitachi (Hitachi Soft Development Center - Hibun) tại Hà Nội”.
Lúc đó, qui mô của HSK là công ty có 5.000 nhân viên cùng hơn 5.000 cán bộ của các công ty đối tác (partner) đến làm việc. FSOFT chỉ có khoảng 100 lập trình viên, quá bé nhỏ để được coi là “partner” với Hitachi. Nhưng cụ Ô luôn có niềm tin vào chị Liên và “những gương mặt FPT tươi cười”. Sự gắn bó với FPT của cụ còn bắt nguồn từ sự đồng cảm với Trương Gia Bình khi nỗ lực tạo ra Hibun, trung tâm hợp tác đầu tiên giữa FPT và Hitachi, sau này trở thành một trung tâm bán rất chạy sản phẩm về mảng bảo mật thông tin.
“Tôi đã cử một kỹ sư người Nhật để FPT tuân theo các quy trình phát triển phần mềm của Hitachi Soft. Một trong những lý do là tinh thần Việt Nam và tinh thần Samurai Nhật Bản tương tự nhau”, cụ Ô nhớ lại.
Tại lễ khai trương FPT Software Japan (sau này gọi là FJP) ngày 13/11/2005, cụ Ô, khi đó là TGĐ Hitachi Software đã nói: "Nếu các quý vị ở đây chưa đi Việt Nam, tôi khuyên các quý vị nên đi. Không phải để tìm kiếm đối tác phát triển. Mà ở đó các vị sẽ tìm thấy tâm hồn đã bị lãng quên của các quí vị". Có lẽ, đó là chính hình ảnh những người Việt Nam xuất sắc rất siêng năng, thân thiện với người Nhật và trông rất hạnh phúc khi làm việc với những điều mới mẻ.
Năm 2006, cụ Ô lặn lội sang Việt Nam, để tận tay trao cho FSOFT giấy khen với một bản thành tích rất dài và bằng chứng nhận “Core Partner”. Anh em sướng lắm, được coi là cánh hẩu thế này chắc hợp đồng ầm ầm. Những mãi thấy vẫn chẳng thay đổi gì. Mạnh dạn hỏi, cụ ôn tồn giải thích: “core partner”, theo quan điểm của chúng tao, tức là những người mà mình tin là sẽ giúp nhau lúc hoạn nạn, chứ không phải để tuồn hợp đồng cho nhau!
Cùng năm đó, khi Đại học FPT được thành lập, cụ Ô đã nhận lời làm Cố vấn cấp cao của trường. Cuối năm 2009, thị trường Nhật khó khăn, chị Liên mời cụ về làm Giám đốc FJP. Ở tuổi 70, với tất cả thành đạt trong cuộc đời, cụ vẫn đồng ý chấp nhận dấn thân vào một môi trường lạ lẫm, đầy vất vả và rủi ro.
Trong hai năm cụ Ô lãnh đạo, FJP đã trở thành một công ty Nhật thực sự, có cách nghĩ và làm việc như người Nhật. Hơn thế nữa, doanh số thị trường Nhật cũng có tăng trưởng ngoạn mục, đạt 30% trong năm 2011 bất chấp hệ quả từ sau thảm họa kép.
Ngày 1/1/2012, cụ Ô thôi giữ chức Giám đốc FJP để đảm nhận cương vị Cố vấn Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT đến nay.
5. Hành trình mở công ty tại Nhật
Lại kể giữa năm 2004, thấy công việc bắt đầu thuận lợi, FPT quyết định mở văn phòng tại Nhật. Khách hàng cũng mong muốn, FPT phải hiện diện ở đất nước của họ thì kinh doanh mới mở rộng được. Trương Gia Bình đọc sách thấy bảo ra nước ngoài thì phải là lãnh đạo đi nên đã cử Nguyễn Lâm Phương, lúc đó làm Phó Giám đốc làm trưởng đại diện. Bùi Hoàng Tùng, Trưởng phòng FWB được giao nhiệm vụ hỗ trợ.
