Chuyển đến nội dung chính

Sách: "Đêk biết gì cũng tiến" - Chương 3: Ai là tiên phong!

Trong kinh tế nói chung và trong ngành software outsourcing nói riêng, thương hiệu của đất nước rất quan trọng. Cuối những năm 199x, đầu 2000, rất ít thông tin về Việt Nam trên các phương tiện thông tin nước ngoài. Chiến tranh đã là quá khứ. Chỉ còn những người đứng tuổi vẫn giữ trong ký ức một hình ảnh Việt Nam với VC ở trong rừng và máy bay trực thăng quần thảo trên đầu, em bé napal và dòng người di tản khỏi Sài Gòn.

Có lần trong một party khi chúng tôi chèo kéo khách hàng sang thăm Việt Nam. Một vị khách hàng rất đáng kính hỏi chúng tôi từ Bangkok bay sang Hanoi hết bao lâu? Khi được biết Hà Nội chỉ cách Băng Cốc một giờ bay, vị khách đó đã tỏ ra kinh ngạc. Có lẽ trong đầu ông ta Hà Nội chắc đâu đó gần Nam Cực. Trong khi đó ông ta đi lại Băng Cốc như cơm bữa. Mà đó đã là năm 2007.

Quay lại năm 1974 khi Hoàng Lê Minh và các bạn lần đầu tiên tham dự cuộc thi Olympic Toán quốc tế và ngay đầu tiên đạt giải nhất. Một số báo nước ngoài đã viết: “những cậu bé học qua ánh sáng đèn dầu, dưới bom B52, đã bước lên bục cao nhất của cuộc thi trí tuệ thế giới.” Nhưng thế giới đã khác. Chẳng ai trong số khách hàng của tôi còn biết đến cuộc thi đấy, nói gì đến “trí tuệ người Việt.”

Tại sao khách lại chọn Ấn Độ mà không phải là Bangladesh nơi văn hóa rất tương đồng. Vì ở Ấn Độ đã có sẵn một nhóm các công ty hùng mạnh.
Bởi thế một công ty như FPT khi ra nước ngoài, không thể đơn độc.

Câu chuyện 1: Những đồng đội đầu tiên

Khi Fsoft mới thành lập năm 1999, tôi dành thời gian đi tìm các đồng đội. Tức là những công ty đã đặt mục tiêu XKPM. Và phát hiện ra họ chủ yếu ở trong thành phố HCM. Đầu năm 2000, tôi được mời đến dự một kiểu như hội nghị không chính thức của các công ty đã làm XKPM. Cũng khá đông. Anh em rất hào hứng phát biểu chia sẻ kinh nghiệm.
Giám đốc người Anh của công ty SilkRoad, thành lập từ năm 1995, kêu gọi: hãy tuyển sinh viên mới ra trường, không tuyển những người có kinh nghiệm, vì kinh nghiệm mà các bạn có không phải là kinh nghiệm mà khách hàng cần.

Tôi rất hứng thú với ý tưởng này, phần thì tự biết quân mình toàn không có kinh nghiệm, phần nữa thì do suy luận logic, là với một nền kinh tế lạc hậu Việt Nam không thể có nhiều lập trình viên có kinh nghiệm được. Khi đi thăm công ty GlassEgg, một công ty thành lập đầu năm 1999 và chuyên về gia công đồ họa, nghe các anh sáng lập chia sẻ tiêu chí tuyển dụng, tôi đã nói đùa: em nghĩ ở Việt Nam chắc không có quá 100 người đáp ứng yêu cầu của các anh. Quả thật là khi tôi gặp lại họ năm 2006, GE cũng chỉ mới có 120 nhân viên, mặc dù có profile tham gia các dự án khủng như MS Flight Simulation hay X-Box.

Đến lượt mình phải phát biểu, chưa có khách, không có kinh nghiệm để chia sẻ, tôi xin phép hát một bài. Đó là bài “FPT kháng chiến”, chế theo nhạc bài “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, sáng tác tháng 9/1945

Mùa thu rồi, ngày hôm nay, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Mười năm trời, lòng chưa thay, FPT đồng tâm tiến ra nước ngoài
Kiến thức thiếu, hai tay không, mà phần mềm phải làm vì nước
Bán máy nhái, chơi phi tin, nuôi công ty nuôi những anh tài

Cờ thắm, phất phới ngang trời, ba màu xao xuyến khắp năm châu miền! Một lòng nguyện với tổ tiên

Thề quyết thoát khỏi lầm than
Ta ra đi xây niềm mơ ước
Ta ra đi không cần phong tước
Xây giang sơn hạnh phúc giống nòi
Vì ngày mai trên đất này

Thề quyết thoát quân ngoại xâm
Ta ra đi ta liều cho nước
Ta ra đi ta đền ơn trước
Muôn thu sau lưu tiếng anh hào
Người dân Việt lắm chí cao

Có lẽ cũng nhờ “chí cao” mồm này mà tôi được gặp một loạt các công ty đồng đội và có được những kinh nghiệm vô cùng quí báu. Trong đó có tiền bối Nguyễn Hữu Lệ

Câu chuyện 2: Nguyễn Hữu Lệ: Hãy thắp sáng tên VN trên bản đồ trí tuệ thế giới

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ sinh năm 1949, lớn lên tại làng quê thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cuộc sống gian khó cơ cực đã nung nấu trong ông quyết tâm và nỗ lực học tập để vươn lên.
Sau khi tốt nghiệp tú tài 2 (năm 1967), ông nhận được 3 học bổng du học tại Mỹ, Australia và Nhật Bản. Ông đã chọn Australia để du học và đến năm 1977, ông nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành viễn thông tại trường Đại học Adelaide.

Sau 10 năm học tập và làm việc tại Australia, Ông sang Canada làm việc cho Nortel - Tập đoàn viễn thông lớn và nổi tiếng tại Bắc Mỹ thời bấy giờ. Suốt những năm tháng làm việc tại Canada, ông luôn mang trong lòng ước muốn trở về Việt Nam.

Cơ duyên đến khi đang làm Giám đốc cho một trung tâm R&D ở Nhật Bản, ông được mời tham gia một phái đoàn thương mại về Việt Nam năm 1992. Chuyến đi này giúp ông nhận ra rằng, nguồn tài nguyên chất xám của con người Việt Nam là rất lớn nhưng chưa được khai thác và phát huy đúng mức, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và phần mềm.

Sau nhiệm kỳ ở Nhật, ông tình nguyện làm Giám đốc tiếp thị cho Nortel để mở rộng thị trường Việt Nam. Đây chính là thời gian ông tìm hiểu và nắm bắt tình hình thực tế ở quê hương. “Lý do lớn nhất để tôi quyết định trở về là muốn dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để phát huy năng lực của thế hệ trẻ và góp phần phát triển ngành công nghệ cao Việt Nam. Tôi cũng thấy rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng về sản xuất phần mềm như Ấn Độ”, ông chia sẻ.

Nortel bắt đầu outsource về VN qua công ty Quantic. Công ty này do một nhóm các giáo viên của Đại học Tổng hợp HCM lập ra từ năm 1991. Tôi nghe tên công ty này lần đầu tiên là khi gặp anh Lệ. Công ty này giờ vẫn còn tồn tại.

Năm 1997, công ty TNHH Tường Minh, do ông Lệ hậu thuẫn, được chị Bùi Ngọc Anh thành lập, bắt đầu nhận các công việc từ Nortel.
Năm 2000, ông từ chức VP Marketing tại Nortel và trở về Việt Nam, làm CEO của Paragon Solutions Asia Pacific, bao gồm Paragon Solutions Vietnam and Paragon Solutions India, như một bước đệm.

Cuối năm 2001 ông chính thức hóa vai trò của mình ở TMA trong trách nhiệm Chủ tịch hội đồng cố vấn (tương đương với HĐQT vì TMA được đăng ký là doanh nghiệp tư nhân), và toàn tâm toàn sức đưa TMA trở thành một trong những công ty gia công phần mềm lớn nhất Việt Nam, góp phần đưa tên tuổi Việt Nam lên trên bản đồ gia công phần mềm thế giới. TMA hiện có 4000 nhân viên, có campus tại HCM City và Quy Nhơn có văn phòng tại Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Năm 2005 đánh dấu cột mốc quan trọng khi TMA thực hiện thành công những đề án lớn cho Nortel, giúp tên tuổi TMA được biết đến trong giới công nghệ thế giới.Từ năm 2010 trở về sau, những thương hiệu viễn thông lớn như Alcatel-Lucent, Avaya, Genband, NTT Data, Hitachi… lần lượt trở thành khách hàng của TMA.
Ông Lệ chia sẻ tự hào "Cái nhìn của thế giới đối với doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Ngày trước họ xem mình như thợ, giao gì làm nấy, còn giờ họ xác định mình là đối tác lớn, muốn mình tham gia ngay từ đầu, cùng chứng minh tính khả thi của một ý tưởng mới. Hoặc trước đây, họ chỉ giao một phần dự án, giờ thì giao trọn gói. Có thể nói, TMA đã chuyển dịch mạnh mẽ từ gia công phần mềm sang đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu và phát triển (R&D)"

Thông qua những hợp đồng làm ăn, những giao tiếp hằng ngày, ròng rã mấy chục năm nay, ông Lệ đã tích cực quảng bá hình ảnh, trí tuệ và năng lực của con người Việt Nam ra khắp thế giới. Còn ở trong nước, kinh nghiệm quốc tế, uy tín cá nhân lẫn uy tín doanh nghiệp, sự nhiệt huyết và cống hiến không ngừng nghỉ của ông đã tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng phần mềm Việt Nam tự tin cạnh tranh trên sân chơi lớn toàn cầu.

Tiến sĩ Lệ chia sẻ với các doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào: “Nếu có điều kiện, hãy trở về quê hương đầu tư làm ăn. Hãy có chiến lược, tầm nhìn xa và nghĩ lớn, tin tưởng vào trí tuệ, con người Việt Nam”. Có lẽ, đó là điều ông rất tâm đắc và phát biểu ở nhiều diễn đàn, hội nghị.

Năm 2000, trong một lần được tiếp kiến, anh đã nói với tôi “Nam à, việc của chúng ta là phải cùng nhau thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới.” Tôi thấy rất xúc động. Câu nói này được chúng tôi lấy làm biểu tượng đoàn kết và tập hợp lực lượng cho Fsoft. Anh em chúng tôi còn tranh luận, thế nào là “thắp sáng”. Thời chúng tôi, biểu tượng của công nghệ là Bill Gates. Nên anh em thống nhất là sẽ tiến đến ngày Bill phải mời mình đến Redmonds để bàn về vấn đề công nghệ.