Vì cả hai đều không biết tiếng Nhật nên việc đầu tiên là phải tuyển thêm một người thông thạo để hỗ trợ. Bùi Hoàng Tùng kéo bạn là Phạm Tiến Dũng, một du học sinh đang làm du lịch bên Nhật. Dũng tưởng FSOFT là công ty Nhật nên hí hửng nộp đơn, nhưng khi thấy mức lương được offer thì “suýt ngất”. Cuối cùng, bị thuyết phục bởi khát vọng “đóng đoàn thuyền nan lao ra biển” lớn của Nguyễn Thành Nam, Dũng vẫn đầu quân về FSOFT.
Nhờ quan hệ cá nhân, Dũng giới thiệu người bác đỡ đầu của mình là ông Kondo. Nhà của ông Kondo chính là “căn cứ” đầu tiên của FPT tại Nhật. Ông Kohdo thường lái xe đưa anh em FPT đi chơi, nấu cơm cho anh em FPT ăn… không khác gì nuôi cán bộ nằm vùng.
Dũng kể lại: “Chúng tôi khoảng 7-8 người ngủ tại nhà bác Kohdo, người cho thuê văn phòng đại diện tại Hacchobori. Anh Nguyễn Lâm Phương cứ đúng 23h là úp mặt xuống gối ngủ, anh Bùi Thiện Cảnh thì chuyên ngủ trước webcam cho vợ nhìn thấy. Anh Bùi Hoàng Tùng lúc nào cũng đầy đủ các loại kem sữa rửa mặt, dương da... Đặc biệt có anh Nguyễn Đức Quỳnh chuyên sưu tầm các loại phim rồi copy ra đĩa. Hôm đến IBM để thuyết trình, anh Lâm Phương vừa bật laptop ra thì cái đĩa phim của anh Quỳnh chạy, anh Phương nhanh tay giật bụp cái dây cắm Projector… các anh em khác chỉ biết nhìn mặt nhau cười tủm tỉm".
Với Dũng, FPT khi ấy “chẳng có gì ngoài ý chí và liều”.
Nhưng điều Ban lãnh đạo FPT muốn là phải có người ở hẳn bên đó. Lâm Phương không đi được. Hoàng Tùng không đi được vì không biết tiếng. Dũng cũng không thể vì vợ không cho. Vấn đề này được thảo luận trong Hội nghị chiến lược (ME) tại Đà Lạt vào tháng 7/2004.
Quách Liễu Hoàn khi ấy là Tổ trưởng tổ Comtor, vừa trở lại công việc sau khi nghỉ sinh con cũng tham dự. Giữa lúc không khí trở nên bế tắc, cảm thấy bản thân là người phù hợp nhất, chị đứng dậy: “Nếu các anh không chê thì em xung phong đi”.
Quyết định của Hoàn đã giúp FSOFT tiến một bước dài về nhận thức toàn cầu hóa: Không chỉ bán hàng ra nước ngoài mà phải thực sự có mặt ở đó. Phải hòa mình vào môi trường đó, chúng ta mới có thể trưởng thành.
“Lúc ấy chả nghĩ gì, cũng chẳng có ai xúi giục, chỉ thấy là, người đi Nhật phải hiểu biết về cả ngôn ngữ và văn hóa. Trong Ban lãnh đạo FSOFT bấy giờ chẳng có ai ngoài mình. Cũng may là chồng ủng hộ, bố mẹ hai bên đều còn khỏe. Tính tôi lại thích thách thức và bản thân tôi thời điểm đó nghĩ mình làm được”, chị Hoàn nói.
Cuối năm 2004, chị Hoàn sang Nhật dài hạn để xây dựng văn phòng và phát triển đội ngũ. Giai đoạn đầu, chị làm tất cả mọi việc như tìm hiểu các thủ tục thành lập công ty, lựa chọn trụ sở, ký hợp đồng với ngân hàng… báo cáo trực tiếp cho Hùng Râu. Đến khoảng tháng 8/2005, chị Liên được giao phụ trách thị trường Nhật và quay lại đây, cùng chị Hoàn chuẩn bị.