Tôi hay thỉnh giáo ông về các vấn đề quản trị. Ông luôn nhắc đi nhắc lại, nghề này quan trọng nhất là delivery, chất lượng ổn định, bảo đảm đúng hạn. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng đồng ý với ông. Nhất là trong việc đi bán hàng. Xuất thân du học, lại là một quan chức cao cấp của một hãng lớn, anh cho rằng giới trẻ cần tập trung làm quản trị dự án thật tốt, thay vì “loi choi” đi chém gió, bán hàng. Tôi thì nghĩ khác, chúng tôi xuất phát từ zero về quan hệ, không “loi choi” thì ai biết mình là ai. Ở Fsoft bất cứ ai có tinh thần xung phong, đều có thể ra tiền tuyến, aka mở văn phòng bán hàng tại nước ngoài. Năm 2012, anh Lệ gọi tôi, xin contact của tất cả phụ trách chi nhánh hải ngoại của Fsoft. Anh đi một vòng, phỏng vấn các bạn. Khi trở về anh nói với tôi: Nam đã đúng, các bạn ấy đã trở thành những con người khác khi được tôi luyện.

Năm 2018, ở tuổi 70, ông về quê để "khởi nghiệp" lần 2 bằng dự án Công viên sáng tạo TMA rộng 15 ha tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông kỳ vọng dự án này, cùng với Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) của Giáo sư Trần Thanh Vân thành lập trước đó từ năm 2011, sẽ biến Bình Định thành một địa điểm thu hút nhân tài và cung cấp dịch vụ sáng tạo ra toàn thế giới.
Năm 2022, Fsoft cũng theo chân ông, thành lập AI Valley, với trụ sở ban đầu thuê ngay một tòa nhà của TMA. Đại học FPT Quy Nhơn cũng chính thức tuyển sinh từ năm 2021.

Ngoài công nghệ, anh Lệ còn là một người say mê văn hóa dân tộc. Quan điểm của anh là Văn hóa tiếp sức cho công nghệ và kinh doanh. ”Văn hóa là để giao tiếp, bồi dưỡng nhân cách, lối sống.” Là người phải đi rất nhiều nước, đến rất nhiều nơi, chìa khóa để giao tiếp chính là vốn kiến thức về văn hóa lịch sử những vùng đất đó. Gặp nhau không phải là cái bắt tay hoặc một lời chào, mà gặp nhau là để chia sẻ văn hóa quê hương bản xứ, từ đó hiểu nhau, tin tưởng nhau hơn.

Giữ chức vị cao nhất của một công ty lớn nhưng ông luôn xuất hiện với một dung mạo giản dị. Người ta đã không còn xa lạ gì với hình ảnh của một người đàn ông nhỏ nhắn với chiếc mũ nồi trên đầu, thoăn thoắt đi vào nhà sách rồi lặng mình hàng giờ trong đó. Những ngày đường sách TP Hồ Chí Minh mở cửa, ông xuất hiện đều đặn và say sưa với các đầu sách mới, các cuốn sách cũ, sách cổ.

Tại trụ sở của TMA ở Công viên phần mềm Quang Trung, ông có một bảo tàng các sách và cổ vật.

Ở đó, ông bày trí sách theo từng chủ đề, thời gian và chủng loại, nhiều nhất có lẽ là sách về văn hóa Chăm. Ông nói rằng, bản thân có một tình cảm đặc biệt với dân tộc Chăm và ông sẵn lòng bỏ tiền ra giúp đỡ in ấn những đầu sách liên quan đến văn hóa Chăm. Ở đó cũng có những cuốn sách của một tác giả người Pháp có viết và tả tỉ mỉ những vật dụng gia đình mà ngày xưa ông bà từng dùng như cối xay, quang gánh, những thứ thật sự gần gũi với môi trường mà ông đã lớn lên, mà các bạn trẻ bây giờ sẽ khó hình dung được.

Ngoài sách, ông còn một phòng trưng bày đồ cổ của người miền Trung, người Tây Nguyên và các vùng miền. Không nhiều nhưng cái nào cũng độc đáo. Những chiếc trống làm bằng đủ thứ da, bằng da trâu, da voi, da tê giác… cũ và rách tưởng như không thể rách hơn, nhưng vẫn còn nguyên nét tinh xảo trong chế tác của người thợ. Ông giữ nguyên hiện trạng, thậm chí là từng hạt bụi của thời gian. Từ chiếc đàn T'Rưng róc rách bên khe suối, tiếng tí tách trong trẻo như chim hót, như gió thổi của tấm Đàn đá cổ đến âm thanh hào hùng của kiệt tác Cồng Chiêng đều còn nguyên sơ, như chạm ngay đến quá khứ bi hùng của con người Tây Nguyên.

Trong một lần về Huế để quảng bá cho những nghiên cứu của Nguyễn Đắc Xuân về vua Quang Trung, ông đã phát biểu:
Thứ nhất tôi rất đặc biệt đam mê về Quang Trung bởi lí do: tôi là người gốc ở Bình Định đồng hương cùng với Hoàng đế Quang Trung. Điều thứ hai nữa là tôi cũng rất may mắn, đến ngày hôm nay, mỗi ngày như vậy tôi vẫn còn đi làm và tôi đi làm ở ngay Công viên Phần mềm được đặt tên theo Ngài tức là Công viên Phần mềm Quang Trung là Công viên Phần mềm lớn nhất ở Việt Nam. Nơi này trước 1975 được gọi là Trung tâm huấn luyện Quang Trung.”