Trước hết phải tìm địa điểm văn phòng, chị Hoàn đã liên hệ Hội xúc tiến đầu tư nước ngoài để được giới thiệu thông tin. Hồi đầu, Hội xúc tiến đầu tư nước ngoài nhầm tưởng FPT nhiều tiền nên đã giới thiệu các tòa nhà to choáng ngợp. Nhưng để phù hợp với chi phí, chị Hoàn chọn tòa nhà ở ga Gotanda, một dạng văn phòng kiểu share office, chị Liên đồng ý ngay.
Văn phòng đầu tiên của FJP tại Gotanda là một phòng nhỏ có diện tích vỏn vẹn 22m2 trong toà nhà AIOS. Ở đây có tất cả các dịch vụ như cho mượn phòng meeting, có reception chung, có máy photo tài liệu, thư viện… Sau này, khi mở rộng, FPT đã thuê thêm 4 phòng khác với diện tích tương tự, chiếm toàn bộ không gian 1 tầng.
Một điều thú vị về văn phòng Gotanda là mãi sau khi đã “đóng đô” tại đây, FPT mới biết vị trí của công ty nằm ngay gần phố đèn đỏ của Nhật.
Hoàn bộc bạch: “Cửa Đông của Gotanda là phố đèn đỏ, nơi FPT đặt trụ sở, cửa Tây Gotanda là những tòa cao ốc, văn phòng. Người Nhật cũng khá tế nhị, khi FPT mời đến thăm văn phòng công ty, khách hàng cũng chỉ ngỏ ý nói FPT thật dũng cảm. Nhưng nghĩ lại thì thấy, phố đèn đỏ hay không đèn đỏ cũng giống nhau. Bởi vì lúc ấy, chọn Gottanda chỉ vì đáp ứng các tiêu chí: văn phòng gần ga thuận tiện cho việc di chuyển tới khách, giá thuê rẻ, có đủ các công năng…”.
Hơn thế, Hoàn còn rủ những người bạn cùng học ĐH Ngoại thương với mình vào FPT là Nguyễn Hồng Liên (Uehara) và Nguyễn Thị Thu Hằng.
Trước đấy, FJP cũng có sự tham gia của Nguyễn Việt Vương - cựu sinh viên Việt Nam đời đầu tốt nghiệp APU. Vương không biết được ai giới thiệu đã nộp đơn vào FPT. Từ Fukuoka, anh bay tới Tokyo để gặp chị Liên, chị Hoàn, cùng chia sẻ về ước mơ, lý tưởng. Sau nhiều cân nhắc, được Hoàn thuyết phục thêm, Vương đầu quân vào FPT.
Khi mọi việc đã hòm hòm, LienBH lúc đó đang là lãnh đạo G8 đã sang Nhật nhận nhiệm vụ Giám đốc Fsoft Japan còn gọi là FJP
6. Thành lập FJP
Vượt qua những khó khăn ban đầu về các thủ tục và văn hoá, từ năm 2004, văn phòng FSOFT tại Nhật được hình thành.
Thời kỳ đầu, tất cả thành viên chủ chốt của công ty đều là nữ. Ba người sang để thành lập công ty là 3 cô gái. Đội taskforce chuẩn bị cho buổi Opening Ceremony của FJP cũng là các chị em.
"Tôi, Hoàn, Uehara (Nguyễn Hồng Liên) và đội từ Việt Nam sang gồm Thiều Hoa (phụ trách logistics), Kim Chi (phụ trách Marketing) và Suzuki (MC của buổi lễ), 6 cô gái đã cùng nhau thực hiện thành công buổi ra mắt ở Tokyo. Đánh dấu sự ra đời đầu tiên của một công ty IT trên đất nước Nhật Bản", Bùi Thị Hồng Liên kể.
Để chuẩn bị cho lễ khai trương, thách thức lớn nhất của team là phải mời được thật nhiều công ty Nhật, với chi phí ít nhất (thời đó FPT mới có 4,5 khách, tiền còn rất hẻo). Hồng Liên và anh chị em đã có sáng kiến mượn ngay hôi trường Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật. Giấy mời ghi đến đại sứ quán, khách Nhật nào cũng cảm thấy rất trân trọng và hết sức tò mò muốn đến xem sao. Kết quả là có đến hơn 80 khách hàng đến dự. Chi phí thì rẻ, thật không thể tin nổi.
Ngày 13/11/2005, FPT thành lập Công ty TNHH FPT Software Nhật Bản (FJP), đặt trụ sở tại Tokyo, có văn phòng đại diện tại Osaka. Với tiêu chí công ty “toàn cầu” là phải có văn phòng ở toàn cầu, FSOFT chú trọng phát triển chi nhánh từ Nam tới Bắc ở đất nước mặt trời mọc nhằm bám chặt vào “đai lưng địch mà đánh”.
Trong thời gian chị Liên đương nhiệm, nữ giới vẫn chiếm ưu thế trong bộ máy nòng cốt của FJP. Trương Gia Bình khi sang Nhật làm việc luôn được các chị em tháp tùng. Anh gọi họ là các vị “hộ pháp tăng” hay "đội quân tóc dài". Thời ấy, công ty Nhật rất ít sử dụng phụ nữ vào vị trí lãnh đạo hoặc nòng cốt, cho nên khách hàng đã rất lúng túng khi làm việc với FJP.
Tháng 2/2006, FJP ký hợp đồng đầu tiên với NSSOL và đứng được trên đôi chân của mình.
Từ 1/1/2007, sở hữu khách hàng triệu USD đầu tiên, FJP trở thành một “công ty Nhật Bản” độc lập với khả năng đàm phán, thuyết phục và chịu trách nhiệm về việc thực hiện dự án như bất cứ một công ty Nhật Bản nào khác.
Sự phát triển của FJP không dừng lại ở một văn phòng bán hàng mà còn vươn lên trở thành công ty SI số 1 Nhật Bản. Trong 18 năm hiện diện tại đây, FJP luôn là công ty công nghệ nước ngoài có quy mô nhân lực lớn nhất với hơn 2.500 CBNV làm việc tại 15 văn phòng trên khắp đất nước.
Nhật Bản cũng là thị trường lớn bậc nhất và quan trọng bậc nhất của FPT/FSOFT với mức tăng trưởng cao từ 30-50%. Đặc biệt, giai đoạn 2005 - 2008, FJP phát triển với tốc độ 70-100%/năm.
Trở lại sau đại dịch, FJP đang quay trở lại đà tăng trưởng 50% theo nguyên tệ Yên Nhật, hướng tới mục tiêu cán mốc 3.000 CBNV vào năm 2023, lọt top 20 công ty IT Service lớn nhất Nhật Bản vào năm 2025 và có doanh số 1 tỷ USD vào năm 2027.
Các thế hệ lãnh đạo của FJP:
Giai đoạn 2005-2009: Bùi Thị Hồng Liên
Giai đoạn 2009-2010: Nguyễn Thành Lâm
Giai đoạn 2010-2012: Ogawa Takeo
Giai đoạn 2012-2015: Trần Xuân Khôi
Giai đoạn 2016-2018: Trần Đăng Hòa
Giai đoạn 2019-2021: Nguyễn Việt Vương
Giai đoạn 2022-nay: Đỗ Văn Khắc
FJP mới đây cũng có thêm Chủ tịch người Nhật là cựu CEO SCSK, khẳng định chiến lược “bản địa hóa”. Việc chiêu mộ những nhân sự cấp cao giúp công ty tăng lợi thế cạnh tranh, am hiểu sâu sắc thị trường và tạo ra những giải pháp công nghệ mới, được "may đo" riêng cho thị trường và thúc đẩy tăng trưởng.
Phụ lục: CRM
(by Nguyễn Thành Nam)
Chính việc chuyển hướng sang Nhật và phải đối diện với những khách hàng được coi là “khó tính nhất thế giới”, đã rèn cho chúng tôi nhiều kỹ năng quan trọng, mà bây giờ gọi một cách hoa mỹ là CRM: Customer Relationship Management. Giờ đây, cứ muốn quản trị khách hàng tốt, các ông chủ lại mua tool, nên các loại phần mềm CRM mọc ra như nấm, lại còn được AI, big data trợ giúp.