Câu chuyện 3: Paragon Solution Việt Nam và anh Lâm Quốc Vũ

TMA thành lập năm 1997 với chỉ có 6 thành viên. Ngay cả khi anh Lệ chính thức điều hành TMA năm 2001, cũng chỉ có chưa đến 100 lập trình viên. Nên "Ngôi sao" của ngành XKPM khi đó là Paragon Solutions. Mặc dù đó là công ty đăng ký ở Mỹ và được quảng bá là có cả chi nhánh ở Bangalore Ấn Độ, Paragon Soltuions thực sự là một công ty Việt Nam, gọi tắt là PSV.

PSV nổi đến nỗi, tổ chức hoạt động của PSV còn là đề tài làm luận án tốt nghiệp cho các sinh viên Đại học Tổng hợp Tp HCM. Làm thế nào để một công ty ở 366, Nguyễn Trãi, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh lại có thể có khách hàng ở tận bên Mỹ! Những khái niệm như “Bảo trì”, “Kiểm soát chất lượng” trong phần mềm, hay các công cụ họp trực tuyến như NetMeeting, Instant Messenger là hoàn toàn mới mẻ với những đơn vị làm phần mềm kiểu thủ công như chúng tôi.

Nhờ một cơ duyên, chúng tôi hiểu được hoạt động của PSV.

Chuyện là thế này. Cậu giám đốc bán hàng người Mỹ mà chúng tôi thuê, sau khi ngán ngẩm phát hiện ra đội ngũ lập trình viên của FPT vừa không biết lập trình, vừa không biết tiếng Anh, đã quyết tâm đi tìm một con đường khác để đáp ứng doanh số mà cậu ấy đã cam kết.

Một hồi sau, giám đốc quay lại gặp anh Bình và tôi với một hồ sơ dày cộp. Có lời giải rồi. Muốn doanh số xx triệu (hình như là 4m), bỏ ra yy triệu để mua lại công ty này cho tao. Công ty này ở Mỹ tao đã nói chuyện với mấy ông chủ rồi. Hợp đồng với khách hàng đây, danh sách lập trình viên đây, quy trình phát triển đây. Tôi nhìn thấy ngất. Bình mà mua cái này thì cần gì bọn tôi nữa. Không hiểu là Bình hèn không dám mua hay thương tôi, nên đề xuất bị bỏ qua. Giám đốc bảo, đấy đừng ép tao nữa. Mãi đến năm 2014, khi đã có 5000 lập trình viên, doanh số gần 200m, Fsoft mới quyết định mua lại một công ty bên ngoài, bé hơn rất nhiều. (Chuyện sẽ được phân tích ở chương 17)

Mấy năm sau, ngày 6/2/2003, PSV bán mình cho FCG – First Consulting Group, một công ty dịch vụ CNTT cấp 1 của Mỹ và trở thành FCG Asia. Theo công bố, doanh thu của PSV năm 2002 là $8m. Doanh số Fsoft năm 2002, được ghi nhận là $1.1m trong đó có đến $260k là doanh thu nội bộ từ Việt Nam.
Doanh thu của FCG VietNam tăng mạnh, nhờ mạng lưới bán hàng và uy tín của FCG đã có sẵn tại Mỹ. Fsoft cũng áp dụng chính sách này, khi mua lại Intellinet năm 2018 đưa doanh số của FUSA tăng trưởng vượt bậc.

Ngày 6-5-2008, Computer Sciences Coporation (CSC) của Mỹ đã công bố mua lại Công ty Tư vấn và Phát triển phần mềm Việt Nam (FCG Việt Nam) sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập và mua lại công ty mẹ FCG tại Mỹ vào đầu tháng 1-2008 với giá $365m. CSC là người khổng lồ của ngành dịch vụ CNTT và phần mềm khi đó, nằm trong top 10 nhà thầu lớn nhất của chính phủ Mỹ, với doanh thu năm 2008 là $16.5B

Sau khi sáp nhập, FCG Việt Nam trở thành trung tâm phát triển phần mềm của tập đoàn CSC, chuyên cung cấp các dịch vụ phát triển và bảo trì phần mềm cho khách hàng. Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online khi đó vì sao CSC chọn Việt Nam để thiết lập trung tâm phát triển phần mềm. Bà Morris nói rằng CSC đã thực hiện một số nghiên cứu tại nhiều quốc gia khác nhau, và Việt Nam là một lựa chọn thích hợp bởi đáp ứng được một số tiêu chí như quy mô thị trường lao động, hệ thống giáo dục, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định về mặt chính trị. Bà Morris cho rằng thị trường CNTT, đặc biệt là gia công phần mềm (outsourcing) tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới do tính cạnh tranh cao và nhu cầu về CNTT của khối doanh nghiệp và chính phủ tăng cao!

Từ đó tôi mất dấu PSV! Cho đến năm 2018.

Năm 2017, trong đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự APEC, có một nhân vật không có dự định đầu tư tiền vào Việt Nam. Anh này muốn thuyết phục các doanh nhân thế hệ 1 ở Việt Nam bỏ tiền ra để xây dựng một hệ sinh thái giúp đỡ các doanh nhân khởi nghiệp thế hệ sau, theo mô hình mà anh đã thành công ở Nam Mỹ, Trung Đông và Indonesia. Anh là đại diện Quỹ Endeavor. Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Tôi đã đồng ý nhận lời gầy dựng Endeavor tại Việt Nam. Và được biết có một Việt kiều sống ở San Francisco, lại quyết định tham gia vào Endeavor Việt Nam.