Nhưng ít người để ý, tất cả CRM phải bắt đầu từ thái độ
Hồi năm 1998, tôi có dịp đi học với một anh cũng đã lớn tuổi. Trông quê lắm nhưng phong thái doanh nhân đại gia. Ngồi trong phòng khách sạn, nhớ vợ là lấy máy đầu giường gọi ngay, đến lúc check out thanh toán $500 tiền điện thoại như không. Hỏi ra anh là bác sĩ quân y, đã ở chiến trường 9 năm. Giờ phục viên, về mở hãng bán C sủi. Anh ngưỡng mộ dân làm CNTT như tôi lắm. Học xong về Việt Nam, anh mời tôi đến thăm công ty nhờ tư vấn. Tôi phán đã có CRM chưa? Anh hoảng lắm, CRM là cái gì anh còn chưa biết, sao có được. Tôi mở máy, blah, blah, theo dõi khách hàng…. Anh, nếu thế thì anh cũng đã làm thử. Anh có 5000 bác sĩ, ghi nhớ quê quán, ngày sinh của cả gia đình, sinh nhật vợ bác sĩ bọn anh gửi hoa đến tặng. Thế có gọi là CRM không hả em? Tôi chột dạ, nhưng vẫn cố, nhưng anh phải tin học hóa. Anh mở máy tính cho tôi xem, tất cả hồ sơ được lưu trên Excel, chính xác còn ghi lại đã tặng ai những cái gì để khỏi trùng lặp. Nên nhớ hồi đó mới là năm 1999. Sau này khi làm Fsoft, tôi cũng đã yêu cầu bên tiếp khách chỉ dùng Excel lưu trữ hồ sơ khách hàng. Về sau khá lên, anh em coi thường Excel phải nên đi mua SaleForce cho nó oách.
Tiếp khách
Tiếp khách thì muôn vàn chuyện. Quan trọng nhất là khách hàng thấy vui.
Trong lần đi Nhật thứ hai, a Bình cạy cục nhờ bác IBM Việt Nam tên là Williamson giới thiệu nên cũng được gặp Sacho (giám đốc) của IBM Japan. Sacho lịch sự mời nước rồi hỏi: chúng mày có bao nhiêu PMP? Anh nhìn tôi, tôi nhìn ngọn lửa hồng, có biết PMP là cái đ gì đâu mà trả lời. Ậm ừ, các ông cứ sang Vietnam sẽ biết. Về khách sạn tra cứu mới biết PMP là một loại bằng cấp. Học phận, thi tài thì cũng chắc phải dăm ba năm nữa mới có được. Buồn rười rượi.
Ai dè, độ tháng sau, giữ lời hứa Sacho cử một tiểu đệ sang. PMP không có, hỏi gì cũng không biết, tiểu đệ chán. Đành dẫn đi loanh quanh mấy chỗ rồi về ks Hà Nội đánh chén. Cơm no, rượu say. Tiểu đệ hỏi: ở đây có vui vẻ không nhỉ. Vui vẻ là gì nhỉ? Hỏi mấy bạn tiếp viên. Có, lên tầng 2 anh. Hóa ra là karaoke. Hát hò chán, tiểu đệ lại hỏi: vui thế này thôi à? Lại hỏi mấy bạn phục vụ… Cứ thế, chắc tiểu đệ vui lắm nên sáng hôm sau lại mò đến Công ty. Cho tao hỏi câu cuối cùng: chúng mày có biết tiếng Tàu không? Có chứ ạ, con gái tôi nó còn học mà. Tiểu đệ vỗ đùi thế thì ok rồi, chúng mày sẽ giúp IBM Nhật test lại các máy tính trước khi xuất sang Tàu. Bọn mày có việc. Tao thì có cớ sang vui vẻ. Từ đó đi đâu bọn tôi cũng khoe, chúng tao đã làm việc với IBM.
Khảo dị: lời kể của 1 nhân viên mới lúc đó, gần 20 năm sau
“Đọc bài của anh làm em sống lại cảm xúc khi làm dự án test PC cho IBM Nhật. Em là một trong những thằng lính của anh test 2 con PC của IBM Nhật với hệ điều hành tiếng tàu loằng ngoằng. Đây là kỷ niệm lần đầu đi làm, chắc mãi em không quên
Hồi ấy em vừa mới ra trường được nhận về Test Lab của Fsoft với nhiệm vụ test hệ điều hành cho IBM Nhật. Nghe làm cho IBM Nhật thì oai lắm, nhận nhiệm vụ thấy tự hào như chuẩn bị mang bom ba càng nhảy vào xe tăng í .
Hôm nhận 2 con IBM từ Nhật sang mấy chị em nâng niu gỡ từng lớp vỏ ra nhẹ nhàng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Đến khi cắm điện thì nổ cái bòm! mẹ nó chứ ở Nhật nó dùng điện 110v, sang Việt Nam dùng điện 220v, do em không để ý công tắc 110/220v nên nó nổ như bom thật. Xui cho em hôm ấy thế nào em lại cắm cả 2 con vào ổ điện rồi mới cắm vào nguồn nên nó nổ chết luôn cả 2 con.
Cả team mặt xanh như tàu lá, chị Anna kể là các anh đã nỗ lực biết bao nhiêu để kiếm được dự án pilot này thế mà chỉ do một chút sơ suất mọi nỗ lực của các anh có nguy cơ bay theo mùi khói của 2 con PC. Cô đồng nghiệp của em vừa gạt nước mắt vừa mếu máo "Châu ơi vào Fsoft là giấc mơ của tớ đấy". Chẳng hiểu sao lúc ấy em lại rất bình tĩnh, có lẽ do điếc không sợ súng, em tháo nguồn và xin Anna cho 1 ngày để sửa. Lúc đấy sợ lãnh đạo phát hiện em phải chui ra ngoài mua 1 cái túi đen nhét 2 cục nguồn vào rồi đợi thật tối mới dám mang ra vì sợ bị phát hiện.
Ngày hôm sau em mang 2 cục nguồn PC đến chợ Trời nhờ ông anh quen ở đấy sửa. Em mếu máo với ông anh "Anh ơi, cứu em! đồ Nhật xịn đấy, anh sửa giúp em bao tiền em cũng trả" (Nói phét thế chứ lúc đó em làm gì có tiền). Đến trưa quay ra thì ông anh bảo sửa xong rồi, hỏi bao nhiêu tiền thì ông anh bảo có 2 con tụ thôi không lấy tiền. Lúc ấy em sợ vãi đái, nghĩ bảo không lấy tiền chắc gì ông ấy sửa được nên còn hoang mang lắm.
Hôm sau khi lên công ty lắp lại nguồn thì 1 con máy sống, 1 con máy không lên. Thôi thế là xong! không khí phòng làm việc im như tờ, không ai nói với ai một câu nào. Dự án chiến lược của các anh coi như thất bại! Trong lúc ấy em xin chị Anna thử cơ hội cuối cùng, em cố gắng cắm chặt lại các bo mạch thật cẩn thận và khởi động lại một lần nữa. Tít tít! nghe tiếng tín hiệu của máy khởi động bật lên mới cảm giác nó mới sướng làm sao! Nhục nhất là lúc ấy không được ăn mừng vì sợ các anh phát hiện nên mấy đứa em phải nén sự sung sướng lại chạy tận xuống sân mới dám la hét.
Vậy là sự nghiệp của bọn em được cứu sống bởi công nghệ "Made in chợ trời" ấy. Bây giờ đọc lại bài của anh em cũng không dám tưởng tượng dự án đó fail thì sẽ như thế nào! Nếu lúc đó dự án có vấn đề gì thì chắc em sẽ là thằng phá hoại nhất lịch sử của Fsoft mất!
Tặng quà
Ngoài việc nhậu nhẹt vui vẻ, mệt nhất là tặng quà.