Đó chính là anh Lâm Quốc Vũ, người có tên trong sơ đồ tổ chức của PSV dưới đây.

Tôi được uống bia với anh bên bờ vịnh San Francisco. Anh kể rời đất nước từ nhỏ. Học xong đi làm ở Bell Lab. Ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1995, anh đã nghĩ mình phải trở về. Tôi hỏi sao anh về sớm thế, anh cười: em thấy mình quá được ưu ái so với các bạn học bỏ lại ở trong nước, mà bọn nó cũng giỏi kém gì mình, về để làm cái gì cùng với bọn nó.

Sau khi CSC mua lại FCG Việt Nam. Để thực hiện hoài bão của mình, anh cùng các cộng sự khởi nghiệp thành lập KMS Technology vào năm 2009, quyết tâm từ bỏ con đường outsourcing, làm ra các phần mềm Made in Việt Nam.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của KMS là QASymphony mà các công ty làm phần mềm trên thế giới đều biết đến. Sau thương vụ M&A với Công ty Tricentis (Áo), QASymphony là mảnh ghép hoàn hảo đưa Tricentis trở thành start-up kỳ lân (Unicorn) của châu Âu năm 2018. Từ thành công của QASymphony KMS tự tin phát triển thêm 2 sản phẩm kiểm thử Katalon và Kobiton. Trong đó, Kobiton mới nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Kinetic (Mỹ). Còn Katalon cũng đã có 35.000 khách hàng doanh nghiệp và 180.000 khách hàng cá nhân toàn cầu.

Trong mạng lưới Endeavor. Anh vừa là người sáng lập, tức là đóng tiền để tổ chức hoạt động, vừa là mentor tận tình chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ, vừa là nhà khởi nghiệp với công ty Katalon.

Tôi hỏi anh sao lại chọn Endeavor Việt Nam để tham gia. Anh cười, lý do vẫn đơn giản như năm 1995: “muốn làm gì đó cùng với những đàn em Việt Nam chưa được ưu ái như mình”

Câu chuyện 4: Duyên trời định

Cũng không thể không nhắc đến một công ty trực tiếp mang lại khách hàng đầu tiên cho Fsoft Công ty Dynamic Solutions của Michael Davis ex-country manager của MS,
Số là khi mới thành lập FSU1, chưa biết đi đâu, kiếm khách thế nào, chúng tôi đã quyết định là cứ phải xa bố mẹ ra đã. Không ở 37 Láng Hạ nữa. Việc tìm chỗ đóng quân mới cho “đội quân” non trẻ 13 người, được giao cho một thanh niên có tên là Hoàng Việt Anh. Thanh niên này chốt địa điểm ở tầng 3, tòa nhà 23 Láng Hạ có tên mỹ miều là “City Flower Mansion – Biệt thự Hoa Thành phố”. Cũng không xa nhà “bố mẹ FPT” lắm.

Trên tầng 6 tòa nhà này có một công ty. Có tên là Dynamic Solution. Do cựu giám đốc Microsoft Việt Nam là Michael Davis lập ra. Trẻ con đồn là anh này phải lòng một cô gái Việt Nam nên phải lập ra hẳn công ty để có cớ ở lại. Với địa vị và uy tín của anh, thì kiếm vài cái hợp đồng không phải là khó khăn. Anh đã tuyển 1 Việt kiều Canada có tên là Trần Văn Hùng để quản trị các dự án phát triển cho mình. (Nhân vật Hùng này sẽ được nói rõ hơn ở chương 4). Không hiểu sao Hùng lại mê mấy anh em Fsoft nên quyết định xin chuyển xuống tầng 3. Một khách hàng, có tên là Tan Le, của công ty Winsoft tại Canada thấy Hùng bỏ của chạy lấy người hoảng hốt. Hùng mới hỏi Nam, liệu bọn mày có dám nhận không? Nhận quá đi chứ. Thế là chúng tôi có hợp đồng đầu tiên từ một công ty Canada.

Sau này mới vỡ lẽ ra Hoàng Việt Anh là cháu gọi Hùng bằng cậu. Có lẽ là duyên trời định.

Bình luận: Vietnam Identity

Trong suốt chặng đường phát triển của Fsoft, câu hỏi Việt Nam chúng ta là ai? Và chúng ta có lợi thế gì trong cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn luôn được đặt ra và đòi hỏi phải trả lời xác đáng.
Khi chuẩn bị đi vào thị trường Nhật, anh Bình cũng luôn nhắc đến định vị: chúng ta là gái quê. Gái quê mới cưa được trai tỉnh. Điều này thì tôi nhất trí hoàn toàn.

Cùng học cấp 3 chuyên Toán với tôi có một anh bạn. Nhưng sau đó
anh học Toán kinh tế và làm luận văn phó tiến sĩ về Kinh tế. Về nước, anh giảng dạy ở Đại học. Khi máy vi tính bắt đầu thịnh hành, anh thành lập công ty phần mềm kế toán, vừa để cải thiện cuộc sống vừa làm công cụ để giảng dạy.
Một lần anh rủ tôi cùng mấy anh em anh về quê. Đi cùng là ông anh cả. Quan chức to. UVTW, Chủ tịch Tỉnh. Về làng, dễ hiểu cán bộ xã xun xoe chào đón ông UVTW. Riêng anh dù ngồi một góc mà bà con vẫn xúm đông xúm đỏ, ai cũng muốn mời ghé qua nhà, uống chén nước, xơi bát cơm. Lạ quá.

Thì ra khá đơn giản. Anh này cho rằng, phần mềm là công việc của toàn dân ai cũng phải làm được. Về quê, tất cả những thanh niên học hết phổ thông, thi trượt đại học, không nghề ngỗng, anh tuyển vào hết công ty anh trong tp HCM. Anh phân việc ra rất cụ thể, đứa nào cùng anh thiết kế dữ liệu, đứa nào thử code bắt đầu từ đơn giản, đứa nào kiểm thử, đứa nào làm tài liệu, đứa nào triển khai, đứa nào trực hỗ trợ. Ai cũng dùng được. Thậm chí cực đoan. Đứa nào lương cao hơn 2m/tháng anh cho nghỉ, bảo mày trưởng thành rồi, đi kiếm việc đâu cũng được.

Đất nước mở cửa. Việc đầu tiên là anh sang Singapore. Tận mắt thấy những sự sắp xếp hợp lý trong tổ chức xã hội của đất nước đó, anh quyết định chuyển công ty sang Sing và bê nguyên dàn “nhân viên trình độ thấp” sang đó. Chấp nhận ăn ở kham khổ chút. Nhưng anh bảo với chúng nó, những thanh niên đang lớn, mỗi lần ra đường, chứng kiến và trải nghiệm văn minh là một lần học mà không một trường Đại học nào có thể làm được.

Thế nên bà con ở quê coi anh như Thành Hoàng, không những tạo công ăn việc làm mà nâng cao dân trí cho con cháu họ, tưởng đã phải vật vưỡng chợ người.
Năm 1999, khi thành lập Fsoft, anh đã dặn tôi: không thể nào có một cuộc cách mạng nếu không tạo điều kiện cho nông dân được tham gia.

Nhưng thế mạnh của “gái quê” là gì? Cái mình biết thì khách không cần. Cái họ cần thì mình không có. Tiếng Nhật thì mình không nói được. Tiếng Anh thì mình nói họ không hiểu.

Làm mãi không tiến bộ, buồn nản vô cùng. Mỗi lần đi nước ngoài, nhìn anh em đi Tây Tàu du hí tấp nập lại chạnh lòng. Lần đấy là đầu năm 2002, tôi từ Mỹ về, transit qua sân bay Đài Bắc. Ngồi đợi cùng có mấy cô gái Việt Nam. Họ đùa nhau giỡn châm chọc nhau ầm ĩ cả góc sân bay làm tôi phải để ý. Hóa ra là họ đi làm Osin và đang chuẩn bị về nước. Tôi thấy thú vị, sao họ lại có thể lạc quan mà mình bế tắc thế này, nên mới bắt chuyện.

Các em à, đi làm Ô-sin vất vả có kiếm được tiền không?
Được chứ ạ. Em kiếm đủ về nhà mở hiệu uốn tóc không sang nữa. Con này về sửa nhà cho bố mẹ và cho cu em cái xe máy. Con này chưa kiếm đủ tiền trả nợ, nhưng nó cứ về, bảo thuê khách sạn Daewoo ở mấy hôm nghỉ cho sướng rồi sang, không báo gì cho nhà chồng cả.
Hay nhỉ, thế bọn em có phải cạnh tranh với ai không?
Có chứ, nhiều, nhưng mạnh nhất là Phillippines (hehe, giống Ấn độ đây)
Thế bọn em có gì hơn họ, khỏe hơn à?
Úi giời, họ được rèn luyện nên khỏe lắm
Thế chăm hơn à?
Yếu thì làm sao mà chăm được hả anh. Chưa kể ở quê thực ra bọn em cũng có việc gì đâu mà chăm!
Thế sạch sẽ hơn sao?
Nói thật anh, sang đây em mới biết cái xí bệt đấy. Bọn kia được đào tạo trước cả
Hay bọn em ngoan hơn?
Anh chưa hiểu người Việt mình nhỉ. Chỉ ngoan trước mặt thôi, chủ quay đi lại chửi ngay
Lạ nhỉ, làm Osin mà yếu hơn, lười hơn, bẩn hơn, láo hơn mà vẫn kiếm được tiền là thế nào?
Bọn em chỉ có một điểm hơn, anh thử đoán đi?

Tôi đã đem câu hỏi này hỏi trong hàng trăm trường hợp, từ diễn đàn quốc gia, giảng đường đại học đến bia hơi vỉa hè… chưa ai trả lời được. Và cho đến bây giờ câu trả lời của các cô Osin Đài Loan vẫn làm tôi sững sờ mỗi khi nhắc lại.
Đó là chúng em nấu ăn ngon hơn, hay chính xác là hợp khẩu vị hơn vì chịu khó nếm và gia giảm chứ ko cứng nhắc theo công thức như các bạn Phi

Đúng là thế mạnh cốt lõi của mỗi cô gái Việt Nam, được mẹ, chị và hoàn cảnh rèn giũa từ bé. Như vậy muốn cạnh tranh toàn cầu, ta phải tìm ra được điểm mạnh của mình, chứ không chỉ chăm chăm đi khắc phục khuyết điểm.