Anh Bình bảo: bọn này phải nói chuyện triết học, hội họa. Chẳng hiểu anh học được ở đâu, vì trước thấy cũng ú ớ lắm. Nhưng kệ, cứ để anh tiếp khách. Đợt đấy, có bác Nhật sang hứa sẽ ký hợp đồng, anh sướng lắm dẫn ra Hàng Gai thăm gallery, rồi cao hứng tặng ngay bác 1 bức tranh. Bác phấn khởi, cả bọn hồ hởi.
Hôm sau họ gửi hóa đơn đến, đòi chúng tôi trả 6000 đô Mỹ. Ngất xỉu. Cứ để ông anh tiếp khách thế này thì có lẽ sập tiệm trước khi lấy được dự án. Họp gấp “nhân dân” cần lao. Với Nhật là phải tặng quà. Mà quà cáp của VN lúc đầu những năm 2000 thì thôi rồi lởm khởm. Tranh sơn mài thì cong vênh, đằng sau thì còn mạng nhện. Đồ thủ công thì méo mó, hộp giấy xộc xệch. Chúng ta phải làm thế nào?
Giời thương, thế nào mà trong nhân dân, lại có ông em học Mỹ thuật, được tuyển vào để chuốt UI cho website. Ông em nghe cãi nhau chán, rồi phán: Em nghĩ cách duy nhất là phải tặng tranh. Đợi chúng tôi ngớ người ra, ông em mới phán tiếp: Nhưng là tranh Đông Hồ, mỗi bức có 10k tiền VNĐ thôi. Còn ông nào VIP quá, thì để em vẽ cho ông ấy một cái ký họa chân dung. Cũng chỉ tầm 15 phút chứ mấy. Sau này Bùi Anh Tuấn nhớ lại: “Vụ này em nghĩ giá trị nhất là câu giờ. Bắt khách ngồi im, ngay ngắn trong 15’, mình đỡ phải chém mà hồi đấy cũng ít cái để chém anh nhề :)))”
Tuấn sau này thành họa sĩ nhân dân, tạo ra không biết nhiêu kiệt tác để tặng khách hàng. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là đôi bình tặng Jerome lúc chia tay.
- Người ơi người ở đừng về
- Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Anh em trong HCM không có họa sĩ, nên đành phải phát huy tình thần tặng quà kiểu Stico. Đơn giản, tinh tế nhưng phải buồn cười. Tôi nhớ nhất là tặng hoa quả. Số là người Nhật cũng hay coi hoa quả là một món quà. Những quả đào to hồng, thơm lừng, đẹp như đào tiên, được bọc gói nâng niu, ăn cũng thấy tiếc. Anh em ta mới chọn ra loại quả khá nổi tiếng ở miền Nam là vú sữa. Chọn loại đẹp nhất, trắng hồng, bao gói thật cẩn thận. Hai quả một hộp. Tuy nhiên cũng không thể bằng đào tiên. Thế là họ chế ra một lời giới thiệu rất dễ thương để vào trong hộp:
“Đây là một loại quả rất đặc biệt. Khi ăn bạn phải hình dung đó là hai bầu vú của phụ nữ. Bạn phải vân vê xoa bóp nó với một sự say mê. Khi nào nó mềm ra và bắt đầu rỉ nước trắng. Đó là lúc bạn có thể thưởng thức tất cả hương vị ngọt ngào của nó.”
Khách hàng chết mệt, đua nhau xoa bóp.
Kiểm điểm
Từ bé, chúng ta đã bị bắt làm kiểm điểm. Nhưng chẳng ai dạy phải làm thế nào. Nên công thức chung chỉ là: em là X, em có lỗi Y, em xin lỗi, từ giờ trở đi em hứa sẽ không thế nữa. Cha mẹ ký vào, thầy cô đồng ý. Coi như là xong chuyện.
Nhưng với khách Nhật thì khác. Họ mắng ngay: ai cho mày xin lỗi, đã biết lỗi gì đâu mà xin. Đây là một chuyện có thật.