Về cứ trằn trọc mãi, không hiểu cái gì là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của các lập trình viên Việt nam? Chứ cứ ngồi kiểm điểm sửa khuyết điểm chắc mạt kiếp mới lên được. Đem ra anh em mổ bò.
Chăm chỉ, Cần cù, Kỷ luật bị loại đầu tiên.
C++, Java… bị loại thứ hai, mới học làm sao đã thành cốt lõi được.
Thông minh, sáng dạ… nghe thấy thấy ưng cái bụng, nhưng lại sợ bạn test thật thì lòi đuôi ngay chết.
Cuối cùng chốt 2 điểm là thanh niên tri thức Việt nam rất thích học cái mới và "sợ" Tây. Đều có thể trở thành thế mạnh cạnh tranh được.

Thích học cái mới thì mình cứ nhè công nghệ mới mà làm, xin bằng được thử nghiệm, thế nào cũng làm được. Chắc phải đến 80% dự án ở FS lúc bắt đầu chưa có ai biết gì cả. Về sau, các bạn khách hàng còn sưu tầm được bằng chứng thanh niên VN học nhanh gấp 2.5 lần trung bình ASEAN! Gần đây có nhiều món mới như IoT, điện toán đám mây, blockchain etc... anh em phát triển rầm rầm:-)

Sợ Tây thì ý thức tuân thủ tốt. Thế nên phải tổ chức công ty thật phẳng, bỏ qua mấy tầng lớp trung gian. để nhân viên và khách "Tây" có thể trực tiếp tiếp xúc với nhau. Không chỉ lập trình mà admin, QA, nhân sự đều phải tiếp khách hết. Khách hàng thì sướng vì gặp người thật việc thật. Quân ta thì yếu kỷ luật, nội qui học mãi không vào, khách quát cái nghe ngay. Họ dạy mình xong lại trả tiền cho mình!

Câu hỏi thảo luận
Tại sao một số công ty đầu tiên bị chặn trần phát triển?
(Nguồn facebook Nguyễn Thành Nam - former CEO fpt)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[ebook] Phần I - Tổng hợp nội dung sách "Nuôi con không phải cuộc chiến"

Phần I - Nuôi con không phải cuộc chiến Chương 1: ăn ngủ tự lập mẹ nhàn con ngoan EASY: eat - activity - Sleep - Your time -> Là chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại của bé trong một khoảng thời gian 1 ngày của bé. Có thể bạn quan tâm: Khuyến mãi mua trọn bộ sách Nuôi con không phải cuộc chiến I. Nếp sinh hoạt EASY   1. Lợi ích EASY: Đối với bé: + Nhận biết được những gì xảy ra tiếp theo -> Tăng khả năng tự tin của con. + Tập cho bé phản xạ có điều kiện. + Kết nối nhịp sing học của con. Đối vơí mẹ: + Biết cách phản ứng với những nhu cầu khác nhau của bé, không nhầm lẫn giữa khi bé khóc đòi ăn hay làm nũng.  Về lâu dài: + EASY là nền tảng cơ bản giúp rèn luyện sự tự lập ở bé. + Tạo nếp sinh hoạt ăn ngủ điều độ. (Khi con càng lớn chu kỳ EASY càng dài ra) 2.   Chu kỳ 03h: Cho bé từ 0 - 3 tháng tuổi. Bé ăn cách nhau 03 giờ. Cho con ngủ theo bảng thời gian hoặc căn cứ vào dấu hiệu của bé. Cân nặng tiêu chuẩn 2.7kg 3...

[AI] BÀI 4: Tác nhân và môi trường (Agent and Environment)

1. Agent (tác nhân): l à tất cả những gì có thể nhận thức về môi trường của nó thông qua cảm nhận "Sensor" và đưa ra hành động tác động đến môi trường (effective). Có 03 loại agent: human, software, robotic. + Cấu trúc của Agent: Gồm 2 phần:  Architecture + Agent Program + Phân loại Agent: -  Simple Reflex Agents: Agent phản ứng đơn giản. - Model Based Reflex Agents: Agent phản xạ dựa trên model - Goal Based Agents: Agent dựa trên mục tiêu. - Utility Based Agents: Agent dựa trên tính tiện ích. 2. Turing test : Ứng dụng trong việc kiểm tra và đáng giá máy móc có thật sự thông minh?  https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p_th%E1%BB%AD_Turing   3. Các thuộc tính của môi trường Discrete / Continuous  − If there are a limited number of distinct, clearly defined, states of the environment, the environment is discrete (For example, chess); otherwise it is continuous (For example, driving). Observable / Partially Observable  ...

[Tool] Apache Nifi

Introduction Apache NiFi is a dataflow system based on the concepts of flow-based programming. It supports powerful and scalable directed graphs of data routing, transformation, and system mediation logic. NiFi has a web-based user interface for design, control, feedback, and monitoring of dataflows. It is highly configurable along several dimensions of quality of service, such as loss-tolerant versus guaranteed delivery, low latency versus high throughput, and priority-based queuing. NiFi provides fine-grained data provenance for all data received, forked, joined cloned, modified, sent, and ultimately dropped upon reaching its configured end-state. See the  System Administrator’s Guide  for information about system requirements, installation, and configuration. Once NiFi is installed, use a supported web browser to view the UI. Browser Support Browser Version Chrome Current and Current - 1 FireFox Current and Current - 1 Edge Current an...

[Network] ARQ - Automatic repeat request

Automatic Repeat reQuest (ARQ) hay  Automatic Repeat Query là một phương thức điều khiển lỗi cho quá trình truyền dữ liệu bằng cách sử dụng ACK (acknowledgements) và Time Out, cho phép truyền dữ liệu tin cậy trên nền một dịch vụ không tin cậy (unreliable service). 1. ARQ protocol Gồm 03 loại Stop-and-wait ARQ Go-Back-N ARQ Selective Repeat ARQ / Selective Reject 2. Lĩnh vực liên quan Linked Data Transport Layer OSI Model. Ngoài ra có một số bằng sáng chế trong lĩnh vực live video contribution environments  sử dụng tới ARQ.

[LB-HA] Understand about High Available (HA) and Load Balancing

High Available (HA) :  Hỗ trợ dự phòng tiến trình. Hoạt đông với cơ chế Active - Passive . Hệ thống tồn tại 02 loại Component với role 'Active' và 'Passive'.  Active   Component sẽ đảm nhận việc xử lý tiến trình. Passive Component đóng vai trò backup. Trường hợp Active Component gặp lỗi (fail, downtime) hệ thống sẽ chuyển sang hoạt động trên B ackup  Component . Quá trình chuyển từ Active Component sang Passive Component gọi là 'Fail over'. Một số khái niệm liên quan đến HA: - FailOver: Chuyển đổi tiến trình chạy trên Passive Component khi Active Component gặp sự cố. - Fail Back: Khôi phục lại tiến trình hoạt động trên Active Component sau khi tiến trình dịch chuyển đến Passive Component trong quá trình FailOver. - Fault - Tolerant: Công nghệ giúp đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. Trường hợp một thành phần trong hệ thống bị hoạt động gián đoạn vẫn cho phép toàn bộ hệ thống hoạt động ổn định. Load Balancing : Hoạt động với cơ chế Active - Active ....

[Xu hướng] Open API – Xu thế phát triển mới của ngành công nghiệp phần mềm

Xuất bản: 2016-06-30 00:19:09 Các nhà phát triển đã nhận ra rằng việc lãng phí thời gian công sức vào thiết kế lại những thứ đã được các công ty khác xây dựng là hết sức không nên. Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể dựa vào những API được các nhà cung cấp nền tảng như Salesforce, Amazon, Google… và mới đây là các nhà phát triển độc lập khác đưa ra. Trong ngành công nghiệp sản xuất phần mềm, mỗi ứng dụng khi được đưa tới công chúng đều nhằm mục đích phục vụ cho một nhu cầu người dùng nhất định.  Có những ứng dụng phục vụ cho mục đích học tập, hoặc giải trí, du lịch, một số khác phục vụ cho mục đích đi lại như GrabTaxi hay Uber chẳng hạn. Mặc dù những ứng dụng này có thể giúp đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người sử dụng nhưng cũng không phải vì thế mà chúng được làm ra theo những cách hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, tuy có những mục đích sử dụng khác nhau nhưng những ứng dụng như vậy vẫn có những điểm chung, tương đồng về chức năng.  Dù bạn đang sử dụng Faceb...

[Mac OS] Cài đặt maven apache

Ngày tạo: 25/12/2016 Bước 1: Download maven apache từ liên kết:  https://maven.apache.org/download.cgi?Preferred=ftp://mirror.reverse.net/pub/apache/ Bước 2: Cài đăt biến môi trường: mở vào file .bash_profile thêm các dòng. (Nếu file chưa tồn tại thì tạo mới) $ vim ~/.bash_profile export JAVA_HOME=/Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home export M2_HOME=/Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 export M2=$M2_HOME/bin export PATH=$PATH:$M2_HOME/bin Bước 3 :  Restart Terminal, kiểm tra cài đặt thành công từ terminal bằng lệnh: $ mvn -version Trường hợp cài đặt thành công kết quả trả về như sau: Apache Maven 3.3.9 (bb52d8502b132ec0a5a3f4c09453c07478323dc5; 2015-11-10T23:41:47+07:00) Maven home: /Users/mac/Downloads/Programs/apache-maven-3.3.9 Java version: 1.8.0_60, vendor: Oracle Corporation Java home: /Library/Java/JavaVirtualMachines/jdk1.8.0_60.jdk/Contents/Home/jre Default locale: en_US, platform encoding: UTF-8 ...

[PM4P] First step for reaching to PMP Certificate

27/07/2019: First step for reaching to PMP Certificate

Quản lý Session khi cấu hình dự phòng máy chủ sử dụng HAproxy

1.        Vấn đề Cùng một HTTP session có thể nằm trên nhiều kết nối TCP khác nhau. Trong điều kiện không sử dụng Load Balancer, sẽ không phát sinh các vấn đề về quản lý phiên – session. Thông tin session của tất cả người dùng được nhận biết thông qua một máy chủ duy nhất. Tất cả kết nối của Client đều được chuyển đến một máy chủ duy nhất. Ở chế độ dự phòng, khi người quản trị cài đặt nhiều hơn một server, vấn đề về quản lý session sẽ xuất hiện. Máy chủ ứng dụng có nguy cơ không thể access thông tin session người dùng. 2.        Phương án cấu hình dự phòng khi sử dụng session ·          Replication : Sử dụng cơ chế sao lưu session của web server để đảm bảo rằng tất cả các máy chủ ứng dụng thuộc cluster khác nhau đều có thông tin của Session. Một số web server phổ biến như tomcat đều hỗ trợ cơ chế replication session này. ·       ...