“Ông Nam, chúng tôi đã gửi các ý kiến đề nghị khắc phục những lỗi đã xảy ra trong dự án vừa qua và đã mất hết một ngày hôm qua để nghe các ông trình bày phương án khắc phục. Nhưng tôi phải nói thật là kế hoạch hành động của các ông đưa ra hết sức hình thức, không đi thẳng vào thực chất vấn đề. Nếu đến ngày thứ hai tuần tới, các ông không đưa ra được kế hoạch mới và giải thích với chúng tôi qua Skype, tôi nghĩ chúng ta khó có thể hợp tác tiếp”.
Sau đó, khách hàng mời tôi sang. Bàn kế hoạch hợp tác. Tôi lo lắm. Vì không biết bản kiểm điểm của anh em thế nào. Nên đêm trước, bảo anh em rủ đệ bên khách hàng đi nhậu thăm dò. Nửa đêm thấy anh em về say ngất ngư, bảo anh vô tư đi, tinh thần: khép lại quá khứ, hướng tới tương lai,
Sáng hôm sau đến. Sau màn chào hỏi vui vẻ, thấy sacho của bạn quay sang hỏi lâu la: bên chỗ ông Nam cử hai thằng sang làm việc chỗ ta đúng không? Đúng rồi ạ. Thế bọn nó làm ăn thế nào? Dạ cũng nhiều lỗi lắm. Đã bắt viết kiểm điểm chưa? Viết rồi ạ. Vậy đưa cho ông Nam đọc đi.
Tôi mở ra đọc, thấy bản kiểm điểm viết rất chi tiết. Miêu tả lỗi rõ ràng. Phân tích 3 nguyên nhân dẫn đến lỗi đó (tôi nhớ có 1 lỗi là “bỏ sót email của khách hàng”), và 5 biện pháp khắc phục. Nói chung là trên cả tuyệt vời.
Ông Nam thấy thế nào?
Tôi thấy cũng được
Thế là sacho nổi nóng đập bàn: Thế này mà ông coi là được à. Xin ông trả lời cho: 2 nhân viên của ông cử sang đây, viết một bản kiểm điểm cũng không xong là 2 thằng ngu nhất à, hay cả công ty ông toàn những người như vậy, hay xin lỗi, cả nước ông toàn những thằng ngu?
Tôi và anh em tái mặt, thật chỉ muốn độn thổ. Thầm trách mấy ông em, mịa, thế mà bảo khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Nhưng kệ nó chứ. Phải ở lại thì mới biết là phải viết thế nào. Đợi cho khách hàng dịu xuống, tôi mới nhẹ nhàng, vậy theo ông phải viết thế nào.
Có lẽ cũng đã nguôi, nên sacho mới chỉ bảo: tao ví dụ nhé. Chẳng hạn lỗi bỏ sót mail. Mày phải tìm ra được thằng đấy mỗi ngày nhận bao nhiêu mail? Giả sử là 100 đi. Trong đó bao nhiêu mail là cá nhân, chẳng liên quan gì công việc. Chắc cũng phải 80%. Như vậy chỉ còn độ 20 công việc. Rồi xem tiếp là có bao nhiêu việc trong bao nhiêu dự án. Như trường hợp này là bọn nó tham gia 3 dự án. Thế thì phải xem tiếp ai là sếp nó, sao lại giao việc đó.
Đại loại thế, còn khắc phục, thì đầu tiên là ra lệnh cấm email cá nhân. Cấm hành chính xong thi mua cái firewall để filter bớt đi. Mà nhân viên mới vào đã có 3 sếp thì vấn đề là lỗi bên trên rồi, phải phân tích tiếp.
Chúng tôi được bài học nhớ đời.
Sau này khi mở FU, anh Tùng có hỏi tôi, Nam có ý kiến gì không: tôi bảo chỉ cần sinh viên khỏe, làm OT sáng hôm sau vẫn dậy được và biết cách viết kiểm điểm
Trông vậy mà khó thực hiện lắm đấy.
Nguồn tác giả: facebook Nguyễn Thành Nam - Former ceo FPT
Nhận xét